Điểm lại những sự kiện nổi bật của thị trường TMĐT năm 2024

Điểm lại những sự kiện nổi bật của thị trường TMĐT năm 2024

Năm 2024 là một năm đầy sôi động của thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam, với hàng loạt sự kiện nổi bật, những thách thức và cơ hội đan xen. Để nhìn lại hành trình này một cách thú vị, Metric – nền tảng phân tích dữ liệu TMĐT – đã cho ra mắt bộ tranh comic độc đáo, khắc họa những khoảnh khắc đáng nhớ nhất.

Hãy cùng điểm qua những sự kiện được tái hiện qua bộ tranh này.

Điểm lại những sự kiện nổi bật của thị trường TMĐT năm 2024

1. Livestream – Cỗ máy tạo doanh thu và xu hướng mua sắm giải trí

Livestream không còn đơn thuần là một phương thức bán hàng mà đã trở thành xu hướng chủ đạo của TMĐT Việt Nam trong các năm qua. Các phiên livestream đạt doanh thu hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ đồng là minh chứng rõ nét cho sức mạnh của hình thức này. Với sự kết hợp giữa giải trí và mua sắm, livestream không chỉ thu hút khách hàng mà còn tạo cơ hội để các thương hiệu xây dựng cộng đồng người tiêu dùng trung thành.

Năm 2024, megalive là một trong những điểm nổi bật nhất của hình thức livestream khi luôn mang về doanh số khổng lồ. Điều này không khó hiểu khi những phiên live đều được xây dựng kịch bản chi tiết, kết hợp với đông nhãn hàng và sản phẩm, sử dụng ekip lên tới hàng chục người, mời nhiều KOL/KOC cùng tham gia.

Livestream – Cỗ máy tạo doanh thu và xu hướng mua sắm giải trí.

2. Sự cố mất điện khi livestream

Bảo đảm livestream luôn diễn ra suôn sẻ là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Trong năm vừa qua, không ít sự cố về livestream đã xuất hiện, gây tác động tiêu cực dành cho doanh nghiệp và cả KOL/KOC.

Điển hình cho một sự cố đáng tiếc là sự kiện mất điện đột ngột trong buổi livestream của Võ Hà Linh. Trước khi mất điện, phiên live thu hút hơn 300.000 mắt xem, nhưng ngay sau đó, con số này đã giảm mạnh xuống chỉ còn hơn 1.000. Dễ dàng nhận thấy chỉ một sự cố kỹ thuật xảy ra có thể gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng: mất doanh thu trực tiếp và làm gián đoạn trải nghiệm người dùng.

Những sự cố kỹ thuật là bài học lớn cho các nhãn hàng, KOL/KOC và agency về livestream trong việc tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng và duy trì tính chuyên nghiệp, đặc biệt khi livestream đã trở thành trung tâm của hoạt động kinh doanh TMĐT.

Sự cố mất điện khi livestream.

3. Hoàn hàng – Nỗi “ám ảnh” của nhà bán

Hoàn hàng đã trở thành “nỗi ám ảnh” với nhiều nhà bán hàng TMĐT. Từ hàng không đúng mô tả, lỗi vận chuyển đến sản phẩm bị lỗi… có vô vàn lý do để khách ấn hoàn hàng.

Theo như một số nhà bán đang là khách hàng của Metric chia sẻ, nhiều sản phẩm khi được hoàn về đã không còn trong trạng thái nguyên vẹn, cộng thêm việc phải chịu thêm phí vận chuyển cũng khiến đơn hàng đó đang lãi thành lỗ (mặc dù có được nhận 1 phần đền bù từ sàn).

Hoàn hàng – Nỗi “ám ảnh” của nhà bán

4. Bán nông sản trên TMĐT – Hướng đi mới cho sản phẩm Việt

Năm 2024 chứng kiến bước chuyển mình đáng kể khi nông sản Việt Nam lần đầu tiên ghi dấu ấn mạnh mẽ trên các sàn TMĐT. Từ vải thiều Lục Ngạn, sầu riêng đến bơ, những sản phẩm này không chỉ tiếp cận thị trường nội địa mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu trực tuyến.

Sự thành công của nông sản trên TMĐT là minh chứng cho tiềm năng lớn của lĩnh vực này. Tuy nhiên, để duy trì và mở rộng quy mô, doanh nghiệp cần chú trọng hơn vào việc xây dựng thương hiệu, đảm bảo chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa quy trình giao nhận.

Bán nông sản trên TMĐT – Hướng đi mới cho sản phẩm Việt

5. Temu vào Việt Nam – “Người chơi mới” khuấy đảo thị trường

Sự xuất hiện của Temu, nền tảng TMĐT quốc tế, đã thu hút sự chú ý đặc biệt trong năm qua. Với chiến lược giá rẻ và nguồn hàng đa dạng, Temu tạo nên làn sóng cạnh tranh mạnh mẽ, đặc biệt trong các ngành hàng như thời trang, phụ kiện và sắc đẹp.

Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, Temu đã phải tạm dừng hoạt động vì chưa hoàn thiện đủ các thủ tục pháp lý để được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

Temu vào Việt Nam – “Người chơi mới” khuấy đảo thị trường

6. Doanh thu khủng nhưng chưa đóng thuế – Bài toán cần lời giải

Trong năm 2024, câu chuyện về các doanh nghiệp trên TMĐT đạt doanh thu khổng lồ nhưng chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế tiếp tục là vấn đề nổi cộm. Điển hình như trong năm 2022-2023, một hộ kinh doanh ở Hà Nội đạt tổng doanh thu khủng 36 tỷ đồng nhưng “quên nộp thuế”.

Việc chậm trễ hay né tránh nghĩa vụ thuế không chỉ dẫn đến việc phải nộp phạt với số tiền cao, mà trong nhiều trường hợp còn có thể kéo theo trách nhiệm hình sự. Điều này không chỉ gây tổn thất tài chính mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của doanh nghiệp, thậm chí có thể khiến họ mất đi cơ hội kinh doanh trong tương lai.

 Doanh thu khủng nhưng chưa đóng thuế – Bài toán cần lời giải

Nhìn lại những sự kiện của năm 2024, có thể thấy rằng thị trường TMĐT Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhưng không kém phần phức tạp. Những doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng, tối ưu hóa chiến lược kinh doanh và tận dụng các công cụ hỗ trợ hiện đại sẽ có cơ hội vươn lên dẫn đầu.

Năm 2025, bên cạnh sự cạnh tranh gay gắt, thị trường sẽ tiếp tục được định hình bởi những thay đổi lớn về hành vi tiêu dùng và công nghệ. Đã đến lúc doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng để thích nghi và phát triển bền vững hơn trong bức tranh TMĐT đầy màu sắc hiện nay.