Marketer Thanh Uyên
Thanh Uyên

Content Editor @ Brands Vietnam

Kantar công bố báo cáo cập nhật tình hình thị trường FMCG cả năm 2023: Một năm nhiều biến động

Năm 2023 là một năm đầy biến động, với diễn biến khó lường trong nền kinh tế thế giới gây tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Bối cảnh toàn cầu phức tạp và những hạn chế nội tại đã dẫn đến sự chậm lại của nền kinh tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu.

Mặc dù nửa cuối năm 2023 đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực, báo hiệu triển vọng kinh tế tươi sáng hơn cho năm 2024, niềm tin của người tiêu dùng chưa thực sự hồi phục do những lo âu về công ăn việc làm bất ổn và thu nhập của người dân vẫn còn tồn đọng.

Báo cáo FMCG Monitor – FY2023 của Worldpanel Việt Nam đi sâu vào phân tích thị trường FMCG tiêu dùng tại nhà (In-home FMCG), giữa những diễn biến kinh tế và thay đổi hành vi người tiêu dùng phức tạp. Đồng thời, báo cáo cũng cập nhật những thông tin thị trường FMCG quan trọng và những nhận định giá trị để các doanh nghiệp điều hướng trong bối cảnh biến động.

1. Bức tranh kinh tế Việt Nam: Tăng trưởng thận trọng

Kết thúc năm 2023, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 5,05%, nhờ sự bứt tốc của ngành xuất khẩu trong quý IV/2023. Tuy mức tăng trưởng cả năm này thấp hơn mục tiêu 6,5% của Chính phủ, đây vẫn là một kết quả khả quan trong những bất ổn kinh tế xã hội toàn cầu.

Với những cải thiện kinh tế được ghi nhận trong quý IV/2023, các chuyên gia dự đoán mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 có thể đạt 6% – tương đương với mục tiêu của Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, những thách thức vẫn còn tiềm ẩn và phần lớn dựa vào sức phục hồi nhu cầu xuất khẩu và diễn biến kinh tế toàn cầu.

2. Niềm tin người tiêu dùng

Triển vọng kinh tế khả quan được ghi nhận vào quý IV/2023 chưa thực sự giúp cải thiện niềm tin của người tiêu dùng. Trong quý IV, chỉ số niềm tin người tiêu dùng xuống mức thấp nhất kể từ thời điểm giãn cách COVID-19 đợt 4 vào năm 2021. Tỷ lệ hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính cũng tăng đáng kể, cho thấy xu hướng thắt chặt chi tiêu có thể ảnh hưởng đến mùa Tết Giáp Thìn sắp tới.

3. Tổng quan thị trường FMCG tại nhà

Ở khu vực thành thị 4 thành phố chính (Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ), thị trường FMCG tại nhà đang dần phục hồi sau 2 năm tăng trưởng khối lượng trì trệ. Tăng trưởng về giá trị FMCG trong năm 2023 tại thành thị chủ yếu vẫn do giá trung bình tăng.

Mặt khác, khu vực nông thôn lại cho thấy bức tranh tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, khối lượng tiêu thụ tăng cao hơn năm ngoái đã mở ra nhiều tiềm năng cho các thương hiệu phát triển tại khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, tính riêng trong năm 2023, tăng trưởng giá trị FMCG ở cả thành thị 4 thành phố chính và nông thôn đang giảm dần theo từng quý do mức tăng giá trung bình cũng như tăng trưởng khối lượng đều chậm lại. Điểm sáng trong bối cảnh này là các ngành hàng Chăm sóc cá nhân/ Nhà cửa – động lực chính thúc đẩy tăng trưởng FMCG trong suốt năm 2023.

4. Tăng trưởng khối lượng đang trên đà giảm

Mặc dù lạm phát đang tăng chậm lại, người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu và cắt giảm khối lượng mua sắm FMCG tiêu dùng tại nhà, đặc biệt là tại khu vực thành thị 4 thành phố. Để kích cầu mua sắm, các thương hiệu và nhà sản xuất FMCG ở Việt Nam cần tập trung khai thác giá trị mà sản phẩm mang lại cho người tiêu dùng song song với chiến lược giá cạnh tranh.

5. Các kênh bán lẻ

Trong khi các kênh bán lẻ truyền thống vẫn chiếm phần lớn tại Việt Nam, tỷ trọng đóng góp của các kênh này vào giá trị thị trường đang giảm dần qua các năm. Ở các kênh thương mại hiện đại (Modern Trade), mô hình Siêu thị và Đại siêu thị đang nhường chỗ cho sự lên ngôi các mô hình tiện lợi và chuyên biệt, do người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng trải nghiệm mua sắm thuận tiện và đáp ứng những nhu cầu mua sắm cụ thể. Sự thay đổi này đang diễn ra rõ rệt ở cả thành thị 4 thành phố và nông thôn với những sắc thái khác nhau

Tải báo cáo đầy đủ tại đây.