Du lịch tắm rừng: Chữa lành tâm hồn từ thiên nhiên

Du lịch tắm rừng không chỉ giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần mà còn khơi gợi những cảm xúc tươi mới, thuần khiết, được đánh thức bởi thiên nhiên diệu kỳ. Tắm rừng là khi bạn cảm nhận làn gió ấm trên da thịt, nghe được tiếng lá rung rinh trên cành, ngửi thấy hương thơm của cây, nếm được vị ngọt lành của không khí…

Du lịch tắm rừng: Chữa lành tâm hồn từ thiên nhiênNguồn: Wall Street Journal

Con người đang đánh mất sự kết nối với thiên nhiên

Từ thời ban sơ, con người đã sống gần gũi với thiên nhiên - nơi những cánh rừng ngút ngàn bao bọc và nuôi dưỡng chúng ta. Tuy nhiên, trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên có thể là một điều “xa xỉ” đối với nhiều người trong xã hội hiện đại, đặc biệt người dân sống trong các thành thị đông đúc và thiếu hụt không gian xanh. Nhịp sống đô thị hối hả và tiếp xúc quá nhiều với công nghệ khiến con người ngày càng căng thẳng. Theo Qing Li, Tiến sĩ và bác sĩ tại Trường Y Khoa Nippon ở Tokyo, chủ tịch Hiệp hội Y khoa Lâm nghiệp và là tác giả của cuốn sách “Tắm rừng: Cách đạt được sức khỏe và hạnh phúc từ cây cối” ước tính rằng, con người trong xã hội hiện đại ngày nay dành khoảng 93% thời gian trong ngày ở trong bốn bức tường. Ông cũng nhận thấy sự thiếu hụt tương tác với thiên nhiên là một trong những nguyên nhân gây ra cảm xúc tiêu cực và căng thẳng đối với cá nhân sống trong các siêu đô thị tại Nhật Bản. Do đó, ông đã khuyến khích mỗi cá nhân thực hành tắm rừng để giảm thiểu căng thẳng và cải thiện sức khỏe tinh thần.

Trước áp lực và căng thẳng, du khách ngày càng tìm đến các điểm du lịch sinh thái để thư giãn và tái tạo năng lượng. Năm 2025 hứa hẹn sẽ chứng kiến những cá nhân coi trọng sự kết nối đích thực không chỉ với những người thân yêu của họ mà còn với thiên nhiên. Nghiên cứu “Unpack '25 - The Trends in Travel” của Expedia Group đã nhận xét 2025 là năm của JOMO hay “Niềm vui bị bỏ lỡ” - lối sống giúp du khách tập trung vào những điều thật sự quan trọng với bản thân, không quan tâm hay bị áp lực vì điều người khác đang làm. Có tới 62% du khách bày tỏ tinh thần du lịch JOMO giúp họ giảm căng thẳng, lo lắng cũng như gia tăng sự kết nối tốt hơn. Trong bối cảnh thiếu vắng những sự kết nối đích thực và có ý nghĩa, du lịch gần gũi với thiên nhiên thông qua hoạt động “tắm rừng” được coi là cách thức du lịch lý tưởng để chủ thể vừa cải thiện sức khỏe tinh thần vừa nâng cao khả năng cảm thụ thiên nhiên.

Du lịch tắm rừng: Chữa lành tâm hồn từ thiên nhiên

JOMO hay "Niềm vui bị bỏ lỡ" được kỳ vọng sẽ trở thành xu hướng du lịch thịnh hành trong 2025 khi du khách tập trung vào những trải nghiệm giúp họ giảm căng thẳng, lo lắng và tăng cường sự kết nối có ý nghĩa.

Nguồn: Pexels

Lịch sử ra đời của du lịch “tắm rừng”

Thử tưởng tượng vào một buổi sáng tinh sương, bạn bước vào một khu vườn và thu vào tầm mắt những tia nắng lung linh xuyên qua những tán cây xanh, tai lắng nghe những tiếng chim hót ríu rít, mũi bạn ngửi mùi đất ẩm sau một đêm mưa rào, tay bạn mơn trớn chiếc lá đung đưa trên cây. Tất cả mang lại cảm giác khoan khoái, tinh thần thư thái, suy nghĩ thông suốt và cảm thấy mọi lo toan, căng thẳng của đêm qua đã tan biến. Đây được coi là những trải nghiệm giác quan (sensory experience) khi bạn sử dụng các giác quan để cảm nhận và kết nối sâu với khung cảnh, hương cảnh và âm cảnh xung quanh. Nhận thấy được những lợi ích từ việc hòa mình với thiên nhiên đối với sức khỏe thể chất và tinh thần, người Nhật Bản từ lâu đã sáng tạo và phát triển phương pháp thực hành mang tên “tắm rừng”.

Tắm rừng (forest bathing) trong tiếng Nhật Bản được gọi là Shinrin-Yoku, chỉ một cá nhân chìm đắm trong những khu rừng thông qua các hoạt động như đi bộ, thiền định và tận hưởng các hình thái thiên nhiên trong rừng bằng tất cả giác quan. Khái niệm này được ra đời khi bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp của Nhật Bản nhận thấy những lợi ích của tắm rừng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần thông qua các nghiên cứu thực nghiệm và khuyến khích người dân tại xứ sở mặt trời mọc duy trì thực hành tắm rừng. Hình thức thiền động dưới những tán cây rừng đã phát triển mạnh mẽ ở Nhật Bản vào những năm 1980 và trở thành một phương pháp cải thiện và nâng cao sức khỏe trong chương trình y tế quốc gia.

Du lịch tắm rừng: Chữa lành tâm hồn từ thiên nhiên

Tắm rừng chỉ cá nhân hòa mình trong khu rừng bằng việc sử dụng các giác quan để kết nối với muôn hình thái thiên nhiên

Nguồn: Joeyart

Trong thập niên 2000, các nhà nghiên cứu tại Nhật Bản phát hiện rằng 60% - 70% số người khảo sát (32,000 người) đang “đấu tranh” với những căng thẳng do áp lực công việc, cuộc sống ngột ngạt trong bốn bức tường và thói quen sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều. Trước tình trạng này, cơ quan phụ trách rừng của Nhật Bản đã ban hành kế hoạch “Những tác động của trị liệu rừng”, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của các nghiên cứu khoa học thực nghiệm về tắm rừng đối với sức khỏe của người thực hành. Với những lợi ích của tắm rừng đã được khoa học chứng minh, các bác sĩ Nhật Bản đã khuyến khích người dân thực hành và duy trì tắm rừng để tận hưởng sự thư giãn tuyệt vời cho tâm hồn và thoát khỏi cuộc sống hối hả, căng thẳng của nhịp sống đô thị bận rộn.

Lợi ích của tắm rừng và gợi ý các trải nghiệm tắm rừng

Tắm rừng được coi là phương pháp thực hành kết nối sâu với thiên nhiên khi chủ thể không chỉ ý thức về sự có mặt của mình, mà còn nhận biết về sự hiện diện kỳ diệu của khung cảnh, âm thanh và mùi vị của các hình thái thiên nhiên thông qua trải nghiệm nhìn ngắm, hít thở, lắng nghe, xúc chạm và cảm nhận chúng. Shinrin-yoku được Qing Li, chuyên gia nghiên cứu về tắm rừng, ví von liệu pháp chữa lành này là một chiếc cầu nối gắn kết con người với thiên nhiên khi ông mô tả: “Kết nối sâu sắc với rừng qua toàn bộ năm giác quan là khi bạn cảm nhận làn gió ấm trên da thịt, nghe được tiếng lá rung rinh trên cành, ngửi thấy hương thơm của cây, nếm được vị ngọt lành của không khí và để cho toàn bộ cảnh sắc thiên nhiên choán đầy tâm trí. Đó là lúc bạn cảm thấy được chữa lành và tiếp thêm sinh lực”. Liệu pháp tắm rừng khuyến khích người thực hành nhận thức về sự có mặt của họ và sự hiện diện của khung cảnh thiên nhiên xung quanh, từ đó chầm chậm khai mở và cho phép các giác quan kết nối sâu với thế giới tự nhiên.

Thiên nhiên có sức mạnh “chữa lành” bởi việc hòa mình vào thiên nhiên giúp du khách điều hòa tâm trạng, hồi phục năng lượng, tinh thần trở nên tỉnh táo và dào dạt sinh lực. Sự hùng vĩ của những cánh rừng khiến người thưởng ngoạn kinh ngạc, sợ hãi và kính nể. Rừng còn ẩn chứa cả sự bí hiểm khiến người ta thu hẹp cái tôi ngạo mạn và bị khuất phục. Và thiên nhiên với vẻ đẹp vốn có của nó không chỉ khiến du khách rung động mà còn mang đến cho người thưởng ngoạn cái nhìn cuộc sống trong trẻo và tươi mới hơn. Rừng cũng khiến người thưởng ngoạn cảm thấy vô cùng khoan khoái, dễ chịu, đê mê và chìm đắm trong khoảnh khắc kết nối diệu kỳ ấy.

Du lịch tắm rừng: Chữa lành tâm hồn từ thiên nhiên

Rừng khiến người thưởng ngoạn cảm thấy vô cùng khoan khoái, dễ chịu, đê mê và chìm đắm trong khoảnh khắc kết nối diệu kỳ với muôn hình thái thiên nhiên

Nguồn: WSJ

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng tắm rừng giúp giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng và tăng cường hệ miễn dịch. Nghiên cứu của Harvard Health Publishing về tắm rừng lên sức khỏe thể chất và tinh thần đã chỉ ra, những người thực hành tắm rừng đã giảm nồng độ hóc-môn căng thẳng (cortisol) và điều hòa tâm trạng sau khi đi bộ trong rừng. Nghiên cứu giải thích thêm, căng thẳng kéo dài và trở thành mãn tính khi nồng độ cortisol tăng lên làm tăng huyết áp, nhịp tim, đau đầu và nhiều bệnh khác. Do đó, việc dành thời gian kết nối với thiên nhiên giúp chủ thể hạn chế và giảm thiểu rủi ro mắc các căn bệnh nguy hiểm trên. Một nghiên cứu của Nhật Bản đã phát hiện, những người tận hưởng kỳ nghỉ 3 ngày 2 đêm trong các khu rừng đã gia tăng số lượng và hoạt động của các tế bào miễn dịch gọi là tế bào tiêu diệt tự nhiên (natural killer cells) - loại tế bào giúp chống lại vi-rút và ung thư. Lợi ích tuyệt vời này kéo dài hơn một tháng sau chuyến đi tắm rừng. Nếu hành trình tắm rừng 3 ngày có vẻ xa xỉ với người quá bận rộn, việc dành 120 phút mỗi tuần hòa mình vào thiên nhiên cũng giúp bạn cải thiện tâm trạng, cảm xúc và giảm căng thẳng sau những ngày làm việc mệt nhoài. Một nghiên cứu của Anh khảo sát gần 20,000 người đã cho thấy, việc dành tối thiểu 120 phút mỗi tuần kết nối với thế giới tự nhiên sẽ cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần.

Du lịch tắm rừng: Chữa lành tâm hồn từ thiên nhiên

Thực hành tắm rừng giúp giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng, điều hòa cảm xúc và tăng cường hệ miễn dịch.

Nguồn: Freepik

Theo chuyên gia tắm rừng Qing Li, không nhất thiết bạn cần phải xách balo lên và đi vô rừng, thay vào đó bạn cần tìm kiếm những địa điểm có không gian cây xanh phù hợp với sở thích cá nhân và trải nghiệm ký ức của bạn. Nếu bạn yêu mùi đất ẩm, nơi cho phép cơ quan khứu giác của bạn cảm nhận mùi của đất sau một đêm mưa rào, một nơi có cảnh quan thiên nhiên tươi mát sẽ giúp bạn thư giãn. Bạn cũng có thể tìm về một làng quê yên ả với những cảnh vật bình dị gợi nhớ về những năm tháng tuổi thơ ở quê hương, nơi mà bạn đã từng là đứa trẻ hồn nhiên vô tư lự. Thực hành tắm rừng trong những không gian xanh phản ánh một phần sở thích, ký ức trong bạn sẽ khiến sự kết nối giữa bạn và thiên nhiên trở nên mạnh mẽ hơn, qua đó bạn sẽ tìm thấy ý nghĩa và cảm xúc sâu sắc hơn từ sợi dây kết nối này.

Du lịch tắm rừng: Chữa lành tâm hồn từ thiên nhiên

Thiên nhiên sẵn sàng ôm ấp và chữa lành những tâm hồn đã nhuốm màu căng thẳng và bộn bề lo toan.

Nguồn: Freepik

Thiên nhiên vẫn luôn ở đấy từ những cánh rừng đại ngàn hùng vĩ đến những công viên xanh tốt sẵn sàng ôm ấp và xoa dịu những căng thẳng và muộn phiền bên trong bạn. Và khi tìm về với thiên nhiên, tâm hồn của ta không chỉ được gột rửa để trở nên tươi mới hơn mà còn giúp ta nhìn đời một cách trong trẻo và thuần khiết hơn như cách ta nhìn nhận vẻ đẹp vốn có của thiên nhiên.