Amazon vào Việt Nam: Cục diện thị trường thương mại điện tử có thay đổi?

Trong mắt những đại gia thương mại điện tử, đầu tư vào thị trường Đông Nam Á thời điểm hiện tại có thể thua lỗ, tuy nhiên theo thời gian thị trường trưởng thành, những doanh nghiệp còn trụ vững chắc chắn sẽ hái quả ngọt.

Sau Alibaba và Tencent, thông tin “gã khổng lồ” Amazon tham gia thị trường Việt Nam đang gây xôn xao giới kinh doanh gần đây. Liệu thị trường thương mại điện tử thay đổi ra sao với thông tin này?

Hướng đi khác so với các đối thủ

Amazon hiện vẫn chưa có xác nhận chính thức về việc gia nhập thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, tại Diễn đàn Thương mại điện tử 2018 (VOBF 2018), ông Gijae Seong, đại diện từ Amazon Singapore bày tỏ mối quan tâm đến tình hình thương mại điện tử tại Việt Nam.

Đại diện từ Amazon bày tỏ sự quan tâm đến thị trường TMĐT Việt Nam

Qua nhiều buổi trao đổi và làm việc, ông Nguyễn Ngọc Dũng, đại diện từ Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) cho rằng Amazon sẽ sớm chính thức gia nhập thị trường Việt Nam trong thời gian sắp tới. Nhưng “ông lớn” đến từ Mỹ này sẽ có lối đi và chiến lược khác trong “sân chơi” thương mại điện tử, khác với các đối thủ lớn như Alibaba, JD hay Tencent.

Theo ông Dũng, Amazon sẽ thông qua đại diện từ Việt Nam để hỗ trợ người Việt bán hàng trên nền tảng của họ. Nếu Alibaba tấn công trực tiếp vào thị trường TMĐT Việt Nam bằng việc không ngừng rót vốn vào Lazada, JD đầu tư vào Tiki, Tencent đang nổ lực đầu tư vào Shopee thì Amazon sẽ không trực tiếp tham gia vào cuộc chiến hiện tại. Thay vào đó, Amazon sẽ không ngừng hướng nghiệp các doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến và bán hàng xuyên biên giới qua cổng Amazon. Dịch vụ hỗ trợ người bán vẫn là mô hình Fulfillment by Amazon (FBA), nghĩa là Amazon sẽ thực hiện lưu kho, xử lý hàng hóa, đóng gói và giao hàng khắp thế giới. Tập đoàn này trước mắt sẽ không có kế hoạch xây dựng hệ thống riêng tại Việt Nam và xây dựng nền tảng khách hàng cho thị trường trong nước.

Cục diện thị trường liệu có thay đổi?

Thị trường thương mại điện tử trong nước đang là cuộc chiến khốc liệt giữa các doanh nghiệp. Thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử Việt Nam đạt 20% (riêng 2017 đạt 25%). Theo đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường này nhằm đối phó với tình hình hiện tại. Theo số liệu được thống kê từ SimilarWeb, Lazada hiện không có đối thủ trong khía cạnh e-marketplace và trong thị trường thương mại điện tử nói chung. Tiếp đến là những cái tên như thegioididong, Tiki,…

Có thể thấy, nếu Amazon vẫn đi theo chiến lược khác biệt với đối thủ trực tiếp, cục diện thị trường ở hiện tại vẫn không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, điều này sẽ thay đổi sau vài năm Amazon có bước đi chính thức tại Việt Nam. Theo đó, chiến lược “khác biệt” có thể là giai đoạn đầu trong kế hoạch của Amazon.

Sau khi xây dựng mối quan hệ với các thành viên thuộc VECOM, khả năng lớn Amazon sẽ chuyển hướng xâm nhập trực tiếp vào thị trường thương mại điện tử Việt Nam như một nền tảng marketplace, đối đầu trực tiếp với Alibaba (Lazada) và Tencent (Shopee). Đây có thể là thử nghiệm của Amazon để làm đòn bẩy tấn công thị trường các quốc gia Đông Nam Á và Nhật Bản. Động thái này là điều dễ hiểu khi ngày càng nhiều đại gia TMĐT đầu tư vào thị trường Đông Nam Á. Sự phát triển sau muộn và nền tảng cơ sở hạ tầng TMĐT chưa hoàn thiện là điều kiện thuận lợi để đầu tư và phát triển tại khu vực này.

Amazon nên đầu tư xây dựng mô hình FBA trên đất Việt nếu có "giai đoạn sau" của kế hoạch.

Như vậy, cục diện thị trường có thể sẽ thay đổi đáng kể nếu Amazon thật sự có những cuộc thôn tính như phân tích của giới chuyên gia. Trong thực tế, Amazon vẫn có ưu thế lớn khi xâm nhập thị trường Việt Nam. Ông Gijae Seong khẳng định Amazon thuộc top những trang web được truy cập nhiều nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, nền tảng 300 triệu khách hàng từ 180 quốc gia là đặc điểm hấp dẫn thu hút giới kinh doanh Việt Nam. Người Việt Nam cũng dành sự quan tâm lớn cho nền tảng bán hàng toàn cầu này.

Mặt khác, nếu Amazon muốn xây dựng mô hình FBA ngay trên đất Việt, điều này cũng không hề khó khăn. Hệ thống thương mại điện tử hoàn thiện từ hệ thống mua hàng đến chuỗi cung ứng và hoàn tất đơn hàng vẫn chưa thật sự phổ biến tại Việt Nam do điều kiện về nguồn lực của các doanh nghiệp. Vì vậy, nếu Amazon xây dựng được hệ thống hoàn thiện thì sẽ kiểm soát được mọi hoạt động thương mại điện tử, từ đó nâng cao trải nghiệm khách hàng và xây dựng lòng trung thành.

Các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada và Tiki đều xây dựng hệ thống fulfillment riêng để phục vụ kinh doanh. Các doanh nghiệp khác lựa chọn đối tác cung cấp dịch vụ hoàn tất đơn hàng hoặc vận chuyển khi có đơn hàng phát sinh. Một điểm đáng chú ý của thị trường này là sự xuất hiện của BoxMe với vai trò đơn vị xử lý phần fulfillment, bao gồm từ nhận đơn, đóng gói, và chuyển hàng thu hộ (COD) đến khách hàng cuối. Tuy nhiên, chủ yếu doanh nghiệp vẫn tập trung vào mảng giúp đỡ các doanh nghiệp bán hàng xuyên biên giới do sự phát triển của thị trường quốc tế trong mảng hậu cần còn khá mới mẻ này.

Tuy nhiên, nếu đúng như dự đoán, Amazon sẽ trở thành “người đến sau” trong cuộc chiến này. Liệu Amazon có đủ sức làm thay đổi cục diện thị trường hiện tại và dẫn đầu cuộc chiến thay thế Alibaba tại Việt Nam?

BoxMe Global là công ty hàng đầu khu vực Đông Nam Á trong việc cung cấp giải pháp hậu cần kho vận phục vụ thương mại điện tử, hỗ trợ các doanh nghiệp bán hàng toàn cầu. Để tìm hiểu thêm và được tư vấn về các giải pháp và dịch vụ của BoxMe, vui lòng liên hệ qua email: [email protected].