Marketer Lam Phương
Lam Phương

Content Executive @ Brands Vietnam

McKinsey: Thương mại điện tử trong bức tranh 18 ngành kinh tế năng động nhất

McKinsey: Thương mại điện tử trong bức tranh 18 ngành kinh tế năng động nhất

Trong nền kinh tế toàn cầu, một số ngành không chỉ tăng trưởng nhanh mà còn biến đổi liên tục, tạo ra cơ hội và thách thức lớn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và chính phủ. Việc nhận diện và hiểu rõ những ngành này giúp doanh nghiệp định hướng chiến lược dài hạn, đồng thời mở ra cơ hội cho những người muốn tham gia vào các lĩnh vực có tiềm năng lớn trong tương lai.

“Arenas” – Động lực kinh tế trong tương lai

Tháng 10/2024, McKinsey Global Institution phát hành báo cáo “The Next Big Arenas of Competition” công bố những phân tích chuyên sâu về 18 “đấu trường” (arenas) được dự đoán có thể định hình nền kinh tế toàn cầu, tạo ra doanh thu từ 29.000 đến 48.000 tỷ USD vào năm 2040. Theo McKinsey, “arenas” là những nhóm ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh (high growth) và tính năng động (dynamism), thu hút đầu tư lớn và thúc đẩy đổi mới về công nghệ lẫn mô hình kinh doanh.

Ba yếu tố chính góp phần định hình một “đấu trường” gồm:

  1. Bước nhảy vọt về công nghệ hoặc mô hình kinh doanh: Các đổi mới lớn về công nghệ hoặc mô hình hoạt động có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh rõ rệt, ví dụ như trí tuệ nhân tạo (AI) trong phần mềm hay xe điện trong ngành ô tô.
  2. Đầu tư mang tính leo thang: Các doanh nghiệp trong “đấu trường” thường đầu tư mạnh để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm và chiếm lĩnh thị trường. Những khoản đầu tư này có xu hướng đem lại lợi thế ngày càng lớn theo thời gian.
  3. Thị trường có quy mô lớn hoặc đang tăng trưởng nhanh: Sự phát triển của tầng lớp trung lưu, kết nối internet và hạ tầng kỹ thuật số góp phần mở rộng thị trường tiềm năng, thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư và phát triển.

18 “đấu trường” trong báo cáo của McKinsey thuộc đa dạng lĩnh vực: Thương mại điện tử, Phần mềm và dịch vụ AI, Digital Advertising, Streaming Video, An ninh mạng, Xe điện, Vũ trụ không gian... Theo ước tính, những lĩnh vực này có thể tạo ra lợi nhuận từ 2.000 đến 6.000 tỷ USD, tổng tỷ trọng trong GDP toàn cầu có thể tăng từ 4% hiện tại lên 10% đến 16% vào năm 2040.

Để đưa ra nhận định này, nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 3.000 công ty lớn nhất thế giới trong giai đoạn 2005–2020, xác định 12 “đấu trường” hiện tại – những ngành đã và đang có tốc độ tăng trưởng vượt trội cùng sự biến động mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua. Giai đoạn phân tích từ 2005 đến 2020 được lựa chọn nhằm đảm bảo dữ liệu có tính hệ thống, phản ánh rõ rệt cách các ngành này đã phát triển để vươn lên thành những “đấu trường” cạnh tranh quan trọng nhất hiện nay.

McKinsey: Thương mại điện tử trong bức tranh 18 ngành kinh tế năng động nhất

Tỷ lệ tăng trưởng thị phần của 57 ngành hàng, bao gồm 12 “arenas” (đấu trường) quan trọng, từ năm 2005-2020.
Nguồn: McKinsey

Trong khuôn khổ bài viết này, nội dung sẽ tập trung vào thương mại điện tử – một trong những “đấu trường” cạnh tranh nổi bật nhất hiện nay. Những ngành tiềm năng khác trong số 18 lĩnh vực được nêu trong báo cáo, bao gồm Digital Advertising, Streaming Video và xe điện, sẽ được đề cập trong các phần tiếp theo.

TMĐT – “Mỏ vàng” rộng mở tại các thị trường mới nổi

Ngành TMĐT bao gồm các doanh nghiệp bán hàng hóa cho người tiêu dùng thông qua các kênh kỹ thuật số. Đây là một ngành đã phát triển vững chắc, nhờ vào sự mở rộng của internet băng thông rộng, sự gia tăng các thiết bị truy cập (đặc biệt là điện thoại thông minh) và những cải tiến trong chuỗi cung ứng, bao gồm kho vận theo yêu cầu, giao hàng chặng cuối, tự động hóa và phương thức giao hàng tận dụng nguồn lực cộng đồng.

McKinsey: Thương mại điện tử trong bức tranh 18 ngành kinh tế năng động nhất

TMĐT hiện đang là một “đấu trường” cạnh tranh lớn và có nhiều lý do để tin rằng ngành này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Nguồn: Pexels

TMĐT hiện đang là một “đấu trường” cạnh tranh lớn và có nhiều lý do để tin rằng ngành này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Năm 2022, phân khúc bán lẻ trực tuyến chiếm 20% tổng thị trường bán lẻ toàn cầu trị giá 17 nghìn tỷ USD, cho thấy vẫn còn dư địa lớn để mở rộng cả về phạm vi địa lý lẫn danh mục sản phẩm.

Các thị trường trực tuyến tại Trung Quốc, Mỹ Latinh và các nền kinh tế đang phát triển khác dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khi quá trình số hóa gia tăng. Đồng thời, thương mại điện tử cũng đang mở rộng sang những danh mục sản phẩm mới như chăm sóc cá nhân và thực phẩm. Ngoài ra, thương mại xã hội (social commerce) – mô hình mua sắm trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội – cũng đang trên đà phát triển mạnh mẽ.

1. Tốc độ tăng trưởng

TMĐT được định nghĩa là hoạt động mua hàng trực tuyến qua máy tính và thiết bị di động, bao gồm cả giao dịch mà người tiêu dùng nhận hàng tại cửa hàng truyền thống.

Theo đó, doanh thu của TMĐT sẽ được tính từ các kênh bán trực tiếp đến người tiêu dùng (DTC) của nhà sản xuất, các nền tảng như Amazon cung cấp chợ trực tuyến cho nhà bán lẻ bên thứ ba, các nhà bán lẻ bên thứ ba (merchant) khi bán hàng trên các nền tảng như Amazon, và các nhà bán lẻ truyền thống có kênh bán hàng trực tuyến. Tuy nhiên, định nghĩa này không bao gồm một số thị trường liên quan như mua bán ngang hàng (C2C) trên các nền tảng như Facebook Marketplace, cũng như các dịch vụ gọi xe công nghệ và phát trực tuyến.

Ngành này được chia thành hai phân khúc chính:

  • Bán lẻ trực tuyến (Retail e-Commerce): Bao gồm các mặt hàng tiêu dùng như hàng gia dụng, thời trang và điện máy.
  • Thương mại điện tử thực phẩm (Food e-Commerce): Gồm dịch vụ đặt hàng thực phẩm, giao hàng thực phẩm tận nơi (không bao gồm chi phí vận chuyển).

Tổng doanh thu của hai phân khúc này đạt 4 nghìn tỷ USD vào năm 2022, và dự kiến tăng lên 14-20 nghìn tỷ USD vào năm 2040, với tốc độ tăng trưởng CAGR 7-9%

McKinsey: Thương mại điện tử trong bức tranh 18 ngành kinh tế năng động nhất

Tại các nền kinh tế đang phát triển, thương mại điện tử vẫn chưa chiếm tỷ trọng lớn nhưng có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ nhờ:

  • Sự mở rộng của tầng lớp trung lưu, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng tăng cao.
  • Sự cải thiện trong cơ sở hạ tầng internet, tạo điều kiện cho mua sắm trực tuyến).
  • Sự phát triển của cơ sở hạ tầng và dịch vụ, đặc biệt là các mô hình giao hàng chặng cuối (last-mile delivery), giúp tối ưu hóa việc vận chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng.

McKinsey: Thương mại điện tử trong bức tranh 18 ngành kinh tế năng động nhất

Đơn cử như tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh – yếu tố quan trọng trong sự phát triển của TMĐT – đang gia tăng nhanh chóng tại các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển:

  • Tại Ấn Độ, tỷ lệ này tăng từ 26% năm 2018 lên 36% năm 2022, và dự kiến đạt 56% vào năm 2027.
  • Tại Châu Phi cận Sahara, tỷ lệ tăng từ 19% năm 2018 lên 36% năm 2022, và có thể đạt 48% vào năm 2027.

Tổng cộng, từ năm 2018 đến 2022, số lượng người dùng điện thoại thông minh tại Ấn Độ và Châu Phi cận Sahara đã tăng thêm 400 triệu, và dự báo đến năm 2027 có thể bổ sung thêm 550 triệu người dùng toàn cầu.

Trong khi đó, tại các nền kinh tế phát triển, tỷ lệ thâm nhập điện thoại thông minh cao hơn đáng kể, như ở Bắc Mỹ đạt 86% vào năm 2023.

Ngoài ra, sự gia tăng kết nối băng rộng cũng là một yếu tố quan trọng:

  • Tỷ lệ kết nối băng thông tại Ấn Độ có thể tăng từ 10% vào năm 2022 lên 21% vào năm 2040.
  • Tại Châu Phi cận Sahara, con số này có thể tăng từ 5% lên 9%.

Những xu hướng này phản ánh tiềm năng của TMĐT tại các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển khi được cải thiện khả năng kết nối.

Mặt khác, các thị trường phát triển vẫn có thể tiếp tục chứng kiến sự mở rộng mạnh mẽ của TMĐT.

Phần lớn sự tăng trưởng tại các thị trường phát triển sẽ đến từ việc TMĐT mở rộng sang các danh mục sản phẩm mới. Người tiêu dùng trên toàn cầu hiện đã tiếp cận gấp đôi số lượng ngành hàng trực tuyến so với trước đại dịch COVID-19. Riêng tại Mỹ và châu Âu, có ít nhất 25 triệu khách hàng tiềm năng đã thử mua sắm trực tuyến trong các danh mục mới trong thời gian đại dịch nhưng vẫn chưa hoàn toàn chuyển đổi sang mua sắm trực tuyến thường xuyên.

McKinsey: Thương mại điện tử trong bức tranh 18 ngành kinh tế năng động nhất

Trong số các danh mục tăng trưởng nhanh, thực phẩm là phân khúc có mức tăng trưởng mạnh nhất từ năm 2017 đến 2022, với mức chi tiêu tăng 34% mỗi năm. Một số dự báo cho rằng tỷ trọng thương mại điện tử của ngành thực phẩm trong tổng doanh thu thương mại điện tử toàn cầu có thể tăng từ 16% năm 2022 lên khoảng 20% vào năm 2040.

Ngoài thực phẩm, các sản phẩm có tính cá nhân hóa cao như thời trang, đồ gia dụng, chăm sóc da, trang sức, trà cao cấp và đồ thủ công mỹ nghệ cũng đang được tiêu thụ mạnh mẽ qua TMĐT, đặc biệt là thông qua thương mại xã hội (social commerce) nhờ vào khả năng kể chuyện thương hiệu (storytelling). Trong dài hạn, thương mại xã hội có thể trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng thương mại điện tử, ngay cả tại các thị trường phát triển.

Theo kịch bản tăng trưởng thấp, TMĐT sẽ có mức mở rộng danh mục sản phẩm hạn chế. Tuy nhiên, trong kịch bản tăng trưởng cao, sự mở rộng danh mục sản phẩm sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, giúp thương mại điện tử chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng doanh thu bán lẻ.

Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương bao gồm cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, với sự đa dạng trong mức độ thâm nhập thương mại điện tử. Tỷ lệ mua sắm trực tuyến tại các nền kinh tế phát triển trong khu vực có sự khác biệt đáng kể:

  • Năm 2023, Hàn Quốc đạt 30%, trong khi Nhật Bản chỉ đạt 15%.
  • Tại các nền kinh tế đang phát triển, tỷ lệ này đạt 36% ở Trung Quốc và 32% ở Indonesia.
  • Ấn Độ có mức thâm nhập chỉ 8% vào năm 2023, nhưng con số này đã tăng gấp đôi so với 4% vào năm 2018, cho thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.

Ngoài ra, các mô hình thương mại điện tử mới cũng đang góp phần thúc đẩy tăng trưởng tổng thể ngành.

McKinsey: Thương mại điện tử trong bức tranh 18 ngành kinh tế năng động nhất

Thương mại xã hội (social commerce) tận dụng nền tảng trực tuyến để tăng cường sự tương tác giữa người dùng và người có ảnh hưởng (influencers).
Nguồn: TikTok Shop

Thương mại xã hội (social commerce) tận dụng nền tảng trực tuyến để tăng cường sự tương tác giữa người dùng và người có ảnh hưởng (influencers), thúc đẩy doanh số bán hàng bằng cách kết hợp nội dung mạng xã hội với trải nghiệm mua sắm, giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định mua hàng có tính thông tin hơn. Năm 2023, 35 người bán hàng trực tuyến hàng đầu tại Trung Quốc đã ghi nhận hơn 24 tỷ USD (tương đương 170 tỷ nhân dân tệ) doanh thu thông qua các buổi livestream trên nhiều nền tảng khác nhau. Tổng doanh thu từ tất cả các buổi livestream chiếm hơn 30% tổng doanh thu thương mại điện tử tại Trung Quốc trong năm đó.

McKinsey: Thương mại điện tử trong bức tranh 18 ngành kinh tế năng động nhất

Các nền tảng TMĐT giá rẻ tại Trung Quốc, như Pinduoduo, đang phát triển mạnh mẽ nhờ vào mô hình thương mại giá trị (value commerce).
Nguồn: CNN

Các nền tảng TMĐT giá rẻ cũng đang ghi nhận thành công. Pinduoduo tại Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ nhờ vào mô hình thương mại giá trị (value commerce), cung cấp giá cả phải chăng và mang lại trải nghiệm mua sắm có tính tương tác như trò chơi. Mô hình này cũng đang mở rộng trên toàn cầu khi các công ty như Temu và SHEIN tận dụng chuỗi cung ứng mạnh mẽ tại Trung Quốc, giúp họ nhanh chóng mở rộng thị trường tại Mỹ và Châu Âu.

McKinsey: Thương mại điện tử trong bức tranh 18 ngành kinh tế năng động nhất

Thương mại đàm thoại (conversational commerce) – hình thức mua sắm qua các nền tảng nhắn tin như WhatsApp – đang ngày càng phổ biến.
Nguồn: USA Today

Bên cạnh đó, thương mại đàm thoại (conversational commerce) – hình thức mua sắm qua các nền tảng nhắn tin như WhatsApp – đang ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong trải nghiệm mua sắm trực tuyến. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo tổng hợp (Gen AI), sự phổ biến rộng rãi của các ứng dụng trò chuyện và sự gia tăng mua sắm trực tuyến đang thúc đẩy thương mại đàm thoại, với dự báo quy mô thị trường có thể đạt 41 tỷ USD vào năm 2030.

McKinsey: Thương mại điện tử trong bức tranh 18 ngành kinh tế năng động nhất

Thương mại nhanh (quick commerce) hứa hẹn khả năng giao hàng cho khách hàng trong vòng vài giờ hoặc thậm chí vài phút.
Nguồn: VietnamPlus

Ngoài ra, thương mại nhanh (quick commerce) cũng đang trở nên phổ biến, hứa hẹn khả năng giao hàng cho khách hàng trong vòng vài giờ hoặc thậm chí vài phút. Mô hình này đặc biệt phù hợp với các giao dịch có quy mô nhỏ và nhu cầu mua sắm thường xuyên, chẳng hạn như các mặt hàng tiện lợi và thực phẩm.

2. Tính năng động của thị trường

Năm 2023, ba nền tảng thương mại điện tử lớn nhất thế giới – Amazon, Alibaba và JD.com – chiếm 15% tổng doanh thu của tất cả các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến, bao gồm cả các nhà sản xuất có kênh bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng (DTC), các nền tảng TMĐT và các nhà bán lẻ truyền thống có kênh trực tuyến.

Tuy nhiên, nếu xét về tổng giá trị hàng hóa giao dịch (retail value of merchandise) – tức là tổng giá trị sản phẩm được bán bởi các nhà bán lẻ trên nền tảng thay vì doanh thu trực tiếp của nền tảng đó – thì ba công ty này chiếm đến 42% tổng giá trị bán lẻ thương mại điện tử toàn cầu vào năm 2023.

Sự thống trị này xuất phát từ một số yếu tố quan trọng:

  • Quy mô đầu tư lớn vào hệ thống logistics, giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng và giao hàng.
  • Lợi thế kinh tế theo quy mô, giúp giảm chi phí vận hành và tăng khả năng cạnh tranh.
  • Hiệu ứng mạng lưới từ mô hình hai mặt (two-sided marketplace), trong đó sự phong phú về lựa chọn sản phẩm thu hút nhiều khách hàng hơn, đồng thời tạo động lực để nhiều nhà bán lẻ tham gia nền tảng.

McKinsey: Thương mại điện tử trong bức tranh 18 ngành kinh tế năng động nhất

Theo McKinsey, có ít nhất bốn yếu tố chính đang đặt ra thách thức đối với các nền tảng thương mại điện tử lớn.
Nguồn: Barron’s

Tuy nhiên, các đối thủ mới đang làm thay đổi cán cân thị trường bằng những chiến lược đổi mới, tăng trưởng nhanh chóng. Ít nhất bốn yếu tố chính đang đặt ra thách thức đối với các nền tảng thương mại điện tử lớn:

  • Sự gia tăng của mô hình bán hàng trực tiếp (DTC – Direct to Consumer): Các công ty như Casper và Warby Parker đang tiếp cận khách hàng mà không cần thông qua trung gian bán lẻ. Xu hướng này được hỗ trợ bởi các nền tảng logistics bên thứ ba như Shopify, giúp các doanh nghiệp nhỏ thiết lập và vận hành hệ thống bán hàng trực tuyến, bao gồm cả tích hợp với các nền tảng mạng xã hội.
  • Sự phát triển của thương mại điện tử thực phẩm: Ngành hàng tạp hóa có tổng doanh thu toàn cầu đạt 8 nghìn tỷ USD vào năm 2023. Nếu các đối thủ mới có thể thành công trong lĩnh vực này, họ có thể chiếm một phần đáng kể trong thị trường. Tuy nhiên, các nền tảng lớn cũng đang mở rộng sang mảng này, chẳng hạn như Amazon đã mua lại Whole Foods vào năm 2017 để tích hợp dịch vụ giao hàng thực phẩm.
  • Tăng trưởng mạnh mẽ tại các thị trường mới nổi: Các công ty chuyên phục vụ thị trường mới nổi có thể chiếm thị phần đáng kể nếu họ cải thiện dịch vụ phù hợp với nhu cầu địa phương.
    • Tencent tại Trung Quốc đã tăng trưởng với CAGR 14% từ năm 2018 đến 2023, nhờ vào sự phổ biến của WeChat, một “siêu ứng dụng” cho phép người dùng nhắn tin, đăng bài và mua sắm trong cùng một nền tảng.
    • Mercado Libre tại Mỹ Latinh đạt CAGR 59% trong cùng kỳ, nhờ vào việc tích hợp giải pháp thanh toán phù hợp với các quốc gia trong khu vực và cung cấp các dịch vụ địa phương hóa cho người bán.
  • Các quy định hạn chế sự thống trị của các nền tảng thương mại điện tử lớn: Một số thị trường đang ban hành chính sách nhằm giới hạn quy mô và ảnh hưởng của các doanh nghiệp thương mại điện tử lớn, điều này có thể dẫn đến sự phân mảnh hơn trong ngành.

Tóm lại, tương lai của TMĐT vẫn đặt ra nhiều câu hỏi quan trọng như: Liệu thương mại xã hội sẽ thay đổi hoàn toàn hành vi mua sắm? Trí tuệ nhân tạo có tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp mới hay chỉ củng cố vị thế của những gã khổng lồ? Và tốc độ mở rộng tại các thị trường mới nổi sẽ bị chi phối ra sao bởi hạ tầng và chính sách?

Những câu hỏi này không chỉ giới hạn trong TMĐT mà còn gắn liền với sự phát triển của các lĩnh vực khác như Digital Advertising, Streaming Video,… – những mảnh ghép quan trọng trong bức tranh kinh tế số. Các bài viết tiếp theo sẽ tiếp tục khám phá những ngành tăng trưởng cao này, mang đến góc nhìn toàn diện hơn về các “đấu trường” cạnh tranh của tương lai.

Theo Lam Phương / Brands Vietnam
* Nguồn: McKinsey