“Làm việc không sếp” dưới góc nhìn của các nhà khởi nghiệp trẻ

Đến với vòng 2, nhằm thử thách năng lực hoạch địch của các bạn thí sinh, cố vấn chuyên môn đã mang đến một dự án thực tế mang tên “Làm việc không sếp” giúp khơi dậy tinh thần Intrapreneur trong cộng đồng lao động từ đó tạo ra sự chủ động và đem đến sự hài lòng trong công việc cho mỗi người.

EDone! Future Entrepreneur 2017 – do Cộng đồng khởi nghiệp trẻ Đại học Ngoại Thương Cơ sở 2 đồng hành cùng Proself Angel và IMAS Marketing Parter tổ chức. Chương trình hướng đến đồng hành, hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực và hiểu biết cho nhà khởi nghiệp tương lai nhằm giảm thiểu rủi ro và thất bại trong khởi nghiệp. Đến với vòng 2, nhằm thử thách năng lực hoạch địch, cố vấn chuyên môn đã mang đến một dự án thực tế mang tên “Làm việc không sếp”. Bài toán đặt ra cho các bạn là làm thế nào để khơi dậy và lan tỏa tinh thần Intrapreneur trong cộng đồng. Dự án đã mang đến sự hào hứng cho các bạn thí sinh bởi tính thực tế, sát với điều các bạn quan tâm và cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến con đường khởi nghiệp của các bạn.

“Làm việc không sếp” – khơi dậy tinh thần Intrapreneur trong cộng đồng Việt

Con người là yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Thế nhưng, trong một khảo sát mới nhất của JobStreet VN trên gần 13.000 lao động, có đến 85% không hài lòng với việc làm hiện tại. Với 3 lý do chính là công việc nhàm chán (55%), mức lương chưa phù hợp (54%) và không học hỏi được gì từ công việc (37%).

Sứ mệnh của dự án “Làm việc không sếp” là lan tỏa, khơi dậy tinh thần Intrapreneur trong cộng đồng lao động từ đó tạo ra sự chủ động và đem đến sự hài lòng trong công việc cho mỗi người. Intrapreneur nghĩa là doanh nhân nội bộ, với sự tự chủ, chủ động trong công việc để cung cấp giá trị cho các bộ phận liên quan. Mỗi Intrapreneur luôn trong tâm thế của người cung cấp dịch vụ, mỗi công việc họ chuyển giao là một thành phẩm hoàn chỉnh của chính “doanh nghiệp” của mình. Vì thế mỗi Intrapreneur luôn có tinh thần chủ động, phát triển không ngừng để cung ứng những dịch vụ tốt nhất. Họ ý thức vai trò, vị thế của mình, nên dù làm công việc gì, mỗi Intrapreneur luôn là một doanh nhân, khi đó mọi người làm việc với tinh thần tôn trọng lẫn nhau, không có khoảng cách giữa cấp trên và cấp dưới, mỗi người đều ở vai trò giữa khách hàng và đối tác. Đó cũng chính là ý nghĩa của tinh thần “Làm việc không sếp”.

Các CEO tương lai tham gia chương EDone! Future Entrepreneur 2017

Từ chính sự phát triển của tinh thần Intrapreneur, mỗi doanh nghiệp sẽ cần xây dựng môi trường “Làm việc không sếp” để phù hợp với nhu cầu lao động. Mỗi người lao động, sẽ chủ động trong việc thay đổi tiêu chuẩn với môi trường làm việc của mình ngay hôm nay.

Chung tay xây dựng cộng đồng Intrapreneur Việt – Ước mơ của những người trẻ

Bài toán tương lai của nhà khởi nghiệp được giải ngay từ hôm nay, chính cộng đồng Intrapreneur là nền tảng cho thành công và những bước tiến xa hơn của cộng đồng khởi nghiệp. Bằng chính sự thấu hiểu người dùng, các CEO tương lai đã đưa ra những ý tưởng sáng tạo để lan tỏa tinh thần Intrapreneur.

Thứ 7 vừa qua, nhóm De Fast đã trình bày ý tưởng tạo ra cộng đồng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức hướng đến tự chủ trong công việc của mỗi người. Nơi mà mỗi thành viên được chia sẻ, được lắng nghe về tất cả vấn đề liên quan đến công việc như: kinh nghiệm, kĩ năng cho đến tâm sự về những vấn đề thành viên gặp phải trong công việc và cuộc sống. De Fast mong muốn có thể thể lan tỏa tinh thần tự chủ của doanh nhân nội bộ, giúp nhân viên không còn phải đối mặt với áp lực stress của công việc, không còn căng thẳng với cấp trên, từ đó để phát huy hết khả năng của mỗi người. Tham vọng lớn nhất của De Fast là cộng đồng trẻ sẽ cùng chung tay để chủ động tạo ra tiêu chuẩn môi trường làm việc mới cho chính mình

Nhóm De Fast chia sẻ về đề bài “Làm việc không sếp”

Ngược lại, nhóm VDM đưa ra kế hoạch nhằm khơi dậy mong muốn tìm ra môi trường làm việc tốt hơn. Nhóm hướng đến chia sẻ để cộng đồng nhận ra chính thói quen, lề lối cũ trong nhận thức của mình đã phần lớn gây ra sự không hài lòng, bất mãn với môi trường làm việc. Từ việc nhận thấy chính sự chủ động, sẽ giúp chúng ta làm việc tốt hơn, và qua việc thay đổi nhận thức về quan hệ giữa nhân viên và cấp trên sẽ khơi dậy một nguồn năng lượng mới trong mỗi người.

Nhóm VDM – giới thiệu về các thành viên của nhóm

Kết thúc vòng 2, nhóm NOBO G7 mang đến ý tưởng xây dựng cộng đồng NOBO (No Boss) để kết nối những người mong muốn làm chủ công việc của mình và tìm kiếm môi trường làm việc năng động, tôn trọng lẫn nhau. Các CEO trẻ, mong muốn thông qua dự án này sẽ thúc đẩy con người thoát khỏi nhận thức gò bó để phát triển bản thân, tự chủ và có được sự hài lòng với công việc.

Nhóm NOBO G7 đang nhận câu hỏi phản biện từ ban giám khảo

“Ngắn gọn, trình bày đẹp, đầy tham vọng. Thế mạnh nhiều nhưng các bạn luôn thiếu plan, content strategy để có thể linh động nội dung.” - là nhận xét của anh Tuấn Anh – VP Marketing and Communication NH CIMD với các bài làm trên. Thật tuyệt vời với ước mơ lớn của những bạn trẻ, mong rằng thông qua những thử thách của EDone! 2017, sẽ giúp các bạn thêm vững năng lực để biến những tham vọng trên thành hiện thực.

Vòng 2 – Turn Your Len của EDone! Future Entrepreneur 2017 đã kết thúc với nhiều bài làm, ý tưởng tuyệt vời. Khép lại những ngày làm việc xuyên màn đêm, vòng 3 chào đón các bạn với những thử thách vô cùng độc đáo, mong rằng với sức trẻ các bạn sẽ có đủ động lực để vượt qua chương trình để nhận học bổng lên đến $100.000.

(Cộng đồng khởi nghiệp trẻ Đại học Ngoại Thương)