Bphone: 10000000+10000=?

10000000+10000=100010000

Con người nhỏ bé nhưng vẫn thích làm những phép tính với con số khổng lồ. Hôm nay mình cũng thử cân đo một thứ to tát: Bphone.

Liệu BKAV sẽ thành công với Bphone? Mình nghĩ còn lâu lắm.

Câu chuyện Bphone hiện đang khiến cho báo chí tốn không ít giấy mực. Nhiều các khía cạnh được khai thác: cách truyền thông của anh Quảng nổ, tinh thần dân tộc, iPhone và ngay cả vị CEO quá cố huyền thoại Steve Jobs cũng bị các thần tượng “gọi hồn” liên tục.

Thế nên hôm nay, mình muốn nhắc đến một khía cạnh khác: Chiến lược.

Phân khúc cao cấp có phải là lựa chọn tốt?

Một công nghệ, theo như Clayton Christensen viết trong cuốn "Dilemma of innovation”, đều trải qua bốn giai đoạn: cạnh tranh về tính năng, cạnh tranh về độ tin cậy, cạnh tranh về sự tiện lợi, cuối cùng là cạnh tranh về giá. Với sự xuất hiện của những chiếc điện thoại cấu hình khủng giá rẻ của Xiaomi, thị trường đã bước về phía cạnh tranh giá. Điều đó có nghĩa là phân khúc cao cấp đã bão hòa, có nghĩa là tính năng, độ tin cậy của sản phẩm đã không còn lợi thế cạnh tranh, có nghĩa là bất kỳ hãng điện thoại nào muốn nhảy vào thị trường, giá phải là yếu tố đầu tiên mà họ nghĩ tới.

BKAV không nghĩ vậy.

Họ nghĩ sản phẩm của họ là số 1, nó xứng đáng là số 1 sau gần 5 năm thai nghén và làm việc không mệt mỏi của đội ngũ phát triển. Họ nghĩ sản phẩm của mình xứng đáng có chỗ trong thị trường cao cấp. Họ phất lá cờ ghi dòng chữ "made in Vietnam" đi chinh phạt thị trường đó.

Nhưng thị trường cao cấp không phải là thị trường cho tinh thần dân tộc. Các quý ông quý bà cần nhiều hơn là một vài chức năng mà bản thân họ chẳng hiểu để làm gì. Họ cần sự ổn định, đơn giản, tiện dụng, thiết kết hoàn hảo, thương hiệu đủ sức nặng trên trường quốc tế, những thứ đều hội tụ ở iPhone. Dù BKAV có cố gắng, nhưng “Made in Vietnam” đã mang trên mình hình ảnh của sản phẩm chất lượng bình dân từ lâu, không phải ngày một ngày hai mà phai dần. Cần nhiều BKAV của VN nữa để cải thiện cụm từ này, như Sony, Toyota...năm nào nâng tầm “Made in Japan”. Nhưng đó là chuyện tương lai chẳng gần chút nào và BKAV sẽ còn lâu nữa mới được hưởng lợi từ “Made in Vietnam” trên phân khúc cao cấp.

Giá 10 triệu có thể phù hợp hơn cho phân khúc bình dân?

10 triệu là số tiền đủ để mua một chiếc iphone 5S còn mới, 2 chiếc iphone 5 với kiểu dáng vẫn còn tinh tế. Đó là mức giá có thể làm nản lòng những người bình dân ủng hộ hàng Việt Nam nhiệt thành nhất.

Theo nghiên cứu của Nielsen, người Việt Nam thuộc top tiết kiệm nhất thế giới, và chỉ chịu chi cho những dịp lễ, dịp đặc biệt khi mà họ muốn tưởng thưởng cho mình sau những ngày tháng lao động vất vả. Với 11 triệu trong tay, bạn muốn thưởng cho mình một chiếc Bphone đời đầu hay một chiếc iPhone thế hệ thứ 5 + một chuyến du lịch Sapa 2 ngày với gia đình.

Nếu Bphone không chỉ để BKAV bán điện thoại, nó được dùng để làm gì?

Giới thiệu hệ sinh thái?

Người ta đang đồn đoán về một hệ sinh thái xung quanh chiếc Bphone. Bản thân BKAV cũng khẳng định, tương lai của điện thoại thông minh là phần mềm, không phải phần cứng. Họ tự tin cho biết BKAV có nhiều kinh nghiệm trong thiết kế phần mềm và khẳng định BKAV sẽ thành công.

Trong sự kiện ra mắt Bphone, họ tiện tay giới thiệu trang thương mại điện tử của riêng họ: vala.vn. Việc làm này tương tự như Xiaomi bán sản phẩm của họ trên gian hàng mi.com.

Có một điều khác biệt: Xiaomi chỉ bán sản phẩm công nghệ của họ, trong khi BKAV tham lam bán tất cả: nồi cơm, dầu ăn,...đúng như slogan của trang “có mọi thứ”.

Nhưng hãy tưởng tượng Vatgia đã ra đời từ năm 2006, mới ba bốn năm trước còn không có đối thủ trong thương mại điện tử VN, vậy mà giờ đây chiếm không nổi 5% thị trường trong nước. Nó cho thấy sự phức tạp, khốc liệt và rủi ro của thị trường này. BKAV chân ướt chân ráo vào, thực sự thì họ trông đợi gì ở vala.vn? Nếu là 1% thị trường thương mại điện tử thì có thể họ sẽ thất vọng.

Có thể bạn sẽ thắc mắc, Bphone sẽ là đòn bẩy để vala.vn đi lên. Vậy sao bạn không nghĩ ngược lại: vala.vn sẽ gây rắc rối cho Bphone bởi dịch vụ chưa hoàn thiện, bởi những rắc rối trời ơi từ bán nồi cơm điện kém chất lượng, thanh toán sai, chai dầu hết hạn,...mà vala mang lại.

Hệ sinh thái mà BKAV xây dựng có thể sẽ khiến nhiều người giật mình và hi vọng. Nhưng nếu BKAV không chắt lọc, tinh giản các thành phần trong hệ sinh thái đó cho phù hợp, mà ôm đồm mọi thứ: thanh toán trực tuyến, TTO,...thì có thể họ sẽ phải trả giá. Thứ nhất là phản ứng từ đủ các loại đối thủ cạnh tranh. Thứ hai là kinh nghiệm và khả năng quản lý chưa cho phép họ làm những thứ đó. Thứ ba là khả năng sụp đổ dây chuyền nếu các thành phần trong hệ sinh thái đó chồng chéo lên nhau.

Chiến lược truyền thông thành công?

Mình đồng ý là sự kiện ra mắt Bphone đã gây chú ý ngoài sức tưởng tượng. Nhưng liệu nó là một chiến lược truyền thông thành công. Mình nghĩ một chiến lược thành công cần hai yếu tố: sức lan rộng của nó và chất lượng sản phẩm. Các nhà marketer thường nói, cách nhanh nhất để giết chết một sản phẩm tồi là quảng cáo nó thật mạnh. Dù BKAV có được một vụ nổ bom kinh thiên động địa, mà hai năm sau Bphone bị trưng trong bảo tàng công nghệ VN, thì rõ là truyền thông đã thất bại rồi.

Vẫn còn quá sớm để nói Bphone thành công với truyền thông của mình.

haminh8