PepsiCo khởi động chương trình Greenhouse Accelerator 2025 dành cho các công ty khởi nghiệp Việt Nam
Ngày 9/1/2025, PepsiCo chính thức khởi động chương trình Greenhouse Accelerator (GHAC) năm thứ ba tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Chính thức tiếp nhận hồ sơ tham gia từ ngày 9/1, chương trình dành cho các công ty khởi nghiệp chuyên sâu trong các lĩnh vực nông nghiệp bền vững, kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải khí nhà kính.
Mỗi công ty khởi nghiệp khi vào đến vòng Chung kết sẽ nhận được khoản tài trợ (không yêu cầu quy đổi cổ phần) trị giá 20.000 USD và nhận được sự cố vấn trực tiếp từ các lãnh đạo PepsiCo, cùng cơ hội trình bày các giải pháp tại vòng Chung kết. Công ty đạt kết quả cao nhất sau khi trình bày tại sự kiện Chung kết danh giá trước các lãnh đạo PepsiCo và các nhà đầu tư sẽ nhận thêm khoản tài trợ trị giá 100.000 USD.
Theo báo cáo đánh giá mức độ thực hành các chính sách Môi trường – Xã Hội – Quản trị ( ESG) trong doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và USAID thực hiện, trên 40% doanh nghiệp vừa và xấp xỉ 50% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam chưa tiếp cận đến khái niệm ESG. Điều này cho thấy vẫn còn nhiều thách thức trong việc thúc đẩy khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tích hợp các mục tiêu ESG vào chiến lược kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, chương trình GHAC khẳng định cam kết của PepsiCo trong việc thúc đẩy các công nghệ bứt phá cho phát triển bền vững. Cụ thể, chương trình cung cấp hướng dẫn, cố vấn chuyên sâu để hỗ trợ các SME đạt được tăng trưởng trong kinh doanh cũng như các mục tiêu ESG.
Trong hai mùa trước, năm 2023 và 2024, GHAC đã hỗ trợ 15 dự án thí điểm tại 7 nước thuộc Châu Á – Thái Bình Dương. Năm 2024, hai công ty khởi nghiệp Việt Nam là Grac và Alterno đã lọt vào Top 10 Chung kết. Theo đó, Grac cung cấp giải pháp quản lý chất thải nhằm tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, trong khi Alterno tiên phong với công nghệ pin lưu trữ điện mặt trời, giúp thúc đẩy năng lượng tái tạo.
Kết quả, Alterno cũng là Quán quân của GHAC 2024 với công nghệ pin cát đột phá, đã được ứng dụng tại PepsiCo Foods Việt Nam giúp giảm chi phí năng lượng và phát thải. Công nghệ này chứng minh hiệu quả ứng dụng thực tiễn trong công nghiệp, triển vọng mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác như nông nghiệp và các ngành khác.
Chương trình năm nay tập trung vào ba lĩnh vực chính: Kinh tế tuần hoàn, Nông nghiệp bền vững và Ứng phó biến đổi khí hậu. Thông qua thúc đẩy năng lượng tái tạo, giảm tác động tới môi trường, và cải thiện các phương pháp canh tác, GHAC tạo điều kiện cho các công ty khởi nghiệp cung cấp các giải pháp sáng tạo cho phép nhân rộng quy mô. Đối tác chiến lược Circulate Capital và CG Ventures, Quỹ đầu tư mạo hiểm của PTT Global Chemical (PTTGC) nâng cao chất lượng của chương trình thông qua cung cấp hướng dẫn và phản hồi chuyên gia cho các công ty khởi nghiệp tham dự chương trình. Tại Việt Nam, chương trình tiếp tục hợp tác Công ty nước giải khát Suntory PepsiCo Vietnam nhằm hướng tới ảnh hưởng sâu rộng hơn.
Ông Ashley Brown, Phó Chủ Tịch chuỗi cung ứng Úc – New Zealand kiêm Giám đốc Phát triển Bền vững PepsiCo APAC, chia sẻ: “GHAC được thiết kế nhằm trang bị cho các công ty khởi nghiệp những công cụ, nguồn lực và sự cố vấn cần thiết để tạo ra thay đổi ý nghĩa, đồng thời mở rộng các giải pháp sáng tạo trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Trong hai năm qua, chương trình đã hỗ trợ thành công 15 dự án hợp tác cùng PepsiCo và các đối tác, đồng thời kết nối với 95 quỹ đầu tư mạo hiểm, góp phần xây dựng hệ sinh thái bền vững tại APAC”.
Ông Ashley nhấn mạnh thêm: “Trong bối cảnh phát triển bền vững ngày càng trở thành tiêu chí quan trọng với nhà đầu tư, người tiêu dùng và nhân viên, những chương trình như GHAC đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ công ty khởi nghiệp đáp ứng kỳ vọng và nâng cao năng lực cạnh tranh. Các ứng viên không chỉ nhận được sự cố vấn từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm mà còn có cơ hội hợp tác trực tiếp với PepsiCo – doanh nghiệp hàng đầu với bề dày kinh nghiệm và mạng lưới đối tác toàn cầu, giúp tinh chỉnh giải pháp và hiện thực hóa cơ hội thử nghiệm thực tế”
Các công ty khởi nghiệp đăng ký tham dự chương trình GHAC của PepsiCo khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2025 tại website hoặc trang LinkedIn của PepsiCo.
Phụ lục – Tiêu chí tham gia chương trình:
- Chưa có doanh thu hoặc đạt doanh số tối đa 7 triệu USD trong năm tài chính gần nhất
- Có hoạt động kinh doanh tại một trong các thị trường khu vực APAC tham gia chương trình, bao gồm: Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Úc, Indonesia, New Zealand, Brunei, Campuchia, Đông Timor, Fiji, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, các quốc đảo Thái Bình Dương, Papua New Guinea, Philippines, và Việt Nam.
- Dự án sáng tạo gắn liền với sứ mệnh công ty thuộc ba lĩnh vực: Kinh tế tuần hoàn, Công nghệ ứng phó biến đổi khí hậu, và Nông nghiệp bền vững.
- Đã chứng minh khái niệm (proof of concept) trong phòng thí nghiệm và có khả năng thực hiện các thủ tục về dữ liệu đã xác định.
- Có khả năng và sẵn sàng cung cấp dữ liệu hiệu suất dựa trên các chỉ số đo lường được thống nhất với chương trình.
- Ban lãnh đạo (CEO và/hoặc Giám đốc chiến lược) phải tham dự các sự kiện trong khuôn khổ chương trình.
- Có thể dự báo và lên kế hoạch mở rộng quy mô ra các thị trường khu vực hoặc toàn APAC sau giai đoạn thí điểm ban đầu.
- Sẵn sàng làm việc cùng các cố vấn từ chương trình GHAC PepsiCo từ tháng 5 đến tháng 9, đồng thời tham gia các sự kiện liên quan.
- Đồng ý tuân thủ các điều khoản và điều kiện của chương trình.
- Hồ sơ dự thi sẽ được xem xét bởi một bên thứ ba độc lập nhằm đảm bảo tính công bằng và minh bạc
Tiêu chí đánh giá vòng Chung kết:
- Chiến lược tiếp cận thị trường rõ ràng và kế hoạch thực thi bền vững tại thị trường mục tiêu.
- Sản phẩm hoặc giải pháp đã hoàn thành giai đoạn xây dựng mẫu (prototype) và sẵn sàng cho giai đoạn thử nghiệm với một công ty hoặc tập đoàn đa quốc gia.
- Có tính độc đáo trên thị trường.
- Đảm bảo sự đa dạng cân bằng về giới tính và sắc tộc.
- Sứ mệnh trách nhiệm xã hội rõ ràng và tích cực.
- Phù hợp với Chiến lược Phát triển Bền vững Pep+ của PepsiCo.
- Mô hình kinh doanh có khả năng mở rộng (khu vực APAC và toàn cầu).
- Giải pháp hoặc sáng kiến mang tính đột phá, có mục đích cụ thể và tập trung vào các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp bền vững và/hoặc công nghệ nông nghiệp.