Marketer Như Hạnh
Như Hạnh

Reporter @ MOT Magazine

Thời trang: "Đại sứ" văn hóa sẻ chia trong quan hệ ngoại giao Việt -Pháp

Khởi nguồn từ tình yêu bất tận với ngành thời trang, Tổng lãnh sự quán Pháp và Viện Pháp tại TP.HCM đã trở thành “nhịp cầu” gắn kết, đưa văn hóa Thời trang Haute couture và Thời trang cao cấp Pháp vào lịch sử thời trang Việt Nam thông qua chuỗi sự kiện “Fashion in Paris” và “Nuit de la Mode”. Đây chính là món quà quý giá Viện Pháp dành tặng giới mộ điệu trong mùa II “Thời trang & Thiết kế” nhân dịp Kỷ niệm 50 quan hệ ngoại giao Việt - Pháp.

Nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, Nhà thiết kế thời trang trên toàn thế giới, Viện thời trang Institut Français de la Mode chính thức đưa ra các khóa học online trên trang website của trường.

Đối với doanh nghiệp dệt may - thời trang Việt Nam, để được hỗ trợ liên hệ qua: cô Marie Pierre: [email protected]

Chung kết cuộc thi “Fashion in Paris”

Chiều ngày 20/10, không khí ấm cúng của Dinh thự Pháp, đêm chung kết “Fashion in Paris” đã diễn ra với sự tham dự của các đơn vị tài trợ, và các cơ quan thông tấn báo chí. Về phía thành phần ban giám khảo ngoài bà Emmanuelle Pavillon Grosser - Tổng Lãnh sự Pháp và Emmanuelle Charrier - Giám đốc Viện Pháp tại TP.HCM; đại diện Ban tổ chức (BTC), sự kiện đặc biệt thu hút công chúng bởi có sự hiện diện của: Ông Nicolas Delarue - Giám đốc Truyền thông & Đối ngoại - Liên đoàn Thời trang cao cấp và thời trang Pháp; Ông Lucas Delattre - Giáo sư Viện Thời trang Pháp. Đây cũng là lần đầu tiên hai nhân vật có tên tuổi lớn trong ngành thời trang Pháp đến Việt Nam.

BGK cuộc thi “Fashion in Paris”

Như số trước Mốt Việt Nam đưa tin, Fashion in Paris được phát động từ tháng 6/2023, trải qua vòng tuyển chọn kỹ lưỡng, BTC đã chọn 7 bộ sưu tập (BST) xuất sắc nhất bước vào vòng chung kết. Đêm chung kết diễn ra với hai phần chính: Thí sinh trình diễn BST; Trình bày ý tưởng BST và trả lời các câu hỏi phản biện từ BGK. Dựa trên các tiêu chí: Hình dáng, chất liệu và tác động sinh thái, tính sáng tạo và công năng của trang phục, kết hợp cùng kinh nghiệm, sự công tâm, BGK đã trao giải cho 4 thí sinh xuất sắc nhất:

  • Giải nhất thuộc về Đặng Thị Trà My và BST “Mother land - Đất mẹ”

  • Giải nhì thuộc về Nguyễn Nhật Nghi với BST "Floraison - Mùa hoa"

  • Hai BST đồng Giải ba gồm: BST “How can we forget it - Làm sao chúng ta có thể quên” của Phạm Đào Khánh Duy và BST “Thế vận hội Paris - Đi thôi nào!” của thí sinh L.

BTC trao giải nhất cho NTK Trà My

Lấy cảm hứng từ kỷ niệm về người bà thân thương từ quê hương Hà Nội, Trà My giành được vị trí quán quân nhờ cách đưa các yếu tố truyền thống vào thiết kế hiện đại. Em xúc động chia sẻ: “Chiến thắng cuộc thi đã mang đến cho em nhiều cảm xúc vỡ òa vì đây là giải thưởng lớn đầu tiên trong hành trình theo đuổi ước mơ của em. Em cảm thấy rất hạnh phúc vì em đã lan tỏa được những nét đẹp văn hóa của quê hương. Em tin cơ hội được học tập tại Viện thời trang Pháp sẽ giúp em tiếp cận gần hơn những gì em theo đuổi và có cơ hội giới thiệu về đất nước Việt Nam thân yêu thông qua ngôn ngữ của thời trang”.

NTK Nguyễn Hùng Bảo trình bày ý tưởng BST trước BGK

Trong số thí sinh được giải, L. là một bạn trẻ đến từ đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Dù chưa bao giờ đến Pháp nhưng BST thể hiện giấc mơ của em về hành trình từ buôn làng Tây Nguyên đến Paris - Thành phố đăng cai Thế vận hội Olympic 2024. Vốn là một người hướng nội, L không thích được chú ý, nên em luôn tránh xuất hiện trước ống kính và trả lời phỏng vấn. Có lẽ, nếu không có “Fashion in Paris”, nơi toàn bộ chi phí chuẩn bị BST của thí sinh được tài trợ, có lẽ nhiều tài năng như em L còn lẩn khuất đâu đó mà chẳng thể dễ dàng chạm đến ước mơ tỏa sáng tài năng trên sàn diễn thời trang.

Trình diễn BST Vườn Xuân của NTK Trần Quang Bảo

Khi trái tim được dẫn lối bởi “văn hóa sẻ chia”

Từ lâu, nhiều ngành nghề thuộc văn hóa sáng tạo của Pháp đã ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa Việt trong tiến trình giao thoa. Riêng trong thời trang, với mệnh danh là kinh đô thời trang thế giới, thời trang Pháp luôn là nguồn cảm hứng bất tận với thời trang Việt Nam. Tất nhiên, trên hành trình thực hiện “văn hóa sẻ chia”, không thể không kể đến tình cảm, tâm sức của những “đại sứ” thầm lặng, luôn mang đến “cơ hội” để làm nổi bật những điểm chung giữa thời trang Pháp và thời trang Việt.

Ở “Fashion in Faris”, “văn hóa sẻ chia” đó được thể hiện rõ nét nhất qua cách các chuyên gia tỉ mỉ kiểm tra tiến trình tổ chức sự kiện, hỗ trợ thí sinh, model rehearsal trên các tuyến catwalk... và cả trong cách khách mời nồng nhiệt dành thời gian trò chuyện với chúng tôi đến tận cuối bữa tiệc. Ít ai biết rằng, mới đêm trước, vì nhận lịch công tác gấp đến Việt Nam, hai chuyên gia đã rất mệt sau chuyến bay dài và một lịch dày đặc, nhưng nụ cười rạng rỡ luôn thường trực trên những gương mặt phúc hậu.

Ông Nicolas Delarue chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất ấn tượng, các bạn đầu tư rất chỉn chu cho BST bài thi của mình. Chúng tôi nhìn thấy rất rõ các bạn trẻ Việt Nam đang có một đam mê, một sự sục sôi mãnh liệt về thời trang”.

Ông Nicolas trả lời trả lời phỏng vấn cùng tác giả

“Ông Nicolas Delarue - Giám đốc Truyền thông & Đối ngoại Liên đoàn Thời trang cao cấp và Thời trang Pháp. Ông là chuyên gia trong lĩnh vực Truyền thông thời trang. Ông từng là Phó chủ tịch Công ty truyền thông chuyên về thời trang Karla Otto, chuyên quản lý các chiến dịch truyền thông cho thương hiệu nổi tiếng như: Rimowa, Cartier, Berluti, Guerlain,...”

Liên đoàn thời trang cao cấp và thời trang Pháp: Là cơ quan điều phối Tuần lễ thời trang Paris (Paris Fashion Week) và Tuần lễ thời trang cao cấp (Haute Couture Week) danh giá nhất thế giới.

Đồng quan điểm với ông Nicolas, ông Lucas Delattre – Giáo sư Viện thời trang Pháp dành lời khen ngợi tiềm năng của ngành thời trang Việt: “Tôi không có con số chính xác về ngành thời trang Việt Nam, nhưng nói về thời trang thì trước đó Việt Nam đã rất mạnh về công nghiệp vải vóc. Tôi cũng không được chứng kiến nhiều các buổi biểu diễn ở đây, nhưng qua đêm nay, tôi thấy các bạn trẻ rất năng động. Thời trang của Việt rất sáng tạo và ấn tượng. Đặc biệt, Việt Nam có rất nhiều yếu tố truyền thống, chính sự truyền thống đó đã tạo nên sắc thái riêng của thời trang Việt. Quan trọng hơn, các bạn trẻ đã biết kết hợp kỹ thuật hiện đại vào yếu tố truyền thống tạo nên sản phẩm sáng tạo”.

Ông Lucas Delattre - Giáo sư Viện Thời trang Pháp chia sẻ với tác giả về nền giáo dục thời trang tại Pháp

Viện Thời trang Pháp: là cơ sở giáo dục, nghiên cứu ứng dụng cho ngành thời trang, hàng xa xỉ, thiết kế và ngành công nghiệp sáng tạo nói chung. Năm 2017, Viện được xếp hạng số 1 trên toàn thế giới về chương trình Thạc sĩ Kinh doanh Thời trang, và số 2 trên toàn thế giới về chương trình Thạc sĩ Thiết kế Thời trang bởi The Business of Fashion.

Với niềm tin “Fashion in Paris” như “cầu nối” gắn kết văn hóa giữa hai quốc gia, bà Emmanuelle Charrier khẳng định: “Ngay từ ban đầu Viện Pháp đã mong muốn tạo ra một “sân chơi” để các bạn trẻ Việt Nam thể thể hiện sự sáng tạo, tài năng không chỉ riêng về thời trang, mà cả lĩnh vực trong văn hóa. Tất cả hoạt động văn hóa của Viện Pháp - Đại sứ quán Pháp đều nhằm giúp các bạn trẻ nhận thấy khả năng phát triển bản thân, tiếp cận giấc mơ theo đuổi chương trình học ở Pháp, hay thậm chí là cơ hội thực tế được biểu diễn tại các Fashion Week. Giống như hôm nay, một BST chỉ có 3 thiết kế, thì sau này chúng tôi mong các bạn có có thể phát triển BST ở quy mô lớn hơn. Cuối cùng, phải khẳng định một lần nữa, các sự kiện ở Viện Pháp tổ chức đều trong vai trò cầu nối giao thoa văn hóa, tạo một “sợi dây liên kết” giữa Pháp với Việt Nam ở mọi lĩnh vực liên quan đến văn hóa”.

“Nuit de la Mode”: Mang văn hóa Thời trang Haute Couture & Thời trang cao cấp Pháp đến Việt Nam

Emmanuelle Pavillon Grosser - Tổng Lãnh sự Pháp phát biểu khai mạc sự kiện

Khi chúng ta nghĩ về thời trang, có lẽ hình ảnh của các buổi trình diễn xa hoa, những bộ đồ lộng lẫy trên sàn catwalk sẽ hiện lên trong đầu trước tiên. Thực tế, đấy chỉ là một phần nhỏ của thế giới ngành công nghiệp thời trang. Bởi ngành thời trang ví như một vũ trụ bí ẩn, đầy thu hút. Để hiểu câu chuyện thời trang cần một hành trình nghiên cứu thông qua nền giáo dục bài bản, chuyên nghiệp. Đó là lý do ngành Kinh doanh thời trang & Truyền thông thời trang có vai trò quan trọng tại các nước phát triển trên thế giới. Ở nước ta, hai ngành này còn tương đối mới, do đó hầu như chưa có sự kiện, tọa đàm có quy mô được chia sẻ bởi người làm Truyền thông thời trang chuyên nghiệp.

Bà Emmanuelle Charrier - Giám đốc Viện Pháp chia sẻ về “Fashion in Paris” và “Nuit de la Mode”

Hiểu được tầm quan trọng đó, nối tiếp sự thành công của “Fashion in Paris”, vào tối 21/10, Viện Pháp đã tổ chức Đêm thời trang cao cấp “Nuit de la Mode” tại khách sạn Sofitel SaiGon Plaza. Với kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực Truyền thông thời trang của ông Nicolas Delarue và ông Lucas Delattre, sự kiện đã mở ra “cánh cửa” dẫn công chúng đến với kiến thức chuyên sâu về Thời trang Haute Couture và Thời trang cao cấp Pháp. Đây là chương trình thời trang chính thức đầu tiên tại Việt Nam mời đại diện Liên đoàn thời trang Pháp và Viện thời trang Pháp chia sẻ. Do đó sự kiện thu hút nhiều nhân vật có tiếng trong ngành thời trang Việt: Đại sứ Haiti tại Việt Nam, NTK Hoàng Hải, NTK Thủy Nguyễn,...


Quang cảnh đêm thời trang

Buổi tọa đàm đã mang đến nhiều kiến thức hữu ích: Lịch sử của thời trang cao cấp Pháp, từ sự hình thành của các nhà mốt Hermès, Guerlain và Louis Vuitton, đến ảnh hưởng của Coco Chanel, Dior và Saint Laurent. Cùng với đó, là cách phân biệt Haute couture (Thời trang may đo cao cấp: ở Pháp chỉ có 14 thương hiệu) với Thời trang cao cấp và Ready to wear; những thuật ngữ mà giới trang hay nhầm lẫn. Hai chuyên gia cũng lý giải về tầm quan trọng của di sản thời trang Pháp, sự ra đời của các bảo tàng thời trang và phụ kiện.

Ông Nicolas Delarue và ông Lucas Delattre diễn giả của sự kiện

Bên cạnh đó, công chúng cũng được tìm hiểu về: Sự xuất sắc của đào tạo ngành Thời trang Pháp; Tình hình phát triển của thị trường thời trang xa xỉ Pháp tại Việt Nam; Sự chuyển đổi kỹ thuật số trong ngành thời trang: tích hợp công nghệ mới, sáng tạo 3D, dữ liệu số, chuyển đổi hành vi người tiêu dùng đến việc đổi mới trong thiết kế, sản xuất, quy trình chuỗi cung ứng.

BST Giải nhất: “Đất mẹ” và BST Giải nhì “Mùa hoa” trình diễn tại “Nuit de la Mode”

Hai giải ba BST “Làm sao chúng ta có thể quên” và BST “Thế vận hội Paris - Đi thôi nào” trình diễn tại “Nuit de la Mode”

“Fashion in Paris” và “Nuit de la Mode” diễn ra như “điểm sáng” trong làng thời trang Việt, giúp giới mộ điệu mở ra “một trang sử mới” về thời trang Haute couture và thời trang cao cấp. Và đặc biệt, chúng ta chẳng bao giờ quên được những người bạn “đại sứ sẻ chia” luôn tràn năng lượng của sự cho đi, đã thổi “làn gió mới” của văn hóa Pháp đến Việt Nam. Hy vọng rằng, trong tương lai gần, sẽ có nhiều cuộc thi, sự kiện thời trang ý nghĩa như Viện Pháp đã dành tâm sức thực hiện.

Bài: Tuyết Nhung - Ảnh: Minhtr

Đăng lần đầu trên Mot Magazine