Marketer Thanh Uyên
Thanh Uyên

Content Editor @ Brands Vietnam

Brand Updates W6/2025: Mazda lần đầu đổi logo sau 28 năm, OpenAI ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới

Brand Updates W6/2025: Mazda lần đầu đổi logo sau 28 năm, OpenAI ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới

Lần đầu tiên sau 28 năm, hãng xe Nhật Mazda làm mới thương hiệu bằng logo mang ngôn ngữ thiết kế phẳng, đơn sắc. Và cũng trong tuần qua, OpenAI đã trình làng bộ nhận diện thương hiệu mới với mục tiêu mang lại hình ảnh “nhân văn hơn” cho công ty… Cùng nhiều tin tức thú vị khác sẽ được cập nhật trong bản tin Brand Updates tuần này.

Mazda lần đầu đổi logo sau 28 năm

Lần đầu tiên sau 28 năm, Mazda làm mới thương hiệu của mình bằng logo mang ngôn ngữ thiết kế phẳng, đơn sắc – đi theo xu hướng thiết kế tối giản mà các thương hiệu lớn trên thế giới đã làm trong nhiều năm qua. Đây cũng là lần tái thiết kế nhận diện thương hiệu quan trọng nhất của Mazda, kể từ khi logo chữ M lấy cảm hứng từ hình ảnh chim mòng biển ra mắt vào năm 1997 và trở thành biểu tượng đặc trưng của hãng xe Nhật Bản trong gần 3 thập kỷ.

Logo mới của Mazda lần đầu xuất hiện trên mạng xã hội vào tháng 7/2024 khi thương hiệu đăng ký bản quyền logo này tại Cục Sáng chế Nhật. Biểu tượng đôi cánh bên trong logo được tinh chỉnh thành những đường thẳng, trong khi các phần góc cạnh lại được bo tròn mềm mại. Vòng bầu dục bên ngoài cũng được vẽ lại tròn trịa hơn. Đi theo xu hướng thiết kế phẳng, logo không còn mô phỏng chất liệu kim loại với hiệu ứng 3D đổ bóng như phiên bản cũ. Song, tổng thể của logo vẫn giữ nguyên nên người dùng không khó để nhận ra.

Quyết định thiết kế lại logo của Mazda diễn ra giữa bối cảnh chung của toàn ngành công nghiệp ô tô thế giới, đổi logo từ dạng 3D phức tạp sang 2D phẳng đơn giản nhằm tối ưu hoá hiển thị bộ nhận diện thương hiệu trên các thiết bị kỹ thuật số. Hiện tại, vẫn chưa rõ đâu là mẫu xe đầu tiên mang logo mới của Mazda.

Mazda lần đầu đổi logo sau 28 năm.

Mazda lần đầu đổi logo sau 28 năm.
Nguồn: Carscoops

OpenAI ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới

OpenAI vừa trình làng bộ nhận diện thương hiệu mới, giới thiệu kiểu chữ OpenAI sans, cùng logo và bảng màu được cập nhật. Trong đó, rất nhiều yếu tố đổi mới của bộ nhận diện được thiết kế để mang lại hình ảnh “nhân văn hơn” cho công ty.

OpenAI gọi kiểu chữ OpenAI sans là “sự kết hợp giữa độ chính xác và tính năng hình học với đặc điểm tròn trịa, dễ tiếp cận”. Công ty sử dụng kiểu chữ này trong logo wordmark, đồng thời vẽ lại biểu tượng “bông hoa” với khoảng trống lớn hơn ở trung tâm cùng các đường nét sắc hơn. Cuối cùng là bảng màu tự nhiên, với nền tảng chủ yếu là các màu xám và xanh lam gợi lên “những đường chân trời, bầu trời và không gian rộng lớn”, cùng các bức ảnh phong cảnh và tĩnh vật mà công ty đã uỷ quyền cho một số nhiếp ảnh gia đương đại thực hiện.

Chia sẻ về bộ nhận diện mới, các nhà thiết kế của OpenAI cho biết: “Chúng tôi đã cộng tác với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nhiếp ảnh, in ấn, chuyển động và thiết kế không gian; đồng thời tích hợp các công cụ AI như DALL-E, ChatGPT và Sora làm đối tác tư duy. Cách tiếp cận kép này – nơi trực giác con người gặp gỡ tiềm năng của Generative AI – cho phép chúng tôi tạo ra một thương hiệu không chỉ mang tính đổi mới mà còn vô cùng nhân văn”.

Brand Updates W6/2025: Mazda lần đầu đổi logo sau 28 năm, OpenAI ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới Brand Updates W6/2025: Mazda lần đầu đổi logo sau 28 năm, OpenAI ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới Brand Updates W6/2025: Mazda lần đầu đổi logo sau 28 năm, OpenAI ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới Brand Updates W6/2025: Mazda lần đầu đổi logo sau 28 năm, OpenAI ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới

Bộ nhận diện thương hiệu mới của OpenAI.
Nguồn: OpenAI

Mô hình AI DeepSeek của Trung Quốc đạt hơn 22 triệu người dùng hàng ngày

Từ một dự án gần như vô danh, DeepSeek đang trở thành ứng dụng AI phát triển nhanh nhất thế giới, với 22 triệu người dùng chỉ sau 20 ngày phát hành. Kết quả này do Aicpb, trang web Trung Quốc chuyên theo dõi mức độ phổ biến của các dịch vụ AI toàn cầu, thống kê đến ngày 31/1/2025.

Theo đó, DeepSeek đạt 22,15 triệu người dùng hàng ngày (DAU) vào cuối tháng 1, trong khi số người dùng của ChatGPT ở cùng thời điểm là 53,23 triệu người. Dù chưa bằng một nửa số người dùng hàng ngày so với sản phẩm của OpenAI, DeepSeek vẫn soán ngôi ứng dụng AI có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Cũng theo thống kê của Aicpb, DeepSeek đã hiên ngang góp mặt trong Top 5 ứng dụng AI có người dùng hàng tháng (MAU) nhiều nhất dù hoạt động trong chưa đầy 1 tháng.

DeepSeek được thành lập năm 2023 bởi Liang Wenfeng, đồng sáng lập của quỹ đầu tư chuyên về AI High Flyer. Công ty bắt đầu phát triển DeepSeek vào tháng 4/2023 và chính thức “khuấy đảo thế giới” nhờ mô hình suy luận R1 ra mắt hôm 20/1. Thành công của DeepSeek được cho là bắt nguồn từ nhiều yếu tố, từ chất lượng câu trả lời, khả năng suy luận, mã nguồn mở, đến chi phí phát triển “siêu rẻ” và đặc biệt phát hành miễn phí.

Brand Updates W6/2025: Mazda lần đầu đổi logo sau 28 năm, OpenAI ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới

Mô hình AI DeepSeek của Trung Quốc đạt hơn 22 triệu người dùng hàng ngày (DAU).
Nguồn: Aicpb

ChatGPT ra mắt tính năng Deep Research giữa cơn sốt DeepSeek

Theo OpenAI, Deep Research (Nghiên cứu sâu) sẽ giúp ChatGPT tổng hợp và nghiên cứu thông tin trong vài chục phút, cho công việc mà một người phải cần 30 ngày để thực hiện. Tính năng được OpenAI công bố giữa lúc DeepSeek “làm mưa làm gió” trên thị trường AI tuần qua.

Thông qua Deep Research, ChatGPT có thể tự lập kế hoạch, phân tích, thực hiện tiến trình nhiều bước nhằm tìm kiếm dữ liệu phù hợp, đối chiếu và cập nhật lại thông tin theo thời gian thực khi cần. Thay vì chỉ tạo văn bản đơn thuần, tính năng mới sẽ hiển thị quy trình tổng hợp, kèm trích dẫn cũng như tóm tắt về các nguồn tin đã tham khảo.

Người dùng cũng có thể đặt câu hỏi bằng văn bản, hình ảnh hoặc tệp tin như PDF, Excel cho dữ liệu đầu vào, sau đó hệ thống sẽ mất từ 5 đến 30 phút để đưa ra phản hồi. OpenAI cho biết, trong tương lai, nội dung nghiên cứu sâu có thể được thể hiện bằng ảnh hoặc biểu đồ trực quan hơn nhằm hiện thực hoá kỳ vọng giúp AI thật sự hữu ích và đáng trả tiền, thay vì chỉ là công cụ giải trí. Song, công ty cũng khẳng định các tính năng này “rất tốn tài nguyên”, đòi hỏi nhiều tính toán suy luận phức tạp và mất nhiều thời gian hơn để nghiên cứu về một đề tài nào đó.

Brand Updates W6/2025: Mazda lần đầu đổi logo sau 28 năm, OpenAI ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới

ChatGPT ra mắt tính năng Deep Research giữa cơn sốt DeepSeek.
Nguồn: OpenAI

Grab và Goto có khả năng nối lại đàm phán sáp nhập

Theo một nguồn tin thân cận của Reuters, Grab Holdings (Singapore) và tập đoàn GoTo (Indonesia) đang đẩy nhanh đàm phán sáp nhập. Cụ thể, một vòng đàm phán sáp nhập mới đã được nối lại vào tháng 12/2024 và các nhà đầu tư đang chờ đợi hai bên đạt được thỏa thuận trong năm nay. Giá trị thương vụ ước tính hơn 7 tỷ USD.

Tuy nhiên, đây là thông tin chưa chính thức và các nguồn tin cũng cho rằng thoả thuận có thể không xảy ra bởi các cuộc đàm phán trước đây giữa hai bên đều đi vào ngõ cụt. Song, thông tin này đã giúp cổ phiếu của Grab Holdings tăng gần 13% trong phiên giao dịch tại New York vào ngày 4/3. Cùng lúc đó, cổ phiếu GoTo, được niêm yết tại Jakarta, cũng tăng mạnh 7,4%.

Các báo cáo mới nhất về việc nối lại đàm phán sáp nhập giữa Grab và Goto được đưa ra khi cả hai công ty đều muốn cải thiện lợi nhuận. Trong những năm qua, hai công ty gọi xe công nghệ lớn nhất Đông Nam Á đã có nhiều cuộc đàm phán về khả năng sáp nhập nhằm giảm chi phí và áp lực cạnh tranh, nhưng chưa đi đến kết quả cuối cùng. Mặt khác, ngay cả khi đạt được thoả thuận, hai bên vẫn phải đối mặt với những trở ngại về luật chống độc quyền.

Brand Updates W6/2025: Mazda lần đầu đổi logo sau 28 năm, OpenAI ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới

Grab và Goto được cho là đang đẩy nhanh đàm phán sáp nhập.
Nguồn: Nikkei Asia

VNG “chia tay” công ty liên kết Tiki

Theo BCTC quý IV/2024 của VNG, vào ngày 28/10/2024, tập đoàn này đang nắm giữ 14,61% quyền sở hữu Tiki Global. VNG đã miễn nhiệm hai người của tập đoàn trong Ban Giám đốc của Tiki Global và không còn ảnh hưởng đáng kể trong công ty. Theo đó, Tiki Global không còn là công ty liên kết của VNG.

Khoản đầu tư vào Tiki Global được ghi nhận vào khoản mục đầu tư tài chính dài hạn của VNG. Như vậy, VNG vẫn sẽ là cổ đông lớn tại Tiki Global nhưng sẽ không tham gia vào công việc điều hành cũng như phát triển công ty này.

Tính đến ngày 31/12/2024, VNG đã đầu tư 510 tỷ đồng vào Tiki Global nhưng từ quý I/2019, giá trị của khoản đầu tư này đã về 0, tức VNG đã ghi nhận lỗ toàn bộ số tiền đầu tư vào Tiki. Do VNG không tiếp tục đầu tư thêm vào Tiki nên dù Tiki có lỗ thêm thì cũng không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của tập đoàn.

Brand Updates W6/2025: Mazda lần đầu đổi logo sau 28 năm, OpenAI ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới

VNG vẫn sẽ là cổ đông lớn tại Tiki Global nhưng sẽ không tham gia vào công việc điều hành cũng như phát triển công ty này.

Startup thương mại điện tử Telio giải thể

Telio, một trong những startup thương mại điện tử B2B tại Việt Nam, đã phải đóng cửa sau khi không thể huy động thêm vốn hay tìm đối tác mua lại. Theo ông Bùi Sỹ Phong, nhà sáng lập Telio, công ty đã ngừng hoạt động tại Việt Nam vào cuối tháng 11/2024 và chính thức giải thể vào tháng 12. Hệ quả là khoảng 400 nhân viên bị sa thải, bao gồm cả đội ngũ nhân viên công nghệ tại Ấn Độ.

Ra đời năm 2019, Telio hướng đến mục tiêu số hoá các cửa hàng tạp hoá truyền thống bằng cách kết nối họ với các thương hiệu và nhà cung cấp. Mô hình kinh doanh của Telio từng được kỳ vọng và đánh giá cao khi công ty gọi vốn thành công tới 52,5 triệu USD từ những nhà đầu tư lớn như Tiger Global, Granite Asia, Peak XV, VNG.

Tuy nhiên, dù có tiềm năng phát triển lớn, Telio vẫn không thể vượt qua những thách thức cố hữu của mô hình thương mại điện tử B2B như chi phí vận hành cao, biên lợi nhuận mỏng của ngành hàng FMCG, chuỗi cung ứng phức tạp với nhiều tầng trung gian… Vào thời điểm đóng cửa, doanh thu hàng tháng của Telio vẫn đạt 2,5-3 triệu USD, nhưng với nguồn vốn đã cạn kiệt, startup này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dừng cuộc chơi.

Startup thương mại điện tử Telio thông báo giải thể.

Startup thương mại điện tử Telio thông báo giải thể.
Nguồn: Telio

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Theo Thanh Uyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp