Marketer Thanh Uyên
Thanh Uyên

Content Editor @ Brands Vietnam

Brand Updates W11/2024: Vingroup thoái vốn Vincom Retail, Dove thực hiện chiến dịch mới dành riêng cho Gen Alpha

Ngày 17/3, tập đoàn Vingroup ra quyết định thoái vốn Vincom Retail để tập trung nguồn lực phát triển các thương hiệu trọng điểm. Cũng trong tuần qua, Dove đẩy mạnh chiến dịch toàn cầu #TheFaceof10 nhằm bảo vệ trẻ em trước những xu hướng làm đẹp thiếu phù hợp… Và nhiều tin tức thú vị khác sẽ được cập nhật trong bản tin Brand Updates tuần này.

Vingroup thoái vốn Vincom Retail

Ngày 17/3, Tập đoàn Vingroup và các công ty con quyết định bán phần vốn góp lên đến 100% vốn điều lệ trong công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thương mại SDI. Giao dịch dự kiến sẽ được thực hiện từ nay đến quý III/2024.

SDI là công ty đang sở hữu trên 99% vốn điều lệ của CTCP Kinh doanh Thương mại Sado – một cổ đông lớn của Vincom Retail. Sau khi giao dịch nói trên hoàn tất, SDI, Sado và Vincom Retail không còn là công ty con của Tập đoàn Vingroup.

Nói về lý do bán Vincom Retail, ông Nguyễn Việt Quang – Phó Chủ Tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vingroup – cho biết đây là thời điểm cần tập trung mọi nguồn lực để phát triển mạnh mẽ Vingroup và các thương hiệu trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao. “Để thực hiện bằng được sứ mệnh này, chúng tôi sẽ dồn toàn lực, nhất là nguồn lực tài chính để tạo đà phát triển đột phá trong giai đoạn bước ngoặt tiếp theo”, ông chia sẻ.

Đại diện Vingroup cũng nhấn mạnh rằng sau khi thoái vốn, mô hình tổ chức, quản lý và vận hành của Vincom Retail sẽ không thay đổi. Vingroup vẫn sẽ ký hợp đồng quản lý với Vincom Retail để giám sát hoạt động của các trung tâm thương mại, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho khách thuê và chủ gian hàng.

Nguồn: Hires.vn

Dove thực hiện chiến dịch toàn cầu #TheFaceof10 dành riêng cho Gen Alpha

Dove vừa phát động một chiến dịch toàn cầu có tên #TheFaceof10 nhằm giúp trẻ em dưới 17 tuổi giảm bớt các áp lực về ngoại hình và làn da do tiếp xúc quá nhiều với các nội dung hướng dẫn làm đẹp dành cho người lớn. Những xu hướng làm đẹp thiếu phù hợp này đã khiến nhiều trẻ vị thành niên đổ xô vào các sản phẩm chống lão hoá đắt đỏ.

Theo khảo sát của Dove, gần 1 trong 2 trẻ em gái từ 10-17 tuổi đã bắt đầu lo lắng về ngoại hình của mình khi về già. Ngoài ra, có khoảng 1 trong 3 trẻ dự kiến sẽ phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi ngoại hình khi có tuổi. Từ đây, Dove và Ogilvy UK đã ra mắt chiến dịch #TheFaceof10. Chọn key visual là hình ảnh những bé gái tự trang trí khuôn mặt của mình bằng kim tuyến, sticker và màu sơn, Dove gửi gắm thông điệp: Khuôn mặt của một đứa trẻ 10 tuổi phải là bức vẽ của những niềm vui và sự thoải mái, chứ không phải là retinol hay các sản phẩm chống lão hoá khác.

Chiến dịch bao gồm các tác phẩm digital OOH được trưng bày trên khắp Vương quốc Anh, Châu Âu và Hoa Kỳ. Bên cạnh đó là các nội dung trả phí trên mạng xã hội và nội dung hợp tác với TikToker ở cả ba khu vực nói trên. Ngoài ra, Dove cũng đã hợp tác với nữ diễn viên Drew Barrymore, cùng các nhà sáng tạo, bác sĩ da liễu và chuyên gia tâm lý để thực hiện “The Gen A Anti-Aging Talk” trên kênh TikTok chính thức của thương hiệu. Hoạt động này nhằm chia sẻ cho các bậc phụ huynh cách trò chuyện với con trẻ về áp lực chống lão hoá và những nỗi lo làm đẹp.

Nguồn: Campaign US

VinFast ký thỏa thuận với nhà phân phối đầu tiên tại Châu Phi

Sau Oman (Trung Đông), Ghana và khu vực Tây Phi là thị trường tiếp theo VinFast đặt chân tới. Cụ thể, vào ngày 15/3 vừa qua, đại diện VinFast Auto đã ký kết thỏa thuận với Jospong Group of Companies – tập đoàn đa ngành tại Ghana – về việc phân phối xe điện tại thị trường này.

Theo đó, Jospong sẽ phân phối ô tô điện, xe máy điện, xe đạp điện và xe buýt điện của VinFast tại thị trường Ghana nói riêng và Tây Phi nói chung. Jospong cũng có kế hoạch triển khai cơ sở hạ tầng sạc công cộng trên toàn quốc để thúc đẩy sự phát triển của xe điện tại quốc gia này.

Ngoài ra, Vingroup cũng ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Jospong về việc thiết lập quan hệ đối tác ưu tiên. Theo đó, hai bên sẽ tích cực làm việc để hướng tới hợp tác kinh doanh trong những lĩnh vực quan trọng như xe điện, taxi, giao thông công cộng, giáo dục, khách sạn, bất động sản và nhiều lĩnh vực khác. Thông qua màn hợp tác này, Vingroup và VinFast có thể nhanh chóng khẳng định tầm vóc tại thị trường xe điện và ngành công nghiệp giao thông bền vững của khu vực.

Nguồn: Jospong Group of Companies

Coolmate công bố nhận diện thương hiệu mới

Đón sinh nhật 5 tuổi với thông điệp “5 năm đồng hành, chân thành cùng bạn”, Coolmate công bố bộ nhận diện thương hiệu mới, hướng đến nét tính cách tự tin và năng động hơn. Với diện mạo này, Coolmate kỳ vọng sẽ tiếp tục đồng hành cùng người tiêu dùng và mang đến những trải nghiệm mua sắm thú vị.

Về logo, Coolmate chọn biểu tượng dấu cộng cách điệu để thể hiện cho sự cộng hưởng và đồng hành giữa thương hiệu và khách hàng. Qua đó, Coolmate bày tỏ tinh thần kết nối, chia sẻ và khẳng định thương hiệu sẽ luôn đi cùng phái mạnh trong nhiều hoạt động khác nhau. Ngoài ra, Coolmate còn thiết kế font chữ mới dày dặn và hiện đại hơn, vừa có tính thẩm mỹ, vừa tăng tính dễ đọc khi viết dấu tiếng Việt.

Bảng màu chủ đạo trong bộ nhận diện cũng được cập nhật, với 5 màu sắc tượng trưng cho 5 hình ảnh mà Coolmate muốn truyền tải đến nam giới, bao gồm: Trắng chân thực, Đen khỏe khoắn, Xanh thực tế, Cam năng động, Vàng tự tin. Cuối cùng, hệ thống biểu tượng tính năng sản phẩm (như “Nhanh khô”, “Kháng khuẩn”, “Co giãn”…) cũng được cải tiến để tạo sự tối giản và hiện đại.

Nguồn: Coolmate

Decathlon cập nhật bộ nhận diện mới, đề cao tinh thần thể thao

Sau nhiều thập kỷ hoạt động, Decathlon – thương hiệu thể thao đến từ Pháp – đã tái định vị thương hiệu thông qua bộ nhận diện mới với thông điệp tôn vinh trải nghiệm và cảm xúc của người chơi thể thao.

Trong suốt 2 năm qua, đội ngũ Decathlon đã nỗ lực tạo nên logo mới gồm nhãn chữ và biểu tượng Orbit – biểu tượng cho tầm nhìn sao Bắc Đẩu mà Decathlon đặt ra từ những ngày đầu thành lập. Về biểu tượng Orbit, vòng tròn thể hiện sự chuyển động không ngừng, trong khi góc nghiêng lấy cảm hứng từ chữ “A” trong Decathlon. Cả nhãn chữ và logo đều được đặt trên nền xanh dương đậm thay vì sắc xanh ngả sáng như trước đây của Decathlon. Sắc xanh mới thể hiện sự sống động và tràn đầy năng lượng – cũng là ý nghĩa mà thương hiệu muốn mang đến khách hàng.

Khi lấy cảm hứng từ Sao Bắc Đẩu, Decathlon hướng đến mục tiêu “Thể thao diệu kỳ – Lan tỏa đam mê”. Mục tiêu tập trung vào 3 từ khóa – chuyển động (move), con người (people) và điều kỳ diệu (wonders of sport). Dựa trên mục tiêu này, Decathlon cũng đồng thời đưa ra chiến lược cụ thể xoay quanh 3 trọng tâm: Trải nghiệm khách hàng, tính bền vững và hiện đại hoá.

Tại Việt Nam, hình ảnh mới của Decathlon sẽ được “trình làng” tại cửa hàng sắp ra mắt ở quận 9 (TP.HCM) vào giữa năm nay. Cùng với đó là giao diện website mới và những cập nhật đồng bộ tại các cửa hàng hiện tại của Decathlon trên toàn quốc.

Nguồn: Decathlon

TikTok đối mặt với nguy cơ bị cấm trên toàn nước Mỹ

Ngày 13/3, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật có tên “Đạo luật bảo vệ người Mỹ khỏi các ứng dụng do thế lực bên ngoài kiểm soát”, buộc TikTok phải cắt đứt quan hệ với công ty mẹ ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc. Dự luật yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi TikTok trong vòng 6 tháng, nếu không, ứng dụng này sẽ bị cấm trên toàn nước Mỹ.

Viễn cảnh TikTok bị cấm hoạt động có thể tác động mạnh đến kế sinh nhai của khoảng 7 triệu doanh nghiệp nhỏ và 170 triệu người dùng ứng dụng tại Mỹ. Trong đó, cộng đồng các nhà sáng tạo nội dung – những người đang hưởng lợi trực tiếp từ việc sản xuất nội dung và kinh doanh trên nền tảng – có thể đối mặt với tổn thất hàng nghìn tỷ USD.

Trong khoảng thời gian này, theo Financial Times, TikTok cũng đã công bố doanh thu kỷ lục khoảng 16 tỷ USD vào năm 2023 tại Mỹ. Báo cáo của Oxford Economics cũng cho thấy các hoạt động kinh doanh của TikTok đã đóng góp cho GDP nước Mỹ khoảnh 8,5 tỷ USD năm 2023 và 2 tỷ USD tiền thuế, đồng thời hỗ trợ hơn 59.000 việc làm trên khắp đất nước.

Do đó, dự luật cấm TikTok đang dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ trong nhóm doanh nghiệp, nhà hoạt động và người dùng trẻ của xứ cờ Hoa. Ở một diễn biến khác, nhiều nhà đầu tư tại Mỹ đã bắt đầu lên kế hoạch tham gia vào thương vụ mua lại TikTok.

Người dùng TikTok tại Mỹ biểu tình phản đối dự luật.
Nguồn: Reuters

The Body Shop tiếp tục nộp đơn phá sản ở Mỹ và Canada

Sau sự sụp đổi của công ty mẹ ở Anh vào tháng trước, The Body Shop tiếp tục nộp đơn xin phá sản tại Mỹ và Canada do những khó khăn về tài chính. Chi nhánh tại Mỹ của The Body Shop đã ngừng kinh doanh 50 cửa hàng. Và tại Canada, khoảng 30% cửa hàng của thương hiệu cũng đã đóng cửa, khiến hơn 300 lao động mất việc.

Không chỉ Anh, Mỹ hay Canada, The Body Shop tại nhiều quốc gia khác cũng đang rơi vào cơn khủng hoảng. Cụ thể, The Body Shop hiện đang đối mặt với tình trạng mất khả năng thanh toán các khoản nợ tại Đức , đồng thời “vật lộn” với các khoản nợ khác tại Úc – quốc gia có hơn 100 cửa hàng của thương hiệu. Trong khi đó, tương lai của The Body Shop tại Tây Ban Nha, Thụy Điển, Pháp và Áo vẫn chưa rõ ràng trong bối cảnh tranh cãi về quyền sở hữu.

Trước tình hình này, trang fanpage chính thức của The Body Shop Việt Nam tiếp tục lên tiếng khẳng định không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào bởi quy trình tái cấu trúc đang diễn ra trên thế giới. Do mô hình đối tác nhượng quyền, The Body Shop Việt Nam, dưới sự quản lý của tập đoàn InNature Berhad, vẫn đang hoạt động bình thường. Bằng chứng là ngày 25/2, The Body Shop đã kỷ niệm cột mốc 15 năm xuất hiện tại Việt Nam với cửa hàng flagship mới nhất tại Vincom Đồng Khởi (TP.HCM). Mới nhất là ngày 8/3 vừa qua, thương hiệu đã hợp tác cùng Hoa hậu H’Hen Niê để ra mắt loạt chiến dịch xã hội năm 2024.

Nguồn: The Guardian

FPT khai trương văn phòng thứ ba tại Hàn Quốc

Văn phòng của FPT Software (Công ty thành viên của Tập đoàn FPT) tọa lạc tại tòa nhà Daegu Bank thuộc quận Buk-gu – khu vực sầm uất nhất của thành phố Daegu. Daegu là thành phố đông dân thứ ba của Hàn Quốc, tập trung đông du học sinh Việt Nam cùng chi phí sinh hoạt không quá đắt đỏ. Trong 5 năm tới, FPT kỳ vọng văn phòng này sẽ đạt mốc 1.000 người, trở thành một “điểm nóng” công nghệ vùng Đông Nam Hàn Quốc.

Đây là văn phòng thứ 82 của Công ty FPT Software trên toàn cầu. Theo kế hoạch, văn phòng sẽ mở rộng tìm kiếm, hợp tác với các công ty tài chính, ngân hàng và các khách hàng trong lĩnh vực ô tô, sản xuất, robot ở Daegu. Qua đó, công ty hướng tới xây dựng một trung tâm phát triển phần mềm và mở rộng quy mô hoạt động ra các vùng lân cận như Daejeon, Kumi…

Đặt nền móng tại Hàn Quốc từ năm 2016, FPT Software hiện có gần 200 nhân sự làm việc trực tiếp tại Hàn Quốc, cung cấp các giải pháp và dịch vụ công nghệ đến các doanh nghiệp hàng đầu xứ sở Kim Chi như LG Electronics, LG CNS, Shinhan Bank…

Nguồn: CafeBiz

Theo Thanh Uyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp