Mình tìm thấy gì trong báo cáo tài chính của L’Oréal?

Là một marketer có vài năm kinh nghiệm trong lĩnh vực làm đẹp, đồng thời là một người yêu thích thương hiệu L’Oréal, mình đã rất hào hứng khi tìm thấy báo cáo tài chính năm 2010 của họ. Đây không phải là báo cáo tài chính đầu tiên hoặc mới nhất mà mình đọc của thương hiệu này, song vẫn có rất nhiều điểm trong báo cáo này khiến mình ngạc nhiên, nhất là về tính minh bạch và rõ ràng của một công ty đại chúng như L’Oréal.

Báo cáo “cũ kỹ” này có gì khiến mình bất ngờ?

Ắt hẳn sẽ có bạn tự hỏi rằng một báo cáo tài chính gần 10 năm trước thì đâu có gì thú vị? Đó cũng là điều mình nghĩ khi đọc mở đầu của báo cáo, cụ thể phần nói về những tuyên ngôn và sứ mệnh của L’Oréal: Đó là mang lại vẻ đẹp cho mọi người trên toàn thế giới một cách bền vững và có trách nhiệm. Họ cũng thể hiện rõ tham vọng trở thành một tập đoàn toàn cầu để góp phần giúp thế giới ngày càng tốt đẹp hơn. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên vì doanh nghiệp nào ra đời cũng mang theo tầm nhìn và sứ mệnh riêng, đúng không?

Điều đầu tiên khiến mình ngạc nhiên là chi tiết tập đoàn Nestlé sở hữu 29,7% cổ phần của L’Oréal vào thời điểm đó. Với một tập đoàn có quy mô như L’Oréal thì gần 30% cổ phần là một con số rất lớn. Ngay khi thấy chi tiết này thì mình đã nhanh chóng lên Google tìm kiếm một vài thông tin thì biết rằng đến cuối năm 2021, tỷ lệ sở hữu cổ phần của Nestlé đã giảm xuống chỉ còn 20,1% nhưng vẫn giữ được hai vị trí trong Hội đồng Quản trị của L’Oréal. Nếu có bạn nào biết nhiều hơn về lịch sử hoặc nội tình của sự hợp tác này, hãy cho mình biết ở phần bình luận của bài viết nhé!

Những trang tiếp theo của báo cáo không có gì thú vị cho đến trang 16. Ở mục Consolidated Sales (Doanh số bán hàng hợp nhất), doanh số của L’Oréal có sự tăng trưởng rõ rệt so với những năm trước đó, với con số ấn tượng là 19,4 tỷ EURO (tương đương với 517,8 nghìn tỷ VNĐ hiện nay). Dĩ nhiên là ngành mỹ phẩm chiếm nhiều nhất, với 18,1 tỷ EURO (khoảng 841,1 nghìn tỷ VNĐ).

Điều bất ngờ tiếp theo của mình là The Body Shop, một thương hiệu mỹ phẩm khác đã từng thuộc sở hữu của L’Oréal. Vào năm 2010 thì doanh số bán hàng của The Body Shop chỉ chiếm khoảng 7,7 tỷ EURO (khoảng 205,5 nghìn tỷ VNĐ). Theo mình thấy thì con số này không ấn tượng, nhất là đối với một thương hiệu có quy mô toàn cầu. Dẫu vậy, khi mình tìm thêm một chút thông tin thì biết được là vào năm 2017 thì L'Oréal đã bán lại The Body Shop cho Tập đoàn Natura Cosmeticos của Brazil. Đến nay thì mình nhận ra mình không biết cũng dễ hiểu vì đến tận năm 2020 mới tập tành xài mỹ phẩm cơ mà!

Con số tiếp theo khiến mình chú ý là doanh số bán hàng hợp nhất theo phân khúc, có thể thấy sản phẩm đem lại lợi nhuận nhiều nhất cho L’Oréal là dòng sản phẩm phổ thông với tỷ lệ là 52,5%. Các mặt hàng thuộc phân khúc cao cấp chiếm 24,9%, dòng chuyên dụng (15%) và dược mỹ phẩm (7,6%). Mình khá ngạc nhiên vì dược mỹ phẩm lại chiếm tỷ lệ thấp như vậy. Có lẽ là vì vào năm 2010 thì phần lớn người tiêu dùng chưa ưa chuộng dòng sản phẩm này ư? Bởi vì nếu bạn cũng mê các sản phẩm làm đẹp hoặc có tìm hiểu một chút thì sẽ thấy rằng hiện nay dòng dược mỹ phẩm rất phát triển.

Khi nhìn vào ngành hàng, các sản phẩm chăm sóc da có doanh số đứng đầu với tỷ lệ 27,2%. Theo sau là ngành chăm sóc tóc (22,1%), trang điểm (21,2%), nhuộm màu tóc (15%), nước hoa (10%) và các ngành hàng khác (4,5%). Những số liệu này thì mình chỉ liệt kê ra để các bạn nắm thông tin thế thôi chứ cũng không có gì ngạc nhiên lắm.

Con số đáng chú ý tiếp theo là Operating Profit (tỷ suất lợi nhuận). Với các bạn marketer không rành lắm về tài chính thì có thể hiểu một cách đơn giản là với tổng doanh số là 19,4 tỷ EURO thì lợi nhuận mà L’Oréal thu được là khoảng 3 tỷ EURO (ước tính khoảng 80 nghìn tỷ VNĐ hiện nay).

Kế đến là doanh số phân theo khu vực. Không có gì khó hiểu khi Tây Âu chiếm tỷ lệ lớn nhất với 39,6% và Bắc Mỹ chiếm 23,6%. Vào lúc đó, có lẽ do L’Oréal chỉ mới bước chân vào khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Đông Âu, Mỹ Latinh và Trung Đông, nên những khu vực này được gộp chung là thị trường mới. Trong đó, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chỉ đóng góp 47,9% trong số tổng 36,8% của các thị trường mới, tức là chỉ tương đương với khoảng 18% tổng doanh số toàn cầu của L’Oréal.

Thị trường làm đẹp đã biến động ra sao thông qua báo cáo của L’Oréal?

Điều tiếp theo khiến mình ngạc nhiên là ở trang 33 cho thấy dù doanh số của Châu Á – Thái Bình Dương đóng góp không quá nhiều, song lại có lượng tiêu thụ sản phẩm của L’Oréal nhiều nhất trong năm 2010. Các thị trường có lượng tiêu thụ sản phẩm L’Oréal nhiều kế tiếp là Tây Âu, Bắc Mỹ và Mỹ Latinh.

Theo mình thấy, có lẽ thị trường mỹ phẩm trên toàn cầu lúc này đang có sự chuyển dịch khá lớn, khi mà 52% thị trường mỹ phẩm toàn cầu chủ yếu nằm ở thị trường Châu Á (phần lớn là Trung Quốc và Ấn Độ). Từ trước đến giờ, các sản phẩm của thương hiệu này chỉ được ưa chuộng tại Tây Âu và Bắc Mỹ. Có lẽ cũng chính vì thế nên L’Oréal bắt đầu tập trung nhiều hơn vào khu vực Châu Á, nơi mà thị trường mỹ phẩm đang có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng.

Kế đến, các sản phẩm chăm sóc da của L’Oréal vẫn chiếm phần lớn (32%), kế đến là chăm sóc tóc (26%) và trang điểm (16%). Rõ ràng, nhu cầu chăm sóc da vẫn nhiều hơn so với các nhu cầu còn lại.

Tự dưng mình nhận ra một điều rằng phải chăng đó là nguyên nhân mà kể từ năm 2010 đến giờ, các thương hiệu chăm sóc tóc (chẳng hạn như thương hiệu U nào đó) luôn tìm cách educate (hướng dẫn) người tiêu dùng sử dụng dầu xả để tóc thêm mềm mượt. Bởi vì nói đi nói lại thì nhu cầu chăm sóc tóc không quá nhiều, chỉ xoay quanh một vài nhu cầu cơ bản. Do vậy, để thúc đẩy tăng trưởng về thị phần, cũng như doanh số trên toàn cầu thì buộc phải tạo ra hành vi mới cho người tiêu dùng.

Một sự khác biệt khá lớn trong thị trường làm đẹp giữa năm 2010 và hiện nay là sản phẩm làm đẹp dành cho nam. Mình vẫn còn nhớ rằng vào thời điểm đó, các sản phẩm làm đẹp dành cho nam được quảng cáo rất nhiều. Khi đó, sản phẩm chăm sóc da cho nam từng được xem là một ngành hàng tiềm năng và có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, với góc nhìn của một người trong ngành như mình thì sản phẩm này không có tiềm năng phát triển nữa. Theo mình quan sát, nhiều sản phẩm làm đẹp ngày nay đang dần tập trung vào cả đối tượng nam và nữ, chứ không còn phân chia rạch ròi như trước. Các sản phẩm chăm sóc da chuyên sâu cũng có thể dùng cho cả hai giới.

Kế đến, L’Oréal nói về khả năng củng cố vị thế của họ tại ba khu vực chính là Tây Âu, Bắc Mỹ và các thị trường mới. Khi đọc đến trang này, mình đã vô tình bật cười vì ngạc nhiên khi nhận ra sự “khôn ngoan” của họ trong cách trình bày báo cáo. Lý do là vì ở phần thông tin chi tiết của từng khu vực, L’Oréal luôn ghi chú rằng tỷ lệ tăng trưởng của họ cao hơn tỷ lệ tăng trưởng của toàn thị trường.

Khi nhìn vào ảnh trên, có thể thấy rằng ở các thị trường mới (gồm khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Đông Âu, Mỹ Latinh và Trung Đông) thì báo cáo ghi rằng tỷ lệ tăng trưởng của khu vực này là 6,8%, trong khi tỷ lệ tăng trưởng của L’Oréal là 11,3%, với các khu vực khác L’Oréal cũng được ghi chú tương tự. Như vậy, phải chăng là họ đang muốn ngầm khẳng định rằng thương hiệu của họ có tốc độ tăng trưởng cao hơn toàn ngành, cũng như các đối thủ khác? Mình cũng không loại trừ khả năng là toàn ngành đang tăng trưởng, song có một vài cái tên đi xuống ảnh hưởng đến tỷ lệ tăng trưởng, trong khi L'Oreal vẫn phát triển ổn định.

L’Oréal thể hiện sự quan tâm đến khía cạnh ESG trong báo cáo như thế nào?

Vào năm 2010, ESG vẫn còn là khái niệm rất xa lạ đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Thế nhưng, báo cáo của L’Oréal đã trình bày về vấn đề này rất rõ ràng và chi tiết.

Tại trang 18 của báo cáo, thương hiệu liệt kê những sáng kiến mang lại kết quả cho việc phát triển bền vững. Cụ thể hơn, L’Oréal đã dùng 40% nguyên liệu thô có nguồn gốc từ thực vật, 90% bao bì cứng của thương hiệu đến từ những khu rừng được quản lý bền vững, cùng với hơn 50% nguyên liệu thô được sản xuất dựa trên những tiêu chuẩn chứng nhận sản phẩm hữu cơ của Ecocert. Kết quả mà thu được là đã giảm được lượng tiêu thụ nước là 6,3%, năng lượng tiêu thụ giảm 9,2% và tỷ lệ thu hồi chất thải tăng 1,5% so với năm trước.

Những mục tiếp theo là xã hội, đạo đức và cộng đồng. Một vài con số nổi bật mình có thể liệt kê là vào năm 2010, đã có 7.230 cấp quản lý tại các quốc gia thuộc khu vực châu Âu tham gia khóa học huấn luyện về sự đa dạng (diversity). Ngoài ra, có gần 500.000 thợ tạo mẫu tóc được đào tạo hàng năm trong chương trình “Hairdressers Against AIDS” do L’Oréal tổ chức. Những con số này khá ấn tượng, nhất là vào năm 2010, bạn có thấy vậy không?

Như vậy, sau khi xem xong báo cáo này của L’Oréal, mình nhận ra là bên cạnh các con số nói lên tình hình kinh doanh của một doanh nghiệp, mà còn nói lên nhiều thứ liên quan đến bối cảnh và tiềm năng của ngành hàng vào một thời điểm nhất định. Với cá nhân mình, sau khi đọc xong báo cáo này, nhất là những phần liên quan đến ESG, mình sẽ vẫn tiếp tục yêu thích và ủng hộ thương hiệu này trong thời gian tới.

Còn bạn thì sao, những thông tin này có hữu ích không? Bạn có thể tải xuống báo cáo tại đây để xem chi tiết và cùng thảo luận với mình nhé!