Marketer Đỗ Anh Phương
Đỗ Anh Phương

Full Stack Digital Marketing

Marketer và những CÁM DỖ kinh doanh

Quá trình làm việc tại các doanh nghiệp, không ít lần mình thường bị thu hút bởi chính mô hình kinh doanh của họ. Trong đầu luôn xuất hiện những câu hỏi: Tại sao mình không tự phát triển mô hình kinh doanh này? Lợi nhuận quá ổn, thậm chí mình có thể cải tiến nhiều khâu đang thiếu sót? Doanh số vụt tăng rất rõ ràng từ khi mình triển khai Marketing, trong khi phần thưởng là chưa tương xứng?

Cám dỗ với ý tưởng tự mình triển khai một mô hình kinh doanh tương tự mãnh liệt hơn nữa khi nắm các vị trí Leader, Manager, hoặc CMO, bởi khi ấy, mình sẽ được tiếp cận rất sâu với những dữ liệu về khách hàng, doanh số, thậm chí cả giá đầu vào, chi phí vận hành.

Đôi khi, cám dỗ kinh doanh xuất hiện ngay cả khi mình nhìn thấy những mẫu quảng cáo về sản phẩm, dịch vụ, và mình nhìn ra thông điệp hay, chiến lược rõ ràng, chênh lệch về giá bán và giá vốn (lợi nhuận hấp dẫn).

Mình cũng từng bị cuốn vào những cám dỗ ấy không dưới 10 lần trong 5 năm năm đầu tiên làm nghề Marketing. Từ những sản phẩm hay ho trong mẫu quảng cáo, tới những mô hình kinh doanh thiếu sót của doanh nghiệp, và cả những sản phẩm có doanh số vụt tăng khi vừa được triển khai MKT.

Tất cả những ý tưởng ấy đều được mình triển khai rất nhanh bằng bộ kỹ năng Marketing toàn diện mà mình có. Từ việc thiết kế website; quay chụp up sản phẩm; viết content xoay quanh sản phẩm; cài đặt quản trị các công cụ đo lường, đến set chiến dịch chạy quảng cáo Google, Facebook, Tiktok.

Tương tác từ khách hàng, và đơn hàng xuất hiện cũng rất nhanh như cách mình triển khai ý tưởng, nhưng chi phí quảng cáo cũng tăng nhanh lên mức quá cao. Ngay khi mình nhìn thấy chi phí / đơn hàng lớn hơn nhiều so với chênh lệch giữa giá nhập và giá bán thì mình buộc phải dừng lại và xem xét lại mô hình kinh doanh.

MARKETING KHÔNG PHẢI LÀ CHẠY QUẢNG CÁO (CHẠY ADS):

Mình đã thiếu đi những bước cực kỳ quan trong khi triển khai MKT. Thiếu định hướng, thiếu chiến lược, thiếu kế hoạch, thiếu những nội dung chạm vào insight, thiếu cả niềm tin của khách hàng về người bán. Những thiếu sót này khiến cho sản phẩm hầu như không có động lực thúc đẩy khách mua hàng.

MARKETING CHỈ LÀ MỘT PHẦN CỦA MÔ HÌNH KINH DOANH:

Rất nhiều tương tác của khách hàng tiềm năng có chung 1 nhu cầu tìm đến cửa hàng để xem sản phẩm thực tế - điểm bán là thứ mình không thể triển khai ngay từ đầu.

Chiến lược giá bán cạnh tranh gần như là bắt buộc khi triển khai, nhưng mình không thể tối ưu giá nhập khiến lợi nhuận luôn nhỏ hơn chi phí MKT - Vấn đề nguồn hàng, đối tác sản xuất, hoặc trực tiếp sản xuất là vấn đề mình không thể đi sâu.

Sau những thất bại bởi những cám dỗ về ý tưởng kinh doanh ấy, mình quyết tâm không triển khai bất cứ một mô hình tự kinh doanh nào trong 3 năm trở lại đây (mặc dù đôi khi vẫn dao động bởi cám dỗ 😃) . Tập trung hơn vào kiến thức marketing mới mẻ, tập trung vào những chiến lược và giải pháp MKT cho các doanh nghiệp. Thu nhập của mình vụt tăng nhờ sự lan tỏa của các anh chị chủ doanh nghiệp với những người bạn của họ cũng là chủ các doanh nghiệp khác. Và mình nhận ra, công việc mình đang làm cũng chính là kinh doanh - thay vì mình tìm và bán sản phẩm cho người tiêu dùng, thì mình bán giải pháp kèm những hoạt động MKT thực tế để giúp các doanh nghiệp gia tăng được số lượng khách hàng sử dụng sản phẩm của họ. Và mình xác định sẽ tâm huyết với mô hình kinh doanh này.

Tự kinh doanh, tự làm chủ là lý tưởng chung của hầu hết mọi người, và Marketer cũng không ngoại lệ. Marketer sẽ được tiếp xúc rất nhiều với những ý tưởng, mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp nhưng đừng để bị chúng cuốn hút, thôi thúc mình tự triển khai những mô hình tương tự bởi khá chắc rằng: bạn sẽ thất bại (trừ khi bạn vốn là một Business)