Làn sóng cắt giảm nhân sự: Muốn tồn tại phải tinh gọn

Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn do sức cầu tiêu dùng suy yếu, hàng nghìn nhân sự trong nhiều lĩnh vực phải đối mặt với tình cảnh mất việc.

Làn sóng sa thải nhân sự này không phải mới bắt đầu mà đã xuất hiện phổ biến trong năm 2023. Nhìn lại kinh tế thế giới năm 2023 đầy biến động, nhu cầu sụt giảm, chi phí đầu vào tăng đã khiến nhiều doanh nghiệp không thể trụ vững, họ buộc phải cắt giảm nhân sự, tinh gọn bộ máy để tồn tại, vượt khó.

Nếu những chu kỳ kinh tế biến động trước đây, doanh nghiệp sẽ tìm cách cắt giảm chi phí nhưng cố gắng không sa thải nhân sự. Thế nhưng, với bối cảnh thế giới VUCA (biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ) buộc các doanh nghiệp phải tinh gọn bộ máy để sinh tồn là điều gần như bắt buộc.

Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2024, gần 100 công ty công nghệ, bao gồm Meta, Amazon, Microsoft, Google hay TikTok, đã sa thải tổng cộng khoảng 25.000 nhân viên. Theo nền tảng theo dõi việc làm trực tuyến layoffs.fyi, các công ty đang điều chỉnh nhân sự theo những cách khác nhau, từ cắt giảm nhỏ lẻ trong các bộ phận đến sa thải hàng loạt. Việc sa thải diễn ra khi các công ty nhỏ cạn nguồn tiền mặt, trong khi doanh nghiệp lớn nhận thấy việc cắt giảm nhân sự giúp vận hành tốt hơn.

Nền kinh tế Việt Nam với độ mở cao, cũng không nằm ngoài làn sóng sa thải. Theo kết quả khảo sát Báo cáo Lương và triển vọng thị trường lao động năm 2024 do Navigos vừa phát hành, có đến 454/ 555 doanh nghiệp trả lời có bị ảnh hưởng bởi các biến động thị trường trong năm 2023, chiếm hơn 82%.

Đối với những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các biến động thị trường trong năm 2023, biện pháp ứng phó được lựa chọn nhiều nhất chính là cắt giảm nhân sự, với gần 69% bình chọn. Đứng thứ hai là biện pháp ngưng tuyển dụng mới, với 53% bình chọn.

Xu hướng tất yếu

Tiến sĩ Bùi Thanh Luân, chuyên gia ngành tự động hóa, (Giám đốc Công ty TNHH cơ điện tử Hiệp Phát, giảng viên Trường đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết xu hướng các tập đoàn, doanh nghiệp sa thải nhân sự nhất là ngành công nghệ sẽ ngày càng tăng vì sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trí tuệ nhân tạo – AI.

Theo TS Luân, lao động AI sẽ thay thế con người ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Một số công việc, quản lý có thể được tối ưu hóa hoặc tự động hóa bằng cách sử dụng công nghệ AI; chat GPT AI và hệ thống trả lời tự động có thể thay thế nhân viên chăm sóc khách hàng. Thậm chí AI thay thế nhân viên lập trình, thiết kế, đồ họa… khi đo công ty không cần nhiều nhân viên. Theo TS Luân, việc sa thải nhân sự doanh nghiệp nhằm hướng tới tinh gọn bộ máy nhân sự, tăng đầu tư công nghệ, mô hình kinh doanh tối ưu mà vẫn hiệu quả.

Có thể kể đến câu chuyện của Lazada sở hữu lực lượng lao động lên đến 10.000 người tại 6 quốc gia gồm Việt Nam, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Singapore. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, Lazada phải tìm đến biện pháp cuối cùng là tái cơ cấu và điều chỉnh tổ chức nhân sự để đảm bảo việc phát triển lâu dài. Tinh gọn bộ máy, tập trung phân bổ nguồn lực, cũng như một số chức năng vận hành để doanh nghiệp có thể đưa ra quyết định và thực hiện nó nhanh hơn.

Đặc biệt lĩnh vực công nghệ hay thương mại điện tử chịu nhiều áp lực từ cả biến động kinh tế vĩ mô, đến thay đổi của người tiêu dùng, có thể thấy đây là sự chuyển mình cần thiết, dù đây là biện pháp không mong muốn.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng sa thải nhân sự cho thấy sự dịch chuyển lao động giữa các ngành, các vùng đã và đang diễn ra. Nhu cầu lao động trình độ cao đang có xu hướng tăng và nhu cầu lao động chưa đủ kỹ năng giảm nhiều. Trong dài hạn, xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế này hoàn toàn phù hợp.

Ông Thịnh đánh giá việc điều chỉnh cơ cấu lao động sẽ tạo điều kiện điều chỉnh thị trường lao động theo đúng bản chất kinh tế thị trường. Lao động bị sa thải nhiều, mất việc, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Song lao động có tay nghề, trong ngành công nghệ cao, dịch vụ chuyên nghiệp mà các thành phố lớn đang dẫn đầu sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.