Fashion Icon #31: Hedi Slimane – Kẻ nổi loạn thanh lịch của làng thời trang nam

Trong thế giới thời trang vốn luôn bị ám ảnh bởi sự đổi mới và xu hướng, Hedi Slimane bước vào như một kẻ lạc loài kiên định và không thỏa hiệp – nhưng chính điều đó lại khiến ông trở thành người tiên phong. Với vóc dáng mảnh khảnh, nét mặt thanh tú và tình yêu nồng nàn dành cho rock, nhiếp ảnh và sự androgynous (lưỡng tính), Slimane không chỉ thiết kế quần áo – ông tái định nghĩa cách nam giới hiện diện.
Fashion Icon là chuỗi bài về gương mặt đứng sau các biểu tượng thời trang đình đám trên thế giới do Brands Vietnam thực hiện. Thông qua chuỗi bài này, marketers có thể hiểu hơn về lịch sử hình thành và sự phát triển của các đế chế thời trang trên toàn cầu.
Sinh ra tại Paris năm 1968 trong một gia đình lai giữa Tunisia và Ý, Slimane lớn lên trong môi trường ôn hòa nhưng nhàm chán. Ngay từ nhỏ, ông đã cảm nhận sự lệch pha giữa thế giới mình sống và thế giới mình mong muốn. Thế giới của ông thực sự bắt đầu từ năm 6 tuổi, khi ông nhận được đĩa nhạc David Bowie. Sự gầy gò, rối bời và đầy chất thơ của Bowie khiến Slimane nhận ra rằng vẻ đẹp nữ tính trong nam giới là điều không cần che giấu. Từ đó, thời trang và âm nhạc trở thành hai nhánh song hành trong thế giới sáng tạo của ông.
Ở tuổi 16, không thể tìm được trang phục vừa người, ông bắt đầu tự may đồ. “Tôi luôn nghĩ quần áo trông đẹp hơn trên những cơ thể gầy. Cuộc đời không quá bất công – người gầy cũng có tương lai”, ông từng nói đùa. Nhưng ẩn sau câu nói ấy là một tuyên ngôn nghiêm túc về cách ông nhìn thế giới: thời trang không chỉ là lớp vải che thân, mà là nơi lằn ranh giới tính mờ nhòa, nơi tuổi trẻ không bị ràng buộc bởi định kiến.
Ảnh chụp Hedi Slimane năm 2012.
Nguồn: Getty Images
Sau thời gian học lịch sử nghệ thuật ở L’École du Louvre và sống vạ vật ở New York, Slimane bắt đầu bén duyên với thời trang một cách tình cờ khi được Jacques Picard cố vấn của LVMH – nhìn thấy tiềm năng và kéo ông về làm dự án kỷ niệm 100 năm Monogram Louis Vuitton.
Nhưng bước ngoặt thực sự đến vào năm 1997, khi Pierre Bergé – CEO YSL – mời ông về dẫn dắt dòng menswear vốn đang trên đà lụi tàn. Khi ấy, các nhà mốt Pháp vẫn xem nhẹ thời trang nam, nên việc bổ nhiệm một người gần như vô danh như Slimane là điều liều lĩnh. Nhưng với bộ sưu tập “Black Tie” năm 1999, Hedi Slimane đã khiến giới mộ điệu phải lặng người. Trong thời điểm mà thời trang nam vẫn còn chuộng dáng suit rộng, vai ngang, form đứng và chất liệu dày mang tính quyền lực, Slimane xuất hiện như một cú đảo chiều thẩm mỹ: suit ôm sát cơ thể, vai cao cấu trúc, cà vạt mảnh như sợi chỉ. Ông khắc họa một hình mẫu nam giới hoàn toàn khác – mảnh mai, quyến rũ, gợi cảm và không cần thể hiện sức mạnh qua cơ bắp. Với bộ sưu tập này, ông không chỉ tạo ra một phong cách – ông thay đổi cả định nghĩa về masculinity trong thời trang nam.
Bộ sưu tập “Black Tie” năm 1999 mà Slimane thiết kế cho YSL.
Nguồn: @firsttimesworldwide
Nhưng Slimane chưa bao giờ là người của khuôn khổ. Sau mâu thuẫn với Tom Ford, ông rời YSL giữa lúc hào quang đang rực rỡ. Thay vì đầu quân cho thương hiệu khác, ông sang Berlin, sống ẩn dật, ghi lại các thiếu niên nổi loạn, các club underground và cuộc sống đường phố bằng máy ảnh. Nhiếp ảnh không chỉ là thú vui – nó là nơi Slimane tái tạo cảm hứng sống, là chất liệu nguyên bản cho các bộ sưu tập sau này.
Cuối năm 2000, ông trở lại thời trang với vai trò Giám đốc Sáng tạo Dior Homme. Và tại đây, ông tạo nên một cuộc cách mạng. Ông đưa tinh thần glam rock, punk, indie từ nhạc vào từng đường cắt và kiểu dáng. Dưới bàn tay ông, nam giới trở nên mỏng manh nhưng quyền lực, nổi loạn nhưng thanh lịch.
Từ Jared Leto, Orlando Bloom đến Brad Pitt, từ Mick Jagger đến Madonna — tất cả đều bị cuốn vào “cơn bão Slimane”. Brad Pitt đặt ông may đồ cưới. Madonna mặc đồ menswear thiết kế cho nam giới. Dior Homme lập tức tăng trưởng 41% lợi nhuận. Và Karl Lagerfeld thậm chí đã giảm 10kg chỉ để mặc vừa những thiết kế của Slimane — trước khi hai người cắt đứt quan hệ vì bất đồng quan điểm.
Bộ sưu tập Xuân Hè 2007 mà Slimane thiết kế cho Dior Homme.
Nguồn: BANAL PIECES
Sức hút của ông lan ra khỏi sàn diễn, len lỏi vào văn hoá đại chúng khi cả một thế hệ nghệ sĩ rock mặc Dior Homme, các cô gái mượn áo của bạn trai – vì đơn giản, thiết kế của Slimane là dành cho bất kỳ ai có cá tính. David Bowie từng trao cho ông giải thưởng CFDA và gọi Slimane là người mang “sự quyến rũ lưỡng tính” vào thời trang nam.
Slimane không uống rượu, không hút thuốc, không cần phát ngôn ồn ào. Ông để thiết kế và hình ảnh nói thay mình. Và ông hoàn hảo đến mức… khó làm việc cùng. Dior đề nghị hợp đồng không độc quyền để ông vừa thiết kế, vừa làm nhiếp ảnh, kiến trúc, nghệ thuật — nhưng vẫn không đủ tự do với ông. Thế là Slimane lại rút lui, lần này là sang Los Angeles, để hòa vào làn sóng nhạc indie đang trỗi dậy.
Tại đây, ông ghi lại bằng ảnh đen trắng thế hệ nghệ sĩ trẻ như The Garden, Hunx and His Punx, Mystic Braves — những ban nhạc đang định hình lại văn hóa punk và garage rock. Đồng thời, ông xây dựng mối quan hệ với những huyền thoại mà ông luôn ngưỡng mộ: từ David Bowie, Mick Jagger, Jack White đến Pete Doherty và Franz Ferdinand. Những con người đầy mâu thuẫn, nổi loạn và luôn đứng bên lề chính thống — cũng giống như ông. Tất cả được ông tập hợp trong cuốn sách ảnh “Sonic” – một tuyên ngôn hình ảnh đậm chất rock & roll, thô ráp, hoài cổ và ám ảnh.
“Sonic” – một tuyên ngôn hình ảnh đậm chất rock & roll, thô ráp, hoài cổ và ám ảnh của Hedi Slimane.
Nguồn: Tổng hợp
Năm 2012, Hedi đồng ý trở lại YSL, nhưng không phải để tiếp nối những điều vốn đã cũ kĩ mà để mang đến một làn gió – một sự tái định nghĩa. Ông đổi tên thương hiệu thành thành “Saint Laurent Paris”, dời trụ sở sang L.A., thay đổi toàn bộ nội thất cửa hàng, kiểm soát gắt gao báo chí — và tạo nên một cơn địa chấn.
Bộ sưu tập womenswear đầu tiên trong sự nghiệp của ông – đậm chất thập niên 70, rock, và cực kỳ gợi cảm – chia rẽ dư luận: giới phê bình dè bỉu, người hâm mộ lại đổ xô mua. Và phụ nữ – từ Lady Gaga đến Kate Moss – đua nhau diện thiết kế vốn dành cho nam giới của ông. Nhưng như thường lệ, Slimane im lặng, để thiết kế tự lên tiếng. Và nó đã lên tiếng thật – bằng doanh số, bằng làn sóng Saint Laurent mới, bằng những bộ ảnh không thể trộn lẫn.
Bộ sưu tập womenswear đầu tiên trong sự nghiệp của Hedi Slimane năm 2013.
Nguồn: The Daily Beast
Sau bốn năm định hình lại Saint Laurent – từ một nhà mốt đang loay hoay với di sản Yves đến biểu tượng cool ngầu của thế hệ mới – Slimane một lần nữa chọn cách rút lui. Dù doanh số tăng gấp đôi và phong cách Saint Laurent dưới tay ông lan rộng như một “aesthetic” toàn cầu, Slimane vẫn không cảm thấy mình được trao quyền đủ sâu để kiểm soát lâu dài vận mệnh thương hiệu. Năm 2016, ông rời đi – im lặng như lúc đến.
Trong hai năm sau đó, ông quay về với máy ảnh, tiếp tục sống tại Los Angeles, chụp ảnh nghệ sĩ indie, xuất bản loạt hình ảnh cho các tạp chí nghệ thuật – như một cách “sạc lại năng lượng thẩm mỹ”.
Và rồi, tháng 1/2018, tin tức Hedi Slimane gia nhập Celine nổ ra như một cú shock. Celine trước đó là đế chế của sự nữ tính tối giản – trái ngược hoàn toàn với thẩm mỹ rock & roll mà Slimane theo đuổi. Nhưng ông không đến để tiếp nối: ông đến để bắt đầu lại từ đầu. Dấu trọng âm bị xóa khỏi tên thương hiệu, toàn bộ phong cách Phoebe Philo bị loại bỏ, và một “kỷ nguyên Celine mới” ra đời – đậm chất Slimane: đen, gầy, nhọn, quyến rũ, và bất cần...
Năm 2018, một “kỷ nguyên Celine mới” ra đời – đậm chất Slimane: đen, gầy, nhọn, quyến rũ, và bất cần...
Nguồn: Tổng hợp
Cùng năm đó, ông thắng kiện Kering hơn 8 triệu euro liên quan đến điều khoản không cạnh tranh trong hợp đồng cũ, dù trước đó chỉ được trả 667.000 euro thay vì 10 triệu như cam kết. Đến tháng 1/2019, ông giới thiệu bộ sưu tập menswear độc lập đầu tiên cho Celine.
Từ năm 2020, Slimane liên tục phá vỡ các khuôn mẫu trình diễn truyền thống: bộ sưu tập Xuân Hè 2021 được ghi hình tại đường đua Castellet trong thời điểm phong tỏa. Các bộ sưu tập sau đó được trình chiếu dưới dạng phim ngắn tại những địa điểm huyền thoại như Château de Chambord, Baie des Anges (Nice), Hotel de la Marine, The Wiltern (LA), Mojave Desert (Mỹ), hay Thư viện Quốc gia Pháp.
Tháng 6/2022, ông trình làng BST Xuân Hè 2023 tại Palais De Tokyo – địa điểm ông từng sử dụng cho show đầu tiên tại Dior Homme cách đây đúng 20 năm, như một lời tri ân cho cuộc cách mạng menswear mà ông đã khởi xướng.
Slimane vẫn là biểu tượng sống của tư duy: Thời trang không phải là ngành công nghiệp, mà là tiếng nói – của tuổi trẻ, của khác biệt, của chính mình.
Nguồn: Getty Images
Slimane từng nói ông chỉ làm việc cho thế hệ của mình – những người trẻ đang đi tìm bản sắc. Và có lẽ, đó là lý do ông không lỗi thời. Trong thời đại của của sự tái định nghĩa và phá vỡ chuẩn mực, Slimane vẫn là biểu tượng sống của một tư duy: Thời trang không chỉ là ngành công nghiệp, mà là tiếng nói – của tuổi trẻ, của khác biệt, của chính mình.
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Theo Lam Phương / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp