Nghề PR: Làm đẹp cho đời nhưng lại mang tiếng xấu

Là nghề nghiệp khó, đòi hỏi các chuyên gia phải học tập không ngừng nghỉ trong suốt cuộc đời để chắt chiu chắt lọc từ thực tế những thông tin tốt và có ích cho các nhóm đối tượng, rồi phân phối chúng rộng rãi để lan tỏa tiếng thơm, tích lũy niềm tin và hy vọng. Trong suốt nhiều thập kỷ, mặc dù là một trong những nghề “làm đẹp cho đời”, ngành công nghiệp PR đã vẫn luôn bị mang một hình ảnh xấu, thậm chí là xấu trong công chúng của chính mình.

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, sự phát triển của các doanh nghiệp lớn, sự phát triển của thị trường dẫn đến sự phát triển tất yếu của PR nói riêng và các hoạt động quảng bá nói chung. Và cũng giống như ở trên thế giới, hiểu biết về PR còn rất mơ hồ và bị hiểu thành tiêu cực khi mà trong xã hội rộng lớn hơn 90 triệu người, chỉ có một phần rất nhỏ đã đang hoạt động trong lĩnh vực truyền thông. Chưa kể trong số ít ỏi đó không phải ai cũng đã có cơ hội để được học hỏi, làm việc trong một môi trường PR chuyên nghiệp để thực sự hiểu về chúng một cách khoa học, thấu đáo và rành rọt.

Nếu như cách đây chỉ khoảng một thập kỷ thôi, khi mà internet cùng mạng xã hội chưa trở nên phổ biến, thì khái niệm PR chỉ có trong giới doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, công chúng mass quen hơn với khái niệm “Marketing” hay “Tiếp thị” “Quảng cáo”. Thì giờ đây, không khó để đọc được những dòng bình luận như “Ô lại chiêu trò PR đánh bóng tên tuổi” dưới các bài đăng của các ngôi sao trong giới showbiz hay như cũng dễ dàng nghe được một ai đó phát biểu rất dõng dạc trong các cuộc họp chiến lược kinh doanh tại các công ty vừa và nhỏ rằng “Công ty chúng ta làm ăn nghiêm túc tử tế, không cần đến các trò PR xàm xí làm gì!”

Không thể phủ nhận, mặc dù nhận thức về PR trong các doanh nghiệp đã tốt lên nhiều; việc tổ chức các phòng ban phụ trách PR trong nội bộ doanh nghiệp, ngay cả các dịch vụ thuê ngoài PR đã tiến tới tiệm cận với các mô hình chuyên nghiệp trên thế giới và công lao của PR đối với sự phát triển xã hội đã được ghi nhận trong giới chuyên môn; thì sự hiểu biết thực sự về nghề PR trong công chúng đại chúng còn khá hạn hẹp, hơn thế lại còn méo mó.

Không chỉ ở Việt Nam công chúng mới hiểu sai về PR. Ở Mỹ cũng vậy…

Theo báo cáo của O’Dwyer, các kết quả nghiên cứu của trường Texas Tech’s College of Media and Communication liên quan đến hình ảnh của chính nghề PR trong công chúng đưa đến một vài tin vui cũng như tin chưa vui lắm.

Ở khía cạnh tích cực, so với một thập kỷ trước, hầu hết min người đều đã sâu sắc hơn trong nhìn nhận và đánh giá về PR. Họ cho rằng những người làm PR thì thông minh và nhanh nhạy trong tiếp cận thông tin. Mặt khác, họ lại tin rằng những người làm PR thường phải nói dối, nói sai sự thật hoặc loanh quanh không rõ ràng.

Trong một cuộc khảo sát của trường này vào năm 2012, người tham gia khảo sát được yêu cầu kể ra 3 từ khóa ngay lập tức hiện ra trong đầu họ khi muốn mô tả về nghề PR; kết quả ghi được sau đó được mã hóa và so sánh với các kết quả trong một cuộc khảo sát tương tự đã được thực hiện năm 2003. Ở thời điểm năm 2003, những từ phổ biến nhất liên quan đến các chuyên gia PR là “outgoing”, “friendly”. Còn trong cuộc khảo sát năm 2012, những từ khóa thu về lại khá tiêu cực như “liar” hay “spin doctor”.

Well, tất nhiên thì đó chỉ là kết quả của một cuộc nghiên cứu và có thể kết quả này không phản ánh được quan điểm của toàn bộ số đông. Nhưng nhìn nhận ở một mặt nào đó nó cũng rất đáng lưu ý.

Có nhất thiết phải quan tâm đến những gì công chúng đại chúng nghĩ về PR không?

Một số người có thể đặt câu hỏi rằng “Quan tâm đến việc đại chúng nghĩ gì về PR có thực sự cần thiết không?”. Bởi vì thực tế các PR Agency và các chuyên gia truyền thông chuyên nghiệp thì vẫn sẽ luôn được thuê bởi các clients (khách hàng) là những người mà hiểu biết rõ về công việc PR, sự nỗ lực vất vả của người làm PR cũng như tin tưởng vào đạo đức nghề nghiệp của những người làm PR.

Ý là có thể chỉ cần quan tâm đến những người biết mình, hiểu mình và trân trọng mình thôi được không? Chứ bao đồng sao được cả thiên hạ lắm ý kiến trái chiều? Bởi ý kiến của công chúng số đông bị ảnh hưởng bởi các chân dung vẽ trên mặt báo, và trong một số ngành chuyên biệt như PR, việc công chúng nhìn vào một số cá nhân như hình mẫu điển hình mà đánh giá cả một nghề nghiệp là không thể tránh khỏi. Thêm vào đó, nhiều ngành công nghiệp thì vẫn cứ kiên trì hoạt động mặc cho những tiêu cực và những quan điểm cổ hủ bủa vây (như nghề luật sư, kinh doanh…).

Xây dựng nhận thức cho công chúng về nghề PR là đầu tư cho tương lai

Bỏ qua nhận thức của công chúng về PR thời điểm này có nghĩa là chúng ta, những người làm PR, đã bỏ qua mất cơ hội tạo ảnh hưởng tốt với những người lãnh đạo trong tương lai, hay nói cách khác chính là chúng ta đã thiếu quan tâm đến những người khách hàng tiềm năng trong tương lai của chính mình.

Kể cả trong hoàn cảnh có thêm nhiều các nghiên cứu, thật khó để có thể thực sự đong đếm xem liệu có bao nhiêu trong số những cử nhân, thạc sĩ, những nhân sự văn minh của thế giới nghề nghiệp hiện đại ngoài kia được trang bị hoặc tự mình chủ động trang bị cho mình kiến thức, hiểu biết về PR? Liệu bao nhiêu trong số họ, những người mà sau này khi thực sự bước vào con đường sự nghiệp sẽ rất cần đến sự trợ giúp của PR, nhưng lại không thực sự hiểu về PR thậm chí là còn hiểu sai, tệ hơn là bị cuốn cả vào và sử dụng PR như những công cụ không đúng với chức năng nhiệm vụ của nó.

Báo cáo từ nghiên cứu của Texas Tech năm 2012 không phải chỉ toàn mang đến những tin tệ. Theo tiến sĩ Trent Seltzer, chủ tịch phòng PR của nơi này, những người tham gia phỏng vấn năm 2012 dường như đã có hiểu biết sâu hơn về PR so với nghiên cứu trước đây. Nhiều người đã có thể kể tên cả những tác vụ cụ thể trong nghề PR ví dụ như quản lý vấn đề và xử lý khủng hoảng.

Vậy rõ ràng là chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến cách mà cộng đồng, công chúng đại chúng hiểu về nghề PR. Nhưng mỗi người đang nghiên cứu, làm ăn và sinh sống bằng nghề PR chân chính cần phải bắt tay từ đâu để góp phần nâng cao nhận thức công chúng về nghề PR?

Có lẽ cần bắt đầu từ cách mà chúng ta thực hiện công việc của chính mình, trước tiên chính chúng ta cần phải nghiêm túc học hỏi để hiểu biết thấu đáo về nghiệp, rồi giữ đạo đức nghề nghiệp trong từng tác vụ nhỏ. Điều đó sẽ giúp cho chúng ta tự tin trong bước sau đó, đó là bước nói ra, kể ra, viết ra, chia sẻ ra với công chúng về nghề PR, về công việc của chúng ta, doanh nghiệp của chúng ta, dịch vụ của chúng ta… rằng bản chất của chúng là gì? chúng tốt ở đâu và đem lại những giá trị gì cho xã hội. Hình ảnh về nghề PR sẽ dần được tích lũy với những hoạt động nhỏ bé như thế của mỗi người.

Chúng ta cần phải tích cực hơn nữa để gia tăng số lượng và chứng minh hiệu quả của những hoạt động PR chân chính, từ đó cho xã hội thấy được những cá nhân đang lợi dụng hớt váng thị trường chỉ là thiểu số. Chúng ta cũng hãy cố gắng dành thời gian mỗi ngày để viết blog hay chia sẻ về các vấn đề trong nghề nghiệp để nâng cao nhận thức cho những newbie, và cả những người không nằm trong giới truyền thông có trong vòng các mối quan hệ của chúng ta nữa.

Bạch Dương

Cần tư vấn PR vui lòng liên hệ BetterCre.com

Tham khảo:

https://www.prdaily.com/Main/Articles/17779.aspx

http://www.odwyerpr.com/story/public/3671/2014-12-08/study-pr-pros-are-smart-but-unethical.html