Kantar Insight Handbook 2022

Tài liệu thuộc bản quyền của Kantar. Bạn sẽ được chuyển đến trang gốc của Kantar để tải về.

“Kantar Insight Handbook 2022” tổng hợp những thay đổi rõ rệt trong hành vi mua sắm và tiêu dùng của người Việt Nam trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Báo cáo sử dụng phương pháp thu thập dữ liệu chính là pen & paper (khảo sát trên giấy), với hình thức nhật ký để đáp viên có thể dễ dàng ghi lại hành vi mua hàng theo từng tuần.

Xét riêng trong ngành hàng FMCG và bán lẻ, một xu hướng nổi bật trong năm 2021 là sự dịch chuyển từ mua sắm trực tiếp tại cửa hàng sang mua sắm trực tuyến. Trước đây, người tiêu dùng thường sử dụng hình thức mua sắm trực tuyến để mua các mặt hàng nước ngoài, vé máy bay, đặt khách sạn hoặc các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm. Còn hiện tại, giỏ hàng trực tuyến đã được mở rộng sang các mặt hàng nhu yếu phẩm như rau, thịt, cá và các sản phẩm bánh, kẹo, sữa.

Về các trở lực và động lực dẫn đến xu hướng tiêu dùng và chi tiêu kể trên, theo chị Nguyễn Thị Như Ngọc – Senior Marketing Manager, Worldpanel Division, Kantar Vietnam, COVID-19 vừa là trở lực cho một số kênh mua sắm, vừa là động lực giúp các kênh khác phát triển.

Trong khoảng thời gian giãn cách, một số kênh mua sắm chính của người tiêu dùng buộc phải đóng cửa như chợ truyền thống, các cửa hàng tạp hoá. Do đó, người tiêu dùng buộc phải chuyển sang mua sắm trên kênh online. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, Chính phủ cũng ban hành những quy định phòng dịch, khuyến khích người dân mua sắm online để giảm thiểu việc tập trung đông người, tăng khả năng lây lan dịch bệnh.

Bàn sâu hơn về sự phát triển của các kênh online, không chỉ mở rộng về mặt ngành hàng, đối tượng người mua hàng online cũng được mở rộng. Trước đây, nhóm người mua chính trên các kênh bán hàng trực tuyến là các bạn trẻ, những người sống ở khu vực thành thị. Hiện tại, hình thức mua hàng online không còn xa lạ với người tiêu dùng khu vực nông thôn và nhóm người lớn tuổi. Các bà, các mẹ hiện giờ đã có thể dễ dàng mua sắm trên các trang web thương mại điện tử và các trang mạng xã hội.

Ngoài kênh thương mại điện tử, một kênh bán hàng khác cũng phát triển rất tốt trong thời gian giãn cách đó là các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi. Do đây là mô hình khá hiện đại và phân bổ nhiều ở các khu vực đông dân cư nên sẽ là hình thức mua hàng phù hợp trong giai đoạn “ai ở đâu ở yên đó” và các chợ truyền thống bị cấm hoạt động.

Xem bài viết về báo cáo tại đây.