Marketer Lê Ân
Lê Ân

Digital Marketing @ Blogger Grow with An

5 bước để hoàn thành một bài blog chất lượng

🤔 Làm thế nào để hoàn thành một bài viết hoàn chỉnh trên trang blog?

Đây là câu hỏi của mình khi bắt đầu xây dựng trang blog cá nhân. Trải qua hơn 1 năm xây dựng “đứa con tinh thần”, mình cũng đã rút ra được một vài kinh nghiệm nho nhỏ giúp bạn hoàn thành một bài viết chất lượng.

Bạn có thể tìm hiểu 5 bước cơ bản để hoàn thành một bài blog, cũng như những mẹo hữu ích để nâng điểm cho bài viết của bạn qua bài viết dưới đây nhen.

Bài blog là gì và đâu là lý do khiến bạn bắt đầu viết blog?

Bài viết blog là một bài đăng trên website, được viết và trình bày nhằm mục đích chia sẻ thông tin, câu chuyện hay kiến thức hữu ích đến với người đọc. Bài viết có thể được thiết kế với sự kết hợp của chữ, hình ảnh hoặc video.

Bài blog là gì và đâu là lý do khiến bạn bắt đầu viết blog?Mỗi bạn sẽ có những lý do của riêng mình để bắt đầu hành trình viết blog, có thể là:

  • Để thư giãn, có thêm niềm vui và bộc lộ cá tính của bản thân;

  • Truyền cảm hứng từ những trải nghiệm của mình;

  • Xây dựng thương hiệu cá nhân và phát triển cơ hội nghề nghiệp;

  • Mở rộng thu nhập;

  • Và nhiều hơn thế nữa.

Các bước cơ bản để tạo ra một bài blog chỉn chu

1. Xác định đối tượng người đọc

Khi xác định rõ chân dung người đọc, bạn sẽ có cơ sở để suy nghĩ về chủ đề, văn phong viết cũng như thiết kế sao cho phù hợp với thị hiếu của người đọc. Bên cạnh đó, sau một thời gian khoảng tầm 3-6 tháng, bạn có thể xem báo cáo về độc giả của trang blog để biết được liệu bạn có “đánh” đúng đối tượng mình muốn hay chưa cũng như có những cải tiến phù hợp.

Để xác định người đọc, bạn có thể trả lời một vài câu hỏi như:

  • Ai sẽ đọc các bài viết của bạn? Họ muốn biết thêm về điều gì? Bài viết của bạn giải quyết những vấn đề nào?

  • Ngoài ra, bạn có thể xác định thêm về độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, học vấn cũng như động lực và mục đích cuộc sống của họ.

Nghiên cứu thị trường trên các nền tảng mạng xã hội, các báo cáo từ những doanh nghiệp có uy tín như Nielsen, PwC, Deloitte, Gartner cũng là một cách để bạn hiểu thêm về suy nghĩ, sở thích hoặc hành vi của người đọc.

2. Chọn chủ đề bài viết

Từ mục đích xây dựng trang blog, chắc hẳn bạn cũng đã định hình những chủ đề bạn muốn truyền tải. Và từ những chủ đề chính đó (mình hay gọi là pillar), bạn sẽ có cơ sở để suy nghĩ chủ đề của bài viết. Thông thường, mình sẽ nghĩ một vài chủ đề tiềm năng cho một tháng, xác định tần suất đăng và đảm bảo đăng bài đều đặn.

Ví dụ trang blog của mình sẽ chia sẻ nhiều về kiến thức Marketing nên một số chủ đề khá hay ho cho pillar này có thể là:

  • Các bước hoàn thiện một bài blog (chính là bài mà mình đang viết);

  • 5 “bí kíp” để phát triển SEO cho trang blog;

  • Hoặc là kinh nghiệm thực hiện các chiến dịch Facebook Ads, Google Ads.

Ngoài ra, bạn nên xác định 1 từ khoá chính (keyword) cho bài viết. Từ khoá có thể xuất hiện xuyên suốt bài viết với một tần suất nhất định. Bên cạnh đó, từ khoá nên được thể hiện ở tên bài viết, tiêu đề chính (heading), tiêu đề phụ (subheading) và thẻ mô tả (meta description).

Để xác định được từ khoá tiềm năng, bạn có thể sử dụng một số công cụ marketing như Google KeyWord Planner hoặc Semrush để đánh giá được lượng tìm kiếm của các từ khoá nhé. Các từ khoá sẽ giúp tăng điểm SEO (Search Engine Optimization) và độ tin cậy của website (Domain Authority).

3. “Vẽ” sườn bài

Sườn bài là những nội dung chính bạn muốn truyền tải cho người đọc. Ví dụ đối với bài viết này, mình đã lên sườn bài như sau:

  • Mở bài

  • Thân bài

  • Định nghĩa bài blog và mục đích viết blog;

  • [X] Bước để hoàn thiện bài blog;

  • [X] Mẹo để nâng cấp bài blog xịn sò hơn;

  • Kết bài

Song song với việc vạch dàn ý, bạn có thể tham khảo các bài có chủ đề tương tự đã được đăng tải. Bạn có thể học hỏi từ những chia sẻ của các tác giả khác, xác định những khía cạnh mà họ chưa kể và kết hợp với thế mạnh của bản thân để chia sẻ những nội dung đặc biệt và và giá trị hơn.

4. Bắt tay viết bản nháp đầu tiên

Bản nháp có lẽ là công đoạn chiếm nhiều thời gian nhất trong quá trình hoàn thành một bài blog. Nhưng một khi đã xong bản viết đầu tiên thì bạn đã gần như hoàn thành 80% nhiệm vụ của mình rồi ấy.

Để đẩy nhanh tốc độ viết bài, mình hay bắt đầu viết thân bài trước rồi sau đó sẽ viết mở bài và kết bài. Mình đã từng dành cả tiếng đồng hồ ngồi thẫn thờ vì không biết phải bắt đầu bài viết như thế nào. Chính vì vậy, việc viết thân bài trước giúp mình hiểu sâu hơn những nội dung sẽ chia sẻ và đây cũng là cơ sở và nguồn cảm hứng để hoàn thành những phần còn lại.

5. Chỉnh sửa và xuất bản

Xem lại và chỉnh sửa bài viết là một bước rất quan trọng khi viết blog. Khi nhìn lại nội dung bài, câu chữ, hình ảnh, bạn có thể xem xét điểm nào cần cải thiện, có những nội dung nào cần được đào sâu hơn cũng như xoá những chi tiết thừa. Nhờ vậy, tuyến nội dung cũng như bố cục bài sẽ mạch lạc và trôi chảy hơn.

Một mẹo nhỏ là bạn có thể gửi bài viết cho bạn bè, người thân hoặc người có chuyên môn để mọi người có thể góp ý. Mọi người sẽ chia sẻ với bạn những góc nhìn rất tươi mới (fresh) mà có thể bạn sẽ không nhận ra ấy.

Sau khi chỉnh sửa và hoàn tất bài viết thì cho bài viết “ra lò” thôi nào! 🎊

Bí kíp “đạt điểm 10” cho bài viết của bạn

  • Bạn cố gắng đảm bảo có đủ 3 phần mở bài, thân bài và kết bài nhé. Điều này sẽ giúp bố cục bài viết mạch lạc hơn.

  • Sáng tạo tên bài viết, tiêu đề chính, tiêu đề phụ để dẫn dắt người đọc đi đến hết bài viết của bạn. Nếu hôm nào "thiếu muối" quá thì bạn cứ viết ra những ý tưởng bạn nghĩ đến rồi “ra lệnh” cho AI làm giúp nha. Nếu biết cách ra lệnh đúng thì AI nó cũng cho ra mấy kết quả rất chi và này nọ lắm ấy.

Ví dụ sử dụng AI để gợi ý tiêu đề bài viết

Ví dụ sử dụng AI để gợi ý tiêu đề bài viết

  • Nội dung bài viết nên chèn những điểm chính (bullet point) để dễ đọc hơn cũng như kèm thêm hình ảnh hoặc video minh hoạ giúp bài viết sống động hơn nha.

  • Bạn nên đọc lại bài viết 2 lần trước khi đăng cũng như kiểm tra kỹ lỗi chính tả. Mình hay nhắc nhở bản thân rằng dù bài viết có hay, có sâu sắc đến đâu nhưng nếu sai lỗi chính tả thì chỉ còn 5/10 điểm.

  • Cuối cùng, bạn có thể chia sẻ lên các trang mạng xã hội như Facebook, Linkedin để bài viết của bạn dễ dàng tiếp cận đến người đọc hơn nhé.

Đừng trì hoãn nữa! 🆘

Thành lập trang blog, viết bài và duy trì đăng tải đều đặn là một điều không hề dễ dàng. Mình đã từng lập một trang blog trước đó nhưng tần suất đăng không đều đặn. Lý do chính vẫn là thói quen trì hoãn.

Là trang blog của mình nên mình có thể quyết định đăng khi nào. Chính điều này dẫn tới việc có thể tận 2,3 tháng mình mới loay hoay viết một bài. Vì vậy, mình nghĩ khi đã dành thời gian cũng như xác định được mục tiêu xây dựng trang blog, mình và bạn nên cố gắng chia sẻ nhiều câu chuyện giá trị cũng như duy trì được tần suất cho các bài viết nhé.

Chúc mình và bạn sẽ có nhiều bài blog chất lượng hơn nữa trong tương lai.

Grow with An