Khám phá Gen Z - tương lai của nền tiếp thị toàn cầu

Là những bạn trẻ được sinh từ năm 1996 trở về sau, thế hệ Z tại Việt Nam hiện chiếm tỉ lệ 1/7 tổng dân số, tương đương với hơn 14,4 triệu người, theo Báo cáo Genzilla Vietnam - tháng 9/2015 của Decision Lab(1).

Mỗi cá nhân thuộc thế hệ Z trung bình có thể chi tiêu khoảng 2,4 triệu đồng mỗi tháng, nguồn thu nhập chủ yếu đến từ sự trợ cấp của phụ huynh và việc làm thêm. Hầu hết những người thuộc thế hệ Z đều còn quá trẻ để có thể có thu nhập riêng cho bản thân. Nhưng họ lại có quyền lực đáng nể đối với thị trường tiêu dùng - khi chỉ riêng chi tiêu cho khoản ăn uống thôi, Gen Z đã tạo ra một con số thực sự ấn tượng - 13.000 tỉ đồng(2). Đây cũng là lý do mà thế hệ Z được nhận định sẽ dẫn dắt và là tương lai của nền kinh tế toàn cầu, khi họ thực sự bắt đầu tham gia vào thị trường lao động và tiêu tiền nhiều hơn.

Cùng GAM7 khám phá sâu hơn về thế hệ mới đầy tiềm năng này, để thấu hiểu sâu sắc những đặc trưng riêng biệt của Gen Z, từ đó hình dung ra những thay đổi mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu tác động bởi thế hệ Z, chỉ trong vòng 5 năm tới!

Khám phá sâu hơn về Gen Z, để thấu hiểu sâu sắc những đặc trưng riêng biệt của thế hệ mới đầy tiềm năng này.

Smart phone và internet là lẽ sống

Gen Z - những kẻ sinh ra và lớn lên trong môi trường đầy những thiết bị số, màn hình cảm ứng, kết nối không dây. Gen Z thực sự yêu thích việc online, nói chuyện với bạn bè từ phía sau màn hình thay vì gặp mặt trực tiếp.

Đối với thế hệ Z, mạng xã hội không chỉ là không gian để kết nối với thế giới mà còn là phương tiện để thể hiện chính bản thân họ - một cái “tôi” rất riêng. Với Gen Z, “luôn là chính mình” là điều quan trọng nhất. Xét về bản năng, thế hệ Z rất thoải mái nêu ra quan điểm cá nhân, nhất là trên mạng xã hội.

Những dòng status trên Facebook, những cuộc gọi Facetime hay những bức ảnh hàng nghìn like trên Instagram gần như trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của thế hệ Z.

Smart phone chính là cánh cửa để Gen Z bước ra thế giới, và cũng là cánh cửa để chúng ta bước vào thế giới của họ.

Thế hệ tạo trend thay vì bắt trend

Các nhà nghiên cứu đã nhận xét rằng Thế hệ Z thích thể hiện phong cách của riêng mình hơn là bắt chước bất kỳ một kiểu cách nào; rằng Thế hệ này có một tuyên ngôn mạnh mẽ là "you do you" (bạn tự làm/ tự tạo cho mình).

Họ thích là những người tạo ra xu hướng, chứ không thích chạy theo xu hướng mới. Họ buộc thế giới phải chú ý đến họ, phải quan tâm đến những gì họ thích, chứ không phải là họ chạy theo bất kỳ ai.

Với thế hệ Z, họ sẽ không làm những gì thế-hệ-khác-muốn, mà họ sẽ làm những gì họ-cho-là-đúng.

Thực tế và thích kiềm tiền

Nếu như thế hệ Y quan tâm nhiều hơn đến giá cả, đến những đợt giảm giá - phần nào vì họ lớn lên trong thời kỳ suy thoái kinh tế - thì thế hệ Z lại chứng minh mình thực tế hơn nhiều ở chỗ họ đề cao và tìm cách tiết kiệm thời gian nhiều hơn.

Để làm được điều này Gen Z phải dẹp bớt những việc gây mất thời gian, để ưu tiên, chú tâm vào những việc xứng đáng hơn. Bên cạnh đó, họ dành nhiều thời gian hơn cho việc tìm cách kiếm tiền từ sớm, chủ yếu bằng những cách cũng liên quan đến Internet như kinh doanh online, lập trình game, review sản phẩm bằng video… - một đặc điểm vốn đã được dự đoán do họ thích tự lập và thích môi trường làm việc độc lập (hơn là làm việc theo nhóm).

Làm việc là phải vui

Riêng với thế hệ Z, VUI là yếu tố tối cần thiết trong môi trường làm việc. Vậy nên, với các công ty có lịch sử lâu đời hay những công ty có kỷ luật hà khắc, việc ứng xử với thế hệ Z thực sự là một bài toán khó.

Trong cuộc khảo sát "High School Careers" (thực hiện năm 2014) của Millennial Branding and Internships.com(3), có đến 72% bạn trẻ thuộc thế hệ Z đang học trung học khẳng định họ muốn mở một công ty cho riêng mình. 47% bạn trẻ thuộc thế hệ Z cho rằng môi trường làm việc vui vẻ và sự linh hoạt là hai yếu tố hàng đầu cho một công việc. Thế hệ Z có thể sẽ rời bỏ công ty nếu không có sự kết nối tốt với sếp và đồng nghiệp, môi trường làm việc không thân thiện, thấy mình không được đánh giá đúng mức, không được tôn trọng, hoặc bị giới hạn sự phát triển nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, yếu tố “linh hoạt trong cuộc sống” cũng là lí do khiến xu hướng thường xuyên nhảy việc và làn sóng làm việc không full time của gen Z càng trở nên mạnh mẽ. Đây sẽ là đỉnh cao của làn sóng nhân sự outsource đang diễn ra và sẽ phát triển trong thời gian tới.

Thế hệ đa - đa - nhiệm

Dù bị nhận xét là có khả năng tập trung kém hơn, tuy nhiên, Gen Z lại sở hữu khả năng xử lí nhiều thông tin cùng lúc nhanh hơn các thế hệ trước rất nhiều. Lớn lên cùng sự hỗ trợ từ các thiết bị điện tử thông minh, cùng sự linh hoạt trong suy nghĩ, bộ não của thế hệ Z đã quen với việc xử lý đồng thời các thông tin đến từ nhiều nguồn khác nhau.

Những bạn trẻ này có thể vừa tạo một văn bản trên máy laptop, vừa nghiên cứu thông tin trên máy tính bảng, vừa ghi chú vào một ứng dụng. Thậm chí, Gen Z có thể làm những việc này trong khi ngồi trước màn hình TV và vẫn đang nói chuyện FaceTime với bạn bè.

Toàn cầu hơn, nhưng thích riêng tư hơn

Nếu như thế hệ Y được coi là thế hệ "toàn cầu" đầu tiên với sự phát triển của mạng Internet, thì khi thế giới chuyển sang online ngày càng nhiều, thế hệ Z sẽ trở nên toàn cầu trong cả tư duy và tương tác.

Khám phá thông tin giúp thế hệ Z có cơ hội tiếp xúc với những luồng tư tưởng tiến bộ, đã hỗ trợ thế hệ Z thành những người suy nghĩ toàn cầu. Họ nhận thức được các vấn đề xã hội và tự học mọi thứ nhờ Internet.

Nghe những điều này, bạn có thể cảm thấy Thế hệ Z khá giống với Thế hệ Y. Nhưng có một điểm khác biệt lớn, đó là quan điểm của hai thế hệ này về con người online của mình, bắt đầu từ tính riêng tư.

Thế hệ Y có đặc trưng là thích đăng tải những bức ảnh selfie trên Facebook, trong khi đó, Thế hệ Z thích những mạng xã hội sinh sau - những nền tảng không đòi hỏi quá nhiều thông tin cá nhân hoặc kiểm soát quyền riêng tư của nội dung tốt hơn.

Gen Z thậm chí cho rằng Thế hệ Y đã "sai lầm" khi đăng quá nhiều thông tin và hình ảnh cá nhân lên mạng. Lớn lên trong thời đại kỹ thuật số, họ hiểu rằng thông tin tồn tại trên mạng có thể tạo ra những tác động tiêu cực tới thương hiệu cá nhân của họ ra sao.

Tạo ra ảnh hưởng tích cực lên thế giới

Nói cách khác, thế hệ Z muốn tự trưởng thành và tạo sức ảnh hưởng theo cách riêng của họ. Kết quả từ nhiều cuộc khảo sát cho thấy, ba giá trị chủ yếu làm nên tính cách của thế hệ Z chính là: trung thành, thành thực và chân thành.

Từ đó, “công bằng xã hội”, “giá trị nhân văn” và “quyền con người” dần trở thành những mục tiêu mà thế hệ Z dùng tất cả sức trẻ của mình để theo đuổi. Họ sẵn sàng bị thu hút và lựa chọn các công việc liên quan tới vô vàn vấn đề của xã hội như hoạt động từ thiện, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn hay các hoạt động bảo vệ môi trường, lợi ích cộng đồng xã hội,…

Việc nhận thức rõ tầm quan trọng của sự kết nối giữa con người với con người cũng khiến định nghĩa về hạnh phúc, sung túc và thành công của Gen Z vì thế mà khác đi ít nhiều so với các thế hệ trước đó… Thế hệ Z được kì vọng sẽ đạt những thành công lớn trong các lĩnh vực kinh doanh và sáng tạo, phát minh.

Chinh phục thế hệ z?

Thế hệ Z là một thế hệ nhiều khác biệt, họ sẽ tạo nên nhiều thay đổi lớn, đồng thời họ cũng cần có sự thấu hiểu của những thế hệ trước, đặc biệt là các thương hiệu, khi mà chỉ 2 năm nữa thôi, vào năm 2020 họ được dự đoán sẽ dẫn dắt tương lai của ngành tiếp thị với lực lượng người tiêu dùng lên đến 2,6 tỉ người, theo báo cáo năm 2016 của Fung Global Retail & Technology(4).

Bạn đã sẵn sàng cùng GAM7 thấu hiểu và chinh phục thế hệ khách hàng mới này?

Đón đọc ấn phẩm sắp sửa ra mắt:

GAM7 No.10 New Generaztion Y&Z - Thấu hiểu & chinh phục thế hệ khách hàng mới
Dự kiến ra mắt 03/08/2018!

Ngay từ bây giờ, bạn có thể ĐẶT TRỌN BỘ 4 CUỐN GAM7 2018 bao gồm No8, No9, No10, No11 để nhận ưu đãi 7̶̶8̶̶0̶̶.̶̶0̶̶0̶̶0̶̶đ-> 580.000đ cho cả năm: http://book.rio.vn/products/goi-quyen-loi-vip-member-gam7-2018.

*Nguồn:
(1)(2):
Decision Lab
(3): Millennial Branding
(4): FbicGroup