Marketer Đặng Đăng Trường
Đặng Đăng Trường

Marketing Supervisor @ YouNet Group

Bản đồ thương mại điện tử quý 1/2019: Dấu ấn công ty nội địa

Ngành thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng phát triển cực kỳ to lớn. Đi kèm theo đó là một cuộc cạnh tranh không khoan nhượng.

Trước khả năng tài chính mạnh mẽ của những tập đoàn đa quốc gia như Shopee và Lazada, đã có ít nhiều lo ngại cho các sàn thương mại điện tử nội địa. Tuy nhiên, các số liệu mới nhất từ Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam(1) của iPrice Group lại cho thấy các doanh nghiệp TMĐT nội hoàn toàn có lý do để tự tin.

Thị trường khốc liệt

Sau khi Thegiodidong đóng cửa sàn thương mại điện tử Vuivui hồi tháng 12, tưởng như thị trường sẽ có một quý mới yên ả nhưng đến tháng 3, Robins.vn (tiền thân là Zalora Vietnam) cũng bất ngờ “dứt áo ra đi”.

Thông báo tạm dừng hoạt động trên website của Robins.vn.

So với Vuivui trước đó thì quyết định này của Robins.vn gây nhiều xôn xao hơn. Lý do là vì đến tận thời điểm quý 4 năm 2018, Robins.vn vẫn đang cho thấy kết quả tương đối tốt. Nếu chỉ tính riêng trong ngành hàng thời trang thì Robins chính là sàn có lượng truy cập web trung bình hàng tháng cao nhất (theo Bản đồ TMĐT Việt Nam) và công ty này còn cho thấy sự tăng trưởng về traffic trong hai quý liên tiếp. Thế nhưng từng đó là vẫn không đủ để thuyết phục các nhà đầu tư tiếp tục đốt tiền cùng trang web này.

Kết cục này của Robins.vn càng nhấn mạnh sự khốc liệt và khó đoán của TMĐT Việt Nam. Trước đó, thị trường cũng chứng kiến sự ra đi của những Beyeu.com, Deca.vn, Lingo.vn... Trên trang web của mình, Beyeu.com còn ngậm ngùi để lại lời nhắn: "Kinh doanh thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Nhiều doanh nghiệp sẽ quyết định ngưng đốt tiền. Chúc may mắn cho những ai còn đang cố gắng".

Tăng trưởng tích cực

Bỏ qua những tin không vui, quý 1 năm nay tiếp tục đánh dấu những dấu hiệu tích cực cho các doanh nghiệp TMĐT nội địa, đặc biệt đáng chú ý là Tiki, Sendo và Adayroi.

Số liệu từ iPrice cho thấy mặc dù quý 1 có bao gồm thời gian Tết Âm Lịch – vốn là thấp điểm cho các trang TMĐT – nhưng cả ba sàn này đều giữ vững được số lượng truy cập từ quý trước. Kết quả này cũng đánh dấu sự tăng trưởng đều đặn cho cả ba tính trong vòng 4 quý gần nhất.

Số liệu cho thấy lượng truy cập của Tiki, Sendo và Adayroi tăng nhanh từ Q2/2018 đến nay. Nguồn: iPrice.

Tăng trưởng mạnh nhất chính là Tiki. Giống với quý trước, sàn thương mại điện tử này tiếp tục đạt mức truy cập web trung bình trên 35 triệu – xếp vị trí thứ hai toàn quốc, suýt soát vượt trên đối thủ lớn Lazada Việt Nam và không cách quá xa Shopee. Tiki cũng đồng thời đạt mức tăng trưởng về lượng truy cập lên đến 23% bình quân mỗi quý tính từ quý 2 năm 2018 đến nay.

Những dấu hiệu này đã chứng tỏ cho quyết tâm cao cộng với hướng đi đúng đắn của Tiki trong các năm gần đây, đánh dấu từ lúc họ nhận đầu tư từ tập đoàn JD vào đầu năm 2018.

Bên cạnh Tiki, hai công ty nội địa khác là Sendo và Adayroi cũng đang dần thể hiện được tiềm năng phát triển của mình. Theo số liệu của iPrice thì trung bình trong 4 quý gần nhất, cả hai công ty đều đạt mức tăng trưởng xấp xỉ 16% / quý về lượng truy cập web.

Không dừng lại ở số lượt truy cập, trong bài trả lời phỏng vấn với tờ Tech in Asia(2) mới đây, CEO Trần Hải Linh của Sendo đã tự tin dự đoán rằng công ty này sẽ vượt mức 1 tỷ USD tổng giá trị giao dịch (GMV) sớm hơn nhiều so với mục tiêu 2020.

Cơ hội mở cho doanh nghiệp nội

Ông Trần Hải Linh, trong bài viết của Tech in Asia, cũng đưa ra nhận định rằng 2019 sẽ là một năm bản lề cho thị trường TMĐT Việt Nam và các công ty nội địa sẽ có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng hơn với các đối thủ trong khu vực.

Các con số từ nghiên cứu của iPrice(3) cũng ủng hộ dự đoán này. Cụ thể, trong năm 2018, Sendo, cùng với Tiki và Thegioididong đã lọt vào top 10 sàn thương mại điện tử có lượt truy cập web trung bình cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Tiki, Sendo và Thegioididong góp mặt trong top 10 sàn TMĐT có lượng truy cập cao nhất Đông Nam Á năm 2018. Nguồn: iPrice.

Kết quả xếp hạng này một mặt cho thấy nhu cầu mua sắm online khổng lồ của người tiêu dùng Việt Nam, mặt khác cho thấy các doanh nghiệp nội địa hoàn toàn có khả năng “sống khỏe” trước sự cạnh tranh của các đối thủ quốc tế.

Giải thích thêm về cơ hội của các công ty TMĐT nội, ông Jeremy Chew - chuyên viên về thị trường Đông Nam Á của iPrice, cho biết do đặc thù của ngành, các sàn TMĐT luôn phải hiểu rõ nhu cầu và thói quen mua sắm của người tiêu dùng ở từng quốc gia và đó chính là một lợi thế của các sàn nội địa như Tiki và Sendo.

Minh chứng cho điều này có thể thấy ở sự thành công của các chương trình quảng cáo Tết của hai công ty này. Chiến dịch Chợ Tết của Sendo được công ty nghiên cứu thị trường Buzzmetric xếp vào top 10 chiến dịch mạng xã hội nổi bật nhất tháng 1/2019. Trong khi đó, theo số liệu từ Google(4), chiến dịch video Tết 2019 của Tiki cũng được cộng đồng mạng đón nhận tích cực, thu về hơn 16 triệu lượt view.

Với thế mạnh này, theo kết luận của iPrice, một khi các công ty Việt Nam tiếp cận được các nguồn tài chính tốt thì họ sẽ hoàn toàn có khả năng chiến thắng trong cuộc chiến thương mại điện tử đầy khốc liệt.

Nhấp chuột vào ảnh để xem kích thước lớn. Nguồn: iPrice.

iPrice là công cụ tìm kiếm sản phẩm và so sánh giá, hiện đã có tại Vietnam và sáu quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á (Malaysia, Singapore, Indonesia, Thailand, Philippines, Hong Kong). iPrice thường xuyên cho ra đời các báo cáo và phân tích về chủ đề công nghệ, startups và thương mại điện tử.

Mọi nhu cầu cộng tác về nghiên cứu và truyền thông xin liên hệ:
Đặng Đăng Trường - Content Marketing Executive
Email:
[email protected]

*Nguồn: iPrice Group

*Chú thích:
(1)
https://iprice.vn/insights/mapofecommerce
(2) https://www.techinasia.com/fastgrowing-vietnamese-ecommerce-site-preparing-leap-education
(3) https://iprice.vn/xu-huong/insights/bao-cao-tong-ket-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-nam-2018
(4) https://www.thinkwithgoogle.com/intl/en-apac/ad-channel/video/vietnams-tiki-wins-last-minute-tết-shoppers-delivering-convenience