Kantar: COVID-19 - Người châu Á lo lắng về sức khỏe tài chính

Nghiên cứu gần đây của Kantar chỉ ra rằng mặc dù số lượng ca dương tính với COVID-19 ngày càng tăng, nỗi sợ hàng đầu của người tiêu dùng không phải là vấn đề mắc bệnh mà là tác động tiêu cực của virus đến sức khỏe tài chính của mỗi cá nhân.

Thị trường tài chính toàn cầu một lần nữa lao dốc, kể từ cuộc khủng khoảng kinh tế 2007-2008, khiến 60% dân số châu Á lo lắng về tình trạng tài chính của họ, trong khi chỉ 46% lo lắng về việc nhiễm virus. Bên cạnh đó, 34% dân số châu Á lo COVID-19 có thể đẩy nền kinh tế đến bên bờ vực suy thoái.

Đáng chú ý, 68% dân số Nhật Bản lo lắng về vấn đề nhiễm bệnh, còn người Hàn Quốc lại lo lắng về sức khỏe tài chính của họ (77%) và khả năng mất việc làm (61%).

Nhìn chung, 48% người tiêu dùng trong khu vực “hết sức lo lắng” về tác động của COVID-19 với cuộc sống hằng ngày.

Người dân ở các quốc gia có số ca mắc bệnh cao đặc biệt lo lắng về vấn đề nhiễm virus, với 75% ở Hàn Quốc và 60% ở Nhật Bản. Trong khi đó, mức độ tin tưởng vào cách chính phủ giải quyết khủng hoảng là rất thấp: 39% ở Hàn Quốc và 9% ở Nhật Bản.

Còn ở Singapore, chỉ có 33% người dân lo lắng về việc mắc bệnh và 78% nói rằng họ tin tưởng vào cách tiếp cận của chính phủ trong việc xử lý khủng hoảng.

Dựa trên giá cổ phiếu của hơn 100 công ty hàng tiêu dùng trên khắp châu Á, Kantar nhận thấy chỉ một nhóm nhỏ doanh nghiệp có thể tăng trưởng kể từ khi virus COVID-19 lây lan trong khu vực. Có thể thấy rằng, người tiêu dùng và các thị trường đang “thức tỉnh” trước mối đe doạ kinh tế do COVID-19 gây ra, điều này được minh chứng bởi thị trường chứng khoán toàn cầu.

Giảm du lịch, ăn tại nhà và cập nhật thông tin nhiều hơn

Nghiên cứu cho thấy mọi người đang điều chỉnh lối sống để giảm rủi ro đến từ COVID-19.

Ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt dịch này là du lịch khi có đến 59% người dân quyết định giảm bớt các kế hoạch du lịch để giữ an toàn.

Ngoài ra, 52% chia sẻ rằng họ ít ăn uống ở ngoài và hạn chế các cuộc gặp mặt ngoài nhà. Thay vào đó, mọi người ở nhà với 42% tăng thời gian cập nhật thông tin, 33% chủ động hội họp tại gia và 30% tăng cường sử dụng các dịch vụ đặt thức ăn.

Từ khi mối đe dọa từ virus tăng lên, hành vi mua hàng cũng có nhiều thay đổi. Rõ ràng nhất là xu hướng “hoảng loạn mua hàng” ở nhiều quốc gia, với 30% nói rằng họ lo lắng về việc hết các mặt hàng thiết yếu, do đó họ mua nhiều hơn bình thường. Con số này ở Nhật Bản là 64% - cao nhất trong khu vực.

Tăng cường mua sắm trực tuyến các mặt hàng vệ sinh cá nhân và chăm sóc sức khỏe

Nghiên cứu cho thấy trong 2 tháng qua, 32% người tiêu dùng tăng cường mua sắm trực tuyến các mặt hàng vệ sinh cá nhân và chăm sóc sức khỏe. Hai lí do chính là họ muốn tránh các siêu thị đông đúc và mua sắm các sản phẩm thiết yếu hiện đang hết hàng tại cửa hàng hiện hữu (physical store). Người Hàn Quốc có mức tăng mua sắm trực tuyến cao nhất với 41%.

Các nền tảng tạp hóa trực tuyến và dịch vụ giao thức ăn có mức tăng trưởng cao nhất, dẫn đến nhiều nhà cung cấp phải điều chỉnh chiến lược để đáp ứng nhu cầu này. Ngược lại, mua sắm tại các cửa hàng bán lẻ giảm đến 35% so với cùng kì.

Dễ dàng dự đoán được các sản phẩm thuộc ngành hàng vệ sinh cá nhân và sức khỏe được mua nhiều nhất, với 48% người tiêu dùng chia sẻ rằng các mặt hàng họ mua chủ yếu là sản phẩm vệ sinh cá nhân như khẩu trang và nước rửa tay, 45% mua các sản phẩm dinh dưỡng như vitamin để cải thiện hệ miễn dịch và 40% lại chi nhiều vào các sản phẩm vệ sinh nhà cửa.

Tương tự đợt dịch SARS, người tiêu dùng ít mua đồ uống có cồn hơn (30%). Ngoài ra, họ cũng ít mua các mặt hàng xa xỉ (27%) và thịt, hải sản (21%).

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh việc COVID-19 là nguyên nhân cho việc người tiêu dùng chuộng các sản phẩm và dịch vụ “an toàn khi sử dụng”, nhất là với ngành hàng tiêu dùng và F&B.

Ngoài ra, họ cũng ưu tiên lựa chọn các thương hiệu đưa ra các giải pháp về sức khỏe và các lợi ích liên quan. Do đó, xuất hiện nhu cầu về các sản phẩm bảo hiểm hướng đến đến bảo vệ sức khỏe trong giai đoạn khủng hoảng này.

Tóm lại, người tiêu dùng châu Á đang sống trong tình trạng lo lắng cao độ. Và để giảm rủi ro nhiễm bệnh, họ đang dần thay đổi lối sống và thói quen mua sắm:

  • 59% ít du lịch hơn
  • 52% hạn chế ăn ở ngoài
  • 35% giảm mua sắm tại cửa hàng
  • 42% tăng cường cập nhật thông tin

Ngoài ra, xu hướng mua sắm của người tiêu dùng cũng có thay đổi:

  • 48% mua các sản phẩm vệ sinh cá nhân
  • 45% mua các mặt hàng dinh dưỡng
  • 40% mua các sản phẩm vệ sinh nhà cửa

Liệu cắt giảm ngân sách quảng cáo có phải là một giải pháp?

“Ngừng quảng cáo để tiết kiệm tiền cũng giống như dừng đồng hồ để tiết kiệm thời gian.”

Henry Ford đã nói như vậy vào thời điểm xảy ra cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930. Cắt giảm ngân sách quảng cáo để tăng lợi nhuận trong ngắn hạn dường như không phải là một lựa chọn tốt về lâu dài. Việc giữ ổn định mức chi tiêu cho quảng cáo trong khi các đối thủ đang cắt giảm có thể củng cố Share of Voice và tầm ảnh hưởng của thương hiệu. Do đó, hãy bình tĩnh trong thời kỳ khủng hoảng và duy trì kết nối với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, nếu cắt giảm ngân sách marketing là lựa chọn duy nhất thì điều quan trọng là thương hiệu cần xác định và loại bỏ các điểm chạm (touchpoint) không hiệu quả. Đảm bảo bạn nắm rõ ROI của từng điểm chạm để có thể đưa ra quyết định hợp lí nhất.

Bài học từ đợt dịch SARS

Tác động của đợt dịch COVID-19 có một số điểm tương đồng với dịch SARS năm 2003. Hai trong số đó là doanh số các mặt hàng FMCG tăng mạnh và đa số người tiêu dùng có xu hướng “mua hàng trong hoảng loạn”.

Khi dịch SARS bùng phát, ý thức về sức khỏe của người tiêu dùng Trung Quốc tăng lên đáng kể. Không chỉ là tập thể dục, mọi người còn có ý thức hơn về vấn đề ăn uống lành mạnh và nâng cao khả năng miễn dịch. Được biết đến với chức năng tăng khả năng miễn dịch, các sản phẩm sữa được mua rất nhiều. Việc tăng nhu cầu đột ngột đã dẫn đến hiện tượng hết hàng tại nhiều siêu thị.

Trong nửa đầu năm 2003, thị trường FMCG bị suy thoái mạnh. Tuy nhiên, đến tháng 6, thị trường dần hồi phục, trở lại mức tăng trưởng như dự đoán từ đầu năm.

Về nghiên cứu:

Nghiên cứu này được thực hiện dưới hình thức khảo sát trực tuyến với 3,000 người tiêu dùng từ 18-60 tuổi, tại 6 quốc gia trong khu vực: Singapore, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan. Khảo sát trực tiếp được thực hiện vào 25-27/02/2020. Ngoài ra nghiên cứu còn dựa trên kết quả phân tích dữ liệu và social media của Kantar, trong giai đoạn từ 18/12/2019 đến 27/02/2020.

Về Kantar:

Kantar là công ty về dữ liệu, insight và tư vấn hàng đầu thế giới, hướng đến giúp khách hàng thấu hiểu người tiêu dùng và tăng trưởng.

Diệu Uyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Kantar