Corona: Tìm kiếm cơ hội trong khủng hoảng

Việt Nam vừa trải qua một kỳ nghỉ Tết dài ngày thì phải hứng chịu nhiều tổn thất do dịch viêm phổi nCoV gây ra. Hầu như mọi hoạt động đều đình trệ, từ giáo dục, sản xuất đến dịch vụ đều chung số phận đìu hiu chờ cho đại dịch được xử lý triệt để. Tuy vậy, trong cơn khủng hoảng đó, vẫn có nhiều cơ hội sáng sủa cho nhiều ngành nghề.

Nhiều ngành bị tê liệt do coronavirus

Như thường lệ, sau kỳ nghỉ Tết dài, học sinh và sinh viên ở Việt Nam bước vào học kỳ mới nhưng do tình trạng dịch viêm phổi này gây ra, các trường học trên cả nước đều cho học trò nghỉ học, trong đó có một số trường cho phép sinh viên trở lại trường vào giữa tháng 3 tới với hy vọng khi đó tình hình sẽ tạm lắng dịu.

Theo thông tin ghi nhận trong báo cáo “Dịch viêm phổi nCoV đem đến sự kiện thiên nga đen cho thị trường chứng khoán ngay đầu năm 2020” của Khối Phân tích, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT thì du lịch, lưu trú, hàng không là các ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Cụ thể là dịch viêm phổi Vũ Hán đã khiến hàng triệu khách quốc tế và khách nội địa hủy tour, nhiều khách sạn ngừng hoạt động, hoạt động du lịch tạm dừng kéo theo hàng nghìn lao động thất nghiệp tạm thời. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch đã than rằng cho đến thời điểm này, họ thiệt hại 95% doanh số. Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch TP HCM, đánh giá về tình trạng hiện nay: “Ngành du lịch đang trải qua một cuộc khủng hoảng lớn”. Trong khi đó các công ty lữ hành nhận xét đang có hiệu ứng domino trong tâm lý du khách, khi họ tìm tới đòi lại tiền, huỷ tour hàng loạt vì e ngại virus corona.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhận định với VnExpress, du lịch là ngành dễ bị tổn thương nhất, đồng thời thiệt hại nặng nhất mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh hay biến động chính trị. Ước tính ngành du lịch sẽ thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng sau đợt dịch bệnh này và không thể phục hồi lập tức ngay cả khi dịch bệnh kết thúc.

Khi dịch coronavirus trở thành vấn nạn toàn cầu thì có rất nhiều ngành nghề và doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Ảnh hưởng dễ thấy nhất đó là việc hạn chế du lịch, đóng cửa biên giới với Trung Quốc, và ở nhiều nước khác nhau. Tiến sĩ Clāra Ly-Le, Giám đốc điều hành của EloQ Communications chia sẻ: “Mỹ dự tính sẽ thất thoát 10 tỉ đô la Mỹ vì thiếu khách du lịch Trung Quốc. Và Việt Nam cũng ước tính bị giảm 30-40% lượng khách du lịch từ Trung Quốc đến. Nhưng đây chỉ là bề nổi của tảng băng. Có rất nhiều quốc gia hạn chế đến Việt Nam cũng như nhiều quốc gia hạn chế đến các nước châu Á khác bởi có liên quan đến đại dịch corona. Từ vấn đề của du lịch sẽ ảnh hưởng đến vấn đề của những ngành nghề khác.”

Tờ RFI trích lời chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Việt Nam đang có quan hệ kinh tế rất nhiều mặt với Trung Quốc, đặc biệt là về thương mại, về xuất nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong ngắn hạn, các ngành nghề xuất khẩu sang Trung Quốc như nông sản, thủy sản, thực phẩm… sẽ chịu tác động đáng kể. Các doanh nghiệp Việt nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc hoặc các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nước này có thể chịu nhiều ảnh hưởng. Đặc biệt, những ngành đó là: Dệt may, điện tử, tiêu dùng, thép.

Ở lĩnh vực giải trí, nhiều ca sĩ Việt Nam cũng đã dời hoặc hủy bỏ các show diễn của mình. Đơn cử như Đan Trường, một ca sĩ nhạc pop nổi tiếng của Việt Nam, đã thông báo đến người hôm mộ: “Tất cả 9 show diễn của tôi bị huỷ hết trước tình hình diễn biến của dịch viêm phổi do virus corona gây ra”. Các sân khấu kịch, vốn là địa điểm giải trí ưu thích của nhiều người Việt Nam, cũng phải dừng diễn do lo sợ dịch bệnh.

Theo TS Clāra, những hoạt động thương mại mang tính chất nước ngoài, những sự kiện có liên quan đến khách nước ngoài đều có thể bị hoãn lại hoặc hủy vì tâm lý e ngại có nên đến quốc gia có khả năng lây nhiễm corona cao hơn hay không.

Bà nhấn mạnh: “Đối với những doanh nghiệp trong nước cũng chịu ảnh hưởng khi gây ảnh hưởng tâm lý đến người lao động, gây trở ngại đến năng suất làm việc. Trong lúc này, ngành PR (quan hệ công chúng) cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ vì rất nhiều khách hàng ở giai đoạn hiện tại hạn chế những hoạt động PR và tổ chức sự kiện đến mức tối đa bởi đây là thời điểm nhạy cảm cho tất cả các nhãn hàng. Bất cứ thông điệp nào đưa ra nếu mang tính “lễ hội” (festivity) quá thì sẽ không phù hợp với hoàn cảnh hiện tại hoặc nếu thông tin nhạy cảm ở thời điểm này cũng sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp của họ. Phần khác, khi những doanh nghiệp nước ngoài hạn chế đến những thị trường khác, các hoạt động ký kết cũng sẽ bị giảm xuống cũng ảnh hưởng đến ngành PR”.

Ngành nào được hưởng lợi từ dịch coronavirus?

Trong khi đó, công ty chứng khoán SSI cũng đã có báo cáo đánh giá tác động của dịch virus Corona đối với 23 nhóm ngành, hàng. Trong đó, nhằm hạn chế đi đến những nơi công cộng để tránh khả năng lây nhiễm virus corona, người tiêu dùng sẽ ưu tiên sử dụng thương mại điện tử và chuyển phát nhanh. Cũng theo báo cáo của SSI, 4 ngành có triển vọng tích cực trong ngắn hạn trước bối cảnh dịch nCoV là dược phẩm, công nghệ thông tin, điện, nước.

Song, dịch viêm phổi nCoV lại là thời cơ thúc đẩy ngành giải trí trực tuyến. Chẳng han như ở Việt Nam, lượng người xem ở một số nền tảng video trực tuyến tăng đột biến kể từ dịch bệnh. Sau Tết, tỷ lệ người truy cập hệ thống Fim+ tăng 56%, trong đó phim Việt, phim bộ cổ trang và phim hành động Âu Mỹ được xem nhiều nhất. Trong khi đó tại rạp chiếu, dù chưa có thống kê chính thức, phòng vé nhiều khả năng đi xuống khi nhiều khán giả ngại đến nơi công cộng. Nhiều bộ phim mới ra mắt cũng phải hoãn chiếu giữa dịch bệnh.

Truyền thông tìm thấy cơ hội trong đại dịch

“Tuy nhiên trong cái rủi, cũng có những cơ hội”, TS Clāra bổ sung. Nhiều doanh nghiệp tận dụng thời điểm hiện tại để lăng xê cho doanh nghiệp tạo ra những thông tin tích cực cho khách hàng của mình. Một số ví dụ có thể kể đến như nhiều doanh nghiệp dùng truyền thông nội bộ (internal communications), những hoạt động đối nội của mình để tạo ra danh tiếng và đánh giá tốt hơn cho chính mình. Cụ thể là hãng điện tử Apple vào 29/1 vừa qua phát đi thông báo sẽ tiến hành kiểm tra nhiệt độ mỗi ngày cho các nhân viên của họ. Đây được xem là động thái trân trọng nhân viên, quan tâm đến sức khỏe nhân viên. Từ đó tạo ra những hình ảnh tích cực cho công ty Apple. Ngoài ra, các tập đoàn khác như Amazon, Facebook ra thông báo hạn chế nhân viên đi du lịch đến Trung Quốc và có những biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân viên.

TS Clāra nói thêm: “Bên cạnh đó, những doanh nghiệp như Alibaba có những hoạt động từ thiện, CSR, quyên góp tiền cho công tác nghiên cứu, chữa bệnh cho bệnh nhân corona. Do đại dịch corona đã nằm trong tâm thức (top of mind) của nhiều người và dẫn đầu các kết quả tìm kiếm thông tin, tin tức ở thời điểm hiện tại, nếu những doanh nghiệp đưa hoạt động của mình theo dòng sự kiện này thì sẽ được quan tâm hơn những thời điểm bình thường. Tùy vào quyết định của họ, có những doanh nghiệp sẽ im hơi lặng tiếng trong thời điểm này bởi họ cho rằng đây là thời điểm nhạy cảm và nếu đưa những thông tin không phù hợp sẽ tạo ra những ảnh hưởng trái chiều. Còn những doanh nghiệp chọn hướng lên tiếng sẽ tạo ra những tích cực trong mắt khách hàng của mình”.

TS Clāra kết luận: “Ở thời điểm nhạy cảm hiện tại, bất cứ thông tin nào dù tốt hay xấu, một doanh nghiệp sẽ được hay bị khuếch đại (amplify) rất nhiều lần bởi người dân sẽ theo dõi sâu sát những tin tức liên quan đến sự kiện virus corona. Cho nên nếu doanh nghiệp lựa chọn tạo dựng cơ hội cho mình trong thời điểm này cũng cần áp dụng những nguyên tắc chính trong PR đó là ‘Nội dung là Vua’ và ‘Tính trung thực (Authenticity) cũng là Vua’. Tức là doanh nghiệp phải lựa chọn đưa ra thông điệp gì và như thế nào là phù hợp, cũng như làm sao để mọi người thấy tính chân thật trong mọi hoạt động hay thông báo mình đưa ra trong thời điểm hiện tại”.

Tác giả Vi Mai là Trưởng phòng Truyền thông & Quan hệ công chúng của EloQ Communications. Vi có 10 năm kinh nghiệm ngành báo chí và tiếp thị mạng xã hội, đồng thời là người lên kế hoạch chiến lược cho nhiều dự án của EloQ. Bài viết gốc được đăng trên blog của EloQ Communications.