Đừng để Gen Z “tự bơi” nơi công sở

Hiện nay, Gen Z đang nhận về nhiều lời phàn nàn từ các thế hệ khác trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, đã có rất nhiều bài báo chỉ ra những khía cạnh mà các nhà quản lý đang cảm thấy không hài lòng với nhân sự Gen Z.
Chẳng hạn, một bài viết gần đây trên tạp chí Fortune có tiêu đề “Bosses are firing Gen Z grads just months after hiring them – here’s what they say needs to change” đã nhấn mạnh những thách thức mà Gen Z phải đối mặt, cũng như những thay đổi về động lực giữa các thế hệ trong lực lượng lao động hiện nay. Bài viết cũng nêu lên một số mối quan ngại từ phía nhà tuyển dụng về sự thiếu chuyên nghiệp, ít động lực, kỹ năng giao tiếp kém của một số nhân viên Gen Z mới ra trường.
* Bài viết dưới đây là quan điểm của tác giả Tamara Alesi, được lược dịch từ bài viết gốc “Gen Z in the workplace – how managers can set young workers up for success” đăng trên Ad Age.
Vấn đề có thực sự chỉ do Gen Z?
Những định kiến quen thuộc vẫn tiếp tục tồn tại: Gen Z bị gắn với sự lười biếng và thiếu trách nhiệm, giống như cách millennials từng bị chỉ trích vì lối sống tiêu xài hoang phí và không biết tiết kiệm. Nhưng nếu vấn đề không nằm ở họ thì sao? Nếu vấn đề thực sự là do những nhà quản lý chưa có phương pháp đào tạo đúng cách và chưa thiết lập các kỳ vọng rõ ràng cho các thế hệ khác nhau thì sao?

Những định kiến quen thuộc vẫn tiếp tục tồn tại: Gen Z bị gắn với sự lười biếng và thiếu trách nhiệm.
Nguồn: Pexels
Để thành công trong sự nghiệp, nhân sự Gen Z cần nhận thức được tầm quan trọng của việc thể hiện sự tận tâm, chuyên nghiệp và tuân thủ các đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, đây không phải là trách nhiệm riêng của họ. Các nhà quản lý thuộc mọi thế hệ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp chương trình đào tạo, quản lý và hướng dẫn để hỗ trợ sự phát triển của các đồng nghiệp trẻ hơn.
Hiểu rằng sự phát triển là một nỗ lực hợp tác đòi hỏi cam kết bình đẳng từ tất cả thành viên trong đội ngũ, bất kể thâm niên, là điều cần thiết để xây dựng một môi trường làm việc hiệu quả. Cần nhớ rằng việc học hỏi và trưởng thành không phải là một trải nghiệm tuyến tính theo một lộ trình cố định. Sự phát triển của mỗi người chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như môi trường làm việc, kinh nghiệm cá nhân, kỹ năng tự học, sự hướng dẫn từ người khác, và thậm chí là cơ hội mà họ có được.
“Nếu chúng ta không tạo không gian cho điều đó, thì rốt cuộc chúng ta đang làm gì ở đây?”, tác giả Tamara Alesi đặt vấn đề.
Tất nhiên, không thể bỏ qua những tác động từ đại dịch COVID-19 khi thảo luận về trải nghiệm làm việc của Gen Z. Thực tế, nhiều người thuộc thế hệ này đã gia nhập lực lượng lao động trong bối cảnh làm việc từ xa và chỉ tương tác với đồng nghiệp qua màn hình.
Trách nhiệm từ phía nhà quản lý: Tạo ra cầu nối giữa các thế hệ
Hãy bắt đầu lại từ đầu: Dành thời gian hướng dẫn và dạy những nhân sự mới cách xử lý công việc, giúp họ hiểu về tiêu chuẩn của sự chuyên nghiệp. Điều này có nghĩa là cần thẳng thắn chỉ ra đúng sai, giải thích cách thức làm việc của công ty và sẵn sàng trả lời các câu hỏi. Đào tạo các thành viên mới trong lực lượng lao động cũng giống như bất kỳ mối quan hệ nào khác – đó là con đường hai chiều.
Việc tạo ra một nơi làm việc hòa hợp và cộng tác đòi hỏi sự tham gia của tất cả các nhân viên trong vai trò của họ.
Nguồn: Envato
Việc tạo ra một nơi làm việc hòa hợp và cộng tác đòi hỏi sự tham gia của tất cả các nhân viên trong vai trò của họ. Tất cả các thế hệ cần thích nghi với những thay đổi trong động lực nơi làm việc và thu hẹp khoảng cách thế hệ, xây dựng một môi trường hợp tác hơn. Nhân viên Gen Z nên tích cực tìm kiếm sự phát triển cá nhân bằng cách lắng nghe phản hồi và đón nhận các thách thức mới, trong khi các nhà quản lý từ mọi thế hệ nên ưu tiên đầu tư vào một môi trường làm việc hỗ trợ, khuyến khích học hỏi và phát triển.
Trong thế giới hậu COVID-19, việc đánh giá lại các mô hình làm việc truyền thống là điều cần thiết để đảm bảo một môi trường làm việc cân bằng và hiệu quả. Những mô hình linh hoạt như tuần làm việc 4 ngày hoặc mô hình kết hợp 3 ngày tại văn phòng và 2 ngày làm từ xa đã cho thấy kết quả tích cực ở nhiều quốc gia. Những cách tiếp cận sáng tạo này có thể giúp giữ chân nhân tài và cải thiện hiệu suất tổng thể của tổ chức.
Thành công tại nơi làm việc phụ thuộc vào việc cân bằng giữa kỳ vọng và thế mạnh của các thế hệ, cùng với việc áp dụng các mô hình làm việc phù hợp để đạt được sự hài hòa giữa công việc và cuộc sống. Bằng cách ghi nhận những nỗ lực, niềm đam mê và cam kết phát triển từ cả phía nhân viên Gen Z lẫn các đồng nghiệp giàu kinh nghiệm, các công ty có thể tạo ra một môi trường nơi tất cả mọi người đều phát triển và đóng góp vào sự thành công chung của tổ chức.
Thành công tại nơi làm việc phụ thuộc vào việc cân bằng giữa kỳ vọng và thế mạnh của các thế hệ, cùng với việc áp dụng các mô hình làm việc phù hợp.
Nguồn: Envato
“Quan trọng hơn, nếu chúng ta không sử dụng nguồn lực để hướng dẫn các thế hệ trẻ trưởng thành, vấn đề không nằm ở họ mà chính là ở chúng ta”, tác giả nhắn gửi. Thay vì tiếp tục vòng lặp đổ lỗi giữa các thế hệ, đã đến lúc tập trung vào sự hợp tác, thấu hiểu và phát huy các phẩm chất độc đáo mà mỗi thế hệ sở hữu. Chỉ khi đó, các doanh nghiệp mới có thể tạo ra một môi trường làm việc hạnh phúc và hòa hợp, mang lại lợi ích cho cả nhân viên lẫn nhà quản lý.
Theo Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: Ad Age