Marketer Lam Phương
Lam Phương

Content Executive @ Brands Vietnam

Tình hình kinh doanh quý I/2024 của Masan, Vinamilk, Thế Giới Di Động và nhiều doanh nghiệp khác

Mặc dù 2024 được dự đoán tiếp tục là một năm khó khăn của nền kinh tế do chịu tác động của tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu và biến đổi khí hậu. Song, những doanh nghiệp thuộc ngành hàng FMCG vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong quý đầu tiên của năm.

Masan: Các mảng kinh doanh lớn đều ghi nhận tăng trưởng tích cực

Trong quý I/2024, doanh thu hợp nhất của Tập đoàn Masan tăng trưởng nhẹ ở mức 18.855 tỷ đồng. Hiệu quả hoạt động mạnh mẽ của mảng kinh doanh tiêu dùng đã giúp bù đắp lại sự sụt giảm của Masan High-Tech Materials.

The CrownX, nền tảng tiêu dùng bán lẻ tích hợp của Masan, hợp nhất Masan Consumer Holdings (MCH) và WinCommerce (WCM), ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 14.152 tỷ đồng trong quý I/2024, so với mức 13.300 tỷ đồng trong quý I/2023.

Kết quả kinh doanh quý I/2024 của Masan
Nguồn: DNSE

Cụ thể, doanh thu thuần của MCH tăng trưởng 7,4% so với cùng kỳ lên 6727 tỷ đồng trong quý I/2024. Điều này là nhờ doanh số bán hàng của các ngành hàng khác được cải thiện, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng hai con số được ghi nhận ở ngành hàng Thực phẩm tiện lợi, Đồ uống và Chăm sóc cá nhân tại nhà) với mức tăng lần lượt là 10,3%, 23,4% và 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp của MCH duy trì ở mức 45,9% trong quý I/2024, tăng 4% so với quý I/2023.

BupNon Tea365, sản phẩm trà mới ra mắt vào tháng 11/2023, đã ghi nhận những kết quả khả quan ban đầu với doanh thu 106 tỷ đồng trong quý I/2024 và tỷ lệ nhà bán lẻ nhập lại hàng gần 60%.

Lợi nhuận sau thuế của Masan
Nguồn: Kinh Tế & Xây Dựng

Bên cạnh đó, WCM cũng ghi nhận doanh thu thuần tăng 8,5% so với cùng kỳ lên 7957 tỷ đồng từ mức 7335 tỷ đồng của quý I/2023. Sự tăng trưởng được thúc đẩy bởi hoạt động mở thêm nhiều cửa hàng mới, số lượng cửa hàng tăng mạnh từ năm ngoái. WCM tiếp tục ghi nhận biên lợi nhuận gộp tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái lên 24,1% từ mức 22,1% trong quý I/2023.

Trong khi đó, doanh thu của Masan MEATLife tăng lên 1720 tỷ đồng trong quý I/2024, tăng 7,5% so với 1600 tỷ đồng trong quý I/2023. Kết quả này đến từ sự tăng trưởng của mảng thịt lợn có thương hiệu và mảng lợn trang trại, tăng tổng cộng 23% so với cùng kỳ năm ngoái; góp phần bù đắp cho sự sụt giảm ở phân khúc gia cầm.

Vinamilk: Giữ đà tăng trưởng giữa thách thức vĩ mô và ngành

Vinamilk duy trì kết quả kinh doanh tăng trưởng quý I/2024 với tổng doanh thu 14.125 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ. Theo khu vực, doanh thu thuần nội địa đạt gần 11.500 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ; các thị trường nước ngoài đạt hơn 2.600 tỷ đồng, tăng gần 8%. Trong đó, doanh thu thuần xuất khẩu đạt xấp xỉ 1.300 tỷ đồng, tăng 6%, còn các thị trường xuất khẩu truyền thống tiếp tục đóng góp chính vào kết quả kinh doanh khởi sắc.

Tình hình kinh doanh quý I/2024 của Vinamilk
Nguồn: VietstockFinance

Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp hợp nhất đạt gần 42% trong quý I/2024, phục hồi lần lượt là 311 điểm cơ bản so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng doanh thu kết hợp với chi phí đầu vào thuận lợi. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ và chiếm gần 25% doanh thu thuần. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 2207 tỷ đồng, tăng gần 16%, đánh dấu quý thứ hai liên tiếp chỉ số này tăng trưởng 2 chữ số.

Sau ba tháng đầu năm, Vinamilk hiện đạt lần lượt 22% và 24% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận.

MWG: Lợi nhuận có “cú xoay chuyển” ngoạn mục so với cùng kỳ năm 2023

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023, Thế giới Di Động (MWG) đạt doanh thu thuần 31.486 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Với con số này, công ty ước tính đạt hơn 25% mục tiêu doanh thu cả năm. Xét theo chuỗi, tổng danh thu của chuỗi Thế Giới Di Động và chuỗi Điện Máy Xanh đạt 21.300 tỷ đồng, tăng 7% so với quý I/2023, chiếm 67,8% tổng doanh thu của Thế Giới Di Động.

Đại diện Thế Giới Di Động cho biết, động lực động lực tăng trưởng chính đến từ ngành hàng điện máy với mức tăng doanh thu 2 chữ số, nổi bật là sản phẩm máy lạnh khi tăng khoảng 50% so với cùng kỳ. Với việc ngành hàng điện máy gia tăng đóng góp vào tổng doanh thu, biên lãi gộp của hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đều ghi nhận sự cải thiện khả quan trong quý đầu năm do đây là nhóm sản phẩm có biên lợi nhuận ổn định.

Cơ cấu doanh thu của MWC trong quý I/2024
Nguồn: Tạp Chí Công Thương

Đối với chuỗi Bách Hoá Xanh, chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu đem về 9100 tỷ đồng doanh thu cho Thế Giới Di Động trong quý I/2024, tăng tới 44% so với cùng kỳ. Theo đó, doanh thu bình quân/cửa hàng/tháng của chuỗi Bách Hoá Xanh đạt mức 1,8 tỷ đồng với động lực tăng trưởng doanh thu đến từ cả 2 ngành hàng thực phẩm tươi sống và tiêu dùng nhanh (FMCGs).

Sau khi trừ đi các khoản chi phí phát sinh, Thế Giới Di Động ghi nhận mức lãi ròng 902 tỷ đồng, tăng gấp 43 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất trong vòng 6 quý trở lại đây của hãng bán lẻ này.

PNJ: Báo lãi quý I/2024 cao kỷ lục

Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2024 với doanh thu thuần đạt 12.594 tỷ đồng, tăng mạnh 29% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức doanh thu theo quý cao kỷ lục của doanh nghiệp bán lẻ trang sức này trong lịch sử hoạt động.

Xét riêng từng mảng kinh doanh, doanh thu từ trang sức bán lẻ trong quý I/2024 của PNJ tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là nhờ ra mắt sản phẩm mới và triển khai chiến dịch marketing phù hợp. Doanh thu từ trang sức bán sỉ tăng 7,5% so với quý I/2023. Đáng chú ý, doanh thu từ vàng 24K, hay còn lại là vàng 999 của PNJ tăng tới 66% so với cùng kỳ năm trước, nhờ nhu cầu tăng trong ngày Vía Thần tài vừa qua.

Cơ cấu doanh thu quý I/2024 của PNJ
Nguồn: PNJ

Tuy nhiên, giá vốn hàng bán trong quý của Vàng Phú Nhận cũng tăng tới 32%, khiến lợi nhuận gộp giảm 13%, còn 2149 tỷ đồng. Đồng thời, biên lợi nhuận gộp trung bình chỉ còn đạt 17%, giảm so với mức 19% quý I/2023. Theo ban lãnh đạo PNJ, nguyên nhân chủ yếu là do công ty thay đổi cơ cấu hàng bán và biến động giá cả đầu vào.

Sau khi trừ toàn bộ chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, Vàng Phú Nhuận thu về 738 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý I/2024, giảm nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn tới 17% so với quý IV/2023.

Tình hình kinh doanh quý I/2024 của PNJ
Nguồn: PNJ

Năm 2024, với mục tiêu doanh thu ở mức 37.148 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.089 tỷ đồng, PNJ đã hoàn thành 34% kế hoạch doanh thu và 35% kế hoạch lợi nhuận chỉ trong quý I.

Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Vàng Phú Nhuận đạt 12.969 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho là khoản mục chiếm tỷ trọng cao nhất với 73% tổng cơ cấu, đạt 9511 tỷ đồng. Đáng chú ý, tiền và tương đương tiền đã tăng 85%, lên mức 1661 tỷ đồng.

Ở phía bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của doanh nghiệp này đạt 2494 tỷ đồng, giảm tới 46% so với đầu năm. Trong đó, giảm mạnh nhất là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn khi giảm 85%, còn 363 tỷ đồng.

Vietnam Airlines: Tăng trưởng doanh thu hơn 30% năm 2023, quý I/2024 tiếp tục khởi sắc

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) ghi nhận 92.231 tỷ đồng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng hơn 21.400 tỷ – khoảng 30% so với năm 2022. Đây là con số doanh thu cao thứ ba trong lịch sử hoạt động của tổng công ty, chỉ thấp hơn giai đoạn 2018-2019 khi COVID-19 chưa bùng phát. Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng ghi nhận lợi nhuận gộp 3885 tỷ đồng trong năm 2023, đánh dấu lần đầu tiên kể từ đầu dịch tổng công ty có lợi nhuận gộp trong cả năm tài chính.

BCTC hợp nhất quý I/2024 của Vietnam Airlines
Nguồn: CafeF

Kết quả này đạt được là nhờ tổng công ty đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ngắn hạn và dài hạn để giảm thiểu thiệt hại do COVID-19 và cải thiện kết quả sản xuất kinh doanh, bổ sung nguồn vốn và dòng tiền trong năm 2023. Cụ thể, Vietnam Airlines đã khôi phục toàn mạng đường bay nội địa và hầu hết đường bay quốc tế so với trước dịch COVID-19, đồng thời mở thêm đường bay mới đến Australia và Ấn Độ. Hãng còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phần mềm mới vào quy trình công việc, điểm chạm dịch vụ để gia tăng năng suất lao động, hiệu quả điều hành khai thác và chất lượng dịch vụ.

Ngoài các khoản chi phí cắt giảm theo quy mô sản lượng, Vietnam Airlines cũng triển khai đàm phán giảm giá, tiết kiệm, cắt giảm chi phí với số tiền ước tính đạt hơn 3200 tỷ đồng.

Nguồn: SmartF

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh sau kiểm toán của Vietnam Airlines vẫn thua lỗ trong quý IV và cả năm 2023 vì tình hình tăng trưởng kinh tế thế giới và trong nước chậm lại – góp phần ảnh hưởng tới chi tiêu hành khách.

Lỗ sau thuế hợp nhất trong quý IV/2023 là 1.982 tỷ đồng, thấp hơn 1457 tỷ đồng so với số lỗ cùng kỳ 2022, tương đương giảm lỗ 42,4%. Vietnam Airlines cho biết nguyên nhân của chuyển biến này là công ty mẹ Vietnam Airlines và công ty con Pacific Airlines đã giảm lỗ, trong khi các công ty con khác như NCS, VAECO và VACS có lãi nhiều hơn. Lỗ sau thuế cả năm 2023 là 5.631 tỷ đồng, giảm 50% so với năm trước.

VinFast: Lỗ gộp cải thiện xấp xỉ 123% so với cùng kỳ 2023

Theo báo cáo tài chính chưa kiểm toán quý I/2024, VinFast đã bàn giao tổng cộng 9.689 ô tô điện trong quý I, tăng 444% so với cùng kỳ năm 2023. Qua đó, so với quý I/2023, tổng doanh thu ghi nhận 7.264 tỷ đồng, tăng 269,7%; lỗ gộp 3.619 tỷ đồng và tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện từ âm 172,9% lên âm 49,8%.

Thị trường nội địa tiếp tục đóng góp phần lớn vào doanh số bán hàng trong quý I/2024. Song song với đó, VinFast cũng đã bắt đầu ghi nhận mức tăng trưởng đáng khích lệ tại thị trường Mỹ và một số đại lý mới đã bắt đầu ghi nhận doanh số. Trong quý đầu tiên của năm, VinFast đã ký hợp đồng phân phối với 10 đại lý mới, nâng tổng số đối tác đại lý lên 16 ở 7 bang tại Mỹ, bao gồm North Carolina, New York, Texas, Florida, Kansas, Connecticut, và Kentucky. Các đại lý ký mới sẽ mở bán từ quý II.

VinFast vượt các hãng xe xăng, dẫn đầu thị trường trong quý I/2024.
Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng

Bên cạnh những thị trường hiện tại, VinFast tiếp tục thiết lập hiện diện và đẩy mạnh hoạt động bán hàng tại các thị trường tiềm năng trong khu vực. Trong khuôn khổ Triển lãm Ô tô Quốc tế Bangkok 2024, hãng xe điện Việt Nam chính thức ra mắt thương hiệu ở Thái Lan và ký Ý định Thư hợp tác với 15 đại lý để hướng tới khai thác 22 cửa hàng ở Bangkok.

Gần đây, tại thị trường Indonesia, VinFast chính thức khai trương cửa hàng đại lý đầu tiên và mở bán mẫu SUV điện phân khúc C VFe34.

Trong tháng 3, VinFast đã bàn giao mẫu SUV điện phân khúc C VF7 đến tay khách hàng tại Việt Nam. Công ty cũng mở rộng phạm vi hoạt động toàn cầu với các thỏa thuận phân phối tại Oman, Ghana và Micronesia.

Chương Dương: Báo lợi nhuận âm quý thứ 13 liên tiếp

Báo cáo tài chính quý I/2024 của công ty CP Nước giải khát Chương Dương cho thấy doanh thu thuần đạt 56,8 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu kinh doanh bất động sản đầu tư tăng gấp đôi, đạt hơn 6,2 tỷ đồng nhưng không đủ bù đắp so với phần thâm hụt của doanh thu bán thành phẩm – giảm gần 10 tỷ, chạm mốc 52,7 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính của Chương Dương tăng gấp 10 lần so với quý I/2022, đạt hơn 1,1 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi, tiền cho vay và cổ tức, lợi nhuận được chia.

Tình hình kinh doanh quý I/2024 của Chương Dương
Nguồn: VnExpress

Tuy nhiên, các khoản doanh thu trên vẫn không đủ giúp doanh nghiệp này có lãi khi chi phí tài chính tăng gấp 2,5 lần, lên 9,9 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí bán hàng cũng tăng gần 65% so với cùng kỳ.

Theo đó, sau khi trừ các chi phí, Chương Dương báo lỗ sau thuế gần 17 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 2,7 tỷ đồng. Đây là quý thứ 13 liên tiếp mà doanh nghiệp thua lỗ. Tuy nhiên, khoản lỗ trong quý này đã giảm khá nhiều so với khoản lỗ của ba quý liền trước.

Theo Lam Phương / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp