Marketer Ngo Thai Hoang Tuan
Ngo Thai Hoang Tuan

Mobile Marketing Expert @ VIETGUYS

ASO – Tối ưu cửa hàng ứng dụng Apple App Store 2024

Đến giai đoạn cuối 2023, Apple App Store là một trong những nền tảng phân phối ứng dụng hàng đầu với hơn 2,2 triệu ứng dụng. Sự cạnh tranh cao trong Apple Store có thể là một thách thức đối với các nhà tiếp thị ứng dụng khi muốn tăng cường độ tiếp cận người dùng iOS.

Bài viết này, Tuấn hướng đến chia sẻ 10 yếu tố quan trọng nhằm tối ưu trang cửa hàng ứng dụng trên nền tảng App Store nhằm giúp các nhà phát triển ứng dụng có thể gặt hái thành công ở phiên bản cửa hàng iOS 15.1 đến 17.3.

1. Ranking Factors

Tối ưu hóa cửa hàng ứng dụng là quy trình tăng cường cả hiển thị và tỷ lệ chuyển đổi của ứng dụng. Để trở nên dễ được tìm thấy hơn, ứng dụng cần được xếp hạng cao trong App Store cho các từ khóa liên quan.

Khi ứng dụng xếp hạng đầu tiên cho một từ khóa, nó sẽ xuất hiện ở vị trí kết quả tìm kiếm đầu tiên. Xếp hạng cao cho các từ khóa liên quan cho phép người dùng mục tiêu có thể dễ dàng tìm thấy và khám phá ứng dụng. Và khi mọi người có thể tìm thấy dễ dàng thì ứng dụng sẽ được tải xuống nhiều hơn. Nhưng trước hết, chúng ta phải hiểu cách hoạt động của thuật toán xếp hạng của Apple và những yếu tố ảnh hưởng đến xếp hạng trong cửa hàng ứng dụng (Ranking Factors).

Những yếu tố ảnh hưởng đến xếp hạng trong Ranking Factors được chia làm 2 nhóm: Nhóm nhân tố trực tiếp và nhóm nhân tố gián tiếp ảnh hưởng đến thứ hạng hiển thị của ứng dụng trên App Store.

1.1. Nhóm nhân tố trực tiếp

Nhóm nhân tố trực tiếp bao gồm: App name (tên ứng dụng), Subtitle (phụ đề), Keyword Field (một trường cụ thể để nhập các từ khóa mà nhà phát triển muốn ứng dụng của mình được xếp hạng khi người dùng tìm kiếm các từ khóa này. Các từ khóa nhập vào đây sẽ có trọng số xếp hạng quan trọng thứ ba, chúng cũng không được hiển thị với người dùng).

1.2. Nhóm nhân tố gián tiếp:

  • Download Velocity: Một thuật ngữ phức tạp để chỉ số lượng tải xuống mà ứng dụng đạt được trong một khoảng thời gian nhất định. Càng nhiều lượt tải xuống, ứng dụng sẽ được xếp hạng hiển thị tốt hơn. Apple ghi nhận thấy ứng dụng nhanh chóng phổ biến và sẽ muốn giới thiệu nó đến mọi người dùng iOS khác.
  • Uninstalls: Trong trường hợp nhà phát triển thực hiện “cheat” thứ hạng App Store bằng cách chi trả cho khối lượng lớn cài đặt nhưng sau đó mau chóng bị xóa bỏ khỏi thiết bị, nhà phát triển sẽ phải trả giá đắt cho điều đó.
  • App Store Listing Visuals: Biểu tượng ứng dụng, Ảnh chụp màn hình và Video xem trước là những hình ảnh mà ta có thể đặt trên trang cửa hàng ứng dụng. Chúng rất quan trọng vì cung cấp cho mọi người dùng iOS một cái nhìn nhanh chóng về ứng dụng, cho phép người dùng tham khảo nhanh trước khi thực hiện cài đặt hoặc mua ứng dụng.
  • Ratings and Reviews: Đánh giá và nhận xét của ứng dụng đóng vai trò quan trọng, chúng ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định tải xuống của một người dùng iOS bất kỳ. Mọi người thường tin tưởng vào những trải nghiệm của người khác. Vì vậy, khi có quá nhiều đánh giá và nhận xét tiêu cực, mọi người sẽ không quan tâm đến ứng dụng đó nữa. Họ sẽ chuyển sang cân nhắc cài đặt các ứng dụng đối thủ. Để đảm bảo rằng tốc độ và khối lượng tải xuống tăng lên thay vì giảm xuống, nhà phát triển cần cố gắng liên tục cải thiện đánh giá và nhận xét ứng dụng từ người dùng.
  • Update Cycle: Apple luôn ưu tiên các ứng dụng chất lượng cao vì chúng được cải thiện liên tục. Cập nhật ứng dụng thường xuyên cho thấy thuật toán xếp hạng của Apple rằng nhà phát triển đang làm việc tích cực để làm cho ứng dụng ngày càng tốt hơn, thay vì để nó đầy bụi bặm.
  • Description: Khác với Google Play, Apple sẽ không quét mô tả để tìm từ khóa. Đó là lý do tại sao nó không được bao gồm trong các yếu tố xếp hạng trực tiếp. Tuy nhiên, mô tả vẫn đóng vai trò trong việc tăng tỷ lệ chuyển đổi của ứng dụng. Nhà phát triển nên sử dụng nó để mô tả ứng dụng có thể mang lại lợi ích cho người dùng và cung cấp cho họ thông tin về tùy chọn đăng ký hoặc mua hàng trong ứng dụng.

2. App Store Connect

App Store Connect (trước đây được biết đến với tên gọi iTunes Connect) là nền tảng của Apple để phát hành, quản lý và báo cáo các ứng dụng di động iOS. Nói cách khác, App Store Connect đóng vai trò tương tự như Google Play Console nhưng là dùng để quản lý ứng dụng di động iOS. App Store Connect bao gồm các thiết bị chạy hệ điều hành iOS, các sản phẩm iPhone và iPad. Tương tự như Google Play Console, người dùng của App Store Connect có thể được chia thành hai nhóm chính:

  • Những nhà phát triển ứng dụng cần cung cấp các bản cập nhật phần mềm, phát hành kỹ thuật và tuân thủ các hướng dẫn của Apple để thành công trong việc ra mắt ứng dụng.
  • Các nhà tiếp thị ứng dụng (ASO) muốn tối ưu hóa và theo dõi hiệu suất của ứng dụng ở các quốc gia khác nhau để đạt được đánh giá và lượt tải xuống cao.

2.1. Các KPI quan trọng nhất cần quan tâm trên App Store Connect

App Store có logic hoạt động khác biệt với Google Play. Các KPI mà nhà phát triển ứng dụng nên theo dõi trên App Store Connect có định nghĩa khác với các chỉ số trên Google Play Console hoặc Firebase. Để bắt đầu, người dùng có thể tải xuống một ứng dụng từ kết quả tìm kiếm của App Store mà không cần click đến trang sản phẩm của ứng dụng. Do đó, các chỉ số KPI cần phản ánh hành vi thực sự của người dùng iOS.

Sau đây là 4 chỉ số mà các nhà phát triển cần quan tâm, chú ý:

  • Click through rate = Unique page views / unique impressions (Tỷ lệ click through = Lượt xem trang duy nhất / lượt hiển thị duy nhất): Sử dụng chỉ số này để đo lường sự thành công của các lần hiển thị của App Store trong việc đưa người dùng đến trang sản phẩm.
  • App page conversion rate = First-time downloads / unique page views (Tỷ lệ chuyển đổi trang ứng dụng = Số lần tải lần đầu / lượt xem trang duy nhất): Bằng cách sử dụng tỷ lệ này, ta thể thấy được hiệu suất chuyển đổi của trang sản phẩm và tải xuống. Số lần tải lần đầu loại trừ việc cài đặt lại, và ta có thể sử dụng chỉ số này để đo lường tỷ lệ chuyển đổi từ lưu lượng trả phí và giới thiệu. Vì người dùng có thể tải xuống một ứng dụng mà không xem trang sản phẩm, tỷ lệ này có thể cao hơn 100% đối với các ứng dụng đã được trang bị featured graphic hiệu quả.
  • Conversion (install) rate = First-time downloads / unique impressions (Tỷ lệ chuyển đổi (cài đặt) = Số lần tải lần đầu / lượt hiển thị duy nhất): Đây là một chỉ số KPI phổ biến cho App Store, và nó xem xét các tải xuống từ người dùng mới đã thấy ứng dụng bất kỳ đâu trong cửa hàng. Sử dụng tỷ lệ này để xác định hiệu suất của ứng dụng trong việc chuyển đổi lượt hiển thị thành tải xuống.
  • Search conversion rate = First-time downloads / unique impressions filtered by the Search as a source type (Tỷ lệ chuyển đổi từ tìm kiếm = Số lần tải lần đầu / lượt hiển thị duy nhất được lọc theo loại nguồn là Tìm kiếm): Với chỉ số này, ta tập trung vào Tìm kiếm trong App Store và loại bỏ các hiệu ứng của paid traffic hoặc promotion.

Ngoài ra còn một số KPIs khác, tuy nhiên 4 chỉ số trên là những nguyên tố đầu tiên xác định được quá trình tối ưu tỷ lệ chuyển đổi trên App Store có thực sự hiệu quả.

2.2. Sử dụng App Store Connect

Nhìn chung, App Store Connect cung cấp 4 trường chức năng chính bao gồm:

  • My apps: Nơi nhà phát triển có thể quản lý mọi thứ liên quan đến ứng dụng – submission, metadata, app assets, pricing, rating and reviews, và các tính năng phụ trợ khác của Apple.
  • App Analytics: Ở đây, chúng ta có thể truy cập thông tin chi tiết về cách ứng dụng, hoạt động dưới các khía cạnh như số lần hiển thị, số lượng cài đặt, thanh toán từ Apple, các phiên người dùng, lượt xem trang sản phẩm và nhiều hơn nữa.
  • Sales and Trends: Cung cấp dữ liệu chi tiết về thông tin doanh thu với các tab “Đăng ký” và “Bán hàng”.
  • Users and Access: Nơi quản lý quyền truy cập vào các trường dữ liệu, quản lý ứng dụng trên App Store. Nhà phát triển có thể phân quyền tối đa 9 người có thể truy cập vào Sandbox với danh sách App Testers.

Do hạn chế về thời gian và độ dài bài viết, để tìm hiểu chi tiết về App Store Connect, mời mọi người truy cập tài liệu của Apple Developer tại đây.

3. App Name

Tên ứng dụng quyết định thành công/ thất bại của một ứng dụng bất kỳ kể từ khi nó được xuất hiện trên cửa hàng ứng dụng Apple. Tương tự như Google Play, tên ứng dụng trên App Store tốt nhất nên giới hạn trong phạm vi 30 ký tự. Đồng thời, nhà phát triển cũng cần lưu ý một số yếu tố khác như việc phát âm dễ dàng, viết đúng chính tả và hạn chế giống hoặc tương đồng với một ứng dụng nào khác đã có trên cửa hàng Apple từ trước.

Ngoài ra, tên ứng dụng cần được cân nhắc song song là tên của fanpage trên social media như Facebook, Instagram, YouTube (nếu có) hoặc thậm chí TikTok... Ví dụ, “Lazada: Mua sắm thả ga”; “Bumble: Date, meet, network better”...

4. App Subtitle

Phụ đề giống như một bổ sung cho tiêu đề ứng dụng. Nó được đặt dưới tên ứng dụng trong toàn bộ vị trí mà ứng dụng sẽ hiển thị trên App Store. Phụ đề đóng vai trò quan trọng vì nó ảnh hưởng đến xếp hạng từ khóa trong App Store và ASO, luôn được hiển thị cùng với tên ứng dụng. Điều đó có nghĩa là phụ đề được hiển thị cho người dùng iOS ở các vị trí sau:

  • Danh sách cửa hàng ứng dụng
  • Khi ứng dụng được nổi bật trong App Store
  • Trong kết quả tìm kiếm của App Store
  • Khi ứng dụng được hiển thị trong bảng xếp hạng hàng đầu của App Store

Phụ đề ảnh hưởng đến xếp hạng từ khóa trong tìm kiếm. Các thuật ngữ mà ta đặt trong phụ đề có mức độ quan trọng xếp hạng thứ hai. Thứ nhất là các từ khóa trong tên ứng dụng. Tuy nhiên, Apple sẽ ưu tiên sử dụng từ khóa đơn từ tên ứng dụng, phụ đề và trường từ khóa (keyword field), kết hợp chúng để tạo ra nhiều loại từ khóa kết hợp. Đó là lý do chỉ cần sử dụng từ khóa một lần trong tất cả các trường này cho các ứng dụng iOS.

Apple cung cấp 30 ký tự cho phụ đề. Hãy suy nghĩ kỹ về các từ khóa sẽ đặt ở đây, nhà phát triển có thể đặt các từ khóa có lượng tìm kiếm và độ khó cao trong phụ đề để tăng cơ hội xếp hạng của ứng dụng cho chúng.

Hãy cẩn thận với việc chèn từ khóa quá mức, có nghĩa là viết một phụ đề chỉ là một chuỗi từ ngẫu nhiên. Vì phụ đề được hiển thị cho người dùng tiềm năng, chúng ta cần nó không chỉ hợp lý mà còn phải hấp dẫn.

5. Keyword Field

Khi điền các trường thông tin cho ứng dụng, nhà tiếp thị sẽ nhận thấy có một trường, duy nhất cho các ứng dụng iOS, được gọi là “Từ khóa” (Keyword Field). Khác với Google, Apple cung cấp cho nhà phát hành app một trường cụ thể để nhập các từ khóa. Trường này được bảo mật và sẽ không hiển thị trên danh sách cửa hàng ứng dụng công khai.

Ở điểm này, nhà tiếp thị cần biết rằng từ khóa đóng vai trò quan trọng trong tối ưu hóa cửa hàng ứng dụng. Chúng là cách mà ứng dụng được tìm thấy trong cửa hàng ứng dụng và xác định xếp hạng trong kết quả tìm kiếm. Từ khóa cho thuật toán tìm kiếm của Apple biết ứng dụng là về cái gì và trong các tìm kiếm cửa hàng ứng dụng nào ứng dụng nên được liệt kê.

Theo Apple, 65% số lượt tải xuống đến từ tìm kiếm trực tiếp. Do đó, tối ưu hóa cửa hàng ứng dụng và từ khóa là rất quan trọng để một ứng dụng được tìm thấy và cài đặt bởi người dùng mới. Apple đã giúp các nhà phát triển bằng cách tạo ra trường từ khóa. Ở đây, nhà tiếp thị có 100 ký tự để chỉ định các thuật ngữ hoặc cụm từ mà ứng dụng nên xuất hiện trong kết quả tìm kiếm.

6. App Description

Apple cung cấp 4.000 ký tự cho phần mô tả ứng dụng. Đó là một không gian đủ lớn và nhà tiếp thị nên tận dụng. Trước hết, đó là một trường thông tin cho phép mô tả thêm vì sao mọi người nên tải xuống và sử dụng ứng dụng. Đó là lý do tại sao nhà tiếp thị thường trả lời các câu hỏi ở trên trong Mô tả Ứng dụng của mình.

Lưu ý, Description trên App Store không có vai trò quét và đóng góp (index) vào việc hiển thị, xếp hạng vị trí ứng dụng trong kết quả tìm kiếm. Tuy nhiên, đối với nhóm người dùng iOS vốn dĩ khó tính và cẩn thận chọn lọc, việc dành ra ít phút để đọc và tìm hiểu một ứng dụng thông qua mô tả là điều thường thấy. Sau đây là một vài mẹo nhằm tối ưu App Description cho ứng dụng iOS:

  • Mô tả các tính năng của ứng dụng một cách ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu.
  • Luôn giữ văn phong chuyên nghiệp và phù hợp với định vị thương hiệu.
  • Đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin bắt buộc như các gói đăng ký hoặc sản phẩm in-app.

Ngoài ra, khi phát hành một ứng dụng trên App Store, nên nhớ rằng 2-3 câu đầu tiên trên trang là phần quan trọng nhất của mô tả ứng dụng. Đây là những gì người dùng có thể đọc mà không cần phải nhấn vào “… xem thêm”.

7. App Icon

App Icon đóng vai trò quan trọng hàng đầu đối với mọi ứng dụng và đặc biệt là ứng dụng iOS. Sau đây là kích thước Icon:

Apple đề xuất rằng biểu tượng ứng dụng cần có một thiết kế “sạch sẽ” và dễ hiểu, đảm bảo rằng không đặt quá nhiều chữ trong biểu tượng. Văn bản nhỏ sẽ khiến khó đọc và không hấp dẫn trong App Store. Thay vào đó, hãy chọn một thiết kế kết hợp hình dạng và màu sắc. Xác định loại hình màu sắc nào phù hợp nhất với thương hiệu ứng dụng và sử dụng bảng màu đó để thiết kế biểu tượng. Tóm lại, hãy tìm cho ứng dụng của mình một designer chất lượng!

7. App Preview Video

Video xem trước ứng dụng iOS là một đoạn video tối đa 30 giây cho phép người dùng tìm hiểu nhanh về ứng dụng một cách trực quan. Nhà phát triển có thể có tối đa 3 video, nhưng việc tốt nhất là chỉ cần 1 video thật chất lượng với bố cục nội dung tuyệt vời. Video xem trước rất tốt cho các ứng dụng có khả năng tương tác cao, đặc biệt là ứng dụng trò chơi. Chúng cũng quan trọng đối với các ứng dụng trả phí. Người dùng iOS luôn muốn tìm hiểu rõ ứng dụng trước khi mua. Video là cơ hội hoàn hảo để cung cấp cho họ hiểu rõ về ứng dụng.

Các video xem trước trên Apple App Store cần tuân theo một số hướng dẫn cụ thể. Nhà tiếp thị có thể thêm tối đa 3 video cho mỗi khu vực (server/ quốc gia) thông qua App Store Connect. Bằng cách phát hành một phiên bản ứng dụng mới, video xem trước sẽ được phê duyệt cùng với ứng dụng và các metadata. Dưới đây là những điểm chính quan trọng nhất mà video xem trước cần đáp ứng:

  • Độ dài video: 15 đến 30 giây
  • Kích thước tệp tối đa: 500 MB
  • Định dạng tệp: Định dạng .mov, .m4v, .mp4
  • Độ phân giải: Cụ thể cho thiết bị (nhưng có thể là ngang hoặc hướng dọc)

Các video xem trước không phải là một yếu tố xếp hạng hiển thị ứng dụng, tuy nhiên, chúng đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược tối ưu hóa cửa hàng ứng dụng iOS. Apple muốn đảm bảo một cái nhìn và cảm nhận tương tự cho tất cả các video ứng dụng. Vì vậy, họ chia sẻ một số hướng dẫn chi tiết. Dưới đây là những điểm quan trọng nhất:

  • Chủ yếu sử dụng hình ảnh màn hình cho video xem trước
  • Không nên chèn các bàn tay hoạt hình, có thể sử dụng các “điểm chạm ảo” để chỉ ra nơi xảy ra tương tác với ứng dụng
  • Đối với trò chơi: Hiển thị nhiều cảnh gameplay hơn là cảnh cắt
  • Sử dụng văn bản trong video – nhưng chú ý đến việc địa phương hóa
  • Có thể sử dụng giọng nói trong video nhưng hãy nhớ rằng chỉ một tỷ lệ rất nhỏ người dùng sẽ bật âm thanh (video tự động phát tắt tiếng)
  • Video xem trước chỉ nên chứa nội dung mà ta sở hữu tác quyền (đừng hiển thị nội dung phát trực tuyến từ một Danh sách phát iTunes hoặc video YouTube và tránh tên thương hiệu khác)

8. App Store Pre-order

Đây được xem là chiến lược hàng đầu đối với mọi ứng dụng trò chơi nặng ký (MMORPG, MOBA, FPS...) và chúng ta thường thấy các nhà phát hành game hàng đầu Việt Nam triển khai như VNG, SohaGame, Funtap, Gamota... hay các nhà phát hành game quốc tế trong khu vực. Khi hoàn tất việc submit ứng dụng và hoàn tất các thông tin lên App Store Connect, ứng dụng sẽ xuất hiện trên cửa hàng và người dùng iOS có thể tìm thấy thông qua tìm kiếm từ khóa hoặc được giới thiệu trên feature “Sắp ra mắt”.

Việc đặt hàng trước là cách hoàn hảo để tạo sự háo hức về ứng dụng mà không làm mất đi sự quan tâm ban đầu. Nó cũng có thể góp phần vào xếp hạng ứng dụng, vì Apple sẽ có thể lập chỉ mục các từ khóa và xếp hạng ứng dụng trước khi ra mắt thực sự. Nhà phát triển có thể sử dụng một tính năng khác của Apple bằng cách chọn đặt hàng trước. Và từ bây giờ, chúng ta biết rằng Apple ưa chuộng các nhà phát triển và game studio như vậy.

9. In-app Purchase (IAP)

Theo Apple Developer, tỷ lệ người dùng iOS thực hiện mua in-app cao hơn so với việc mua ứng dụng 24%. Vì vậy, việc phát triển ứng dụng miễn phí nhưng có các tính năng cần phải đăng ký tháng hoặc mua in-app là một ý tưởng kinh doanh hiệu quả với mọi nhà phát triển, đặc biệt là các ứng dụng beauty camera như Ulike, B612... Cụ thể, có bốn loại IAP phổ biến trên iOS:

  • Consumable (Tiêu thụ): Đây là khi bạn mua một cái gì đó để tiến triển trong ứng dụng, ví dụ như một mạng trong trò chơi. Người dùng mua nó một lần, sử dụng và sau đó có thể mua lại.
  • Non-consumable (Không tiêu thụ): Đây chỉ là để trả tiền cho các tính năng cao cấp. Người dùng trả một lần và không có hạn sử dụng.
  • Auto-Renewable subscription (Đăng ký tự động gia hạn): Đây là khi người dùng trả tiền cho quyền truy cập với một tần suất, như một đăng ký tạp chí hàng tháng. Đăng ký được gia hạn tự động.
  • Non-Renewing subscription (Đăng ký không tự động gia hạn): Người dùng mua quyền truy cập vào một thứ gì đó trong ứng dụng của bạn trong một khoảng thời gian cụ thể. Có một ngày hết hạn và sau đó người dùng phải gia hạn nó thủ công (các trò chơi nhập vai tại Việt Nam thường phải áp dụng phương án này).

Kể từ khi iOS 11 được ra mắt, IAP trở thành một phần quan trọng khi nói về ASO. Mua trong ứng dụng có thể xuất hiện trên danh sách cửa hàng ứng dụng, trong kết quả tìm kiếm và có thể được đưa ra mắt trên các tab Trò chơi hoặc Ứng dụng của App Store (app được featured lên trang chủ của trang cửa hàng – sẽ đề cập ở phần tiếp theo).

Khi mua trong ứng dụng (IAP) xuất hiện trong kết quả tìm kiếm trên App Store, người dùng sẽ được đưa trực tiếp đến ứng dụng để hoàn tất việc mua hàng. Ngay cả khi ứng dụng chưa được cài đặt, họ cũng đã sẵn lòng thực hiện cài đặt.

Để có các IAP được liệt kê trong kết quả tìm kiếm, nhà tiếp thị buộc phải quảng cáo chúng (ASA campaign). Apple cho phép nhà phát hành đăng ký không giới hạn số lượng IAP. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể quảng cáo 20 IAPs mỗi lần. Mỗi IAP được quảng cáo cần có một hình ảnh quảng cáo đại diện cho chính nó để hiển thị trên ba vị trí như đã đề cập trước đó. Nếu ứng dụng được hiển thị bên ngoài trang ứng dụng, Apple sẽ tự động mặc định thêm biểu tượng ứng dụng cùng với hình ảnh quảng cáo về gói IAP. Hình ảnh quảng cáo cho IAP phải là JPG hoặc PNG; kích thước 1024×1024 pixel; 72 dpi, RGB, nền phẳng và không bo tròn góc.

Các mua trong ứng dụng nên được xem là một cơ hội để có thêm cơ hội chiếm lĩnh các cụm từ khóa tìm kiếm có liên quan. Điều đó có nghĩa là nếu IAP xuất hiện trong kết quả tìm kiếm App Store, nó sẽ chiếm một vị trí khác dưới ứng dụng. Điều này đẩy đối thủ (xếp hạng 2) ra khỏi phạm vi hiển thị trên màn hình (với dòng sản phẩm iPhone 6’1 inch).

10. App Featured trên App Store

Được featured trên App Store là một thành tựu mà tất cả các nhà phát triển ứng dụng đều nỗ lực nhằm đạt được cơ hội này. Đó là một chiến thắng thật sự lớn. Thật vậy, app có tính năng được featured trên App Store không chỉ đáng giá để tự hào mà còn là một cách để tiếp cận tốc độ tăng trưởng ứng dụng nhanh chóng nhất. Chúng ta vẫn thường thấy các ứng dụng trò chơi của VNG, SohaGame, Funtap, Gamota, Amanotes... Hoặc các nhà phát hành trò chơi mobile quốc tế liên tục xuất hiện trên “trang chủ App Store” ở hạng mục “trò chơi dành cho bạn” hoặc “trò chơi của tháng”...

Một trong những case-study nổi bật về App Featured có thể kể đến là Among Us đối với nhóm ứng dụng trò chơi và TikTok đối với nhóm ứng dụng mạng xã hội...

Khách truy cập được điều hướng đến Tab “Hôm nay” (trang chủ) ngay khi họ truy cập vào App Store. Apple đã thiết kế Tab Today trông giống như một tạp chí được lựa chọn cẩn thận hơn là một cửa hàng đơn điệu. Các ứng dụng trong Tab này được lựa chọn thủ công một cách khắc khe bởi Apple, dựa trên các tiêu chí về chất lượng ứng dụng cao, thiết kế đẹp mắt và câu chuyện (background story) hay. Ngoài Tab Today, Apple còn featured các ứng dụng trong Tab Apps. Ở đây, người dùng sẽ tìm thấy các ứng dụng được đề xuất “Editors’ Choice and Apps We Love Right Now”.

Hơn nữa, các ứng dụng được featured sẽ nhận được một dấu hiệu xác thực. Apple xác minh ứng dụng này là một trong những ứng dụng có thiết kế và chức năng chất lượng cao – tương tự như “tích xanh” dành cho ứng dụng vậy. Mức độ tin cậy bổ sung này dẫn đến việc tăng tỷ lệ người dùng iOS tin tưởng và cài đặt.

Làm thế nào để đạt App Featured?

Đạt được App Featured không phải là điều đơn giản, một sớm một chiều. Đó là một nhiệm vụ cần nhiều thời gian và nỗ lực của nhà phát triển. Đầu tiên, hãy nhớ rằng Apple cũng là một công ty thiết kế cũng như là một công ty công nghệ. Họ yêu thích sự gọn gàng và minh chứng rõ ràng là cách sáng tạo nội dung của họ. Để ứng dụng được featured trên Apple Store, nhà phát triển bắt buộc phải đáp ứng các yếu tố sau:

  • Thiết kế một giao diện người dùng (UI) gọn gàng và trải nghiệm người dùng (UX) trực quan.
  • Sử dụng các API của Apple và cập nhật ứng dụng thường xuyên.
  • Thêm và tối ưu hóa đa ngôn ngữ cho ứng dụng.
  • Tập trung vào tính sẵn có của ứng dụng.
  • Tối ưu hóa trang sản phẩm trên Cửa hàng Ứng dụng.
  • Nổi bật và kể câu chuyện của ứng dụng.
  • Điền đầy đủ thông tin vào biểu mẫu “Get Featured on the App Store”.

Và chắc chắn rằng “Làm thế nào để đạt App Featured trên App Store và Google Play?” sẽ là chủ đề cho bài viết tiếp theo của Tuấn tại Brands Vietnam! Cảm ơn các bạn đã dành thời gian theo dõi hướng dẫn. Hy vọng nội dung này mang lại các mẹo vặt mà các bạn có thể sử dụng một chút ít nào đó nhằm tối ưu trang ứng dụng trên App Store.

Xin chân thành cảm ơn!

Ngo Thai Hoang Tuan
* Nguồn tham khảo: App Radar, Apple Developer