5 tố chất của một người lãnh đạo vừa và nhỏ

Được lên manager dĩ nhiên là rất vui, nhưng để làm một “manager cực phẩm” thì không dễ. Trước khi muốn làm sếp lớp hơn, hãy tự nhìn lại xem bạn có đủ tố chất của một người lãnh đạo chưa, và nếu đã có rồi, liệu có điểm nào bạn có thể làm tốt hơn nữa không.

1. Kiên định

Mình phải kiên định với điều mình mong muốn và sẵn sàng bỏ ra công sức, thời gian để đạt được điều đó. Hỏi em có muốn lương ngàn đô không thì ai cũng “yes”, nhưng hỏi tiếp vậy em có sẵn sàng làm nhiều hơn trong vòng 3 năm để đạt được mức lương và vị trí như mong muốn không, tôi thấy nhiều bạn lại chần chừ. Vậy tức là điều mình muốn và điều mình bỏ ra không khớp nhau.

Hãy kiên định với điều mình mong muốn và sẵn sàng bỏ ra công sức, thời gian để đạt được điều đó.
Nguồn: DANKO N

Tự ti, tự phụ hay “tự hảo” chắc chắn đều sẽ không dẫn bạn tới đâu. Bởi làm nửa vời thì khó đi xa, làm đối phó thì không bền vững, chỉ khi bạn làm với tất cả ý chí, tất cả sự kiên định, bất kể lời khen chê, bạn mới có thể đi được tới đích.

Một khi đã lên tới vị trí mà người ta gọi bạn là “sếp”, sẽ không ai có thể quyết định thay bạn. Vì vậy, sếp không thể ba phải, tức là nay thế này mai lại thế khác. Mỗi lời nói, hành động của sếp mà không nhất quán thì sẽ làm nhân viên thêm hoang mang.

2. Lắng nghe

Hãy lắng nghe một cách có chọn lọc từ cả đồng nghiệp và những người đi trước.
Nguồn: Pexels

Đừng nghĩ chỉ lắng nghe mỗi “sếp lớn” hơn bạn là đủ. Hãy lắng nghe một cách có chọn lọc từ cả đồng nghiệp và những người đi trước. Nhưng cũng đừng nghe trong trạng thái đóng chặt suy nghĩ, cho là những điều này mình biết rồi nên không để tâm, hoặc lời khen thì nghe lời chê thì coi như không nghe thấy.

Người chỉ cho ta cái sai là thầy ta, vì vậy, phải lắng nghe trong sự biết ơn và với tâm thế thật cởi mở. Nghe trong sự trân trọng, nên ghi lại rồi nghiền ngẫm, suy nghĩ, day dứt. Tất nhiên, nếu xung quanh toàn bạn nhậu, bạn trà sữa, bạn bánh tráng trộn, bạn… “chém gió” thì đến lúc bế tắc, đến lúc muốn được lắng nghe, bạn sẽ đau khổ nhận ra mình không biết phải hỏi ai. Vì vậy tốt nhất, bạn nên tìm một vài người làm mentor cho mình, những người giỏi và có tâm tốt với mình.

Khi trở thành sếp, mỗi ngày có hàng trăm thông tin khác nhau đến từ nhiều phía với đủ mọi mục đích, lắng nghe có chọn lọc chính là để phân tích và ra quyết định kịp thời. Nếu ai nói gì cũng nghe thì mình lại dễ bị qua mặt, bị lợi dụng hoặc bị lôi vào những “drama” giữa các phe nhóm.

3. Trách nhiệm

Khi bắt tay vào làm bất kì việc nào, hãy tự hỏi, nếu mình làm không tốt sẽ ảnh hưởng tới ai? Hậu quả có lớn hay không? Có nhiều bạn giao nhiệm vụ thì chấp nhận làm, nhưng lại làm lung tung cẩu thả để người sau phải sửa tới sửa lui. Cuối cùng, công sửa gấp mấy lần công làm.

Khi bạn nhận một KPI nào đó, hãy làm hết sức, xem đó là “danh dự” của mình. Dĩ nhiên, không phải lúc nào cũng hoàn hảo, cũng thành công, nhưng nếu không đạt được KPI, cũng tức là không hoàn thành nhiệm vụ, bạn không thể trơ ra như gỗ đá rồi tìm cách đổ lỗi cho người khác. Chẳng có công thức công thức để làm được mọi việc, lời giải sẽ đến sau rất nhiều đêm trăn trở. Dĩ nhiên, tôi không khuyên bạn phải ôm việc suốt cả ngày, nhưng không dành đủ tâm trí cho nó thì sẽ rất khó để ra được ý hay ho.

Khi trở thành sếp, bạn không chỉ chịu trách nhiệm với bản thân mình, bạn chịu trách nhiệm cho hàng trăm người trực tiếp và gián tiếp.
Nguồn: Envato

Khi trở thành sếp, bạn không chỉ chịu trách nhiệm với bản thân mình, bạn chịu trách nhiệm cho hàng trăm người trực tiếp, gián tiếp, việc sai sót của một nhân viên thực tập vẫn liên đới tới bạn. Khi không ai giải quyết nếu có vấn đề xảy ra, bạn vẫn phải xuất hiện, không thể trốn tránh, không thể im lặng, không thể vô can. Trách nhiệm chính là áp lực lớn nhất mà sếp phải gánh vác.

4. Thu hút

Manager có thể linh hoạt “nay lửa, mai băng”, nhưng lúc nào cũng phải thu hút được mọi người, giúp họ giữ lửa trong công việc.
Nguồn: Getty Images

Đừng nghĩ thu hút ở đây là… phong cách ăn mặc hay phải có một ngoại hình bắt mắt. “Thu hút” tôi muốn nói đến là khả năng truyền cảm hứng, luôn biết cách làm người khác vui vẻ cộng tác, lên tinh thần cho team ngay cả lúc mệt mỏi nhất.

Bạn có thể là điểm tựa để mọi người tìm đến khi gặp khó khăn, bên cạnh câu chuyện chuyên môn, sự mạnh mẽ cũng có thể trở thành sức hút lớn. Điểm tựa trong một ngữ cảnh khác chính là tích cực trong mọi việc, tử tế, biết linh hoạt tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể.

Khi lên sếp, sẽ không ai thay bạn kết nối mọi người cả bên trong lẫn bên ngoài. Đừng nghĩ phòng nhân sự sẽ đứng ra làm thay, cũng đừng nghĩ sales sẽ đi ra ngoài giao du thay bạn, đừng nghĩ nhân viên thì chỉ cần trả lương đúng hạn, và tuyệt đối đừng nghĩ “điên lên” thì có thể tùy ý đuổi người.

Tóm lại, bạn có thể linh hoạt “nay lửa, mai băng”, nhưng lúc nào cũng phải thu hút được mọi người, giúp họ giữ lửa trong công việc.

5. Ứng biến

Ngay cả các trường dạy CEO thì cũng chỉ có thể nói được 20% tình huống thực tế. Không phải lời khuyên nào cũng có thể tìm ra từ sách vở vì mỗi ngành, mỗi mô hình kinh doanh, mỗi doanh nghiệp sẽ có những đặc thù khác nhau.

Ứng biến là khả năng tư duy để tìm ra lời giải trong những tình huống chưa từng gặp. Bạn cũng đừng sợ điều này, bởi trừ những sếp đã xây dựng được cổ máy quá trơn tru thì tôi nghĩ 90% luôn phải đối mặt với những tình huống không mong muốn phát sinh.

Lúc đó, khả năng ứng biến là điều vô cùng quan trọng. Ứng biến nhiều lần sẽ thành bản lĩnh, thành đẳng cấp. Nếu bạn đã làm sếp, bạn phải sẵn sàng đón nhận mọi sự bất ổn đó và đừng tự cho mình đã biết đủ. Hãy tự trang bị cho mình nhiều kiến thức nhất có thể và tạo điều kiện để có những trải nghiệm thú vị. Chỉ khi hiểu biết nhiều hơn, bạn mới dễ nhìn ra được những điều nên “né” và hạn chế sai lầm.

Vị trí cao thì đi cùng với trách nhiệm lớn, đừng sợ mà nản lòng, cố lên nhé, tân manager!

Nếu bạn đã làm sếp, bạn phải sẵn sàng đón nhận mọi sự bất ổn đó và đừng tự cho mình đã biết đủ.
Nguồn: Gajus