Marketer Trần Ngọc Thu
Trần Ngọc Thu

PR Manager @ TRG International

[HR] Bài học dành cho Doanh Nghiệp từ những câu hỏi phỏng vấn nghỉ việc

Khi còn là một nhân viên phòng HR, tôi luôn nói với các bạn trẻ rằng, việc các em nghỉ việc để tìm một cơ hội mới hay một môi trường mới phù hợp để công việc được phát triển hơn là chuyện hết sức bình thường. Với tôi, chúng ta rời khỏi công ty cũng nhẹ nhàng như khi chúng ta đến, có duyên thì tương ngộ, mà hết duyên thì chia tay. Quan trọng là khi hết duyên rồi, chúng ta sẽ chia tay nhau như thế nào?

Tôi luôn thích một buổi chia tay đầm ấm, đầy trân trọng giữa Ban giám đốc công ty và người nhân viên sắp nghỉ, là những cái bắt tay cảm ơn cho những đóng góp to lớn trong suốt thời gian làm việc, là những câu nói đầy hứa hẹn từ sếp "bất cứ khi nào muốn, hãy quay về, cửa luôn được mở để chào đón bạn".. Mà nếu muốn có được viễn cảnh ấy, các bạn nhân viên (nhất là các bạn trẻ) phải chứng tỏ "giá trị" của mình tới giây phút làm việc cuối cùng. Hãy hoàn thành tốt công việc được giao, "dọn dẹp" sạch sẽ, bàn giao đầy đủ cho đồng nghiệp, hãy là một người có trách nhiệm,chứ đừng dồn đống mớ công việc dở dang, bề bộn để lại cho công ty và thản nhiên ra đi mà không cần quan tâm tới hậu quả sau này hay những ảnh hưởng mà công ty, đồng nghiệp phải è lưng ra gánh giúp.

Bên cạnh đó, đối với Ban giám đốc công ty và bộ phận nhân sự, một cuộc nói chuyện chia sẻ và lắng nghe từ người nhân viên sắp nghỉ cũng là điều cần thiết và nên làm. Chúng ta không giữ được 1 người ra đi, nhưng hãy thay đổi theo hướng tốt hơn để giữ những người đang ở lại.

Dù ai đúng ai sai, dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa ta hãy hạ hồi phân giải, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, hãy "tạm biệt nhau một cách có văn hóa" bởi dù sao cả 2 cũng đã từng là bạn đồng hành, cùng vui buồn với nhau trong một thời gian, phải không?

Hãy cùng tham khảo 11 câu hỏi được sử dụng nhiều nhất trong các buổi phỏng vấn nghỉ việc

Nguồn: Ảnh Google

1. Lý do vì sao bạn muốn nghỉ việc?

Đây là một câu hỏi khá nhẹ nhàng để bắt đầu buổi phỏng vấn nghỉ việc. Sẽ không hề có áp lực nào dành cho nhân viên nghỉ việc, họ có thể dễ dàng nói ra lý do họ muốn nghỉ và những điều họ nghĩ công ty nên cải thiện để mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn.

2. Chúng tôi cần phải cải thiện những gì để tình hình tốt đẹp hơn?

Khi nhân viên trả lời câu hỏi này, chính phòng Nhân sự và Ban lãnh đạo công ty sẽ có thông tin về cách thay đổi và phát triển công ty theo hướng tích cực hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ giữ chân được những nhân viên hiện đang làm việc trong công ty bạn.

3. Điều gì khiến bạn đồng ý nhận công việc mới sắp tới?

Hãy nhìn xa, trông rộng và hãy xem những công ty đối thủ, hay cùng ngành hoặc thậm chí khác ngành đang làm những gì để thu hút nhân tài, từ đó bạn sẽ có sự điều chỉnh phù hợp về mức lương, chế độ thưởng ,các kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực..

4. Trước đây, bạn có thấy thoải mái khi trao đổi với sếp trực tiếp về những khó khăn mà bạn gặp phải không?

Phần lớn nhân viên nghỉ việc là do không thể làm việc được với sếp trực tiếp. Vì thế hãy nhớ hỏi câu hỏi này, để bạn biết được sếp trực tiếp có giao tiếp và làm việc hiệu quả với nhân viên hay không. Câu trả lời có thể khiến công ty nghĩ tới việc thay thế một người sếp mới, hoặc lên kế hoạch đào tạo thêm những kỹ năng mềm cho người sếp hiện tại để cải thiện mối quan hệ giữa sếp và nhân viên.

5. Hãy cho tôi biết 3 điều bạn muốn thay đổi sếp trực tiếp hoặc công ty hiện tại?

Nhân viên khi nghỉ việc hầu hết đều trả lời là cảm thấy không phù hợp với sếp trực tiếp hoặc với công ty. Vì thế hãy hỏi họ câu hỏi này, như một minh chứng cho việc bạn đang lắng nghe và sẵn sàng thay đổi nếu điều đó làm cho môi trường làm việc được tốt hơn.

6. Bạn có được công ty, sếp trực tiếp chia sẻ về các chính sách phát triển chung không?

Nguồn: Ảnh Google

Việc không được chia sẻ, cập nhật các chính sách và kế hoạch phát triển chung dễ khiến nhân viên cảm thấy lạc lõng và tự đánh giá là không tạo được giá trị cho tổ chức. Vì thế dù đúng hay sai, bạn cũng nên hỏi để hiểu được thông điệp mà bạn chia sẻ đã được nhân viên đón nhận một cách đúng đắn, hay họ hoàn toàn cảm giác mình là một người xa lạ trong chính công ty của mình.

7. Bạn có được công ty, sếp trực tiếp hỗ trợ để hoàn thành tốt công việc?

Một người nhân viên sẽ không gắn bó lâu dài với công ty, nếu như họ không được hỗ trợ và tạo điều kiện để hoàn thành tốt công việc. Cần phải xác định công ty đã hỗ trợ đúng hay chưa đúng chỗ nào, để từ đó có thể thay đổi và cải thiện tình hình tốt hơn.

8. Hãy nói cho tôi biết một ngày thoải mái nhất và một ngày tồi tệ nhất của bạn tại công ty?

Đây là một câu hỏi mang tính cá nhân và dựa vào cảm xúc. Tuy nhiên hãy để nhân viên của bạn miêu tả điều thoải mái nhất và tồi tệ nhất, từ đó bạn có thể nắm bắt được họ thích gì, không thích gì, mong đợi gì và né tránh gì.

9. Bạn thích nhất công việc của mình ở điểm nào? Bạn muốn thay đổi gì cho công việc của mình được tốt đẹp hơn?

Thông tin trong câu trả lời này sẽ giúp công ty và phòng nhân sự có thay đổi phù hợp và hiệu quả để người kế nhiệm có thể thoải mái làm việc mà vẫn đạt được hiệu quả tốt.

10. Nếu có một người bạn đang đi tìm việc, bạn có muốn giới thiệu bạn của bạn tới làm việc cho chúng tôi không? Vì sao có hoặc vì sao không?

"Thông tin truyền miệng" và "Người thật việc thật" luôn là khủng hoảng mà khó xử lý nhất. Bởi vì nó có độ tin cậy rất cao. Chính vì vậy cần hỏi xem thái độ của nhân viên sau khi nghỉ sẽ nghĩ gì về công ty. Tình huống xấu nhất là họ sẽ đánh giá công ty rất tệ, thì ít ra phòng nhân sự cũng lường trước được và có một kế hoạch xử lý tình huống phù hợp.

11. Dù sao bạn cũng đã quyết định rời khỏi công ty, vậy hãy chia sẻ thêm những điều mà bạn nghĩ chúng tôi có thể cải thiện tốt hơn được không?

Đây là một câu hỏi mở, nhưng quyền chủ động dành cho nhân viên nghỉ việc. Nếu họ ra đi vì những ấm ức hoặc không thoải mái, hãy để họ được thoải mái chia sẻ. Chắc chắn câu trả lời sẽ có những thông tin đầy bất ngờ và có giá trị dành cho Banh lãnh đạo công ty và phòng Nhân sự.

News

Hội thảo trực tuyến

Bài được đọc nhiều nhất

Đọc các bài liên quan