Marketer Phố Hương
Phố Hương

Content Executive @ Brands Vietnam

Fashion Icon #27: Helmut Lang – Người tiên phong thầm lặng của phong cách thời trang tối giản

Fashion Icon #27: Helmut Lang – Người tiên phong thầm lặng của phong cách thời trang tối giản

Huyền thoại làng mốt Karl Lagerfeld từng nói rằng mỗi thập kỷ chỉ có một hoặc hai nhà thiết kế tạo ra được ảnh hưởng thực sự trong ngành thời trang. Trong những năm 1990, một trong số đó chắc chắn là Helmut Lang.

Sau sự xa hoa phù phiếm của thập niên 1980, nhà thiết kế người Áo điển trai, ít nói, một người tự học không qua đào tạo chính quy đã định hình phong cách cho cả thập kỷ bằng tầm nhìn tối giản và tinh tế. Dù đã rời bỏ ngành thời trang từ năm 2005, di sản mà Helmut Lang để lại vẫn còn nguyên giá trị. Những thiết kế của ông không chỉ là quần áo, mà là dấu ấn của một người dám thách thức quy chuẩn, dám đổi mới, và trên hết, dám theo đuổi tầm nhìn riêng của mình.

Fashion Icon là chuỗi bài về gương mặt đứng sau các biểu tượng thời trang đình đám trên thế giới do Brands Vietnam thực hiện. Thông qua chuỗi bài này, marketers có thể hiểu hơn về lịch sử hình thành và sự phát triển của các đế chế thời trang trên toàn cầu.

Khao khát tìm thấy tự do và tìm thấy chính mình

Dưới chân dãy Alps hùng vĩ của Áo, trong một ngôi làng nhỏ mang tên Ramsau am Dachstein, Helmut Lang, sinh năm 1956, người sau này trở thành một nhà thiết kế thời trang có sức ảnh hưởng bậc nhất trong thập niên 90 đã lớn lên ở đây.

Lang chưa tròn 5 tuổi khi cha mẹ ly hôn, cậu được gửi về sống với ông bà sau đó. Ông nội là một thợ đóng giày lành nghề, còn cậu thì sớm quen với những ngày chạy nhảy trên đồng cỏ, nhảy từ kho cỏ khô, lăn xuống đồi hay xây đập bên bờ sông. Cả tuổi thơ là một cuộc phiêu lưu, không có TV, không có điện thoại, nhưng tràn đầy sự tự do và sáng tạo. Đến khi 6 tuổi, Lang đã bắt đầu giúp việc ở nông trại, trong tiệm bánh và đi bộ mỗi ngày 45 phút để đến trường.

Fashion Icon #27: Helmut Lang – Người tiên phong thầm lặng của phong cách thời trang tối giản

Helmut Lang, sinh năm 1956, là một trong những nhà thiết kế thời trang có sức ảnh hưởng bậc nhất trong thập niên 90.
Nguồn: ARCHIVE.pdf

Những ký ức tuổi thơ tưởng chừng như rất êm đềm và đẹp đẽ ấy cũng có một mặt tối. Ông bà vốn là người tị nạn từ Nam Tư, gia đình Lang bị cộng đồng nơi đây xa lánh trong một thời gian dài. Lang, một đứa trẻ đến từ Vienna, con của cha mẹ ly hôn, cũng bị nhìn bằng ánh mắt dè chừng. Cậu sớm nhận ra mình không thực sự thuộc về nơi nào. Có lẽ, chính cảm giác lạc lõng ấy đã khiến Lang khao khát trở thành một công dân toàn cầu, không biên giới, không ràng buộc.

Đến năm 10 tuổi, cuộc sống của Lang lại thay đổi một lần nữa khi cậu chuyển đến Vienna sống với cha và mẹ kế. Nhưng thành phố không chào đón cậu. Giọng nói vùng núi khiến cậu trở thành kẻ khác biệt. Cậu không biết gì về bóng đá hay những trò chơi phổ biến, không hiểu các quy tắc ứng xử của thành phố. Bị bạn bè trêu chọc, bị gọi là “đồ đần”, Lang trở thành mục tiêu dễ bị bắt nạt. Trong chính ngôi nhà của mình, cậu cũng chẳng tìm được chỗ dựa. Những nghi ngờ về giới tính của Lang càng khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn. Đó là tám năm đầy khó khăn, nhưng cũng là quãng thời gian hun đúc cho Lang quyết tâm ra đi.

Khi bước sang tuổi 18, Lang rời khỏi nhà với hai thùng đựng sách vở, không có gì để mất, chỉ mang theo hy vọng cuối cùng: tìm thấy tự do và chính bản thân mình. Ban đầu, cậu theo học ngành kinh doanh, nhưng rồi nhận ra đam mê của mình nằm ở thời trang. Không qua trường lớp đào tạo chính quy, Lang tự học về thiết kế trang phục, trong vài năm ngắn ngủi, cậu mở một tiệm may và các thiết kế của cậu nhanh chóng trở nên phổ biến tại quê hương.

Mang tinh thần phá vỡ mọi quy tắc vào thời trang

Dưới ánh đèn mờ ảo của những năm 1980, trong tiệm may nhỏ, Helmut Lang lặng lẽ đặt những đường kim mũi chỉ cuối cùng lên những thiết kế của mình. Khi đóng cửa tiệm vào năm 1984, ông không hề biết rằng hai năm sau, mình sẽ ra mắt bộ sưu tập đầu tiên tại Centre Georges Pompidou ở Paris. Và rồi, như một bước nhảy không báo trước, Lang chuyển đến New York – nơi những xu hướng mới được sinh ra, nơi ông sẽ định nghĩa lại cả một thế hệ thiết kế.

Thập niên 80 và 90 là thời kỳ hoàng kim của phong cách tối giản với những cái tên như Giorgio Armani, Jil Sander, và dĩ nhiên, Helmut Lang. Nhưng khác với những người đồng nghiệp, Lang không chỉ đơn thuần theo đuổi sự giản lược mà còn phá vỡ mọi quy tắc. Ông không bị bó buộc bởi khuôn khổ sàn diễn thông thường.

Trong những show thời trang của mình, ông cho người mẫu đi theo cặp, hoặc thậm chí không có lối đi chính, để họ tự do bước giữa những bức tường, tạo nên một khung cảnh phi truyền thống. Những người mẫu của Lang không phải những gương mặt quen thuộc của làng thời trang, mà là bạn bè, những con người đời thường với vẻ đẹp phi chính thống, những “búp bê vỡ” mang nét bí ẩn khó đoán.

Fashion Icon #27: Helmut Lang – Người tiên phong thầm lặng của phong cách thời trang tối giản

Helmut Lang không bao giờ bị bó buộc bởi khuôn khổ sàn diễn thông thường.
Nguồn: SSENSE

Lang không tìm về quá khứ để lấy cảm hứng. Ông nhìn vào hiện thực và sáng tạo từ chính đó. Ông từ chối hệ thống tuần lễ thời trang truyền thống, rời bỏ Paris để đến New York vào năm 1998. Thậm chí, khi Internet vẫn còn là một điều xa lạ với ngành thời trang, Lang đã là người đầu tiên phát trực tiếp một buổi trình diễn và đi trước thời đại khi phát hành những chiến dịch quảng cáo dạng digital. Những bước đi đột phá này đã định hình cách ngành công nghiệp thời trang vận hành trong nhiều năm sau đó.

Lang cũng đi ngược lại những tiêu chuẩn truyền thống khi ưu tiên những cách tiếp cận khác biệt cho chiến lược quảng bá. Trong khi các thương hiệu cao cấp đổ tiền vào những trang bìa lấp lánh của các tạp chí thời trang hàng đầu, Lang lại đưa chiến dịch của mình lên những chiếc taxi, tàu điện ngầm và thậm chí là tạp chí khoa học National Geographic. Ông từ chối những tấm áp phích cầu kỳ mà chọn những dòng quảng cáo tối giản trên nền phông chữ Helvetica đen trắng – một tuyên ngôn mạnh mẽ về sự đơn giản nhưng đầy sắc sảo.

Fashion Icon #27: Helmut Lang – Người tiên phong thầm lặng của phong cách thời trang tối giản Fashion Icon #27: Helmut Lang – Người tiên phong thầm lặng của phong cách thời trang tối giản

Lang cũng đi ngược lại những tiêu chuẩn truyền thống khi ưu tiên những cách tiếp cận khác biệt cho chiến lược quảng bá.
Nguồn: Vogue

Đem áo thun, quần jeans lên sàn diễn

Những năm 1980 vốn được biết đến với sự xa hoa trong trang phục, Lang xuất hiện như một làn gió mới – tinh gọn, hiện đại nhưng vẫn đầy chất thơ. Thiết kế của ông là những món đồ mà hầu hết mọi người đều quen thuộc: quần jeans, áo phông, đồ may đo.

“Tối giản luôn là dấu ấn của Lang”, tạp chí New York từng viết, “Nhưng đó không phải sự tối giản thông thường: Hình dáng, đường cắt và màu sắc có thể tinh giản, nhưng vải và chi tiết thì đầy sáng tạo”.

Ông biến những món đồ bình thường thành biểu tượng thời trang. Những chiếc quần jeans của ông, với thiết kế cắt thấp, ôm sát, đôi khi trông như bị mài mòn hoặc vấy bẩn đã mở đường cho phân khúc denim cao cấp. Một trong những thiết kế nổi bật nhất là chiếc quần jeans Xuân/Hè 1999 với những vệt sơn loang lổ.

Fashion Icon #27: Helmut Lang – Người tiên phong thầm lặng của phong cách thời trang tối giản Fashion Icon #27: Helmut Lang – Người tiên phong thầm lặng của phong cách thời trang tối giản Fashion Icon #27: Helmut Lang – Người tiên phong thầm lặng của phong cách thời trang tối giản

Bộ sưu tập Xuân/Hè 1999 nổi bật với thiết kế quần jeans có những vệt sơn loang lỗ.
Nguồn: Vogue

Không chỉ có denim, Lang còn thay đổi cách nhìn về quần tây. Khi thời trang thập niên 80 vẫn còn chuộng những chiếc quần xếp ly rộng rãi mang phong thái quyền lực, Lang đi ngược lại, tạo ra những chiếc quần may phẳng, ôm sát cơ thể, mở đường cho xu hướng quần skinny sau này.

Ông biến những món đồ như áo thun và quần jeans thành những sản phẩm trên sàn diễn và điều làm cho chúng nổi bật chính là sự chú trọng đến chất liệu và cách cắt may. Một trong những chi tiết dễ nhận ra là các cánh tay áo cao, nhỏ và cách chúng ôm lấy cơ thể, giúp người mặc có dáng đứng thẳng hơn, mang lại cảm giác tự tin và uy quyền.

Trong khi nhiều nhà thiết kế theo chủ nghĩa tối giản khác hướng đến sự lãng mạn hay mơ mộng, Lang lại chọn sự sắc sảo, thậm chí có phần lạnh lùng. “Trang phục của ông mang một khía cạnh u ám”, nhà phê bình Cathy Horyn từng viết, “Không chỉ nằm ở sở thích của ông với da đen và các loại vải tổng hợp, mà còn ở tinh thần phản kháng của ông đối với thời trang truyền thống”.

Fashion Icon #27: Helmut Lang – Người tiên phong thầm lặng của phong cách thời trang tối giản

Trong khi nhiều nhà thiết kế theo chủ nghĩa tối giản khác hướng đến sự lãng mạn hay mơ mộng, Lang lại chọn sự sắc sảo, thậm chí có phần lạnh lùng.
Nguồn: Vogue

Từ giã ngành công nghiệp thời trang

Năm 1999, Lang bán 51% cổ phần thương hiệu của mình cho tập đoàn Ý Prada. Tuy nhiên, mối quan hệ hợp tác này nhanh chóng trở nên căng thẳng và kéo dài không lâu.

Một cách đầy lặng lẽ, Lang rời khỏi ngành công nghiệp thời trang sau khi trình diễn bộ sưu tập Xuân/Hè 2005 và dành toàn bộ thời gian cho nghệ thuật. Đây là một cú sốc cho ngành công nghiệp thời trang vì ông đã chọn rời đi khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Chỉ một năm sau, Prada cũng rút lui, bán lại thương hiệu Helmut Lang cho Link Theory, một công ty Nhật Bản sau này được sáp nhập vào tập đoàn Fast Retailing, chủ sở hữu của UNIQLO.

Rời xa thời trang, Lang dấn thân hoàn toàn vào nghệ thuật. Năm 2010, một vụ cháy tại xưởng của ông đã thiêu rụi phần lớn kho lưu trữ trang phục. Nhưng thay vì đau buồn, Lang biến mất mát này thành một cơ hội sáng tạo. Ông chủ động phá hủy phần còn lại của kho lưu trữ, sử dụng nguyên liệu đó để tạo nên triển lãm nghệ thuật “Make It Hard”.

Fashion Icon #27: Helmut Lang – Người tiên phong thầm lặng của phong cách thời trang tối giản Fashion Icon #27: Helmut Lang – Người tiên phong thầm lặng của phong cách thời trang tối giản Fashion Icon #27: Helmut Lang – Người tiên phong thầm lặng của phong cách thời trang tối giản Fashion Icon #27: Helmut Lang – Người tiên phong thầm lặng của phong cách thời trang tối giản

Triển lãm nghệ thuật “Make It Hard” của Helmut Lang.
Nguồn: Tổng hợp

Lang chưa bao giờ là người thích xuất hiện trước công chúng. Năm 2000, The New Yorker gọi ông là “nhà thiết kế vô hình”. Ông hiếm khi nhận phỏng vấn, và nếu có, câu trả lời cũng ngắn gọn, xúc tích. Trong một thế giới thời trang nơi sự tự quảng bá là điều tất yếu, Lang chọn để những thiết kế của mình tự lên tiếng. Hiện tại, ông sống giữa New York và ngôi nhà ở Long Island, dành trọn tâm huyết cho nghệ thuật.

Fashion Icon #27: Helmut Lang – Người tiên phong thầm lặng của phong cách thời trang tối giản

Lang chưa bao giờ là người thích xuất hiện trước công chúng mà chỉ hoạt động âm thầm như một “nhà thiết kế vô hình”.
Nguồn: Vogue

Một nhà thiết kế gốc Việt đã đến

Thương hiệu Helmut Lang vẫn tồn tại qua nhiều giai đoạn chuyển giao. Đến năm 2023, Peter Do, một nhà thiết kế gốc Việt đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Sáng tạo. Trong bộ sưu tập ra mắt vào tháng 9/2023, Peter Do đã hợp tác với nhà thơ kiêm tiểu thuyết gia Ocean Vuong, đưa những câu chữ bằng tiếng Việt đầy cảm xúc lên áo sơ mi và áo tank top. Sự kết hợp này gợi nhớ đến những dự án mà Lang từng thực hiện với nghệ sĩ Jenny Holzer trước đây.

Dưới sự dẫn dắt của Peter Do, thương hiệu Helmut Lang hiện đang tìm cách hồi sinh và kết nối với cả thế hệ người hâm mộ mới lẫn cũ. Peter Do được biết đến với phong cách thiết kế hiện đại nhưng đầy cảm xúc, đồng thời luôn tôn vinh những di sản mà Lang để lại. Trong bộ sưu tập đầu tay, ông tái hiện những yếu tố mang tính biểu tượng như dây thắt lưng bằng vải, kỹ thuật layering và chất liệu bóng bẩy, đồng thời thổi vào đó tinh thần đương đại của chính mình.

“Helmut Lang không chỉ là một thương hiệu. Đó là biểu tượng của tư duy độc lập và cách nhìn nhận thế giới khác biệt”, Peter Do chia sẻ, “Tôi muốn giữ gìn tinh thần đó và khiến nó phù hợp hơn với thế hệ ngày nay. Tương lai của thời trang không phải là lặp lại quá khứ, mà là làm thế nào để tiếp tục tiến lên phía trước”.

Fashion Icon #27: Helmut Lang – Người tiên phong thầm lặng của phong cách thời trang tối giản Fashion Icon #27: Helmut Lang – Người tiên phong thầm lặng của phong cách thời trang tối giản Fashion Icon #27: Helmut Lang – Người tiên phong thầm lặng của phong cách thời trang tối giản Fashion Icon #27: Helmut Lang – Người tiên phong thầm lặng của phong cách thời trang tối giản

Peter Do và Ocean Vuong đem tiếng Việt vào BST của Helmut Lang tại New York Fashion Week.
Nguồn: Tổng hợp

Dù được giới chuyên môn đặt nhiều kỳ vọng, cuối năm 2024, Peter Do cho biết sẽ rời chiếc ghế Giám đốc Sáng tạo của thương hiệu Helmut Lang sau khi ra mắt bộ sưu tập Pre-fall 2025. Đây cũng là bộ sưu tập cuối cùng của Peter Do khi đảm nhiệm vị trí đứng đầu của thương hiệu này.

Sau thời kì hoàng kim đã qua, số phận của thương hiệu thời trang xa xỉ Helmut Lang rồi sẽ đi về đâu vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Theo Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp