Marketer Brands Vietnam
Brands Vietnam

Community Admin @ Brands Vietnam

Bookaholic #8: Qua Pixar là vô cực

Tháng 11/1995, công ty sản xuất phim hoạt hình Pixar lên sàn với mức giá khởi điểm là 22USD/cổ phiếu. Cuối ngày, cổ phiếu công ty giao dịch ở mức 39USD/cổ phiếu. Pixar lập tức đạt vốn hoá thị trường gần 1,5 tỉ USD và được Disney mua lại vào năm 2006 với giá 7,5 tỉ USD. Với việc nắm phần lớn cổ phần, Pixar, chứ không phải Apple, mới là nhân tố đưa ông Steve Jobs vào câu lạc bộ các tỉ phú USD trên thế giới.

Nhưng ít ai biết mức giá kỳ vọng IPO ban đầu của Pixar chỉ là 12USD/cổ phiếu. Công ty phải vật lộn gần 10 năm không tìm ra định hướng đúng đắn và đứng bên bờ vực phá sản. Brands Việt Nam đã có buổi trao đổi với anh Ngô Minh Thuận là Founder & Managing Director, DNA Digital về những câu chuyện thú vị được tường thuật lại trong quyển sách qua “Pixar là vô cực” của tác giả Lawrence Levy.

* Xin chào anh, anh nghĩ như thế nào về cái tựa “Qua Pixar là vô cực”, có hơi khó hiểu không?

Tôi cũng từng nghĩ như bạn, nhưng khi đọc xong cuốn sách, hiểu các khó khăn mà đội ngũ Pixar đã trải qua thì phần nào hiểu được tựa quyển sách. Giống như sự tự hào của các thành viên Pixar, khi họ đã đi qua những hiểm hoạ chực chờ phá huỷ công ty, họ tự tin với các thử thách tiếp theo.

Cuốn sách thuật lại sự kiện khi ông Jobs muốn IPO Pixar sau gần 10 năm hoạt động cầm chừng. Kể từ khi bị đuổi khỏi Apple, ông Jobs cần một thành công lớn trên con đường sự nghiệp của mình. Pixar buộc phải đạt được mục tiêu đó.

Và để lên sàn chứng khoán, Pixar phải có hoạt động kinh doanh thực sự bùng nổ về doanh thu để thu hút các nhà đầu tư. Nhưng khi rà soát lại 3 mảng hoạt động của Pixar (phần mềm đồ hoạ RenderMe, đội ngũ sản xuất phim quảng cáo và bộ phim hoạt hình “Câu chuyện đồ chơi” đang sản xuất dang dở), người đọc chỉ đi từ thất vọng này đến thất vọng khác mà thôi.

Nguồn ảnh: Pinterest

RenderMe là phần mềm phục vụ giải pháp hậu kỳ, rất “xịn” nhưng giá cao và thị trường thì lại quá bé. Chỉ các phim mà đạo diễn chịu đầu tư vào kỹ xảo điện ảnh như Micheal Bay hay Steven Spielberg thì mới cần đến RenderMe. Chính vì thế RenderMe sẽ không thể hấp dẫn các nhà đầu tư được.

Mảng làm phim quảng cáo cũng chẳng khá hơn dù đội ngũ của Pixar đạt rất nhiều giải thưởng danh giá trong ngành. Khách hàng luôn thích các ý tưởng của Pixar nhưng phần lớn đều lắc đầu khi đến vòng đấu thầu. Đó là chưa kể lợi nhuận đem lại từ một dự án cũng chẳng đáng là bao, càng mở rộng, càng cần thêm nhân sự và nhiều rủi ro khác. Do đó mảng này cũng không thể là mảng chính để kêu gọi các nhà đầu tư.

Cuối cùng là phần làm phim hoạt hình, Pixar là đơn vị tiên phong đưa ra thể loại phim hoạt hình 3D vào thời điểm đó với “Câu chuyện đồ chơi”, nhưng nó vẫn đang dang dở và tiêu tiền là chính.

* Vậy cuối cùng lựa chọn làm phim có vẻ như là con đường dễ thở hơn?

Đúng là họ chọn làm phim, nhưng dễ thở hơn thì không, nếu không muốn nói là đường cùng. Trước đó Pixar đã có một thoả thuận, tôi xin phép nói vui là “hợp đồng ma quỷ” với Disney. Theo hợp đồng quy định, Disney sẽ lo phần công chiếu, tiếp thị cho các phim của Pixar đổi lại Pixar phải sản xuất 3 phim cho Disney.

Với năng lực của Pixar bấy giờ, họ phải mất ít nhất 10 năm để tạo ra đủ phim cho Disney. Cũng lưu ý rằng các bộ phim phải khác nhau, khác tuyến nhân vật. Ví dụ như Pixar thành công với “Câu chuyện đồ chơi” phần 1 và cho ra mắt phần 2, Disney cũng chỉ tính là một bộ phim mà thôi. Thứ đến tất cả các nhân vật được tạo ra trong quá trình này đều là quyền sở hữu của Disney, họ có thể tự do kinh doanh và không cần chia sẻ lợi nhuận cho Pixar.

Pixar sẽ được chia sẻ khoảng 10% doanh thu từ bộ phim. Giả sử “Câu chuyện đồ chơi” công chiếu được doanh thu 100 triệu USD, thì Pixar được 10 triệu USD. Nhưng Pixar cần doanh thu bộ phim tối thiểu 150 triệu USD để có thể tồn tại.

Mà từ trước đến nay tỷ lệ một hãng phim lần đầu công chiếu, đạt doanh số trên 150 triệu USD là siêu hiếm. Tính tới lúc đó, Disney cũng chỉ có hai phim đạt doanh số hơn 150 triệu USD là “Aladin” (năm 1992, 217 triệu USD), “Vua sư tử” (năm 1994, 313 triệu USD). Cũng nói thêm là họ chỉ đạt được thành tích đó kể từ khi phát hành phim “Bạch Tuyết và bảy chủ lùn” vào năm 1937.

Pixar cùng những tựa phim hoạt hình ăn khách của hãng.

Các thống kê số liệu dựa trên lịch sử đều bất lợi cho Pixar, không một ai ở Phố Wall lúc đó tin rằng Pixar, hãng lần đầu sản xuất phim hoạt hình với công nghệ 3D, sẽ đạt doanh thu hơn 150 triệu USD. Không một ai.

Bản hợp đồng thực chất là một biện pháp ràng buộc Pixar. Disney thấy được tiềm năng sản xuất phim hoạt hình 3D nhưng họ cần thêm các bằng chứng trước khi đầu tư vào lĩnh vực này, và trong giai đoạn đó họ “xích” luôn Pixar lại hòng trường hợp công ty này làm cho các đối thủ cạnh tranh.

* Như anh nói, ngành làm phim hoạt hình cũng quá nhiều rủi ro như vậy, và cuốn sách thật sự vén bức màn về ngành công nghiệp này sao?

Nó thật sự vén phần nào bí mật kinh doanh của ngành công nghiệp phim hoạt hình và thể hiện được quyền lực của ông Vua Disney, khi sở hữu hệ thống từ phòng chiếu đến mạng lưới thuê phim tại nhà.

Không chỉ truyền tải câu chuyện về Pixar, quyển sách còn chia sẻ phần nào kiến thức cho người đọc biết về ngành công nghiệp này. Nó giống như đầu tư mạo hiểm vậy, các công ty sản xuất phim hoạt hình sẽ bỏ vốn vào nhiều dự án, chỉ cần một dự án thành công là họ thắng lớn.

Nếu tôi nhớ không lầm thì công thức của Disney là bỏ 10 ăn 3 thì phải. Ngay cả ông Vua trong lĩnh vực phim hoạt hình cũng chưa thể nâng cao tỉ lệ này.

* Nhưng khoan đã, chẳng phải ông Steve Jobs được nước Mỹ mệnh danh là thiên tài trong kinh doanh, vậy thì cớ sự vì sao ông lại đưa Pixar vào thế khó khăn đến như vậy?

Ông Steve Jobs

Đây là câu hỏi hay. Thật sự là chính ông Steve Jobs là người đã ký vào hợp đồng trói chân Pixar với Disney. Câu trả lời là ông đã không quan tâm tới Pixar trong thời gian dài.

Ông Jobs rời Apple năm 1984, thành lập NeXT 1985 và mua lại Pixar từ Lucasfilm vào 1986. Tuy nhiên, Jobs dồn lực vào NeXT nhiều hơn với hy vọng tạo ra công ty gây ít nhiều khó khăn cho Apple. Pixar bị bỏ rơi trong 10 năm, Jobs chỉ rót tiền và rất ít khi quan tâm đến hoạt động của công ty này. Thậm chí số lần ghé thăm Pixar của ông chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Khi NeXT không hoàn thành mục tiêu, Jobs mới chuyên tâm vào Pixar nhiều hơn và công ty mới có những bước tiến đáng kể. Lúc này công ty đã ngốn của ông 50 triệu USD.

* Anh có gợi ý nào cho những người lần đầu đọc quyển sách này?

Thực sự đây là cuốn sách phù hợp với mọi người, các ngôn ngữ kinh doanh, các mô hình hoạt động được diễn giải rất dễ tiêu hoá.

Theo quan điểm của tôi, cuốn sách sẽ cực kỳ hữu ích cho những người đang gặp chuyện buồn phiền trong công việc. Vì hãy nghiệm lại nhé, một thiên tài kinh doanh như ông Steve Jobs do không tập trung phải trả giá bằng 50 triệu USD; đội ngũ Pixar, với những cá nhân ưu tú trong lĩnh vực họ đang làm, cũng phải vật vờ gần 10 năm trước khi tìm được đường đi đúng đắn, họ thậm chí còn phải ngửa tay xin tiền Jobs để trang trải chi phí hằng tháng… là các câu chuyện khích lệ tinh thần không thể tốt hơn.

* Xin cảm ơn anh.

Độc giả có thể đặt mua sách tại: https://www.fahasa.com/qua-pixar-la-vo-cuc.html

Xem thêm các bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Nghe thêm podcast cùng chuyên mục tại đây.

* Nguồn: Brands Vietnam