Báo cáo Google e-Conomy SEA 2018: Điểm bùng phát của nền kinh tế số

Báo cáo Google e-Conomy SEA 2018: Điểm bùng phát của nền kinh tế số

Dựa vào cơ sở người dùng Internet lớn, ngày càng phát triển và gắn kết chặt chẽ, Google đo lường được nền kinh tế Internet Đông Nam Á đã đạt 72 tỉ đô la tổng giá trị giao dịch (GMV) trong năm 2018 từ 4 lĩnh vực Du lịch trực tuyến, Thương mại điện tử, Truyền thông trực tuyến và Dịch vụ gọi xe.

Về e-Conomy SEA

e-Conomy SEA là dự án được thực hiện bởi Google và Temasek – công ty đầu tư toàn cầu tại Singapore với mục đích cung cấp thông tin về nền kinh tế Internet Đông Nam Á. Nghiên cứu năm nay bao gồm 4 lĩnh vực chính của nền kinh tế Internet: Du lịch trực tuyến (các dịch vụ đặt vé máy bay online, thuê khách sạn hoặc các hình thức lưu trú tương tự online); Truyền thông trực tuyến (quảng cáo, game, đăng ký nghe nhạc hoặc xem phim theo tháng); Dịch vụ gọi xe (phương tiện di chuyển, giao thức ăn); và Thương mại điện tử. Nội dung bản báo cáo không bao gồm những lĩnh vực mới phát triển hoặc thiếu nguồn dữ liệu chính thống, ví dụ như Giáo dục, Dịch vụ tài chính, Chăm sóc sức khỏe và Mạng xã hội thương mại điện tử. Nghiên cứu của chúng tôi bao gồm 6 thị trường lớn nhất Đông Nam Á: Indonesia, Malaysia, Philipines, Singapore,Thái Lan và Việt Nam. Mọi giá trị tiền tệ đều được thể hiện theo đơn vị đô la Mỹ trừ một số trường hợp đặc biệt.

Nguồn dữ liệu

Báo cáo e-Conomy SEA sử dụng công cụ Google Consumer Barometer, nghiên cứu của Temasek, ý kiến của các chuyên gia trong ngành và nguồn thông tin từ các bên thứ ba để cung cấp những đánh giá và dự đoán có giá trị về các số liệu và xu hướng của nền kinh tế Internet trong tương lai.

Nền kinh tế Internet Đông Nam Á tăng trưởng thần tốc

Dựa vào cơ sở người dùng Internet lớn, ngày càng phát triển và gắn kết chặt chẽ, Google đo lường được nền kinh tế Internet Đông Nam Á đã đạt 72 tỉ đô la tổng giá trị giao dịch (GMV) trong năm 2018 từ 4 lĩnh vực Du lịch trực tuyến, Thương mại điện tử, Truyền thông trực tuyến và Dịch vụ gọi xe. Tăng trưởng của nền kinh tế Internet ở mức 37% so với năm 2017, cao hơn mức tăng trưởng trung bình hàng năm (CARG) được ghi nhận từ năm 2015 đến năm 2018 là 32%.

Nền kinh tế InternetĐông Nam Á đã đạt 72 tỉ đô la trong năm 2018 và trên đà vượt qua con số 240 tỉ đô la vào năm 2025, cao hơn 40 tỉ đô la so với dự đoán trước đó.

Với sự xuất hiện của các lĩnh vực mới như Dịch vụ thuê nhà nghỉ online, Giao thức ăn online và Đăng ký nghe nhạc, xem phim online, cùng sự tăng trưởng của các lĩnh vực khác, nền kinh tế Internet của khu vực đang trên đà vượt qua con số 240 tỉ đô la vào năm 2025 – cao hơn 40 tỉ đô la so với dự đoán trước đó.

Tổng giá trị giao dịch của nềnkinh tế Internet đạt mức 2.8% GDP của khu vực Đông Nam Á trong năm 2018 – tăng từ mức 1.3% trong năm 2015 – và được dự đoán sẽ vượt mức 8% trong năm 2025. Hiện tại khu vực Đông Nam Á vẫn còn cách Mỹ 10 năm, tổng giá trị giao dịch của thị trường này chiếm 6.5% GDP vào năm 2016. Tuy nhiên, khoảng cách giữa khu vực Đông Nam Á và Mỹ đang được rút ngắn lại.

Tuy nền kinh tế Internet của 6 quốc gia Đông Nam Á đều đang phát triển, mức độ phát triển của từng quốc gia là khác nhau tuỳ theo độ lớn của từng nền kinh tế. Ví dụ như, nền kinh tế Internet tại Việt Nam đang tăng trưởng ở mức cao nhất, có tổng giá trị thị trường chiếm 4% GDP. Nhưng ở Philipines, nền kinh tế Internet vẫn còn rất nhiều cơ hội để phát triển khi tổng giá trị thị trường chỉ đang chiếm 1.6% GDP. Trong khi đó, tại Singapore, tổng giá trị thị trường của kinh tế Internet chiếm 3,2% GDP, xếp thứ 2 trong khu vực, mặc dù vậy Singapore vẫn xếp sau những thị trường như Mỹ hoặc Trung Quốc.

Indonesia là quốc gia có nền kinh tế Internet lớn nhất và phát triển nhanh nhất khu vực, đạt 27 tỉ đô la trong năm 2018 và được dự đoán sẽ thu về 100 tỉ đô la vào năm 2025.

“Quần đảo digital” Indonesia đang phát triển hết tốc lực. Nhờ vào cơ sở người dùng lớn nhất khu vực (150 triệu người dùng năm 2018), Indonesia là nền kinh tế Internet lớn nhất (27 tỉ đô la năm 2018) và tăng trưởng nhanh nhất khu vực (49% CARG 2015-2018). Quốc gia này được dự đoán sẽ đạt mức 100 tỉ đô la trong năm 2025, chiếm 4 đô la cho mỗi 10 đô la được chi tiêu trong khu vực.

Tại Thái Lan, nền kinh tế Internet lớn thứ hai khu vực (12 tỉ đô la trong năm 2018, 27% CAGR từ năm 2015 đến năm 2018), sự tăng trưởng này xuất phát từ một trong những thị trường thương mại điện tử năng động nhất cũng như sự phát triển nhanh chóng của quảng cáo trực tuyến và game online. Lĩnh vực Dịch vụ gọi xe và Du lịch trực tuyến vẫn là động cơ phát triển lớn và tiếp tục thu hút đầu tư từ các công ty kỳ lân trong khu vực Đông Nam Á (các công ty tư nhân có giá trị đạt 1 tỉ đô la) như Go-Jek, Grab và Traveloka.

Tại Việt Nam, kinh tế Internet (đạt 9 tỉ đô la năm 2018, 38% CARG từ 2015-2018) cũng là một thị trường đang phát triển mạnh mẽ. Với mức tăng trưởng gần như gấp đôi của ngành thương mại điện tử trong năm 2018 so với năm 2017, dịch vụ quảng cáo trực tuyến và game online tăng trưởng hơn 50% so với cùng kì năm trước đó, có thể nói kinh tế Internet tại Việt nam đang trong thời kì hoàng kim. Dù tỉ lệ sử dụng dịch vụ đặt phòng trực tuyết thuộc hàng thấp nhất khu vực những lĩnh vực này vẫn còn rất nhiều cơ hội để phát triển tại thị trường Việt Nam.

Malaysia và Singapore (tổng giá trị giao dịch lần lượt là 8 và 10 tỉ đô la trong năm 2018, CAGR tăng lần lượt là 19% và 16% trong các năm 2015-2018) – là hai quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất khu vực trên cơ sở GDP bình quân đầu người – đều đang tăng trưởng ở mức cao. Không kể đến ngành Du lịch trực tuyến vốn đã tăng trưởng mạnh, tỉ lệ tăng trưởng hàng năm đã vượt quá 25% ở cả hai thị trường. Để có thể khai phá tiềm năng ở mức tối đa, ngành thương mại điện tử của Malaysia và Singapore cần tăng tốc hơn nữa để có thể đuổi kịp các nước có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương.

Cuối cùng, kinh tế Internet tại Philipines (tổng giá trị giao dịch 5 tỉ đô la năm 2018, CARG tăng 30% trong các năm 2015-2018) vẫn là thị trường chưa được khai thác nhiều. Dù sở hữu cơ sở người dùng Internet lớn thứ hai khu vực (75 triệu người), thị trường Philipines vẫn chưa xuất hiện những công ty kì lân hay có những bước nhảy vọt như thị trường Việt Nam và Indonesia. Với việc tăng cường chú ý và đầu tư vào thị trường này của các công ty kì lân cũng như công ty startup nội địa, chúng tôi dự đoán Philipines có thể đạt được mức tăng trưởng trung bình hàng năm trên 30% và hoàn thành tiềm năng dài hạn của mình.

Kinh tế Internet Việt Nam cũng là một thị trường đang phát triển mạnh mẽ, đã có mức tăng trưởng gần như gấp 3 trong 3 năm qua nhờ sự phát triển của thương mại điện tử và truyền thông trực tuyến.

Thương mại điện tử tăng trưởng gấp đôi, nhận được sự hỗ trợ của các công ty kì lân Đông Nam Á

Thương mại điện tử đã trở thành ngành phát triển mạnh mẽ nhất của kinh tế Internet trong 3 năm trở lại đây. Chiếm hơn 5.5 tỉ đô la trong tổng giá trị giao dịch năm 2015, hiện tại ngành thương mại điện tử đã tăng trưởng gấp 4 lần và vượt mức 23 tỉ đô la trong năm 2018, tỉ lệ tăng trưởng trung bình hằng năm là 62% từ 2015 đến 2018. Từ việc sự tin tưởng của người dùng Internet Đông Nam Á dành cho thương mại điện tử tăng, chúng tôi đã xem lại các dự đoán của mình và ước tính lĩnh vực thương mại điện tử sẽ vượt qua con số 100 tỉ đô la trước năm 2025.

Thương mại điện tử là lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất trong nền kinh tế Internet – đạt 23 tỉ đô la trong năm 2018 và sẽ vượt qua con số 100 tỉ đô la trước năm 2025.

Ba công ty thương mại điện tử lớn nhất khu vực là Lazada, Shopee, và Tokopedia đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của lĩnh vực này. Ba công ty trên được ước tính đã tăng trưởng nhiều hơn gấp 7 lần từ năm 2015, tốt hơn các công ty còn lại của ngành. Bằng việc cung cấp hàng chục triệu sản phẩm, trải nghiệm người dùng di động đẳng cấp thế giới, thường xuyên khuyến mãi và mạng lưới logistic sâu rộng, ba công ty này là những thế lực chủ chốt đằng sau sự phát triển thần tốc của ngành thương mại điện tử tại Đông Nam Á.

Hiện tại, thương mại điện tử đang phát triển rất tốt tại các nước Đông Nam Á, trong đó Indonesia là nước dẫn đầu với tổng giá trị giao dịch 12 tỉ đô la năm 2018, chiếm 1 đô la cho mỗi 2 đô la chi tiêu trong khu vực. Ngành thương mại điện tử cũng nhanh chóng thâm nhập vào thị trường Thái Lan và Việt Nam, với tổng giá trị giao dịch 3 tỉ đô la trong năm 2018. Tương tự với các thị trường khác, người tiêu dùng Đông Nam Á ngày càng phụ thuộc vào thương mại điện tử trong việc mua sắm các loại sản phẩm không thể mua tại các cửa hàng truyền thống, đây là kết quả của sự thiếu đầu tư cho các chuỗi cửa hàng bán lẻ ở ngoài khu đô thị lớn.

Vai trò quan trọng của 3 ông lớn thương mại điện tử cũng được thể hiện qua những chỉ số tương tác quan trọng khác, thể hiện xu hướng tập trung giành được sự ưu tiên của khách hàng dành cho thương hiệu của mình. Với cơ sở người dùng và các nền tảng bán hàng lớn, 3 công ty này đã góp phần tăng mức độ phổ biến của Thương mại điện tự tại Đông Nam Á một cách nhanh chóng.

Đi cùng với sự phát triển của ngành thương mại điện tử, chúng tôi kì vọng nền tảng cạnh tranh và các động lực tăng trưởng chính cũng sẽ phát triển. Các công ty thương mại điện tử trong khu vực sẽ tăng cường hướng đến việc trở thành người dẫn đầu tại từng quốc gia trong khu vực, trong đó thị trường Indonesia là mục tiêu hàng đầu của các công ty nội địa cũng như các công ty khác tại Đông Nam Á. Họ cũng sẽ mở rộng phạm vi hoạt động từ các thành phố lớn đến các thành phố cấp 2 và vùng nông thôn, nơi tỉ lệ thâm nhập của ngành thương mại điện tử còn thấp nhưng có triển vọng phát triển cao nhất.

Hơn nữa, những thị trường đứng đầu sẽ cạnh tranh để giành được sự ưu tiên của nhóm khách hàng mục tiêu như “phụ nữ trẻ tuổi’ và các “fashionistas” cũng như các ngành dẫn đầu trong các lĩnh vực liên quan như “May mặc” và “Chăm sóc Sức khỏe & Sắc đẹp”, đồng thời tăng sức cạnh tranh với các công ty thương mại điện tử khác – những công ty tập trung vào các phân khúc và lĩnh vực cụ thể. Cuối cùng, với mục tiêu xây dụng các mô hình kinh doanh bền vững, những thị trường dẫn đầu sẽ tăng cường thu lợi nhuận từ các thương hiệu và nhà bán lẻ bằng cách cung cấp thêm các dịch vụ gia tăng giá trị như phân tích, hoạt động hậu cần và marketing.

Ba công ty thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á, Lazada, Shopee và Tokopedia đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành.

Truyền thông trực tuyến tăng tốc nhờ sự gắn kết đáng kinh ngạc của người dùng

Truyền thông trực tuyến bao gồm Quảng cáo trực tuyến, Game online và gần đây là Dịch vụ đăng ký nghe nhạc và xem phim theo tháng đã vượt mức 11 tỉ đô la trong năm 2018. Với mức tăng gấp 3 lần trong 3 năm kể từ năm 2015, đây là ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai sau ngành thương mại điện tử. Hai động lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của ngành này là sự phát triển liên tục của cơ sở người dùng Internet (đạt 350 triệu người dùng năm 2018) và sự gắn kết của người dân Đông Nam Á, những người dùng Internet năng động nhất trên phạm vi toàn cầu. Với sự góp mặt của phân khúc Dịch vụ đăng ký nghe nhạc và xem phim theo tháng, chúng tôi dự đoán ngành Truyền thông trực tuyến sẽ đạt giá trị khoảng 32 tỉ đô vào năm 2025 – gần bằng tổng giá trị của toàn nền kinh tế Internet vào năm 2015.

Thị trường Truyền thông trực tuyến tại Indonesia, phát triển từ cơ sở người dùng Internet lớn nhất khu vực, là thị trường có giá trị cao nhất với 2.7 tỉ đô la và cũng là thị trường tăng trưởng nhanh nhất với CARG đạt 66%. Truyền thông trực tuyến cũng tăng trưởng nhanh chóng tại Thái Lan, đạt 2.4 tỉ đô la, tại Việt Nam là 2.2 tỉ đô la. Điều này cũng không gây ngạc nhiên khi 2 quốc gia này nằm trong top 10 nước có người dùng chơi game online, sử dụng mạng xã hội và các nền tảng video trực tuyến cao nhất toàn cầu.

Ngành du lịch trực tuyến tiếp tục tăng trưởng do khách du lịch Đông Nam Á dần sử dụng các dịch vụ trực tuyến

Du lịch trực tuyến là lĩnh vực có quy mô lớn nhất và phát triển nhanh nhất trong 4 lĩnh vực chính của nền kinh tế Internet tại Đông Nam Á. Bao gồm các dịch vụ như đặt vé máy bay, khách sạn và gần đây là dịch vụ cho thuê nhà ở trực tuyến, ngành Du lịch trực tuyến được kì vọng tổng giá trị đặt chỗ (Gross bookings value – GBV) sẽ tăng gần 30 tỉ đô la trong năm 2018. Với mức CARG khả quan là 15% trong giai đoạn 2015-2018, ngành Du lịch trực tuyến được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ như hiện tại, đạt 78 tỉ đô la vào năm 2025.

Du lịch trực tuyến là lĩnh vực có quy mô lớn nhất và phát triển nhanh nhất trong 4 lĩnh vực chính của nền kinh tế Internet, đóng góp gần 30 tỉ đô la giá trị đặt chỗ và tăng trưởng 15% mỗi năm.

Chúng tôi dự đoán rằng 41% lượt đặt chỗ tại Đông Nam Á trong năm 2018 sẽ được thực hiện qua mạng Internet – tăng 34% so với năm 2015. Việc đặt chỗ dần chuyển từ các kênh offline như các công ty du lịch, trung tâm điện thoại và đặt trực tiếp tại khách sạn sang các kênh online được vận hành bới các đại lý du lịch trực tuyến (online travel aggregator – OTA), các hãng hàng không và chuỗi khách sạn.

Sự phát triển của ngành này nhờ vào niềm tin của khách hàng dành cho các công ty cung cấp các dịch vụ du lịch trực tuyến như Agoda, Booking, Expedia và Traveloka, nơi cung cấp thông tin đa dạng về các chuyến bay, khách sạn, nhà cho thuê và các dịch vụ du lịch khác. Các đại lý du lịch trực tuyến giúp khách du lịch dễ dàng so sánh và tìm được các sản phẩm tốt nhất với mức giá tốt nhất cũng như có thể dễ dàng biết được các phòng còn trống và hoàn tất mọi thủ tục đặt chỗ chỉ với vài lần click chuột. Những cải thiện đáng kể trong trải nghiệm người dùng trên giao diện di động và các ứng dụng, cùng với việc sử dụng điện thoại thông minh ngày càng phổ biến đã giúp các dịch vụ đặt chỗ trực tuyến dễ dàng tiếp cận với người Đông Nam Á hơn. Nếu tiếp tục chiều hướng này, năm 2025, 57% giao dịch đặt vé, đặt chỗ du lịch sẽ được thực hiện trực tuyến.

Nhìn chung, tất cả các phân khúc thuộc ngành Du lịch trực tuyến đều có mức tăng trưởng ổn định, nhưng khi phân tích kĩ, chúng ta vẫn sẽ thấy một vài điểm khác biệt. Phân khúc đặt vé máy bay trực tuyến có quy mô và tốc độ phát triển nhanh nhất ngành với tổng giá trị 18 tỉ đô la trong năm 2018 và tăng trưởng ở mức 14% CARG. Các hãng hàng không đều tạo điều kiện cho khách hàng đặt vé thông qua các website, ứng dụng hoặc các đại lý du lịch trực tuyến khiến họ dần quen với việc đặt vé máy bay trực tuyến của các hãng hàng không quốc gia lẫn giá rẻ của khu vực.

Phân khúc đặt phòng trực tuyến, được dự đoán có tổng giá trị 14 tỉ đô là trong năm 2018 và tăng trưởng đạt mức 18% CARG, có tiềm năng phát triển cao hơn so với dự đoán. Nhiều khách sạn tại Đông Nam Á, đặc biệt là những khách sạn giá rẻ/ homestay hoặc ở những địa điểm hẻo lánh sẽ nhận được nhiều lượt đặt chỗ qua các kênh offline, mặc dù các loại hình khách sạn này đang dần xuất hiện nhiều hơn trên các kênh online.

Bằng cách đảm bảo niềm tin đang được tăng đều của người tiêu dùng và sự hỗ trợ về mặt pháp lý, phân khúc đặt phòng trực tuyến có tiềm năng tăng trưởng đạt 2 tỉ đô la vào năm 2025.

Cuối cùng, dịch vụ đặt phòng trực tuyến đang trên đà trở thành phân khúc năng động nhất của ngành Du lịch trực tuyến, dần vượt qua con số 600 triệu đô la tổng giá trị đặt chỗ trong năm 2018 và tăng trưởng ngành hàng trung bình là 24%. Trong lúc những nhà cung cấp dịch vụ cho thuê kì nghỉ như Airbnb đang thu hút nhiều người tiêu dùng tại Đông Nam Á, các công ty du lịch trực tuyến khác cũng dần mở rộng dịch vụ cho thuê nhà riêng hoặc phòng trọ. Mặc dù vẫn còn vấp phải sự không rõ ràng về các vấn đề pháp lý và niềm tin của khách hàng, phân khúc này vẫn có tiềm năng phát triển và đạt tổng giá trị 2 tỉ đô la vào năm 2025.

Từ góc độ quốc gia, thị trường Du lịch trực tuyến tại Indonesia và Thái Lan là 2 thị trường có quy mô lớn nhất Đông Nam Á với tổng giá trị đặt chỗ lần lượt là 8.6 tỉ đô la và 6.1 tỉ đô la trong năm 2018. Sự phát triển thần tốc của Traveloka, công ty kì lân trong ngành Du lịch trực tuyến tại Indonesia, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái du lịch trực tuyến tại thị trường nội địa – cũng là thị trường có mức tăng trưởng trung bình ngành hàng nhanh nhất khu vực (20%). Sự mở rộng ra các thị trường khác như Thái Lan, Việt Nam của Traveloka cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành tại khu vực. Một điểm đáng ghi nhận nữa là cách thị trường Du lịch trực tuyến tại Singapore tiếp tục vươn mình phát triển với tổng giá trị đặt chỗ là 5.5 tỉ đô la trong năm 2018. Sự tăng trưởng này có được nhờ vào chi tiêu bình quân đầu người của quốc gia này thuộc hàng cao nhất khu vực.

Dịch vụ gọi xe mở rộng thành “ứng dụng hàng ngày” của người dân Đông Nam Á

Năm 2018 là một năm của sự đổi mới đối với lĩnh vực Dịch vụ gọi xe tại Đông Nam Á. Thông báo về thương vụ giữa Grab và Uber vào 3/2018 và sự rút lui của Uber khỏi khu vực dẫn đến việc Grab đã nắm giữ vị trí dẫn đầu tại Đông Nam Á. Không lâu sau đó, Go-Jek, công ty kỳ lân về dịch vụ gọi xe của Indonesia, đã thông báo về kế hoạch mở rộng thị trường, nhắm đến việc khởi động dịch vụ của mình tại Philipines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, hoạt động song song với thị trường nội địa.

Chúng tôi đánh giá ngành Dịch vụ gọi xe, bao gồm các phân khúc đặt xe trực tuyến, gần đây là dịch vụ giao thức ăn trực tuyến có tổng giá trị thị trường (GMV) là 7.7 tỉ đô la trong năm 2018 – mức tăng trưởng ngành hàng trung bình là 39% kể từ năm 2015 – với các dịch vụ được cung cấp tại hơn 500 thành phố thuộc Đông Nam Á. Từ tham vọng của Go-Jek và Grab về việc trở thành “ứng dụng hàng ngày” của Đông Nam Á, chúng tôi dự đoán ngành Dịch vụ gọi xe sẽ đạt gần 30 tỉ đô la vào năm 2025. Trong đó bao gồm 20 tỉ đô là của dịch vụ đặt xe trực tuyến và hơn 8 tỉ đô la của dịch vụ giao thức ăn trực tuyến.

Sự tiếp nhận của người tiêu dùng đối với Dịch vụ gọi xe tiếp tục tăng, với khoảng 35 triệu người Đông Nam Á hiện đang tích cực sử dụng loại dịch vụ này, trung bình mỗi ngày họ thực hiện 8 triệu lượt đặt xe – gấp 4 lần so với năm 2015. Dù có mức tăng trưởng ấn tượng nhưng Dịch vụ gọi xe vẫn có rất nhiều hướng để phát triển trong tương lai, do vẫn còn hơn 80% người dùng Internet Đông Nam Á chưa sử dụng dịch vụ này một cách tích cực.

Hiện có mặt tại hơn 500 thành phố thuộc các quốc gia Đông Nam Á, Dịch vụ gọi xe hiện đang có hơn 35 triệu người dùng – gấp 4 lần lượng người dùng của 3 năm trước.

Các công ty cung cấp dịch vụ gọi xe đã nhận được sự ủng hộ đáng kinh ngạc tại Indonesia khi thu về 3.7 tỉ đô la trong năm 2018 sau khi tăng trưởng ở mức 58% CARG từ năm 2015. Hiện Indonesia là thị trường lớn nhất và phát triển nhanh nhất trong khu vực. Chỉ riêng dịch vụ giao thức ăn trực tuyến đã vượt mức 1 tỉ đô la tại quốc gia này, phần lớn nhờ vào sự phát triển vượt bậc của ứng dụng GoFood.

Dù phục vụ lượng người dùng ít nhất khu vực, dịch vụ gọi xe cũng rất phổ biến tại Singapore, thị trường lớn thứ hai khu vực xét về mặt tổng giá trị, đạt khoảng 1.8 tỉ đô la trong năm 2018. Điều này xuất phát từ việc phí của các dịch vụ gọi xe trực tuyến và giao thức ăn trực tuyến có thể cao hơn 5 đến 10 lần tại Singapore, so với các thị trường như Indonesia và Việt Nam. Tại hai thị trường này, phí dịch vụ có thể chỉ từ 1 đến 2 đô la.

Dịch vụ gọi xe hiện rất phổ biến tại Singapore, thị trường lớn thứ hai khu vực xét về mặt giá trị, đạt khoảng 1.8 tỉ đô la trong năm 2018.

Từ khi bắt đầu hoạt động tại thị trường Đông Nam Á, các công ty cung cấp dịch vụ gọi xe phát triển chủ yếu bằng việc tập trung vào người dùng có nhu cầu và mở rộng quy mô hoạt động của mình về mặt địa lý, thu hút khách hàng bằng những code khuyến mãi cho người dùng và ưu đãi cho tài xế, cũng như các hoạt động marketing để tăng nhận biết của khách hàng. Tuy nhiên, sau sự rời đi của Uber, một giai đoạn mới đã mở ra. Lúc này các công ty chủ yếu tập trung vào việc khiến khách hàng lựa chọn dịch vụ của mình trước những sự lựa chọn đa dạng của thị trường.

Cuộc chiến tiếp theo để trở thành “ứng dụng hàng ngày” của người dân Đông Nam Á sẽ tập trung vào dịch vụ giao thức ăn trực tuyến. Trong phân khúc này, Go-Jek và Grab cạnh tranh với những công ty chỉ tập trung vào dịch vụ giao thức ăn như Deliveroo và Foodpanda, tận dụng lợi thế là sự phổ biến và cơ sở người dùng lớn của mình.

Ngoài dịch vụ đặt xe và giao thức ăn trực tuyến, lĩnh vực trọng tâm thứ 3 của các công ty Dịch vụ gọi xe là sự phát triển của các dịch vụ tài chính trực tuyến. Go-Jek và Grab đã bắt đầu cung cấp những giải pháp thanh toán điện tử, gọi là GoPay và GrabPay, hai phương thức này được người dùng đón nhận dễ dàng do tính thuận lợi, cũng như lợi ích và khuyến mãi đi kèm. Trên hết, họ cũng thông báo những kế hoạch cung cấp các dịch vụ tài chính trực tuyến, bao gồm chuyển tiền, cho vay, các sản phẩm đầu tư và các dịch vụ bảo hiểm – với những lĩnh vực này họ sẽ phải cạnh tranh với những ngân hàng và các công ty bảo hiểm lớn cũng như những công ty startup trong lĩnh vực tài chính công nghệ. Tất cả đều muốn được người dùng Đông Nam Á lựa chọn khi mà “mảnh đất” dịch vụ tài chính trực tuyến vẫn chưa được khai thác nhiều.

Nguồn vốn dồi dào đem lại lợi ích cho các quốc gia Đông Nam Á

Như đã được nhấn mạnh trong nghiên cứu e-Conomy SEA Spotlight 2017, các công ty thuộc kinh tế Internet có trụ sở tại Singapore và Indonesia tiếp tục thu hút một lượng lớn đầu tư tại Đông Nam Á, nâng tổng giá trị đầu tư lên đến 16 tỉ đô la tại Singapore và 6 tỉ đô la tại Indonesia. 2 tỉ đô la còn lại được đầu từ vào các công ty khác tại Đông Nam Á

Ngoài ra, bài báo cáo cũng đề cập đến những bước tiến có khả năng giải quyết các thách thức của hệ sinh thái kinh tế Internet, trong đó bao gồm:

  • Khả năng tiếp cận Internet trên thiết bị di động nhanh hơn, dễ dàng hơn giúp cho nền kinh tế Internet phát triển nhanh hơn.
  • Niềm tin của người tiêu dùng dành cho các ngành dịch vụ trực tuyến ngày một tăng.
  • Đội ngũ chuyên gia và đối tác về kinh tế Internet với chuyên môn cao giúp phát triển chất lượng dịch vụ.
  • Nâng cao mạng lưới logistics giúp tiếp nhận hàng triệu đơn hàng mỗi ngày.

Thu Nga / Brands Vietnam
Nguồn Think with Google