FOOH: Xu hướng mới hay “con dao hai lưỡi” của thương hiệu?

“Cơn sốt” video quảng cáo FOOH đang không ngừng lan rộng trên phạm vi toàn cầu với khả năng viral mạnh mẽ, lượt tương tác khủng. Tuy nhiên, sự xuất hiện ồ ạt của FOOH đang gây nên nhiều rủi ro tiềm ẩn với niềm tin thương hiệu.

Fake OOH – Xu hướng quảng cáo thay đổi ngành truyền thông

Cây mascara khổng lồ chuốt mi cho tàu điện ngầm, đồng hồ Big Ben mặc áo phao The North Face, nàng búp bê barbie khổng lồ dạo bước bên cạnh tòa tháp Burj Khalifa tại Dubai, trái tim khổng lồ Lazada bay lượn khắp thành phố… Tất cả những video quảng cáo này đều từng gây sốt khắp các trang mạng xã hội, lan truyền rộng rãi khiến người xem cảm thán trước sự sáng tạo không giới hạn của thương hiệu. Tuy nhiên, tất cả chúng đều không có ngoài đời thật. Những quảng cáo này được gọi chung là Fake OOH (FOOH).

Fake OOH là gì?

Fake OOH hay Faux OOH (FOOH) là việc tích hợp công nghệ 3D, CGI (Computer Generated Imagery) vào các chiến dịch OOH, biến những biển quảng cáo OOH tĩnh thành những trải nghiệm sống động như thật. Sự phát triển của xu hướng này đã mở ra những chân trời mới giúp “thăng hoa” ý tưởng sáng tạo cho thương hiệu.

Hiện nay, Fake OOH đang tạo nên làn sóng trên toàn cầu với độ phủ sóng mạnh mẽ trên mọi nền tảng truyền thông xã hội. Việc tạo ra những hình ảnh siêu thực hòa quyện liền mạch với môi trường vật lý đã làm mờ ranh giới giữa những hình ảnh hữu hình và ảo ảnh kỹ thuật số.

Điều gì khiến FOOH được ưa chuộng đến thế?

  • Sáng tạo không giới hạn

Fake OOH mang đến cho marketer sự tự do sáng tạo không giới hạn, vượt qua mọi rào cản thực và ảo. Trước đó, ai dám nghĩ đến chuyện mặc áo cho một tòa nhà, có một búp bê barbie cao bằng một tòa tháp, hay những chiếc túi chạy băng băng trên đường phố… Nhưng với khả năng tích hợp CGI vào không gian vật lý của Fake OOH, nhà tiếp thị có thể dễ dàng tạo nên các chiến dịch sáng tạo, gây ấn tượng mạnh mẽ để mang đến cho người xem những trải nghiệm hình ảnh chưa từng có.

Video quảng cáo FOOH viral trên khắp các nền tảng mạng xã hội.

  • Khả năng viral mạnh mẽ

Những quảng cáo Fake OOH được đăng tải trên mạng xã hội có thể dễ dàng tạo nên những những làn sóng lan truyền mạnh mẽ với mức độ tương tác khủng. Bản chất vừa có yếu tố thực vừa có yếu tố ảo trong các cảnh CGI chính là điều thu hút và khiến người xem tò mò, muốn tương tác với nội dung đó.

Với Fake OOH, thế giới như một bức tranh đầy màu sắc, bất cứ điều gì thương hiệu muốn đều có thể trở thành hiện thực. Người dùng mạng xã hội khi xem những quảng cáo này sẽ luôn cảm thấy choáng ngợp bởi những hình ảnh vô cùng mãn nhãn và ấn tượng.

  • Phá bỏ mọi rào cản về không gian, thời gian và ngân sách

FOOH không chỉ giúp sự sáng tạo của marketer được “mở khóa” mà hình thức quảng cáo này còn mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp khi không bị cản trở bởi không gian, thời gian không cần booking vị trí quảng cáo... Bởi tất cả hình ảnh, hiệu ứng đều được thực hiện trên máy tính.

FOOH có thể được thực hiện ở bất cứ địa điểm nào.

Tuy nhiên, sự gia tăng của FOOH có thể khiến danh tiếng của thương hiệu gặp rủi ro

“Cơn sốt” video quảng cáo FOOH đang không ngừng lan rộng trên phạm vi toàn cầu với số lượng ngày càng tăng. Bên cạnh tiềm năng và lợi ích mà hình thức quảng cáo này mang lại, FOOH cũng đặt ra nhiều thách thức cho thị trường OOH nói riêng và ngành quảng cáo nói chung.

Gây mất niềm tin của khách hàng

Fake OOH về bản chất là những quảng cáo không có thật, vì vậy, sự tò mò và hào hứng ban đầu của người xem có thể biến thành cảm giác “bị lừa gạt” bởi chúng không hề có ngoài đời thật như trong video quảng cáo.

OOH được coi là một trong những kênh truyền thông đáng tin cậy nhất, có mức độ đáng tin cao hơn đáng kể so với video trực tuyến, nhưng trớ trêu thay, nhiều quảng cáo OOH “giả” tồn tại đang khiến vị thế của OOH truyền thống bị lung lay.

Nghiên cứu của Edelman Trust Barometer (một công ty chuyên về quan hệ công chúng lớn nhất thế giới) chỉ ra rằng người tiêu dùng tin tưởng các doanh nghiệp nhiều hơn khi họ cảm nhận được sự chân thực và minh bạch. Vì vậy, những quảng cáo FOOH với nhiều yếu tố giả tưởng, phóng đại quá mức về sản phẩm và thương hiệu có thể khiến người xem hiểu nhầm là thật. Cứ tiếp tục như vậy, khi khách hàng nhận ra tất cả chỉ là giả sẽ khiến họ dần mất đi niềm tin với sản phẩm, thương hiệu khi trải nghiệm thực tế không như kỳ vọng.

Quảng cáo OOH ngoài đời thật vẫn mang lại cảm giác chân thực và đáng tin hơn so với FOOH.

FOOH có thể khiến thương hiệu trở nên “lười biếng”

Quảng cáo FOOH đang ngày càng thịnh hành, tuy nhiên, không phải video nào cũng gây ấn tượng và đạt được lượng tương tác tốt. Nguyên nhân chính xuất phát từ chính ý tưởng không thật sự sáng tạo, mới mẻ của những video quảng cáo này. Điểm thu hút người xem duy nhất có lẽ chỉ từ hiệu ứng thiết kế ấn tượng mà thôi.

FOOH với ý tưởng khá đơn giản, không có gì đặc biệt.

Trong bối cảnh người xem đang bị vây quanh bởi quá nhiều quảng cáo FOOH như hiện tại, thương hiệu cần thật sự đầu tư chất xám để không lãng phí nguồn lực của mình.

FOOH làm giảm tính chân thực của OOH

FOOH đang làm mất tính chân thực trong thế giới thật của OOH. Đây không chỉ là câu chuyện cảnh báo cho OOH. Với sự phát triển theo cấp số nhân của AI, tất cả các kênh truyền thông đều có thể đi vào con đường tạo quảng cáo giả để gây chú ý mà không thực sự đánh giá đúng về những tác động lâu dài của chúng.

Tính xác thực là một thước đo khó đo lường nhưng lại có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với khách hàng. Một trong những OOH chuẩn mực cho điều này phải kể đến tòa nhà hình cầu MSG Sphere Las Vegas khổng lồ với hơn 1,2 triệu đèn LED. Không chỉ thu hút mọi ánh nhìn bởi vẻ bề ngoài độc đáo, sức mạnh thực sự của quả cầu “mặt trời trên mặt đất” này nằm ở ấn tượng sâu sắc và lâu dài mà người xem có được khi tận mắt chứng kiến quảng cáo ở ngoài đời.

MSG Sphere là một bước ngoặt mới của DOOH.

Vì vậy, tích cực tạo ra trải nghiệm OOH đích thực và phù hợp với ngữ cảnh sẽ là chìa khóa để tạo ra tác động lâu dài đến khách hàng và thành công của thương hiệu trong tương lai.

Kết

FOOH là một xu hướng quảng cáo đầy tiềm năng và đáng thử nếu thương hiệu muốn gia tăng đáng kể nhận diện, tạo nên hiệu ứng viral trên mạng xã hội và truyền tải thông điệp một cách sáng tạo, ấn tượng hơn. Tuy nhiên, thương hiệu không nên lạm dụng FOOH mà cần chăm chút cho từng ý tưởng để mang lại hiệu quả tốt nhất.

* Nguồn: Rubyk Agency