Re-think CSR #6 – Chị Mai Tuyết @ UNIBEN: "CSR là một nền tảng để truyền thông giá trị doanh nghiệp"

CSR không chỉ đơn thuần là các hoạt động trách nhiệm xã hội nhỏ lẻ, mà nên gắn liền với hoạt động kinh doanh cũng như triết lý thương hiệu. Một chiến lược CSR đúng đắn có đóng góp không nhỏ vào tiến trình phát triển bền vững (Sustainable Growth) của doanh nghiệp cũng như của cộng đồng và xã hội.

“Re-think CSR” là chuyên mục do Brands Vietnam và Rice & Partners hợp tác thực hiện, phỏng vấn các chuyên gia đến từ nhiều ngành hàng và quy mô doanh nghiệp khác nhau, chia sẻ về quan điểm, chiến lược, thực thi và kết quả thực tế có được từ hoạt động CSR của chính những doanh nghiệp tham gia chuyên mục. Từ đó, cung cấp những ý tưởng và cách tiếp cận đa dạng đối với một vấn đề tưởng chừng quen thuộc nhưng vẫn còn khá xa lạ tại thị trường Việt Nam.

Ở số thứ 6, Brands Vietnam đã gặp chị Mai Tuyết, nguyên là PR & Corporate Communications Manager tại UNIBEN, đơn vị sản xuất và phân phối mì gói, hạt nêm, nước mắm với thương hiệu 3 Miền, và Reeva, trao đổi về khái niệm, cách tiếp cận và một số ví dụ về hoạt động CSR của doanh nghiệp này.

* Đầu tiên, chị có thể chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm của bản thân về các hoạt động CSR tại Việt Nam?

Cám ơn Brands Vietnam đã tạo điều kiện cho tôi được chia sẻ về một chủ đề thú vị như CSR. Theo quan điểm của tôi, các doanh nghiệp vừa và lớn tại Việt Nam đã bước đầu đáp ứng tiêu chuẩn về CSR, không chỉ thông qua các hoạt động thiết thực mà còn truyền thông rộng rãi hoạt động đó với cộng đồng. Tôi cho rằng đây là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp có lẽ vẫn chưa thực hiện hoạt động CSR đúng với bản chất, mà mới chỉ thực hiện các hoạt động bề nổi, chưa thực sự đi vào gốc rễ vấn đề. Và những chia sẻ nhiều hơn về chủ đề này từ chuyên mục Re-think CSR của Brands Vietnam sẽ góp phần giúp cho cộng đồng doanh nghiệp ngày càng phát triển hơn nhờ vào việc hoàn thiện nền tảng lý luận và tham khảo các case-study thực tế.

Thông qua các hoạt động CSR, người làm PR có thể kể những câu chuyện rất gần với sự quan tâm của người tiêu dùng và góp phần giúp doanh nghiệp ngày càng được yêu mến hơn.

Với hơn 3 năm phụ trách PR & Corporate Communications của UNIBEN và được những người thầy về quản trị và marketing tại đây hướng dẫn, những quan điểm về CSR của doanh nghiệp đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong công việc. CSR là hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, xuất phát từ định nghĩa “corporate citizen”, “business citizen”. Định nghĩa này liên quan đến tiêu chuẩn của xã hội đối với một doanh nghiệp, trong đó “corporate citizen” là doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động kinh doanh tại một địa phương, một quốc gia, và tích cực đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng tại địa phương, quốc gia đó.

Hiện nay PR đã chuyển sang thời đại 3.0, với nhiệm vụ sáng tạo ra các câu chuyện có liên quan tới các vấn đề văn hoá xã hội và sự quan tâm chung của cộng đồng. Do đó người làm PR có thể phối hợp với bộ phận phụ trách về CSR để củng cố hình ảnh thương hiệu doanh nghiệp, định vị và khẳng định hình ảnh doanh nghiệp như một doanh nghiệp dẫn đầu, xây dựng và củng cố niềm tin của công chúng và đóng góp vào sự phát triển mở rộng của ngành trong sự phát triển chung của xã hội (và nhân loại). Người làm PR không thể chỉ biết có ra mắt sản phẩm, tổ chức sự kiện hay các chuyên môn đặc thù khác, họ còn phải biết kể các câu chuyện liên quan đến mối quan tâm của xã hội. Do đó, CSR là một công cụ vô cùng hữu ích. Thông qua các hoạt động này, người làm PR có thể kể những câu chuyện rất gần với sự quan tâm của người tiêu dùng và góp phần giúp doanh nghiệp ngày càng được yêu mến hơn.

* Chị có thể mô tả cụ thể hơn sự đóng góp của một doanh nghiệp với xã hội không?

Đóng góp của doanh nghiệp liên quan tới chủ đề này, chúng ta có thể dùng tháp Maslow trong Marketing để xem xét. Mọi thứ đi từ các tiêu chuẩn cơ bản nhất là doanh nghiệp đã đáp ứng những gì cho người lao động, đã đóng góp gì cho cuộc sống, cho gia đình của họ. Theo cách so sánh này, đây là điều căn bản nhất của hoạt động CSR: doanh nghiệp phải mang lại giá trị cho nhân viên của mình. Ở bậc thứ 2, doanh nghiệp cần mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng cao và có giá trị. Những sản phẩm này giúp doanh nghiệp đóng góp giá trị vào ngành hàng mình kinh doanh, góp phần phát triển nền công nghiệp và từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Với bậc thứ 3, doanh nghiệp cần truyền thông đến cộng đồng tầm nhìn, sứ mệnh và những hoạt động của mình. Không chỉ vậy, doanh nghiệp còn cần chia sẻ với cộng đồng những giá trị, quan điểm của họ trước các vấn đề xã hội. Nhờ truyền thông, cộng đồng có thể hiểu và ghi nhận những đóng góp của doanh nghiệp cho sự phát triển chung.

Ngoài ra, chúng ta còn có thể đối chiếu các nấc thang giá trị xã hội của một doanh nghiệp với “brand leverage”. Đầu tiên, tương ứng với nấc thang nhận biết hình ảnh thương hiệu (Awareness) đó là sự nhận biết của công chúng đối với giá trị xã hội của doanh nghiệp. Tiếp đó khi thương hiệu ở bước được cân nhắc, tin cậy (Consideration) thì tương ứng là nấc thang về sự yêu thích của công chúng đối với doanh nghiệp, nhờ vào các hoạt động CSR và sự truyền thông rộng rãi tới công chúng. Và tương ứng với nấc thang (Loyalty) thì hình ảnh “corporate citizen” được ghi nhận, trân trọng của xã hội nhờ vào những đóng góp của doanh nghiệp. Tôi hy vọng mô hình này sẽ là một chút kiến thức thú vị hơn, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn sự liên kết giữa hình ảnh thương hiệu và giá trị xã hội.

* Tương ứng với các nấc thang kể trên, UNIBEN đã có những chiến lược CSR gì?

Tôi rất tự hào và trân trọng thời gian được làm việc tại UNIBEN, một doanh nghiệp Việt đã mang đến những giá trị cho cộng đồng mà có được sự ghi nhận ở cấp khu vực. Hoạt động CSR của UNIBEN dựa trên 4 cơ sở: đầu tiên đó là chăm sóc đời sống và an toàn lao động của công nhân viên; sau đó là đáp ứng nhu cầu xã hội bằng những sản phẩm chất lượng và giá thành hợp lý; đảm bảo cơ sở và quy trình sản xuất không ảnh hưởng đến môi trường và đóng góp cho sự cùng phát triển của đối tác; cuối cùng là các hoạt động truyền thông để chia sẻ những giá trị cốt lõi, những hoạt động CSR của công ty đến cộng đồng.

Hình ảnh hoạt động CSR thường niên "3 Miền chung tay vì tương lai Việt".

* Chị có thể chia sẻ về các hoạt động chăm sóc đời sống của người lao động tại UNIBEN không?

Đầu tiên, với gần 3000 công nhân viên trải dài trên khắp 63 tỉnh thành tại Việt Nam, UNIBEN có những chương trình đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất của người lao động. Tiêu biểu có thể kể đến chương trình bảo hiểm sức khỏe 24/7. Bảo hiểm này giúp nhân viên an tâm hơn trong suốt thời gian một ngày, một tuần, không chỉ giới hạn trong giờ làm việc. Đây là một chia sẻ thiết thực, bởi vì bất kỳ rủi ro nào về sức khỏe cũng sẽ được bù đắp phần nào nhờ bảo hiểm đầy chất nhân văn này. Theo tôi, điều này rất có ý nghĩa với người lao động, đặc biệt là với các nhân viên bán hàng mà đa phần thời gian của họ là di chuyển trên đường bằng xe máy rất nguy hiểm. Những hoạt động này là bước đầu tiên mà tôi liệt kê ở trên: doanh nghiệp đã làm được gì cho người lao động của mình. Doanh nghiệp mở rộng, nhân viên nhiều lên thì doanh nghiệp cũng cần phải thích ứng để có thể đáp ứng được những nhu cầu của người lao động.

Riêng đối với công nhân nữ tại công ty, ngoài việc đáp ứng đầy đủ các quy định trong luật lao động như các vấn đề về thai sản hay đào tạo thì chúng tôi còn có các hoạt động khác thuộc về công tác công đoàn và văn hóa văn nghệ. Cụ thể, các công nhân viên nữ có thể tham gia các khóa học về nấu ăn, văn nghệ. Không chỉ vậy, họ còn có cơ hội “trổ tài” tại các chương trình nội bộ. Ngoài những hoạt động tinh thần như trên, chúng tôi còn có các hoạt động khác hỗ trợ về mặt sức khỏe và gia đình. Ví dụ như một số giải pháp đã được đưa ra như là: trong giờ làm việc, nữ giới sẽ có lịch trình nghỉ nhiều hơn, tại khu vực nhà ăn sẽ có cung cấp các bữa ăn, hay trang bị điện thoại để các bạn có thể gọi điện cho người thân khi cần. Ngoài ra, cũng có những giải pháp rất có ý nghĩa để áp dụng như là: giờ làm việc của công nhân viên nữ cũng linh hoạt hơn nam giới, để có thể đón con. Bên cạnh đó, tôi được biết là tại thời điểm này, sau khi mở thêm các nhà máy lớn hơn, UNIBEN cũng đã có ý tưởng và lộ trình để xây dựng khu vực để công nhân viên có thể cho con vào thăm nhà máy. Tôi cho rằng hoạt động này rất thiết thực và giúp gia tăng sự gắn kết của nhân viên đối với công ty.

* Còn về mặt sản phẩm thì UNIBEN có những chương trình cụ thể nào?

Ở bậc thứ 2, những sản phẩm của doanh nghiệp cần có giá trị và đáp ứng những tiêu chuẩn chất lượng nhất định. Ngoài việc đáp ứng các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, công ty UNIBEN còn liên tục nghiên cứu và phối hợp với các chuyên gia của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM để tìm hiểu xem nền tảng nào trong ngành thực phẩm cần hỗ trợ nhiều hơn và giúp ích nhiều hơn cho sức khỏe cộng đồng. Từ đó, công ty quyết định sử dụng i-ốt để bổ sung vào các sản phẩm của mình. Sản phẩm hạt nêm 3 Miền bổ sung i-ốt đã giúp ích rất nhiều cho sức khỏe cộng đồng, đã được Sở Khoa học TPHCM chứng nhận.

UNIBEN nhận giải “Doanh nghiệp Trách nhiệm châu Á” 2018

Như các bạn đã biết, bên cạnh việc lựa chọn và sử dụng các thực phẩm có hàm lượng i-ốt cao, thì i-ốt chỉ có thể được đưa vào cơ thể thông qua các thức ăn chế biến mà có nêm nếm muối i-ốt. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, thói quen nêm nếm thay đổi, người phụ nữ hiện đại không còn thói quen dùng muối trong việc nấu ăn nữa. Và vì thế gia đình thiếu hụt i-ốt mà người phụ nữ không hề biết. Cách đây hơn 10 năm, chúng ta có chương trình quốc gia phòng chống thiếu hụt i-ốt. Thông qua chương trình này, chúng ta có nhiều hoạt động tuyên truyền, phát tặng và trợ giá cho sản phẩm muối i-ốt. Tuy nhiên, khoảng năm 2017, Viện dinh dưỡng Quốc gia, kết hợp với Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM thực hiện khảo sát ở các hộ dân ở tại TPHCM, kết quả cho thấy tình trạng thiếu i-ốt tại TPHCM đang trở lại.

Do đó, UNIBEN đẩy mạnh truyền thông để người dân biết được tình trạng thiếu hụt i-ốt có xu hướng trầm trọng trở lại. Ngoài ra, tôi nghĩ cũng cần có những hoạt động phổ biến các sản phẩm, cách chế biến thức ăn hợp lí có thể giúp chúng ta bổ sung được việc thiếu hụt này.

Nhờ cải tiến sản phẩm hạt nêm i-ốt, giúp ích cho cộng đồng, công ty đã đạt được giải thưởng CSR cấp khu vực: Doanh nghiệp Trách nhiệm châu Á. Giải thưởng này là một trong những ghi nhận đóng góp tích cực của doanh nghiệp hướng đến cộng đồng.

* Ở bậc thứ 3, UNIBEN đã có những hoạt động CSR nào để đảm bảo cơ sở và quy trình sản xuất không ảnh hưởng đến môi trường?

Kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn hộ nông dân thực hiện trồng rau ngò ôm theo mô hình VietGAP.

Bên cạnh đó, hoạt động của doanh nghiệp sản xuất không thể tránh khỏi những tác động tới môi trường. Trong đó, hai vấn đề môi trường được quan tâm nhất tại các nhà máy là nước thải và khí thải. Với nhà máy đạt tiêu chuẩn châu Âu, UNIBEN đảm bảo các vấn đề về nước thải và khí thải đều được xử lí theo tiêu chuẩn. Ngoài ra, hằng năm, doanh nghiệp cũng có tổ chức những buổi đánh giá với sự tham gia của các chuyên gia để cập nhật và cải tiến chất lượng máy móc tại nhà máy.

* Ngoài ra, UNIBEN đã có những hoạt động CSR hướng tới sự hợp tác với các đối tác như thế nào?

UNIBEN đã hướng dẫn và giám sát người dân ở các tỉnh Miền Tây sản xuất rau sạch an toàn và ký hợp đồng thu mua dài hạn, hỗ trợ đầu ra ổn định.

Các loại rau làm gia vị là một trong những nguyên liệu quan trọng để làm ra những gói Mì 3 Miền của UNIBEN. Nhằm đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm, các nguyên liệu đầu vào, kể cả những loại rau làm gia vị luôn được công ty kiểm tra, kiểm soát chất lượng một cách nghiêm ngặt trước khi đưa vào sản xuất. Để chủ động hơn trong việc đảm bảo chất lượng nguyên liệu, đồng thời, góp phần giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho nông dân, công ty đang xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình sản xuất rau sạch an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Chương trình đã được thực hiện thí điểm với các hộ nông dân trồng ngò ôm tại Đồng Tháp, Vĩnh Long, trồng ớt tại TP HCM. Dự kiến, chương trình sẽ tiếp tục mở rộng với các hộ trồng ớt khác ở Tiền Giang, Tây Ninh; trồng hành tại Hà Nội, Hải Dương; riềng Hà Giang, Lào Cai, Sóc Trăng, Long An; và nấm ở Đồng Nai, Vũng Tàu...

* Và ở bậc cuối cùng công ty đã có những hoạt động truyền thông nào đến cộng đồng?

Sinh viên thăm quan dây chuyền sản xuất mì ăn liền của công ty UNIBEN.

Và cuối cùng là việc truyền thông giá trị chung của doanh nghiệp với người lao động và cộng đồng. Đây chính là giá trị cốt lõi (core values) của doanh nghiệp, là kim chỉ nam để công nhân viên cùng chia sẻ chung những giá trị nền tảng mà mình tin tưởng. Tôi nhớ nhiều đến giá trị cốt lõi có tên là: Chính Trực. Chúng ta sẽ có nhiều định nghĩa khác nhau tùy theo góc nhìn của từng doanh nghiệp. Tại UNIBEN, Chính trực giúp chúng tôi ngày càng gắn kết. Chúng tôi luôn thực hiện và khuyến khích mọi thành viên cởi mở và chân thành nói lên rõ ràng quan điểm của mình, theo cách phù hợp nhất, mang lại hiệu quả cao nhất cho công việc và mục đích chung. Chúng tôi chỉ làm những gì chúng tôi tin là đúng đắn, hành động ngay mỗi khi có vấn đề phát sinh. Và trở thành một thành viên đáng tin cậy của tổ chức và những giá trị mà chúng tôi cùng nhau tin tưởng đã giúp chúng tôi cùng nhau gắn kết. Điều này không chỉ được áp dụng trong công việc của tôi tại UNIBEN mà còn góp phần hình thành nên tính cách của mình.

Còn với cộng đồng, công ty cũng có những hoạt động truyền thông rộng rãi để cộng đồng hiểu rõ quy trình hoạt động, quan điểm về vệ sinh an toàn thực phẩm của doanh nghiệp, quan điểm về trách nhiệm xã hội… Chúng tôi kết hợp với các trường đại học, tổ chức các buổi tham quan nhà máy cũng như các hoạt động kiến tập dành cho sinh viên để các bạn có cơ hội học hỏi và có thể định hướng công việc của mình sau này. Tôi cho rằng các hoạt động như vậy tác động rất nhiều vào quan điểm của một người trẻ chuẩn bị ra trường.

* Vậy, theo chị các doanh nghiệp cần lưu ý gì khi làm CSR?

Hiện nay các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn đã dùng CSR như một nền tảng để truyền thông hình ảnh doanh nghiệp của mình. Như các bạn đã biết thì chúng ta có ba loại hình thương hiệu: thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm và thương hiệu nhà tuyển dụng. Do đó, CSR là một nền tảng rất hữu ích để đóng góp vào việc xây dựng uy tín của thương hiệu doanh nghiệp. Tôi cho rằng các doanh nghiệp thực hiện CSR, ngoài việc giúp ích cho chiến lược kinh doanh như tôi đã chia sẻ ở phần đầu, mà còn vì CSR là một công cụ hữu ích để truyền thông giá trị của doanh nghiệp và những giá trị doanh nghiệp mang đến cho cộng đồng.

Như vậy, CSR không chỉ là một nền tảng có thể giúp xây dựng và tăng cường hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp mà còn là nền tảng để truyền đạt những giá trị mà doanh nghiệp tin tưởng.

* Xin cảm ơn chị.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Diệu Uyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam