Tầm quan trọng của Tư duy Quản trị Vấn đề

Vấn đề là một phần tất yếu của quá trình vận hành cuộc sống. Đó có thể là một mong muốn chưa được thỏa mãn, một mối quan hệ chưa đạt đến sự thấu hiểu, một quy trình công việc chưa tối ưu, hay đơn giản chỉ là việc quy hoạch thời gian sao cho thoải mái hơn. Trên hành trình sống, mỗi vấn đề xuất hiện như một dấu hiệu – đôi khi là tín hiệu xanh mở ra cơ hội khuyến khích ta mạnh dạn tiến bước, đôi khi là báo động đỏ nhắc nhở ta về những nguy cơ cần điều chỉnh kịp thời.
Định danh để định hướng
Khi nhắc đến “vấn đề”, chúng ta thường gọi chúng bằng những cái tên nhuốm màu tiêu cực: khó khăn, rắc rối, phiền toái, trở ngại, điềm xui, bất trắc... đe dọa đến bản thân, công việc, cuộc sống ta. Để không phải đối diện với vấn đề, ta sẽ có tâm lý phủ định hoặc né tránh việc phải tiếp nhận, đối diện với chúng.

Khi nhắc đến “vấn đề”, chúng ta thường gọi chúng bằng những cái tên nhuốm màu tiêu cực: khó khăn, rắc rối, trở ngại...
Nguồn: Pexels
Vấn đề không phải lúc nào cũng mang nghĩa tiêu cực, mà cũng có thể là chất liệu, cơ hội, bước ngoặt, nấc thang, cánh cửa... khiến ta cần suy ngẫm, phân tích, lựa chọn hoặc thay đổi để cải thiện hiện trạng cuộc sống.
Việc nhận diện vấn đề sớm giúp ta hiểu rõ bản chất của chúng, từ đó đưa ra quyết định phù hợp: Đây là một khó khăn cần né tránh hay một cơ hội để đổi mới? Tình trạng bế tắc này là điều bất trắc hay là chất liệu để ta làm mới “Bản thiết kế cuộc đời” mình? Tai nạn này xảy đến do ta xui xẻo hay do tầm nhìn ta hạn hẹp, không nhận ra các điểm mù nguy hiểm trên cung đường ta chọn?
Là tín hiệu xanh hay báo động đỏ, là cơ hội hay thử thách, điều đó không phụ thuộc vào bản thân vấn đề mà ở cách chúng ta nhìn nhận. Trong công việc, khi đội ngũ kinh doanh liên tục không đạt KPI, thay vì coi đây là một thất bại đáng chê trách, doanh nghiệp có thể nhìn nhận đây là tín hiệu để nhìn lại kỳ vọng mục tiêu, cải thiện phương pháp đào tạo, hoặc thậm chí xem xét lại mức độ phù hợp của công việc với nhân sự. Khi vấn đề được nhận diện đúng, doanh nghiệp có thể chủ động kiểm soát tình huống thay vì bị cuốn theo những hệ quả không lường trước. Điều này giúp doanh nghiệp tư duy chiến lược hơn, hành động quyết đoán hơn và phát triển bền vững hơn.
Ưu thế từ hệ tư duy Quản trị vấn đề
Cùng với việc nhận diện vấn đề, cách quản trị chúng cũng là một trong những yếu tố quyết định chất lượng cuộc sống và sự phát triển của mỗi cá nhân, tổ chức. Thiếu tư duy Quản trị vấn đề, ta dễ rơi vào trạng thái bị động, lúng túng hoặc thậm chí bế tắc trước những thử thách của cuộc sống. Khi biết cách quản trị vấn đề, ta có thể biến những tình huống khó khăn thành cơ hội học hỏi, phát triển và tiến xa hơn trên hành trình sống của mình.
Một nhân viên được sếp giao phó một dự án lớn với thời hạn gấp rút. Nếu không có tư duy quản trị vấn đề, họ có thể cảm thấy áp lực, loay hoay với khối lượng công việc khổng lồ và dễ dẫn đến sai sót hoặc kiệt sức. Nhưng nếu có tư duy quản trị, họ sẽ chia nhỏ công việc, xác định rõ mức độ ưu tiên, phân bổ nguồn lực hợp lý và chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần. Nhờ đó, họ không chỉ hoàn thành nhiệm vụ hiệu quả mà còn rèn luyện được kỹ năng tổ chức và lãnh đạo.
Khi ngành công nghiệp phim chụp Kodak đối mặt với công nghệ máy ảnh kỹ thuật số, họ có thể đã thấy đây là một báo động đỏ. Nếu thức thời linh hoạt hơn và chấp nhận chuyển đổi sớm, họ có thể dẫn đầu thị trường thay vì bị bỏ lại phía sau.
Nếu thức thời linh hoạt và chấp nhận chuyển đổi sớm, Kodak có thể dẫn đầu thị trường thay vì bị bỏ lại phía sau.
Nguồn: pixabay
Một vấn đề có thể là tín hiệu xanh và báo động đỏ – tất cả phụ thuộc vào cách ta tiếp cận và giải quyết chúng.
Tư duy vào cuộc
Nhu cầu, xúc cảm, thói quen thúc đẩy ta hành động. Nhưng, chỉ những hành động dưới sự điều khiển của tư duy mới thực sự là hành động có định hướng, giúp ta không chỉ phản ứng mơ hồ, theo cảm tính mà còn biết cân nhắc, đánh giá và lựa chọn phương án tối ưu. Tư duy chỉ vào cuộc khi ta có nhận thức về hiện trạng của mình, từ đó suy xét đến kỳ vọng duy trì, cải thiện hoặc thậm chí thay đổi hiện trạng này theo hướng mới mẻ hơn.
Hệ tư duy quản trị vấn đề bao gồm: tư duy phân tích giúp ta thu thập dữ kiện, bóc tách nguyên nhân gốc rễ và xác lập yêu cầu trong từng vấn đề; tư duy hệ thống giúp ta nhìn nhận vấn đề trong bối cảnh tổng thể, phát hiện các yếu tố tiềm ẩn dễ bị bỏ qua nếu chỉ xét vấn đề theo từng phần; tư duy phản biện giúp ta xác định tính hợp lý của các dữ liệu, thông tin, cách tiếp cận từ đó có đánh giá khách quan để lựa chọn; tư duy chiến lược đảm bảo rằng điều ta chọn là giải pháp tiệm cận kết quả bền vững; và khi các giải pháp truyền thống không còn hiệu quả, tư duy sáng tạo sẽ mở ra cho ta những hướng đi mới mẻ, những giải pháp đột phá.
Tư duy chỉ vào cuộc khi ta có nhận thức về hiện trạng của mình.
Nguồn: Unsplash
Khóa học Problem Management – Quản trị vấn đề gói trọn các hệ tư duy quản trị này vào trong một hành trình hướng đến việc giải quyết vấn đề hiệu quả cùng với việc tạo ra giá trị mới, ích lợi. Suy cho cùng, mỗi vấn đề đặt ra trước chúng ta một sự lựa chọn: hoặc chấp nhận trạng thái hiện tại, hoặc tìm cách thay đổi để đạt kết quả tốt hơn. Đây cũng chính biểu hiện của tư duy tích cực khi tiếp cận vấn đề dưới góc độ của nguồn động lực thúc đẩy sự phát triển cá nhân và tổ chức.
Zennie Trang Nguyễn