Marketer Bùi Tuấn Anh
Bùi Tuấn Anh

Chủ hiệu sách Solomon @ Hiệu sách Solomon

Truyền thông về văn hóa đọc: Sai! Sai hết cả! (Phần 2)

Tiếp tục với những suy nghĩ về việc truyền thông nên làm với sách để tạo dựng thói quen đọc.

Văn hóa đọc: Nên truyền thông theo kiểu vỗ về hay thách thức?

Tại sao phải ủng hộ văn hóa đọc? Nếu tôi làm truyền thông, tôi sẽ ủng hộ văn hóa … không đọc. Thế nên chắc chắn không ai cho tôi làm truyền thông.

Nhưng tôi định làm thế này:

Tôi sẽ tìm những nhà tư bản thành công và giàu có – những người mà công chúng không thích, dĩ nhiên họ phải đọc sách (mẫu người giống như Andrew Carnegie, Henry Ford…). Những người thiếu tiền phải nghĩ rằng những kẻ giàu có này là nguyên nhân khiến họ nghèo túng, và sự giàu có hay thành công của họ không xứng đáng. Còn nhân vật tư bản của chúng ta sẽ ngồi trong thư viện, mặc bộ cánh đắt tiền sang trọng, bên cạnh giá sách với phong thái điềm tĩnh, nơi có ánh đèn vàng. Và có thể bên cạnh là một tách cà phê, hay cốc rượu vang. Họ sẽ mỉm cười tự tin (thậm chí là nụ cười ngạo mạn của kẻ thắng) khi nhìn vào ống kính và nói:

“Tôi có tổng tài sản là … Tôi được xếp vào top … Tôi đã nhận những giải thưởng/thành tựu …

Mỗi năm tôi đọc X cuốn sách.

Điều đó giúp tôi đi trước bạn … năm kinh nghiệm, tôi đã tránh được vô số lỗi sai làm thiệt hại … tỷ đồng.

Nhưng bạn đừng làm như tôi.

Tôi không muốn bạn có cách gì đó để vượt qua tôi; đổi lại, tôi cam kết sẽ thuê bạn làm việc.

Và trả cho bạn mức lương vừa đủ sống, suốt đời.

Đừng có đọc sách!"

Chúng ta truyền thông theo kiểu vỗ về nhiều quá rồi: Đọc sách là nét đẹp văn hóa, nâng cao trình độ nhận thức, mang đến tri thức, làm giàu vốn sống...

Tôi muốn thức tỉnh người không đọc bằng cách dựng lên một hình mẫu cạnh tranh khiến họ phải ghen tỵ, hắn ta đang trên đỉnh vinh quang nhờ đọc sách.

Tôi sẽ gắn kết biểu tượng “Người đọc sách” = “Người thành công, giàu có” (mặc dù không ít trường hợp ngoại lệ).

Với thông điệp “Đừng đọc sách”, đó là phản thông điệp, không sao cả. Vì não tư duy bằng hình ảnh: dưới chân tấm biển “Cấm đổ rác” là hàng túi rác.

Nên đằng sau thông điệp “Đừng đọc sách” sẽ là những người bị thách thức và … đọc.

Với ý tưởng này, bạn sẽ nói “Nhưng…”. Thế nên tôi mới bảo ngay từ đầu, không ai cho tôi làm truyền thông hết.

Cà phê sách sẽ chẳng bao giờ hiệu quả cho văn hóa đọc!

Bạn đọc sách khi nào? Một mình!

Nếu ngồi từ “hai mình” trở lên, việc bạn chúi mũi vào sách không khác gì bạn chúi mũi vào điện thoại, chúng đều “vô duyên” như nhau.

Nhưng mấy ai đi cà phê một mình. Cà phê để giao lưu, gặp gỡ; muốn một mình thì đã ở nhà.

Và nếu muốn một mình ra cà phê sách thì xung quanh vẫn còn “nhiều mình” đang làm việc khác, nên đọc sách ở nhà sẽ tập trung hơn.

Còn chủ quán cà phê sách thì cũng là người, họ cần phải sống,

Họ không thể “đuổi bớt” khách không đọc cùng ví tiền trong túi khách. Đã thế khách đọc sách lại còn ngồi “dai”

Nên cuối cùng chỉ có Đông Tây là nơi tập trung của những cá nhân “tự kỷ”

Sách đồng giá 10 nghìn, 20 nghìn, 30 nghìn? Sai lầm chết người khi sách bị bán như một mớ rau.

Khách hàng cho sản phẩm sách là ai? Những người mua sách.

Không phải những người đọc sách, đó là mấu chốt!

Có người mua là người đọc. Cũng có người mua cho người khác đọc (giống như người mua quan tài thì họ thường không dùng, còn người dùng thì không thấy đứng dậy đi mua).

Nếu người mua là người không đọc, họ đâu biết thế nào là sách đắt hay rẻ.

Nếu người mua là người đọc, họ không quan tâm giá cuốn sách là bao nhiêu tiền, họ chỉ nghĩ đến giá phải trả nếu không sở hữu chúng, không đọc chúng và không đọc chúng trước người khác.

Đó là "insight" của người đọc.

Như vậy, tại sao sách phải giảm giá?

Tôi muốn nhấn mạnh thêm một lần nữa: Tại sao sách phải giảm giá mà không phải bán theo một mức giá niêm yết?

Hãy nhớ đến Viettel khi tạo cho dân mình một thói quen chỉ mua thẻ khi giảm giá. Để rồi Viettel phải khốn khổ với các "chiêu": từ khuyến mại 100% xuống 50%, khuyến mại 1 lần/tháng, tài khoản khuyến mại chỉ gọi nội mạng... Cuối cùng chỉ để hướng dẫn người dùng mua thẻ vào bất kỳ ngày nào khi hết tiền thay vì chờ khuyến mại.

Tại sao sách phải có những đợt giảm giá?

Biết đâu, người ta chỉ mua sách khi có giảm giá, để rồi ta có những người đọc "rẻ tiền" (người đọc rẻ tiền khác người đọc ít tiền)? Lúc đó, cái giá bìa in trên sách chỉ mang tính chất minh họa cho "giá tối đa".

Để rồi người ta tìm mua sách vì rẻ, chỗ nào rẻ là mua, và mặc cả từng nghìn.

Để rồi có những cuốn sách cũ rẻ tiền đồng giá, chất lượng nội dung thấp, bán tràn lan như rau ngoài chợ.

Bấy lâu nay tôi nghĩ truyền thông đã đi sai: Chúng ta cho rằng sách là sản phẩm thông thường, còn người đọc là người có tri thức, văn hóa.

Nên sách thì nhiều kẻ ham rẻ.

Mà người đọc sách thì “không giống người” vì đám đông không đọc.

Phải truyền thông ngược lại: Người đọc sách là những người bình thường như bao người, đọc sách cũng giống như xem phim, chơi game, dùng điện thoại smartphone; quan trọng là mắt ta dán vào đâu.

Còn sách thì lại là hàng cao cấp.

Nếu không tin, nhà bạn cứ thử có một tủ sách vài trăm cuốn triết học, chính trị dày cộp mà xem (rẻ hơn tủ rượu hoặc bộ sưu tập xe). Tôi không cần bạn đọc, mua về để đó thôi. Và xem người khác vào nhà đánh giá bạn là ai!

“Mua bán sách giả là giết chết sách thật” ? Tôi không rõ, có khi chỉ giết tác giả.

Nhưng mua bán sách rẻ là giết chết sách thật, giống như tiền xấu lưu thông sẽ ăn mòn giá trị tiền tốt

Những cuốn sách rẻ tiền chỉ thu hút những người đọc rẻ tiền

Truyền thông về văn hóa đọc rồi thì làm gì? Làm kinh doanh hay làm cộng đồng?

Tôi đọc sách, và tôi thích đọc sách. Nhưng tại sao tôi lại muốn người khác phải thích đọc sách như tôi?

Sách là một dạng sản phẩm; mà đã là sản phẩm thì có người dùng, người không. Tại sao tôi muốn họ phải dùng thứ tôi đang dùng?

Trừ khi: Cái họ dùng là cái tôi bán!

Nếu tôi bán sách, tôi muốn mọi người đọc thật nhiều, văn hóa đọc phải thật phát triển. Như vậy tôi bán được nhiều sách hơn.

Và tôi đang làm kinh doanh.

À, nhưng chúng ta đang bàn về chuyện làm cộng đồng.

Làm cộng đồng nghĩa là việc họ không đọc sách không hề ảnh hưởng đến bữa sáng nhà tôi, nhưng tôi vẫn muốn họ đọc.

Chúng ta muốn làm vì cộng đồng, vì người khác. Suy cho cùng, vì một xã hội có văn minh hơn, để ý thức con người có thể trở nên tốt hơn.

Trong khi có những cách khác để một xã hội trở nên tốt đẹp hơn: thay cho việc cứ chạy đi làm cái gì đó vì người khác, chúng ta chỉ cần lo sao cho tốt phần của mình. Mỗi cá nhân là một tế bào của xã hội, nếu từng cá nhân đều tự lực tốt lên thì xã hội sẽ tốt lên.

Và đặc biệt: vì mình dễ hơn vì người khác.

Nên bàn về văn hóa đọc vẫn chỉ là câu chuyện loanh quanh của các bên NXB.

Hàn sĩ lang thang
08/09/2016