Marketer Thanh Uyên
Thanh Uyên

Content Editor @ Brands Vietnam

Epson Việt Nam tổ chức chương trình “Sắc màu yêu thương” cho học sinh vùng sâu vùng xa tại Đắk Lắk

Với mong muốn góp một phần công sức trong việc cải thiện chất lượng cơ sở đào tạo tại các địa phương vùng sâu vùng xa và mang tri thức kỷ nguyên số đến gần hơn với các em học sinh, Epson Việt Nam đã kết hợp cùng với dự án “Phòng Tin học cho em” thuộc hệ sinh thái “Nuôi Em” triển khai chương trình “Sắc màu yêu thương” tại Đắk Lắk.

Là một thương hiệu cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững, Epson Việt Nam mong muốn góp phần đưa công nghệ đến gần hơn với thế hệ trẻ cũng như hỗ trợ các trường học vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn có những trang thiết bị hiện đại phục vụ công việc dạy và học.

Thông qua hợp tác với đội ngũ thực hiện dự án “Phòng Tin học cho em” để kết nối với các trường học trên địa bàn, Epson đã tiến hành trao tặng một phòng tin học gồm 01 máy in màu Epson EcoTank L3250, 01 máy chiếu Epson EB-E01 và 10 bộ máy tính sở hữu cấu hình phù hợp, có thể đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập của thầy cô cũng như các em học sinh tại trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân.

Thông qua hợp tác với dự án “Phòng Tin học cho em”, Epson đã tiến hành trao tặng một phòng tin học cho trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân.

Là một trong hai trường tiểu học duy nhất của xã Ea Rốk (Đắk Lắk), trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân hiện đang có 247 học sinh theo học. Cơ sở vật chất của nhà trường hiện chỉ đáp ứng được nhu cầu học tập cơ bản của các em học sinh, các hệ thống chức năng như phòng máy tính, thư viện, các khu vực phục vụ giáo dục thể chất còn nhiều thiếu thốn.

Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh các kiến thức văn hóa cơ bản, việc được tiếp xúc với tin học và thuần thục các kỹ năng sử dụng tin học cơ bản đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Đặc biệt khi các em học sinh học lên các cấp học cao hơn như Cao Đẳng, Đại học hay gia nhập thị trường lao động, các kỹ năng tin học trở thành yêu cầu bắt buộc. Do đó, việc hỗ trợ các em học sinh được tiếp xúc với các kiến thức tin học đã trở nên cần thiết.

Bên cạnh đó, Epson Việt Nam cũng dành tặng hơn 450 cuốn truyện và hơn 400 cuốn tập mới cho thư viện trường, trao tặng các dụng cụ hỗ trợ đào tạo nâng cao thể chất và sức khỏe dành cho học sinh như bóng rổ, vợt cầu lông… và trồng 30 cây sưa để tạo thêm mảng xanh cho không gian học đường. Đồng thời, nhằm mang đến những hoạt động đầy màu sắc góp phần nâng cao đời sống tinh thần của học sinh tại trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân, Epson Việt Nam đã tổ chức buổi chiếu phim ngoài trời cho hơn 400 em học sinh và phụ huynh với máy chiếu Epson.

Sau trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, Epson Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục mang chương trình “Sắc màu yêu thương” đến với nhiều trường học khác trên khắp cả nước.

Ngoài ra, trong khuôn khổ hợp tác với dự án “Phòng Tin học cho em”, Epson Việt Nam đã tặng 01 máy in L3250 và 1 máy chiếu EB-E01 cho Trường THCS Lê Đình Chinh (Xã Ea Rốk, Huyện Ea Súp), đồng thời tài trợ 08 máy in màu Epson EcoTank và 08 bộ máy chiếu cho các trường học ở vùng núi cao thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An và Tuyên Quang. Hoạt động đã bổ sung các trang thiết bị cần thiết phục vụ quá trình dạy và học tại các địa phương có hoàn cảnh khó khăn.

Phát biểu tại buổi lễ trao tặng, ông Daisuke Hori – Tổng Giám đốc Epson Việt Nam – cho biết: “Hoạt động lần này là một phần rất quan trọng trong việc thực hiện hóa các cam kết mạnh mẽ của Epson Việt Nam về phát triển bền vững và hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúng tôi tin rằng những tiến bộ công nghệ mang một ý nghĩa to lớn trong việc cải thiện mọi khía cạnh của cuộc sống từ làm việc, học tập cho tới các trải nghiệm khác. Tính bền vững là cốt lõi trong các hoạt động của chúng tôi và chúng tôi luôn cam kết mạnh mẽ trong việc giúp cộng đồng trở nên tốt đẹp hơn, đặc biệt là đối với trẻ em, phụ nữ”.

Sau các hoạt động được thực hiện tại trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, Epson Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục mang chương trình “Sắc màu yêu thương” đến với nhiều trường học khác trên khắp cả nước, góp phần mang đến những sự hỗ trợ kịp thời dành cho các trường học tại vùng sâu vùng xa, còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tri thức.