Tư duy Quản trị Vấn đề: Chìa khóa để phát triển bền vững

Có đôi lúc, chúng ta nhìn vào đời sống của những người bản lĩnh vững chãi, những người sống rạng ngời hạnh phúc, rồi thầm nghĩ: “Họ thật suôn sẻ”, “Họ chắc ít gặp rắc rối như mình”, “Họ may mắn, còn mình thì...” Nhưng có lẽ ta đang so sánh mặt nổi của người khác với mặt chìm của chính mình. Thực ra, họ không ít vấn đề hơn ta – họ chỉ nhận ra vấn đề sớm hơn. Và khi vấn đề được nhận ra đủ sớm, tư duy được bật lên đủ kịp thời, mọi hành động phía sau mới có thể chủ động, sáng suốt và quyết liệt.
Sớm nhận ra điểm mù, sớm làm chủ hành trình
Cuộc sống không “phân loại” chúng ta qua số lượng vấn đề gặp phải, vì ai cũng phải đối mặt với áp lực, mâu thuẫn và những khúc ngoặt. Một vấn đề được phát hiện sớm giống như một vết nứt nhỏ trên tường – dễ khắc phục, ít tốn kém. Nhưng nếu phớt lờ, đến khi nó thành vết sập, mọi thứ đã ngoài tầm kiểm soát. Càng nhận diện sớm, càng dễ xoay chuyển cục diện.

Một vấn đề được phát hiện sớm giống như một vết nứt nhỏ trên tường – dễ khắc phục, ít tốn kém.
Nguồn: Getty Images
Người bản lĩnh và hạnh phúc không phải là người không có vấn đề, mà là người thấy được “vết nứt” trước người khác.
Họ không đợi công việc rối tung mới tổ chức lại, không chờ mối quan hệ trở nên độc hại mới đặt câu hỏi, không để tâm trí kiệt quệ mới học cách nghỉ ngơi. Họ nhạy bén, cảm nhận được những xô lệch nhỏ trong cuộc sống để điều chỉnh kịp thời. Họ không đổ lỗi, không che giấu khó khăn, không bào chữa cho cảm xúc tiêu cực. Họ chỉ đơn giản xác nhận: “Đây là hiện trạng – nơi tôi sẽ bắt đầu để đạt được điều mình muốn.”
Thành tựu, bản lĩnh, hạnh phúc không đến từ việc xóa sạch vấn đề, mà từ khả năng quản trị chúng một cách phù hợp và đúng lúc. Đây chính là tinh thần của “Problem Management: Quản trị vấn đề” – hành trình giúp mỗi người phát hiện sớm những “vết nứt” trước khi chúng trở thành “vết sập”, sớm nhận diện điểm mù và làm chủ tay lái trên hành trình sống.
Chất liệu đáng giá của “Bản thiết kế cuộc đời”
Vấn đề ở đây không mang nghĩa tiêu cực, mà là bất kỳ điều gì khiến ta cần suy ngẫm, phân tích, lựa chọn hoặc thay đổi để hiện trạng cuộc sống với những thành tố chủ đạo: bản thân, công việc, quan hệ, gia đình, tinh thần tiệm cận trạng thái vững chãi hơn trong nhận thức, hài hòa hơn trong cảm nhận và thuận tiện, thoải mái hơn trong hành động.
Ở mối quan hệ gia đình, một mâu thuẫn với người thân có thể là “cánh cửa” để ta mở ra sự thấu hiểu sâu sắc về tình thân – nếu ta biết dừng lại để quản trị thay vì né tránh hay công kích. Ở khía cạnh cá nhân, một giai đoạn khủng hoảng tinh thần không chỉ là “cú trượt”, mà có thể trở thành bước ngoặt đến miền hiểu biết mới mẻ về bản thân, giúp ta sống thật hơn với chính mình. Còn trong công việc, chính những dự án thất bại, những áp lực không lường trước là nơi ta rèn luyện khả năng ra quyết định và phát triển hệ tư duy – yếu tố không thể thiếu để một người trưởng thành và tỏa sáng trong sự nghiệp.
Vấn đề không hiện diện để phá hủy “Bản thiết kế cuộc đời” mà ngược lại, góp phần làm thiết kế rõ nét, sâu sắc và chân thật hơn.
Nguồn: Getty Images
Vấn đề không hiện diện để phá hủy “Bản thiết kế cuộc đời” mà ngược lại, góp phần làm thiết kế rõ nét, sâu sắc và chân thật hơn. Một bản thiết kế đẹp không phải là một phác thảo phẳng lặng không lỗi, mà là một bản vẽ sống động, nơi mỗi dấu vết của vấn đề đều được chuyển hóa thành nét riêng độc đáo của người sở hữu. Thay vì nhìn nhận vấn đề là thứ xui rủi, không mong muốn, việc nhìn nhận vấn đề như một thứ “chất liệu đáng giá” giúp ta rèn đúc cuộc đời thành một tác phẩm có chiều sâu và bản sắc.
Zennie Trang Nguyễn