Marketer Nguyễn Tô Thanh An
Nguyễn Tô Thanh An

Senior Content Executive @ Brands Vietnam

16 góc quay phổ biến để xây dựng một storyboard hấp dẫn

Trước khi tìm hiểu về kỹ thuật chỉnh sửa hiệu ứng video hoặc animatic, điều đầu tiên người làm storyboard cần làm đó nắm vững các nguyên tắc sử dụng góc quay khi xây dựng kịch bản phân cảnh (storyboard).

* Bài viết được lựa dịch từ tựa gốc “The 16 Types of Camera Shots & Angles” được đăng trên trang Boords.

Theo đó, góc quay (camera shots), góc máy (angles) và kỹ thuật phối cảnh (perspective techniques) là những yếu tố quan trọng để tạo ra một storyboard dễ hiểu và sinh động. Do vậy, trong bài viết này, Boords đã tổng hợp 16 góc quay và góc máy để xây dựng storyboard.

6 góc quay cơ bản

Khi kết hợp nhiều góc quay của camera, hình ảnh được tạo ra sẽ mang lại cảm giác thú vị và có chiều sâu hơn. Đặc biệt hơn, khi phối hợp những góc quay đa dạng cùng với một chiến lược truyền tải thông điệp có hiệu quả, việc xây dựng storyboard có thể bắt đầu một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Khi lựa chọn góc quay cho camera, điều quan trọng là phải lựa chọn chuyển động phù hợp nhất. Bởi vì mỗi chuyển động của camera đều có tác động riêng biệt đối với cảm xúc của người xem, cũng như khả năng khiến họ tập trung vào khung cảnh.

Như vậy, dưới đây là một số góc quay cơ bản mà người làm storyboard có thể cân nhắc.

1. Zoom

Đây là thao tác di chuyển camera để thu phóng đối tượng, nhằm mang lại cảm giác di chuyển đến gần hoặc đi xa hơn chủ thể. Góc quay này thường được dùng tăng thêm cảm giác kịch tính, song nên sử dụng đúng cách, tránh lạm dụng để không khiến người xem cảm thấy nhàm chán và mệt mỏi.

2. Pan

Đây là góc quay khi mà camera được di chuyển theo chiều ngang, từ bên này sang bên kia trên một trục trung tâm. Với chuyển động này, vị trí của camera vẫn được giữ nguyên, thế nhưng hướng của camera thì có sự thay đổi.

Góc quay này được dùng để theo dõi sự chuyển động của một nhân vật, hoặc nhằm đưa nhiều chi tiết hơn vào một khung hình. Góc quay này giúp người xem chú ý vào một khung cảnh cụ thể, đặc biệt là đối với một chuỗi hành động diễn ra liên tiếp của một chủ thể.

Nguồn: Boords

3. Tilt

Tương tự, vị trí của camera vẫn được giữ ở vị trí cố định, trong khi góc quay tập trung vào chuyển động lên và xuống, nhằm đưa nhiều đối tượng hơn vào một khung hình.

Việc góc quay hướng lên chậm rãi có thể tạo hiệu ứng khiến cho đối tượng trông có vẻ lớn hơn, nhằm mang lại cảm giác hùng vĩ. Ví dụ, một tòa nhà chọc trời khi được quay từ dưới lên trên một cách từ từ sẽ khiến người xem ấn tượng hơn về chiều cao, cũng như mang lại cảm giác thống trị của tòa nhà khi đặt trong bối cảnh đô thị. Do vậy, kỹ thuật này thường được dùng để nhấn mạnh sự quyền lực, hoặc một chủ đề nào đó có thể tạo ra sự kinh ngạc.

Trong khi đó, góc quay hướng xuống chậm thì tạo hiệu ứng khơi gợi cảm giác không thoải mái, chẳng hạn như một nhân vật bị áp bức. Ví dụ, góc quay từ trên hướng xuống chậm rãi nhằm hé lộ một nhân vật đang bị thương trên mặt đất có thể khiến tạo ra sự đồng cảm của người xem.

4. Dolly

Đây là góc quay mà toàn bộ camera di chuyển đến gần hoặc xa hơn chủ thể. Khác với zoom, góc quay dolly khiến người xem đang cảm giác bản thân đang đi về phía đối tượng. Nhờ vào việc tập trung vào chủ thể một cách sắc nét và rõ ràng, kỹ thuật này thường được dùng để thiết lập mối liên hệ giữa nhân vật và môi trường xung quanh, bởi góc quay này có thể mô phỏng trải nghiệm di chuyển vật lý trong môi trường.

5. Truck

Đây là chuyển động từ bên này sang bên kia, nhằm theo dõi hành động của nhân vật. Với góc quay này, việc gắn camera trên một đường chuyển động linh hoạt (fluid motion track) giúp loại bỏ được mọi chuyển động bị giật của camera.

Góc quay này có tác dụng khiến người xem tập trung vào khung cảnh hiện tại, hoặc các chi tiết quan trọng lần lượt được hé lộ. Ví dụ, đối với thể loại giật gân (thriller), góc quay này có thể di chuyển sự chú ý của người xem một cách tinh tế từ nhân vật trọng tâm sang một mối đe dọa tiềm ẩn sắp xuất hiện.

Nguồn: Boords

6. Pedestal

Đây là góc quay mà camera cần di chuyển lên hoặc xuống so với đối tượng. Khác với tilt, góc quay pedestal đòi hỏi toàn bộ camera hướng lên hoặc xuống, chứ không chỉ thay đổi hướng của camera.

Góc quay này có thể kiểm soát góc nhìn và mức độ tương tác của người xem đối với một khung hình. Bằng cách điều chỉnh vị trí của camera theo chiều dọc trong khi vẫn duy trì góc máy, người xem có thể chú ý đến các yếu tố trong bố cục khung hình. Chẳng hạn như cũng là tòa nhà cao tầng, góc quay pedestal vẫn có thể khiến người xem nhận thấy sự hùng vĩ trong khi tầm mắt vẫn được giữ nguyên.

Góc quay pedestal có thể khiến khung hình trở nên sinh động hơn, nhờ vào việc thay đổi mối quan hệ không gian giữa nhân vật trọng tâm và môi trường xung quanh. Khi di chuyển camera lên trên hoặc xuống dưới từ từ, những người quay phim có thể nhấn mạnh những thay đổi trong phối cảnh, cũng như dần dần hé lộ những chi tiết quan trọng.

Góc quay này có hiệu quả tốt khi bối cảnh quay là cảnh quan thành phố, các công trình kiến trúc hùng vĩ hoặc khung cảnh thiên nhiên như núi rừng.

10 kiểu quay storyboard phổ biến

Khi lựa chọn góc quay phù hợp, điều quan trọng cần lưu ý là thông điệp truyền tải đến người xem. Bởi vì mỗi góc quay đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp đủ thông tin, cũng như tạo ra một câu chuyện thu hút để khiến nhiều người xem chú ý. Dưới đây là một số góc quay kịch bản phân cảnh phổ biến nhất mà người làm storyboard có thể tham khảo:

1. Establishing shot

Đây là góc quay thường được đưa vào phần đầu của một phân cảnh, nhằm thiết lập bầu không khí và gợi ý cho người xem về bối cảnh của nhân vật, cũng như những tình huống sắp diễn ra. Đây thường là một cảnh quay dài và rộng để giới thiệu địa điểm, thời gian diễn ra phân cảnh, nhằm tạo sự tương tác và giúp người xem hiểu về câu chuyện.

Nguồn: CBS

2. Full shot

Đây là góc quay toàn cảnh nhằm thể hiện toàn bộ đối tượng, từ đó nhấn mạnh sự hiện diện của nhân vật về mặt vật lý, chẳng hạn như chuyển động hoặc ngôn ngữ cơ thể. Góc quay full shot có thể cung cấp cho người xem cái nhìn toàn diện về nhân vật trong một bối cảnh nhất định. Ví dụ, đó có thể một nhân vật đang sải bước đầy tự tin giữa đường phố đông đúc, hoặc những hành động ngập ngừng trong một cuộc đối đầu căng thẳng.

Nguồn: tvN

Cần lưu ý là góc quay chủ yếu khắc họa những tương tác vật lý của nhân vật, chứ không tập trung vào cảm xúc hoặc trạng thái tinh thần của họ.

3. Medium shot

Đây cũng có thể gọi là góc quay ¾, khi chỉ tập trung vào một phần của đối tượng, chẳng hạn như từ đầu gối trở lên. Medium shot cho phép người xem nhìn thấy bối cảnh xung quanh và cử chỉ của nhân vật, đồng thời vẫn có thể quan sát được cảm xúc của họ.

Nguồn: Comic Communication Studio

Góc quay này tạo ra sự cân bằng giữa bối cảnh và cảm xúc của nhân vật, khi mà khoảng cách gần có thể khắc họa được ngôn ngữ cơ thể và sắc thái cảm xúc của nhân vật, đồng thời miêu tả được môi trường bên ngoài.

4. Close shot

Góc quay cận này có vai trò tập trung vào khuôn mặt của đối tượng, nhằm khắc họa cảm xúc của họ. Lúc này, nhân vật là trọng tâm trong khung cảnh và hạn chế sự xuất hiện của những đối tượng để không khiến người xem phân tâm.

Nguồn: Sony Pictures

Góc quay close shot được dùng để khắc họa một cảm xúc cụ thể cho nhân vật trong một tình huống cao trào, chẳng hạn như một ánh mắt thấm đẫm nước mắt, một cái nhíu mày hoặc một nụ cười đầy ẩn ý… nhằm khơi gợi sự đồng cảm của người xem đối với những gì mà nhân vật đang trải qua.

5. Extreme close shot

Đây là góc quay cực gần đến mức chỉ nhìn thấy một chi tiết cụ thể, chẳng hạn như đôi mắt hoặc khuôn miệng của nhân vật. Thông thường, góc quay này không nên sử dụng quá nhiều, chỉ nên dùng vào mục đích tạo ra hiệu ứng căng thẳng cực độ, hoặc tập trung chú trọng vào cảm xúc của nhân vật.

Nguồn: Paramount Pictures

Góc quay độc đáo này đóng vai trò như một chiếc kính lúp phóng to cho câu chuyện, để người xem chú ý đến những khía cạnh nhỏ nhất mà có thể họ đã bỏ qua trước đó.

6. Up shot

Đây là góc quay ở tầm thấp và dưới tầm mắt của đối tượng chủ thể. Khi góc máy hướng lên trên thì người xem sẽ có cảm giác như họ đang quan sát ở góc độ thấp hơn.

Góc quay up shot khiến nhân vật trở nên mạnh mẽ hoặc có vài phần nguy hiểm, nhằm nhấn mạnh mục đích hoặc tầm quan trọng trong hành động của họ. Cụ thể hơn, lúc này nhân vật trọng tâm đang phải đối mặt với tình huống khó khăn hoặc nhân vật phản diện chiếm được vị trí quyền lực có thể đe dọa đến nhân vật chính.

7. Down shot

Trái ngược với up shot, đây là góc quay này ở tầm cao và phía trên tầm mắt của đối tượng, nhằm khơi gợi cảm giác bất lực hoặc dễ bị tổn thương. Ví dụ, nhân vật trọng tâm lúc này đang mắc kẹt trong một tình huống nguy nan, hoặc đang bị khống chế bởi một thế lực đen tối. Do vậy, góc quay down shot được dùng để tạo sự đồng cảm, tiếc thương của người xem đối với nhân vật, đồng thời đẩy nhịp điệu câu chuyện lên cao trào nhờ khắc họa không khí căng thẳng.

Nguồn: Warner Bros. Pictures

8. Over the shoulder shot

Đây là một kỹ thuật phổ biến khi chụp ảnh và quay phim, với góc quay được đặt ở phía sau vai của nhân vật. Góc quay này có thể dễ dàng ghi lại sự tương tác của hai nhân vật trong cùng một khung hình.

Nguồn: tvN

Góc quay này thường được dùng trong các cảnh trong phân cảnh trò chuyện nhóm, nhằm xác định xem nhân vật nào đang trò chuyện với nhau. Bên cạnh đó, người xem cũng có cái nhìn toàn cảnh về cuộc hội thoại, khi mà họ có thể quan sát được biểu cảm và phản ứng của người nói từ góc nhìn của người nghe.

9. Two shot

Đây là góc quay thể hiện hai nhân vật xuất hiện trong một khung hình, thường ở cùng hoặc gần nhau. Góc quay này là cách đơn giản và tự nhiên để giới thiệu về hai nhân vật, đồng thời cung cấp cho người xem hiểu rõ về mối quan hệ của họ dựa vào tương tác mà không cần lời thoại.

Khi hai nhân vật được đặt cạnh nhau trong khung hình, điều đó có thể mang lại cảm giác rằng hai người này có vị thế ngang hàng và vai trò như nhau trong quá trình diễn ra câu chuyện.

Ngược lại, khi có một nhân vật xuất hiện vị thế cao hơn nhân vật còn lại, điều đó có thể ám chỉ về sự mất cân bằng về mặt quyền lực giữa cả hai. Do vậy, góc quay này góp phần kể câu chuyện một cách sinh động và giàu tính hình ảnh hơn, nhằm giúp người xem hiểu rõ hơn về vai trò của các nhân vật và mối quan hệ giữa họ.

Nguồn: 20th Century Fox.

10. Point of view shot

Đây là góc quay giúp người xem thấy được nhân vật đang nhìn vào những gì, nhằm đặt khán giả vào góc nhìn trực quan của họ. Góc quay này phát huy hiệu quả cao trong việc truyền tải trạng thái tinh thần và trải nghiệm của nhân vật đối với môi trường xung quanh. Do đó, người xem có thể kết nối sâu sắc với nhân vật khi hiểu được suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật đối với tình huống đang diễn ra.

Kết

Khi xây dựng kịch bản phân cảnh, điều quan trọng nhất là sử dụng các góc quay một cách phù hợp để khiến người xem ấn tượng. Do đó, người làm storyboard cần nắm rõ khả năng truyền tải cảm xúc, khắc họa mối quan hệ giữa các nhân vật mà không cần dùng đến lời thoại, nhằm tạo nên một câu chuyện khiến người xem ấn tượng và ghi nhớ.

Theo Thanh An / Brands Vietnam
* Nguồn: Boords