“Ai cũng có thể trở thành Influencer, theo một khía cạnh nào đó”

Tối ngày hôm qua (6/12) tại hội trường D201 trường Đại học Ngoại thương, CLB Marketing Đại học Ngoại thương với sự đồng hành của nhãn hàng Decumar đã tổ chức buổi tọa đàm Headstart#2 có chủ đề “Influencer Marketing” với sự tham gia góp mặt của các vị khách mời là anh Phi Nguyễn - CEO &Founder Hiips, chị Bùi Thuỳ Dương - Senior Brand Management tại Diana Unicharm, và nhà văn Phan Ý Yên, nhận được sự quan tâm, yêu thích của hơn 300 bạn sinh viên.

Theo thống kê ở Châu Âu có đến 74% người tiêu dùng truy cập social media để tham khảo ý kiến, đánh giá về sản phẩm từ mọi người và 92% tin vào lời giới thiệu từ người khác hơn là quảng cáo. Đa số những người được hỏi về quảng cáo thì họ luôn tin và bảo rằng: quảng cáo phóng đại sự thật. Vì thế, việc áp dụng những hình thức quảng cáo truyền thống đã không còn là ‘giải pháp tối ưu’ nữa. Trong những năm gần đầy, khi sự phát triển của nền công nghệ thông tin và mạng xã hội đang diễn ra một cách mạnh mẽ nhất thì Influencer Marketing là một ứng cử viên sáng giá để xây dựng nên một chiến dịch quảng cáo thành công.

Trên tinh thần hướng đến lợi ích của các bạn sinh viên, CLB Marketing Đại học Ngoại thương với sự hỗ trợ của nhãn hàng Decumar, trung tâm tiếng Anh Ielts Fighter, colorME đã tổ chức buổi Tọa đàm ‘Headstart #2: Influencer Marketing’ để các chuyên gia, diễn giả trao đổi, đánh giá, chia sẻ về xu hướng truyền thông Marketing mới này, và đặt trong môi trường kinh doanh khốc liệt, các doanh nghiệp, các start-up Việt cần làm gì để có thể tận dụng hình thức quảng cáo qua Influencer một cách hiệu quả nhất.

Hơn 2 tiếng tọa đàm diễn ra, các bạn sinh viên không chỉ được tiếp cận góc nhìn marketing khác nhau, những kiến thức đi từ tổng quan khái quát đến chi tiết, cái ‘được và mất’ khi sử dụng hình thức truyền thông mới, mà còn được các diễn giả truyền cảm hứng bằng cách trò chuyện, chia sẻ về những trải nghiệm thực tế và lắng nghe những câu chuyện làm nên thành công của bản thân họ.

Tham dự buổi tọa đàm, Anh Phi Nguyễn đưa ra quan điểm của riêng mình: ‘Ai cũng là influencer, ở một hoàn cảnh nào đó. Tuy nhiên, yếu tố nhãn hàng cần quan tâm khi lựa chọn influencer, đó là hợp lí với đối tượng khách hàng, rõ ràng về mục tiêu. Cái khác biệt giữa công ty lớn với những công ty vừa và nhỏ/startup là công ty lớn cần một sự phát triển, duy trì lâu dài hơn và influencer đang dần giải quyết được điều đó trên góc độ Marketing.’

Chị Bùi Thùy Dương lại có một góc nhìn khác: ‘Influencer không giải quyết tất cả vấn đề nhưng lại đem lại những hiệu quả cực kì bất ngờ. Cũng có khi kỳ vọng về Influencer quá nhiều nhưng cuối cùng lại không hiệu quả như mong muốn đó là do đặt KPIs sai. Influencer thì hay và hot, nhưng phải biết bao nhiêu là đủ.’

Nhà văn Phan Ý Yên – Influencer với hàng trăm nghìn followers có những chia sẻ về trải nghiệm của bản thân hết sức thú vị. “Thứ nhất phải hiểu rõ về bản thân mình, xem mình như 1 mặt hàng. Thứ hai, phải luôn suy nghĩ điều gì khiến người khác follow bạn và không ngừng xây dựng thương hiệu cá nhân. Với mình, từ suy nghĩ của một người phụ nữ độc thân, mình phải xây dựng hình ảnh cuộc sống độc thân thật thú vị. Và mình rất thích có 1 câu nói “Mạnh đâu khoe đó”.

Ngay sau khi sự kiện diễn ra, chúng tôi đã có một số bài phỏng vấn nhanh của các bạn sinh viên đến tham dự. Bạn Văn Thuận, dù đang theo học khoa Điện, ngành Điện tự động hóa ở Đại học Bách Khoa đã không ngại đường xa để đến lắng nghe Tọa Đàm, chia sẻ với chúng tôi: ‘Hiện này, quảng cáo trên TV đa số là về mỹ phẫm, đồ ăn, bột giặt, đồ da dụng trong nhà, nhưng rất ít quảng cáo về kỹ thuật, điện tử. Em định sẽ học thêm văn bằng 2 là Marketing, với mong muốn là có thể lan rộng và quảng bá được những sản phẩm về điện tử. Influencer Marketing là một cách khá hay, và em nghĩ rằng việc đến đây là rất đáng thời gian’.

Bạn Đàm Thái Sơn sinh viên năm ba Đại học Kinh tế quốc dân tỏ ra rất tâm đắc, “Hiện tớ đang làm công việc Part-time Marketing Content cho một công ty ở Hà Nội. Thú thật rất đau đầu khi xây dựng hay nghĩ ra một ý tưởng để quáng bá sản phẩm bằng quảng cáo thông thường. Sau tọa đàm này, mình đã biết một cách hay phục vụ trong việc làm Marketing rồi.”

Trải qua 6 năm tổ chức, không ngừng cố gắng cải thiện và đổi mới về chất lượng và chủ đề, tọa đàm đã trở thành một sự kiện chuyên môn uy tín, được CLB Marketing Đại học Ngoại thương chú trọng đầu tư. Năm 2018 tới đây, chúng ta hãy cùng đón chờ những sự kiện khác của CLB Marketing Đại học Ngoại Thương như tọa đàm Headstart#3 và Bản lĩnh Marketer 2018 nhé!