Báo chí Việt Nam cần gì trong cơn khủng hoảng corona?

Đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra thiệt hại tổn thất cho mọi ngành nghề trên toàn thế giới. Trong khoảng thời gian đầy thử thách này, những người làm công tác quan hệ công chúng và marketing cần sáng tạo nội dung cũng như đưa ra các chiến lược truyền thông phù hợp để dễ tiếp cận với báo giới. Bài viết này xin chia sẻ những ý kiến của các nhà báo Việt Nam để người làm trong lĩnh vực tiếp thị cần cân nhắc khi tư vấn và tiến hành những dự án truyền thông của mình.

Chiến lược của doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu của báo chí trong cơn đại dịch

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hồi đầu tháng này vừa đưa ra khảo sát: Có tới gần 30% số doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm. Dẫn chứng là trong 3 tháng đầu năm 2020, cả nước đã có tới gần 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường – con số kỷ lục từ trước đến nay. Lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Theo kết quả khảo sát nhanh của VCCI, tác động của đại dịch đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là rất nghiêm trọng. Gần 85% doanh nghiệp cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, gần 60% bị thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh.

Trên 75% số doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% số doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay. Chỉ có chưa đầy 1% số doanh nghiệp gia tăng lao động.

Chính vì lẽ đó, báo chí Việt Nam đang rất quan tâm đến vấn đề của doanh nghiệp. Theo bà Bảo Lan, phóng viên mảng kinh tế báo Pháp luật Việt Nam (thuộc Bộ tư pháp), một khi phát hành thông cáo báo chí nghĩa là khi doanh nghiệp bạn đưa ra thị trường sản phẩm mới. “Nhưng trong thời điểm này, vấn đề báo chí quan tâm chính là doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp trong mùa này ảnh hưởng như thế nào, có cắt giảm nhân sự hay thu hẹp quy mô hoạt động hay không, lương, chính sách hỗ trợ đời sống của nhân viên ra sao… và từ đó đưa ra phương án duy trì hoạt động doanh nghiệp”.

Còn ông Đặng Công Sang, phóng viên báo Đầu tư, lại quan tâm đến những dấu hiệu kinh tế phục hồi, dự báo nền kinh tế trong thời gian sắp tới, hay những sáng kiến của doanh nghiệp vượt qua cơn khủng hoảng của đại dịch có thể là bài học quý báu cho những người làm kinh doanh hiện nay.

“Báo chí Việt Nam cũng không nằm ngoài dòng sự kiện COVID-19 nên chúng tôi rất trông chờ những thông tin như doanh nghiệp có những sáng kiến nào để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh bên cạnh các hoạt động CSR của doanh nghiệp để thể hiện trách nhiệm với cộng đồng ở thời điểm nhạy cảm này”, ông Đỗ Ngọc Hùng, phóng viên tờ Thời báo Kinh tế Saigon, nhận định.

Trách nhiệm xã hội, cộng đồng được đánh giá cao

Theo ông Tâm Phát, nhà báo từ Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), trong những tuần Chính phủ Việt Nam yêu cầu toàn dân thực hiện giãn cách xã hội, sáng kiến “ATM gạo” dành cho người nghèo, khó khăn do dịch COVID-19 được lan truyền mạnh mẽ trong xã hội và giới báo chí rất quan tâm đến dự án này.

Cây ATM gạo đầu tiên được đặt ở một quận ngoại thành TPHCM đã thu hút các nhà hảo tâm trong thành phố đã đem gạo đến đóng góp. Khoảng 1,5 – 2kg gạo chảy ra sau một lần nhấn nút, ngần đó là đủ cho một gia đình bốn người nấu cơm hai bữa/ngày. Máy tự động áp dụng kỹ thuật 4.0 nhưng vẫn có nhân viên điều khiển bên trong khi cần thiết.

Ý tưởng của ông Hoàng Tuấn Anh, chủ dự án “ATM gạo”, nhận được rất nhiều hưởng ứng từ báo chí, cộng đồng và xã hội. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, dự án nhân đạo này đã lan tỏa ra các địa phương khác bao gồm Huế, Đà Nẵng đến những vùng sâu xa hơn ở Đồng Nai nơi còn nhiều dân tộc thiểu sổ nghèo sinh sống.

“Với những cây ATM gạo miễn phí như thế thì tôi đảm bảo tất cả các báo sẽ đưa tin quảng cáo miễn phí cho doanh nghiệp của bạn”, ông Phát từ VOV, nhận định.

Thật vậy, hàng loạt các báo chí và hãng tin thông tấn nước ngoài cũng “buông lời” ngợi khen ý tưởng trên. Hãng tin Reuters (Anh), US News, New York Post (Mỹ), British Herald (Anh), Bangkok Post (Thái Lan), Gulf News (UAE), Taipei Times (Đài Loan), ABC News (Úc), Aljazeera (Qatar), International Business Times (Mỹ), EFE (Tây Ban Nha), và The Asian đánh giá sáng kiến của anh Hoàng Tuấn Anh là “hết sức tài tình, mới lạ, độc đáo” trong mùa dịch bệnh.

Bà Mai Thị Tường Vi, Trưởng phòng Quan hệ Công chúng Công ty Truyền thông EloQ Communications, chia sẻ: “Có thể thấy rằng, những hoạt động ứng phó kịp thời của doanh nghiệp trong cơn khủng hoảng cùng những ý tưởng độc đáo, hành động ý nghĩa vì xã hội và cộng đồng trong thời điểm nhạy cảm này chính là sức mạnh lan tỏa truyền thông, giúp doanh nghiệp vừa đánh bóng tên tuổi của mình, vừa được giới báo chí và xã hội công nhận mà lại không tốn một đồng chi phí quảng bá”.

Bài viết được EloQ Communications thực hiện và đã được đăng trên blog của EloQ.