Marketer Võ Văn Quang
Võ Văn Quang

Brand Guru - Chuyên gia thương hiệu @ Chief Marketing Officer

Tư duy dòng tiền và thương hiệu tỷ đô cho TP. HCM

Làm thế nào để tạo ra những thương hiệu tỷ đô cho TP. HCM là mục tiêu nóng bỏng đặt ra từ lãnh đạo, cho cả nhà quản lý và doanh nghiệp, để xây dựng một đô thị hiện đại theo hướng tiên phong, đóng vai trò dẫn đầu của cả nước, đó là trách nhiệm chính trị của toàn bộ máy cũng như tâm nguyện của người dân thành phố.

Trong công cuộc đổi mới, cải cách kinh tế lần thứ nhất, doanh nghiệp TP. HCM từng tiên phong về “xé rào”, tạo nên sự phát triển kinh tế đột phá, đưa thành phố trở thành đơn vị dẫn đầu cả nước. Nhưng gần đây tốc độ tăng trưởng các doanh nghiệp TP. HCM dường như chững lại, tăng trưởng kinh tế 2019 của TP. HCM chỉ có 7,86% thấp hơn nhiều so với giai đoạn tăng trưởng trên 10% trước đây.

Cần phân tích rất nhiều góc độ để thấy rằng môi trường kinh doanh và môi trường chính sách của TP. HCM gặp rất nhiều hạn chế và trở ngại, xem như là điều kiện khách quan. Nhưng cũng cần nhìn nhận “cái khó bó cái khôn”, lãnh đạo doanh nghiệp TP. HCM sau thời kỳ tự bó hẹp mình dần trở nên co cụm, thậm chí là “yếm thế”. Rồi cũng đã có lúc “đất không lành, chim bắt đầu bay đi” ra các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An…

Làm thế nào để tạo ra những thương hiệu tỷ đô cho TP. HCM là mục tiêu nóng bỏng đặt ra từ lãnh đạo, cho cả nhà quản lý và doanh nghiệp, để xây dựng một đô thị hiện đại theo hướng tiên phong, đóng vai trò dẫn đầu của cả nước, đó là trách nhiệm chính trị của toàn bộ máy cũng như tâm nguyện của người dân thành phố.

TP. HCM và những hạn chế từ tư duy quản lý

Có thể thấy rất rõ sự trì trệ, co cụm này đang diễn ra với các thương hiệu từng dẫn đầu của TP. HCM như Saigontourist chẳng hạn, đây là thương hiệu từng rất mạnh mẽ là đầu tàu du lịch cả nước, sở hữu những thương hiệu khủng như Rex hotel, Majestic, Continental… nhưng không phát triển thành chuỗi được, giờ cũng phải chịu dừng ở những gì hiện có. Mấy năm vừa rồi lãnh đạo Saigontourist biết điều đó, nhưng họ bị “trói chân trói tay”, liên quan đến tư duy của điều hành kinh tế TP. HCM.

So với các doanh nghiệp tư nhân phía Bắc như Bamboo Airways, Vietjet.. đang vượt lên ào ào, tốc độ tăng trưởng ghê gớm, có thể thấy rõ một phần lớn nhờ chính sách và sự tư tin. Các doanh nghiệp phía Bắc dường như đã bứt phá trong khá nhiều lãnh vực, không chỉ theo kịp TP. HCM mà còn vượt lên dẫn đầu, nhưng nhìn toàn cục, đóng thuế của các doanh nghiệp phía Bắc so với TP. HCM chỉ bằng 6/10. Trong khi đó, nhìn vào tỷ lệ đường cao tốc TP. HCM chỉ bằng 1/10, có thể thấy phát triển hạ tầng đang chậm lại rất nhiều so với các khu vực khác.

Chưa gắn kết với các chuỗi giá trị

Nằm ở vùng kinh tế trọng điểm, kết nối tiềm năng cả miền Đông, nam Tây nguyên và Tây Nam bộ, TP. HCM vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của mình để giải mã thành những dòng tiền tỷ đô, kế nối tiềm năng như nông nghiệp, chế biến, dịch vụ kỹ thuật và tư vấn, đầu tư, kết nối du lịch và xuất khẩu…

Thanh long Việt Nam được thương lái Trung Quốc thu mua rồi bán qua Ấn Độ lấy lời, chứ không phải do doanh nghiệp Việt Nam xuất trực tiếp sang Ấn, có đau xót không? Một năm Việt Nam bỏ phí 15% trong 3 triệu tấn thanh long ngay tại ruộng chỉ vì kích thước loại 2 thôi, còn chất lượng vẫn loại 1.

Chúng ta uống nước dừa xong bỏ cơm dừa, trong khi cơm dừa đó còn ngon hơn ruột dừa già nhiều. Có những thứ cực kỳ quý bị Việt Nam bỏ phí. Một tỷ dân Trung Quốc đang ăn hạt điều, đậu phộng, uống cà phê… đó cũng là cơ hội tỷ đô. Từ cơm dừa, trái thanh long bỏ phí, gáo dừa làm than hoạt tính… đều là cơ hội. Cây tre cũng quý vô cùng, mình coi mấy chiếc ghế salon tre bèo bọt, chứ mấy người Bắc Âu quý vô cùng vì họ nhìn ra bao công sức thủ công và mỹ thuật bỏ vào đấy.

Tư duy dòng tiền và thương hiệu tỷ đô cho TP. HCM

Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang

Thay đổi nước uống cũng là cơ hội lớn cho thương hiệu tỷ đô của TP. HCM và Việt Nam. Người Nhật từng đi khám phá khắp thế giới để tìm nguồn nước thiên nhiên, như người Nhật đã khám phá ra nguồn nước I-on thiên nhiên vô cùng quý của miền thung lũng Hunza, phía bắc Pakistan, sau đó họ nghiên cứu thành công nước Ion hoá sử dụng phổ biến. Ngay cả Unilever giờ cũng bán máy lọc nước, cho thấy nước và sản phẩm sức khoẻ là cực kỳ tiềm năng.

Xứ dầu mỏ Trung Đông chẳng có gì ngoài tiền, từ gà, cá, sữa, thực phẩm Halal cho tới giấy vệ sinh họ đều nhập hết. Họ không lo sản xuất các sản phẩm thiết yếu, hàng tiêu dùng, chỉ tập trung khai thác dầu mỏ và đầu tư vĩ mô nhất là tài chính, hàng không, hạ tầng du lịch cao cấp…

Cho nên xứ nhiệt đới mình là nguồn cung vô cùng hấp dẫn với Trung Đông, nhất là cà phê. Mình mạnh về cà phê tương đương như Trung Quốc mạnh về trà. Dân Úc sang Việt Nam mê cà phê lắm. Cà phê còn rất rất nhiều cơ hội, từ đa dạng hoá sản phẩm cho đến các hệ thống phân phối bán lẻ ra quốc tế.

Bữa ăn sáng của người Mỹ bình dân là thế nào? Họ thường đổ các loại hạt pha với sữa tươi. Họ ăn cháo yến mạch chỉ cần 3 phút! Cũng là gạo, nếu gạo lức làm y hệt như yến mạch thì rất tiện dụng, cơ hội vô cùng lớn. Hãy nghĩ đến thói quen tiêu dùng của họ trước khi làm sản phẩm, và hãy làm cho sản phẩm chế biến sâu hơn nữa…

Cơ hội hay thách thức là do chính chúng ta

Tập đoàn Lộc Trời đã nghiên cứu làm ra dầu cám gạo, dầu gạo, nhưng chưa kịp ra thị trường, thì tập đoàn Malaysia Neptune đã làm dầu gạo trước mình. Hồi xưa Tường An là số 1 về dầu ăn, giờ Neptune vượt lên số 1 rồi. Họ lấy gạo của mình chế ra dầu gạo bán tại Việt Nam. Lý do vì sao?

Cũng may chúng ta đang có thương hiệu tỷ đô. TP. HCM là nơi hội tụ văn hoá, kinh tế cả nước, trong đó có thể thấy Satra là điểm sáng, một tập đoàn tỷ đô. Heineken là nguồn tiền lớn của Satra, chợ đầu mối Bình Điền, nhà máy Visan cũng của Satra. Doanh nghiệp nên kết nối với các chợ đầu mối của Satra để mua bán nguyên liệu đầu vào và đầu ra cho nông sản rất tốt.

Tôi rất ngưỡng mộ Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, họ đang tiến công Bách Hóa Xanh ra miền Bắc, giám đốc tài chính của họ cực kỳ tài giỏi, là người Mỹ gốc Israel. Mô hình chuỗi vẫn là thế mạnh chủ yếu của họ. Làm thương hiệu là làm chuỗi, không đánh trống bỏ dùi. McDonald’s chính là mô hình chuỗi.

Ngô Thanh Vân, Johnny Trí Nguyễn làm điện ảnh khá chuyên nghiệp, nhưng mô hình Hollywood là mô hình chuỗi, làm phim nhiều tập có thương hiệu như mô hình thương hiệu James Bond. Phải mở rộng tư duy ra, ví dụ như làm tôm là phải làm tôm hùm chẳng hạn.

Là người cố vấn gần đây cho Thaco, tôi thấy họ đang đi rất đúng hướng, đó là tham gia vào những chuỗi giá trị nông nghiệp tiềm năng và kiến tạo tập đoàn nông nghiệp Thadi. Trên thế giới, thị trường chuối do Trung Quốc chiếm gần hết, cũng may anh bầu Đức có được giải đất sạch để trồng chuối. Người Nga ngưỡng mộ trái chuối lắm. Nói về nông sản luôn có dòng chảy phụ, khi bị ép giá phải có chỗ chảy về, đó là cách doanh nghiệp Việt có thể vận dụng tốt để làm ăn với Trung Quốc. Doanh nghiệp đừng dại dột khi giá cao lại đi mua, mà phải đợi lúc dội chợ này.

Rất tiếc Việt Nam chưa có sàn giao dịch nông sản, thứ chúng ta mong ước. Nghị định 100 đang khiến chính phủ thất thu ngân sách bởi quy định quá ngặt nghèo. Các nhà sản xuất đang kiến nghị chính phủ sửa đổi bộ luật này, như bia Huda Huế, bia Laru Đà Nẵng….

Rượu uống vừa là rất tốt cho sức khoẻ, nhất là rượu thuốc dùng để chữa bệnh là văn minh mấy ngàn năm của cha ông rồi. Trước năm 2000 tôi lên Sapa, thấy mấy cửa hàng bán nấm linh chi, đó là kho thuốc quý, nay đã bị thương lái Trung Quốc thu gom hết rồi. 40 vị thuốc trong bài tắm thuốc người Dao cũng quý vô cùng, là sản phẩm độc đáo cho các cơ sở du lịch cả nước.

Tư duy dòng tiền và thương hiệu tỷ đô

Nhiều người nghĩ marketing chỉ là quảng cáo, như thế là sai. Trong marketing, phải tách ra giữa marketing chiến lược và marketing truyền thông. Marketing chiến lược đi từ phân phối, bán hàng, doanh số, lợi nhuận, cấu trúc sản phẩm, mở rộng thị trường, quản trị… để tạo ra kết quả dòng tiền. Điều tôi muốn nói đến ở đây là marketing về tư duy dòng tiền, bài toán giá trị, nó cung cấp tư duy mà các bài toán tài chính không hình dung ra được.

Tư duy dòng tiền là tư duy giá trị, tư duy thương hiệu. Chiến lược giá trị phải đặt lên hàng đầu, từ đó mới đi đến chiến lược tài chính, sản xuất, marketing, bán hàng…Trước tiên là xây dựng mô hình thương hiệu chuỗi, mô hình chuỗi giá trị liên kết, hệ sinh thái bán lẻ và phân phối…như thế nào?

Về nông nghiệp, các trung tâm phân phối gắn với nông nghiệp như Thadi, Satra…đang là điển hình cần nhân rộng. Thadi với 3 mũi nhọn tỷ đô, đang mở ra hai trung tâm phân phối lớn, đó là khu công nghiệp chế biến phục vụ nông nghiệp và xuất khẩu, cả đầu vào và đầu ra, từ xe phân bón, máy cày, sau đó thu mua nông sản chế biến. Bầu Đức sống lại là nhờ chuối xuất khẩu, chỉ cần Việt Nam chiếm 10% so với Trung Quốc là nông dân sống khoẻ rồi. Loại dưa có giá trị cao là dưa lưới, giải đất cát Ninh thuận rất tốt cho dưa lưới. Hiện tập đoàn Nam miền Trung đang đi đầu trong dưa lưới, họ cũng là người cung cấp tôm giống cho cả nước..

Ngành nông nghiệp chế biến tỷ đô, vậy dung lượng thị trường này lớn bao nhiêu? Đó là tư duy dòng tiền phải có. Ví dụ như con heo là 9 tỷ đô dung lượng thị trường, vì thế Masan đã nhảy vô. Masan ban đầu tính cổ phần hoá Vissan nhưng không được, đã chuyển sang đầu tư thịt lạnh MEAT Deli cũng khá thành công. Thị trường thịt heo hiện nay có 3 ông trùm là Masan, Vissan, và Thadi đang đầu tư cùng thuỷ sản Hùng Vương (với chăn nuôi heo).

Các tập đoàn tỷ đô như VinGroup, FLC với Bamboo Airways, Thaco, Masan, Vinamilk, THP… đều nhờ có tiến độ thần tốc, VinFast cũng vậy, họ ép người dữ lắm. Riêng Thadi, anh Trần Bảo Sơn đi theo anh Dương từ thời khởi nghiệp, được chuyển sang làm nông nghiệp cùng đội ngũ tham mưu giàu kinh nghiệm. Tôi rất nể tinh thần làm việc của họ.

Với điển hình Vinamilk là hình mẫu về quản trị hiệu quả, dẫn đầu xu hướng “nhà máy tắt đèn”, “nhà máy không có công nhân”, hoàn toàn tự động, năng suất tuyệt vời.

Cuộc chiến thịt heo giữa Vissan, Meat Deli Masan và Thadi Hùng Vương…sẽ diễn ra rất hấp dẫn. Hiện có những dòng tiền cho chế biến sâu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hãy bám theo những chuỗi đó để tạo ra dòng tiền mới.

Viettel giai đoạn đầu cũng như thế. Đến lúc các anh chị quản lý phải tăng tốc, phải quân phiệt, sẵn sàng chịu đựng khi lọt vào guồng máy tỷ đô, bất kể ngày đêm. Và cũng nên cân bằng các giá trị để phát triển bền vững.

Du lịch Việt Nam cũng chính là chìa khoá mở cho thương hiệu tỷ đô. So sánh với Thái Lan 60 triệu dân nhưng có hơn 40 triệu khách du lịch, Việt Nam sẽ có khoảng 120 triệu khách hàng nếu cộng 20 triệu khách du lịch. Mô hình thế chân vạc du lịch vẫn là mũi nhọn đầu tiên, từ du lịch là xuất khẩu tại chỗ, chính họ là đối tác đầu tư, phát triển dự án. Nếu du lịch không có người trải nghiệm đó thì khó phát triển đầu tư. Gần đây, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết các tỉnh cần xem du lịch làm mũi nhọn kinh tế.

Cơ hội tỷ đô từ EVFTA

Về Hiệp định thương mại châu Âu, Việt Nam đang quá lo ngại con virus mà quên mất cơ hội chúng ta phải mất rất nhiều công sức mới đạt được là hiệp định EVFTA đang mở ra rất nhiều cơ hội để làm ăn với những thương hiệu quốc gia châu Âu sang chảnh. Ngành công nghiệp ô tô có một khoảng trễ 5 - 10 năm để miễn thuế xe nhập từ châu Âu như BMW, Peugeot PSA…

Về tương lai, con cháu mình có cơ hội du học châu Âu nhiều hơn. Người tiêu dùng được hưởng lợi từ thực phẩm chế biến và dinh dưỡng chất lượng cao hơn từ châu Âu. Rất nhiều cơ hội để xuất khẩu, mở rộng thị trường. Xuất khẩu nông sản và hải sản chế biến vào châu Âu sẽ tăng mạnh nếu đạt chuẩn, tuy nhiên hải sản khai thác từ biển vẫn đang bị thẻ vàng, và sự cố người Việt chết trong container tại Anh vẫn còn để lại dư chấn.

Khách du lịch châu Âu vào Việt Nam sẽ tăng mạnh theo luồng giao thương và đầu tư, tuỳ theo năng lực tiếp thị của Việt Nam. Môn làm tôi bất ngờ là lướt ván dù của Bình Thuận. Pascal Lefebvre, ông trùm thể thao biển, đã đóng góp gần 20 năm qua biến bộ môn này thành thế mạnh của Bình Thuận, tổ chức thành công World Cup Lướt ván buồm/ ván diều tại Bình Thuận. Ở đây có dải bờ biển “kim cương” dành cho bộ môn này (xếp trong top 15 của thế giới). Tôi thấy VTV còn nợ Bình Thuận về truyền thông cho bộ môn này.

Công nghệ cao năng lượng sạch cũng là cơ hội lớn cho thương hiệu tỷ đô, các dự án điện mặt trời, điện gió đang thay thế thuỷ điện như Thanh Long Wind 9,9 tỷ USD chẳng hạn. Trung Quốc từng được thừa hưởng từ luồng đầu tư năng lượng sạch 15 năm trước từ Đức và châu Âu, từ đó có thể thấy các dự án trọng điểm quốc gia nên có thêm lựa chọn từ đấu thầu quốc tế. Hồi trước tôi lầm tưởng điện mặt trời phải tốn rất nhiều tiền, giờ thấy xuất hiện nhiều công ty nhỏ.

Những cơ hội ngành giải trí tỷ đô còn rất lớn, đó là ngành hốt bạc, kể cả châu Á. Nhưng nhìn lại các thiết chế cho văn hoá thể thao giải trí của TP. HCM đang bị nghèo đi. Ngay cả trung tâm thể thao Phan Đình Phùng cũng đang bị bỏ đó chưa biết sẽ biến thành cái gì. Châu Á chỉ có Hàn Quốc vượt lên, nhưng cho đến nay Hàn Quốc vẫn cử người sang Holywood học về công nghệ giải trí.

Tại sao Việt Nam không trực tiếp cử người sang Holywood học hỏi, ngay Trung tâm Thuý Nga Paris chẳng hạn, toàn là chuyên gia Holywood dàn dựng cho họ. Những tiết mục múa của Thuý Nga Paris do bà Shanda Sawyer dàn dựng và nhiều lần được đề cử các giải thưởng lớn.

Hàng trăm nhân tài là Việt kiều Mỹ sao chúng ta không mời họ về? Nền kinh tế giải trí của Las Vegas chúng ta phải học hỏi có bài bản. Đặc biệt người Việt nói tiếng Anh tốt, có cơ hội học về kinh tế giải trí, chứ đừng học F2 như Macao hay Singapore. Chúng ta cũng có cơ hội cùng Hàn Quốc sánh ngang thị trường công nghệ giải trí. Có nhiều chuyên gia Hàn Quốc rất muốn đóng góp giúp đỡ Việt Nam.

Người số 1 luôn đầu tư cho ngành số 1, như dự án Fomula 1 của Vingroup chẳng hạn, hay Pascal với môn lướt ván buồm cho thể thao Bình Thuận. Tập đoàn Singapore đã nhìn ra cơ hội này, đó là Keppel Land với khu thể thao Rạch Chiếc. Mình là đất võ, các trường phái rất phong phú, đó cũng là ngành thể thao giải trí tỷ đô hái ra tiền với Boxing, võ tự do…

Các cường quốc đang đầu tư cho ngành giải trí. Dubai và Qatar ăn đứt về hàng không so với châu Âu, vượt lên với hàng loạt dự án giải trí khủng… Các đại gia bất động sản hiện tại gần như bế tắc về chiến lược, ngay như Novaland dòng tiền chỉ có Hồ Tràm, Mũi Né, không có ở TP. HCM. Khái niệm Condotel sụp đổ với Cocobay, khái niệm Second Home đang lên ngôi và gần gũi với nhu cầu mọi người.

Điểm nóng bất động sản bây giờ là Hồ Tràm và Bình Thuận, Mũi Né, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp bất động sản Việt Nam thiếu sáng tạo, có những dự án gần biển nhưng thiết kế cả ngàn cái biệt thự vô hồn. So với dự án Thanh Long Bay cực kỳ đa năng với khu downtown sống động, cực kỳ giải trí, cực kỳ sáng tạo… Bất động sản phải là sân chơi của các giám đốc sáng tạo, như tình huống thương hiệu cảnh quan của khu đô thị Vạn Phúc mà tôi đã trực tiếp tư vấn.

Cuối cùng vẫn là câu chuyện về giá trị. Rất nhiều chuyên gia, nhà kinh tế, doanh nhân thành đạt chưa giải mã được ý nghĩa của tầm nhìn giá trị trong toàn cảnh chiến lược. Bắc Kạn không có tiềm năng kinh tế gì, nhưng nhìn về du lịch, có hồ Ba Bể đẹp nhất nhì Đông Nam Á, màu nước xanh ngọc bích tự nhiên. Tư duy marketing giúp ta khai thác được những thế mạnh mà kinh tế truyền thống bỏ trống.