3 case-study gia tăng Brand Experience đột phá trong ngành Tài chính ​​từ gợi ý của Creative Effectiveness Lions

3 case-study gia tăng Brand Experience đột phá trong ngành Tài chính ​​từ gợi ý của Creative Effectiveness Lions

 Nội dung chính

Về giải thưởng Creative Effectiveness Lions
1. HSBC – The Homeless Bank Account: Biến tài chính thành công cụ thay đổi cuộc sống
2. Mastercard – WhereToSettle: Công nghệ giúp người tị nạn tái thiết cuộc sống
3. Maya – Khi âm nhạc trở thành công cụ thay đổi nhận thức tài chính
Kết luận

Bước vào năm 2025, ngành Tài chính – Ngân hàng đối mặt với những thách thức lớn hơn bao giờ hết. Sự bùng nổ của công nghệ số đã làm thay đổi cách khách hàng tương tác với thương hiệu, trong khi mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các tổ chức tài chính truyền thống và những Fintech mới nổi. Trong bối cảnh này, Brand Experience (Trải nghiệm thương hiệu) không còn là một lợi thế mà trở thành yếu tố sống còn, giúp các doanh nghiệp tài chính xây dựng niềm tin, thúc đẩy sự gắn kết và tạo ra sự khác biệt bền vững trên thị trường.

Dưới đây là 3 case-study xuất sắc từ HSBC, Mastercard và Maya – những thương hiệu đã chứng minh rằng Brand Experience không chỉ là một khái niệm, mà là một công cụ chiến lược mạnh mẽ có thể thay đổi cách khách hàng nhìn nhận về dịch vụ tài chính

Về giải thưởng Creative Effectiveness Lions

Ra đời vào năm 2011, giải thưởng Creative Effectiveness Lions là một trong những hạng mục danh giá của Liên hoan Sáng tạo Quốc tế Cannes Lions, nhằm tôn vinh những chiến dịch quảng cáo không chỉ đột phá về mặt ý tưởng mà còn mang lại hiệu quả đo lường được. Đây là giải thưởng duy nhất tại Cannes Lions đánh giá sự kết hợp giữa tính sáng tạo và tác động thực tế, khẳng định vai trò của quảng cáo trong việc thúc đẩy sự tiến bộ trong kinh doanh và xã hội.

Quá trình xét duyệt giải thưởng dựa trên ba tiêu chí chính: Ý tưởng (25%), đánh giá sự độc đáo và sáng tạo; Chiến lược (25%), xem xét tính hợp lý và khả năng triển khai hiệu quả; và Tác động thực tế (50%), đo lường mức độ ảnh hưởng thông qua doanh thu, nhận diện thương hiệu hoặc sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Đáng chú ý, chỉ những chiến dịch từng giành giải hoặc lọt vào danh sách đề cử tại Cannes Lions trong vòng ba năm trước đó mới đủ điều kiện tranh giải.

Một trong những minh chứng tiêu biểu cho giá trị của giải thưởng này là chiến dịch “It has to be Heinz” do Rethink Toronto thực hiện cho thương hiệu Heinz. Chiến dịch này đã xuất sắc giành giải Grand Prix Creative Effectiveness Lions 2024 nhờ việc xây dựng những trải nghiệm thương hiệu giàu tính văn hóa, giúp gia tăng kết nối cảm xúc với người tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng doanh số một cách đáng kể.

Creative Effectiveness Lions không chỉ là thước đo thành công của những ý tưởng quảng cáo táo bạo mà còn là minh chứng cho thấy sáng tạo phải đi đôi với hiệu quả – một triết lý ngày càng được ngành tiếp thị toàn cầu đề cao.

1. HSBC – The Homeless Bank Account: Biến tài chính thành công cụ thay đổi cuộc sống

Hiện nay, có hơn 320.000 người đang sống trong tình trạng vô gia cư tại Anh. Họ không thể mở tài khoản ngân hàng vì không có địa chỉ cố định, dẫn đến việc không thể nhận lương hay trợ cấp xã hội, từ đó mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn tài chính do không có chỗ ở cố định.

Điều này khiến nhiều người nghi ngờ về vai trò xã hội của các ngân hàng lớn ở đâu để giải quyết được vấn đề này? Khi mà ngân hàng được xem là một trong những trụ cột của nền kinh tế, nhưng họ vẫn chưa tiếp cận được những nhóm người yếu thế nhất trong xã hội. Điều này không chỉ gây khó khăn cho người vô gia cư mà còn ảnh hưởng đến hệ thống tài chính toàn diện của một quốc gia.

Là một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới, hoạt động tại hơn 60 quốc gia và có mặt tại Anh từ sớm, HSBC đã chủ động hợp tác với Shelter – tổ chức từ thiện lớn nhất về người vô gia cư ở Anh – để phát triển “Tài khoản ngân hàng không có địa chỉ cố định”.

“Tài khoản ngân hàng không có địa chỉ cố định” là loại tài khoản không yêu cầu người đăng ký phải có địa chỉ nhà ở cụ thể – điều mà các ngân hàng truyền thống đều yêu cầu khi xác lập tài khoản. Từ đó nó cho phép những người vô gia cư có thể nhận trợ cấp hoặc lương từ việc làm và tiến hành thuê nhà và hỗ trợ người vô gia cư ổn định cuộc sống.

3 case-study gia tăng Brand Experience đột phá trong ngành Tài chính ​​từ gợi ý của Creative Effectiveness Lions

Cách thức triển khai chiến dịch “Homeless bank account” của ngân hàng HSBC.

Để tiếp cận và thuyết phục nhóm đối tượng này mở tài khoản ngân hàng. HSBC đã sử dụng TV, OOH (quảng cáo ngoài trời) và social media để nâng cao nhận thức về vấn đề loại trừ tài chính đối với người vô gia cư và nhắc đi nhắc lại thông điệp nhiều lần tại các trạm xe buýt, công viên... nơi người vô gia cư thường hay tới.

Bên cạnh đó, HSBC cũng lựa chọn các điểm mở tài khoản gần khu vực có nhiều người vô gia cư nhất để giúp họ tiếp cận dịch vụ dễ dàng mà không cần địa chỉ cố định. Và cuối cùng, HSBC cũng chủ động đào tạo đội ngũ nhân viên kỹ càng để hỗ trợ những người vô gia cư mở tài khoản một cách nhanh chóng, không cần các thủ tục hành chính phức tạp.

Kết quả đạt được:

  • Hơn 5.900 người vô gia cư đã mở tài khoản ngân hàng.
  • Tăng mức độ yêu thích thương hiệu HSBC lên 10%
  • Tăng trưởng doanh thu từ các sản phẩm tài chính khác lên 13,3 triệu bảng Anh nhờ việc gia tăng lòng tin của khách hàng đối với HSBC.

2. Mastercard – WhereToSettle: Công nghệ giúp người tị nạn tái thiết cuộc sống

Chiến tranh Nga và Ukraine bùng nổ không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế và còn tác động đến an sinh của người dân nước này. Tính đến năm 2025, đã có hơn 10 triệu người Ukraine đã phải rời bỏ quê hương do cuộc chiến với Nga, trong đó phần lớn đổ về các thành phố lớn ở Ba Lan. Điều này đã dẫn đến tình trạng quá tải nhà ở và thị trường việc làm bão hòa. Tuy có nhiều thị trấn nhỏ tại Ba Lan lại đang đối mặt với sự suy giảm dân số do người trẻ rời đi tìm kiếm cơ hội ở nơi khác nhưng 34% người tị nạn Ukraine không thể quyết định nơi sinh sống và an cư tại nước này. Sự mất cân bằng này không chỉ ảnh hưởng đến người tị nạn mà còn tác động đến sự phát triển bền vững của Ba Lan.

Điều này đặt ra câu hỏi: Người tị nạn nên chọn nơi nào để định cư để có cơ hội việc làm và cuộc sống tốt hơn?

Để giải quyết vấn đề này, Mastercard đã chủ động phát triển “WhereToSettle” – một nền tảng kỹ thuật số giúp người tị nạn tìm kiếm địa điểm định cư lý tưởng dựa trên dữ liệu kinh tế và xã hội.

3 case-study gia tăng Brand Experience đột phá trong ngành Tài chính ​​từ gợi ý của Creative Effectiveness Lions

Mastercard giải quyết vấn đề xã hội, khẳng định thương hiệu bằng “WheretoSettle”.

Nền tảng “WhereToSettle” có khả năng tổng hợp dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Trung ương Ba Lan, bao gồm mức lương trung bình, chi phí sinh hoạt, cơ hội việc làm và nhà ở, từ đó cung cấp gợi ý cá nhân hóa cho từng người dùng. Đồng thời, nền tảng này cũng cung cấp nguồn cấp dữ liệu trực tiếp về các ưu đãi nhà ở và việc làm, giúp người tị nạn dễ dàng đưa ra quyết định nơi định cư cho bản thân và gia đình.

Bên cạnh đó, Mastercard cũng đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội và truyền thông để nâng cao nhận thức và hướng dẫn người tị nạn sử dụng nền tảng một cách hiệu quả.

Kết quả đạt được:

  • Hơn 300.000 người tị nạn đã tìm được nơi định cư phù hợp thông qua nền tảng.
  • Hơn 57 bài báo truyền thông đưa tin về chiến dịch.
  • Đạt 242.000 lượt truy cập trên nền tảng
  • Tăng 14 điểm đánh giá thương hiệu dựa trên các yếu tố “công nghệ”, “hiện đại” và “xã hội”.

3. Maya – Khi âm nhạc trở thành công cụ thay đổi nhận thức tài chính

Maya, một ngân hàng kỹ thuật số tại Philippines đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với GCash – thương hiệu có độ nhận diện áp đảo trong ngành. Maya cần một chiến lược đột phá để thu hút thế hệ Gen Z, những người thường xem các dịch vụ tài chính là khô khan và nhàm chán.

Maya đã quyết định tái định vị thương hiệu từ một ví điện tử thành một ngân hàng số, nhấn mạnh vào khái niệm tự do tài chính. Họ đã hợp tác với nghệ sĩ hip-hop nổi tiếng Shanti Dope để sáng tác một bài hát mang tên “Maya”, nhằm truyền tải thông điệp về sự tự do tài chính cho giới trẻ.

3 case-study gia tăng Brand Experience đột phá trong ngành Tài chính ​​từ gợi ý của Creative Effectiveness Lions

Cách thức triển khai chiến dịch “The hit song actually a bank” của ngân hàng Maya.

Bài hát này có điểm sáng tạo là nó kết hợp MV ca nhạc với các hoạt động Gamification: Chứa các mã tiền mặt ẩn mang tên “trứng Phục sinh” ( Easter egg) và cho phép người dùng quy đổi thành Bitcoin trong ứng dụng cùng tên – Maya.

Để tăng cường sự tương tác, Maya đã tận dụng TikTok để thách thức người dùng nhảy và rap theo bài hát. Chiến dịch này đã giúp Maya trở thành nền tảng Fintech được bàn tán nhiều nhất, chiếm 44,4% số lượt thảo luận trong lĩnh vực Fintech tại Philippines vào tháng 5 năm 2022. Ngoài ra, chiến dịch cũng tiến hành quảng bá trên YouTube, social media và các nền tảng streaming để mở rộng phạm vi tiếp cận.

Kết quả mà Maya đạt được:

Chiến dịch đã thành công rực rỡ, với Maya đạt được 1,5 triệu tài khoản tiết kiệm trong vòng 6 tháng và 14,7 tỷ PHP tiền gửi. Maya cũng trở thành ứng dụng ngân hàng số hàng đầu tại Philippines, với 8,17 triệu người dùng hoạt động hàng tháng và 25,2 triệu lượt tải xuống. Điểm nhận thức về thương hiệu của Maya đã tăng từ 85 lên 99 điểm, gần bằng với GCash.

Kết luận

Cả 3 chiến dịch trên đã chứng minh rằng Brand Experience có thể vượt xa những phương pháp truyền thống, từ việc giúp đỡ người vô gia cư, hỗ trợ người tị nạn đến biến một ngân hàng thành biểu tượng văn hóa.

Hy vọng 3 case-study thành công này có thể đem lại cho bạn những góc nhìn mới mẻ và nguồn cảm hứng dồi dào trong việc xây dựng chiến lược trải nghiệm thương hiệu đột phá, góp phần vào sự thành công của doanh nghiệp mình trong tương lai.

Xem thêm thêm các chiến dịch thành công của Novaon Digital tại đây.

Giới thiệu về Novaon Digital:

Là tổ hợp giải pháp về trải nghiệm thương hiệu (Brand Experience Solutions), chúng tôi không ngừng khai thác sức mạnh của Chiến lược – Giải pháp công nghệ – Tư duy sáng tạo đổi mới.

Với đội ngũ hơn 600 chuyên gia về Digital Marketing và hệ thống công nghệ/dữ liệu tiên tiến, Novaon Digital đã đồng hành và đem lại thành công cho các khách hàng lớn trên 20 ngành, như Vietnam Airlines, Peugeot, BMW, Huawei, Panasonic, Masterise Homes... tại thị trường các nước trong khu vực APAC.

Xu hướng chủ đạo định hình chiến lược marketing của ngành hàng tiêu dùng đóng gói (CPG) năm 2025