Đánh thức tiềm năng lãnh đạo trong Gen Z: Cần có chiến lược phù hợp

Dòng chảy thời gian đưa Gen Z bước vào giai đoạn tiếp nối vị trí lãnh đạo từ các thế hệ trước. Sau Baby Boomers, Gen X và Millennials, Gen Z mang đến một làn gió mới mẻ và đầy tiềm năng cho tương lai. Tuy nhiên, hành trình chinh phục vị trí lãnh đạo ưu tú không hề bằng phẳng, Gen Z cần trang bị cho mình những kỹ năng và chiến lược phù hợp để phát triển bản thân và tận dụng tối đa tiềm năng của mình.

Thế hệ Gen Z – “nhanh” mà “chậm”

Thế kỷ 21 chứng kiến sự bùng nổ của thế hệ Gen Z, những người trẻ tuổi mang trong mình tinh thần đổi mới không ngừng. Họ khuấy đảo mọi lĩnh vực với tốc độ chóng mặt, sự sáng tạo và khả năng thích nghi nhanh nhạy. Gen Z không chỉ là thế hệ “nhanh” trong mọi việc mà còn là những người đa nhiệm vượt trội, liên tục kết nối với công nghệ và không ngừng bắt kịp xu hướng mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nổi trội, nhiều Gen Z cũng đang đối mặt với một vấn đề đáng lo ngại: Khả năng kết nối với chính bản thân mình. Cuộc sống bận rộn với nhịp độ hối hả khiến Gen Z thường xuyên chìm đắm trong sự phức tạp của công nghệ và thông tin. Họ dễ dàng bị cuốn theo dòng chảy xu hướng mà không có thời gian để suy ngẫm, lắng nghe và thấu hiểu những nhu cầu, mong muốn thực sự của bản thân.

Mặc dù có tốc độ chóng mặt trong việc đa nhiệm và liên tục bắt kịp xu hướng, nhưng thế hệ Gen Z thường đánh mất khả năng kết nối với chính bản thân mình.
Nguồn: Getty Images

Mẫu hình Gen Z ưu tú trong doanh nghiệp

Các khách mời tại sự kiện MBA Talk #69 – bà Trịnh Thụy Xuân Lan, Head of Talent & Leadership, HEINEKEN Việt Nam và bà Nguyễn Hà Trang, Human Resource Director, PepsiCo Foods Vietnam – đã chia sẻ những yếu tố đặc biệt để nổi bật và thành công trong một môi trường đầy cạnh tranh và biến đổi bao gồm: (1) năng lực chuyên môn xuất sắc (high performer); (2) tư duy cầu tiến (growth mindset) và (3) tác phong làm việc (right behavior).

Đầu tiên, những nhà lãnh đạo Gen Z cần phải là những “high performer”, tức là họ phải có khả năng hoàn thành công việc một cách xuất sắc. Họ cần có khả năng đảm nhận và thực hiện các nhiệm vụ một cách hiệu quả, với sự tập trung và sự cam kết cao độ. Sự sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề và khả năng làm việc nhóm là những yếu tố quan trọng giúp họ tỏa sáng trong vai trò lãnh đạo.

Thứ hai, một trong những yếu tố quan trọng mà những nhà lãnh đạo Gen Z cần trang bị là growth mindset, hay còn gọi là tư duy cầu tiến. Điều này đòi hỏi họ không chỉ nhìn nhận sự thất bại là điều tạm thời mà còn xem đó là cơ hội học hỏi và phát triển bản thân. Những nhà lãnh đạo có growth mindset tin tưởng vào hai chữ: nỗ lực và khả năng (effort & ability). Khả năng tự đào tạo và sự ham học hỏi là những yếu tố quan trọng giúp họ không ngừng phát triển và tiến bộ.

Thứ ba, thái độ vô cùng quan trọng để đánh giá một bạn nhân viên. Trong bất kỳ doanh nghiệp nào đều có bộ khung đánh giá thái độ của nhân viên, xem xét hành vi có phù hợp với văn hóa doanh nghiệp hay không. “Khi chúng tôi đánh giá một bạn nhân viên, sẽ luôn có phần What và How. Phần What là thành quả các bạn đạt được, nhung phần How cũng vô cùng quan trọng là các bạn làm ra thành quả dựa trên điều gì?”, bà Hà Trang cho biết.

Theo bà Xuân Lan, mẫu hình Gen Z có thể trở thành lãnh đạo bao gồm các yếu tố: (1) năng lực chuyên môn xuất sắc (high performer); (2) tư duy cầu tiến (growth mindset) và (3) tác phong làm việc (right behavior).

Đâu là con đường giúp Gen Z trở thành thế hệ lãnh đạo tương lai?

Mỗi thế hệ đều có những vấn đề trên hành trình phát triển bản thân. Thế hệ Gen Z tuy rất độc lập, thích ứng rất nhanh và sẵn sàng chấp nhận những rủi ro, nhưng đâu đó các bạn vẫn còn những điểm cần khắc phục như thiếu kiên nhẫn, không có sự kiên trì, khó chấp nhận thất bại và dễ tan vỡ. Làm thế nào để các bộ phận phát triển nhân tài xây dựng “cây cầu” giúp Gen Z vững bước trở thành nhà lãnh đạo trong tương lai?

Tìm hiểu về IKIGAI của bản thân

Đối với thế hệ này, IKIGAI không chỉ đơn thuần là một mục tiêu cá nhân, mà còn là một hành trình tìm kiếm sự ý nghĩa và đóng góp trong cộng đồng.

Theo bà Hà Trang, để tìm ra IKIGAI, Gen Z cần thực hiện một hành trình tự khám phá bản thân. Điều này bao gồm việc tìm hiểu sâu sắc về bản thân, những đam mê, sở thích và kỹ năng tự nhiên của mình. Họ cần phải đặt ra những câu hỏi như: “Tôi thích làm gì nhất?”, “Tôi cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn khi làm điều gì?”, và “Làm thế nào tôi có thể góp phần vào xã hội một cách tích cực?”.

Việc tìm ra IKIGAI đúng đắn không chỉ mang lại cho Gen Z sự hài lòng cá nhân mà còn giúp họ phát triển tối đa tiềm năng của bản thân. Khi họ làm việc với sự đam mê và ý nghĩa, họ sẽ trở nên tự tin và nhiệt huyết hơn trong công việc. Đồng thời, IKIGAI cũng là nguồn động viên lớn giúp họ vượt qua những thử thách và khó khăn trên đường đi.

Phát triển 7 chỉ số thông minh (7 quotients)

Trên khía cạnh phát triển nguồn nhân lực, bà Hà Trang cho rằng IQ và EQ ngày nay không còn quá quan trọng, bên cạnh đó còn có các chỉ số khác. Bà lần lượt diễn giải các chỉ số như sau thông qua ví dụ thực tế tại PepsiCo Foods Vietnam.

Bà Hà Trang cho rằng IQ và EQ ngày nay không còn quá quan trọng, bên cạnh đó còn có các chỉ số khác.

  • Intelligence Quotient (IQ): Chỉ số IQ là một trong những chỉ số phổ biến nhất để đánh giá khả năng xử lý tình huống, sự sắc bén và khả năng phản biện của cá nhân. Tuy nhiên, có một sự thật thú vị về IQ đó là chỉ số này không cố định mà sẽ dựa vào tư duy cầu tiến (growth mindset) và yếu tố môi trường như thầy cô, sự nuôi dưỡng và ảnh hưởng văn hóa.
  • Emotional Quotient (EQ): Chỉ số EQ hay chỉ số trí tuệ cảm xúc đo lường khả năng nhận định, kiềm chế chính xác cảm xúc của mình và mọi người xung quanh. Nhà quản lý, lãnh đạo với EQ tốt có khả năng thúc đẩy, tạo năng lượng cho nhân viên muốn đi làm, có khả năng làm việc tốt với nhiều người, được nhiều người yêu mến, tôn trọng.
  • Social Quotient (SQ): Chỉ số SQ thể hiện một người sở hữu 3 khía cạnh – khiêm tốn, trách nhiệm và hạnh phúc. Cụ thể, chỉ số SQ giúp nhà lãnh đạo thích nghi tốt với mức độ stress ngày càng cao. Đây là chỉ số quan trọng đối với nhà lãnh đạo, quản lý vì khi không chịu đựng nổi áp lực, nhà lãnh đạo, quản lý dễ dàng đổ xuống nhân viên, khiến họ cảm thấy kiệt sức và chán nản, làm giảm hiệu suất công việc.
  • Adversity Quotient (AQ): Chỉ số AQ được dùng để đo lường khả năng ứng xử, đối phó với nghịch cảnh trong cuộc sống, công việc. Tại PepsiCo Foods Vietnam, hơn 80% kênh phân phối vẫn nằm ở kênh truyền thống. Vì vậy, đội ngũ bán hàng thường xuyên ở ngoài thời tiết nắng nóng để phân phối hàng hóa. Đây cũng là chỉ số quan trọng thứ hai mà bà Hà Trang lưu ý. Theo bà, nếu như các bạn mong muốn lên vị trí Sales Director nhưng không bắt đầu từ những bước thấp nhất như đi bán hàng thì rất khó để phát triển.
  • Curious Quotient (CQ): Chỉ số CQ thể hiện khả năng tìm tòi, học hỏi của mỗi cá nhân. Bà Hà Trang cho biết khát khao học hỏi là một trong những phẩm chất mà PepsiCo Foods Vietnam đang tìm kiếm cho vị trí lãnh đạo tương lai. Vì họ sẽ luôn tò mò, tìm kiếm những giải pháp, dự đoán trước những tình huống sẽ xảy ra.
  • Physical Quotient (PQ): Chỉ số PQ hay còn gọi là chỉ số vận động. Với đặc tính công việc cần chạy xuống và chạy lên nhà máy nhiều như hiện nay, các bạn cần luyện tập vận động để thể chất khỏe khoắn, tạo năng lượng cho công việc.
  • A combination of Q (XQ): Chỉ số XQ hay chỉ số thông minh trải nghiệm kết hợp giữa tư duy khả năng và bí quyết thu được từ kinh nghiệm mỗi cá nhân. Thông minh và hiểu biết không chỉ là kết quả của kiến thức tích lũy theo thời gian. Đó cũng là cách bạn phản ứng với cơ hội, đối mặt với thách thức và đạt được mục tiêu.

Trải nghiệm thật nhiều “cung đường”

Cuối cùng, 70% công việc của bà Hà Trang thường tập trung làm phong phú các “cung đường” trải nghiệm của các nhân sự. Theo bà Trang, dành thời gian ứng dụng kiến thức đã học vào nhiều những khó khăn, thử thách sẽ làm tăng khả năng trải nghiệm của gen Z.

“Hãy tập trung trang bị cho động cơ xe của mình ngay từ bây giờ, và hãy lái thật nhiều. Khi có thật nhiều kinh nghiệm thực tiễn hay còn gọi là critical experience, các bạn sẽ lái một cách nhẹ nhàng, không stress”, bà Hà Trang chia sẻ.

Đến khi các bạn đã có nhiều kinh nghiệm thực chiến, cơ hội không có trong công ty, cũng sẽ có ở ngoài. Bên cạnh đó, bà luôn khuyến khích các bạn trẻ vạch ra ‘roadmap’ của chính mình. Để từ đó, nhân sự có thể tập trung phát triển và đạt được đích đến mong muốn.

“Hãy tìm ra IKIGAI của bản thân, phát triển 7Q, và quan trọng nhất chính là trải nghiệm thật nhiều cung đường để tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp”, bà Hà Trang chia sẻ.

Kết

Trong tương lai, thế hệ Gen Z sẽ tiếp tục nắm giữ vai trò quan trọng trong xã hội, không chỉ là những người tiêu dùng thông minh và sáng tạo mà còn là những nhà lãnh đạo tương lai. Để phát triển tối đa tiềm năng, điểm mạnh của bản thân, các bạn thuộc thế hệ này cần áp dụng những phương pháp như tìm ra IKIGAI của bản thân, phát triển 7Q, và quan trọng nhất chính là trải nghiệm thật nhiều cung đường trên hành trình phát triển năng lực của chính mình.

MBA Talk là chuỗi hội thảo với sự tham dự của các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, các lãnh đạo, quản lý cấp cao từ các công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn trong và ngoài nước cùng các Giáo sư – Tiến sĩ từ các trường đại học lớn tại Việt Nam và nước ngoài. Các khách mời sẽ cùng thảo luận, chia sẻ nhiều vấn đề, tình huống thực tiễn trong kinh doanh nhằm cung cấp kiến thức theo hướng chuyên sâu, đúng triết lý đào tạo PSO (Problem Solving in Organization).

Xem thêm các bài viết từ PSO MBA
tại đây.