Marketer Lam Phương
Lam Phương

Content Executive @ Brands Vietnam

Học này Làm nọ #3: Hà Nguyễn – “Đập đi xây lại” để đối diện với thách thức như “cơm bình dân”

“Từ biệt việc ‘chui tọt’ vào thế giới riêng và đặc quyền ‘biến mất’ sau giờ làm việc, cuộc sống của mình gần như đảo lộn hoàn toàn khi bước chân vào con đường kinh doanh… Nếu không bao giờ xỏ chân vào đôi giày của người khác, bạn sẽ không hiểu những gì họ trải qua…”.

Đó là những chia sẻ của anh Hà Nguyễn trong tập 3 của series “Học này Làm nọ” về những thách thức trước trước những bước ngoặt chuyển ngành – làm nghề và cách để đối diện với chúng. Anh là cựu sinh viên ngành Báo, một marketer, và cũng là một nhà khởi nghiệp F&B.

Series Học này làm nọ” của Brands Vietnam khám phá những câu chuyện chân thực và sống động từ những người đã chọn con đường sự nghiệp khác với ngành đại học, từ đó hiểu rằng việc học không chỉ dừng lại ở đại học, mà đó là một hành trình liên tục và rộng mở. Mỗi bước đi và lựa chọn đều mang ý nghĩa và là bước đệm vững chắc cho thành công trong cuộc sống sau này.

* Xin chào anh Hà, đầu tiên, anh có thể giới thiệu một chút về bản thân, cũng như tổng quát về hành trình học tập và lựa chọn ngành nghề ban đầu của mình được không?

Chào Brands Vietnam, thật hạnh phúc và vinh dự khi được hội ngộ một trong những “người thầy” đã dắt tay mình vào nghề marketing trong thời gian đầu quyết định “tuột xích” khỏi làng Báo chí.

Anh Hà Nguyễn – một cựu sinh viên ngành Báo, một marketer, và cũng là một nhà khởi nghiệp F&B.

Mình là Hà Nguyễn – hiện đang làm marketing trong ngành bán lẻ và là một chủ tiệm cafe nhỏ xíu – Tonkin Cottage tại Sài Gòn.

Mình là cựu sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Báo chí, cụ thể là báo in (báo giấy truyền thống) là ngành học đại học của mình. Để nói về lý do chọn ngành thì có rất nhiều, mỗi thứ một chút, cùng tác động đến quyết định cuối cùng dẫn đến việc đăng ký nguyện vọng 1.

Thời điểm mình lựa chọn ngành nghề là khi báo chí – bao gồm nhiều mảng, từ báo giấy, phát thanh, truyền hình, báo điện tử… – đang nắm giữ vị thế quan trọng trong truyền thông. Trong thời điểm mạng xã hội và những nền tảng truyền thông khác còn khá mới mẻ tại Việt Nam, báo chí có một sức hút đặc biệt.

Trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, mình cũng đã có một khoảng thời gian khá ngắn làm việc đúng với lĩnh vực chuyên ngành. Mình đã trải qua 9 tháng thực sự làm trong môi trường báo chí tại Báo Pháp luật Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam.

* Điều gì xảy ra trong khoảng thời gian làm việc trong lĩnh vực báo chí đã khiến anh thay đổi định hướng sự nghiệp của mình?

Thực tế, mình đã cảm thấy lĩnh vực báo chí không phải định hướng lâu dài cho bản thân ngay từ năm 2 đại học. Sau một năm học đầu tiên khá đại cương, khoảng thời gian từ năm 2 đại học trở đi đưa mình vào sâu hơn với nghề thông qua rất nhiều các học phần có tính chuyên môn sâu. Càng đi sâu vào chuyên môn, nghề báo càng mở ra nhiều chân trời thú vị cho người làm nghề.

Ngay từ đầu, anh Hà đã đặt niềm tin lớn vào con đường “tuột xích” có chủ đích của bản thân.
Nguồn: Unsplash

Cũng nhờ vậy, mình nhận ra nghề báo không phải là lựa chọn của mình cho tương lai. Vì thế, trong khoảng thời gian đó, mình trang bị kiến thức và rèn giũa kỹ năng báo chí, nhưng không phải dưới vai trò một nhà báo tương lai, mà đứng ở vị trí một người làm truyền thông sau này.

Từ năm thứ 3 đại học, sinh viên Báo chí có những khóa thực tập tại các tòa soạn. Ở đây, mình và các bạn cùng khóa được cọ xát với thực tế, làm việc như một phóng viên thực thụ, viết bài và đăng báo.

Ở môi trường tòa soạn báo giấy truyền thống, do đặc trưng của ngành, mỗi bài viết được đưa lên và in hàng trăm ngàn ấn bản cần trải qua sự đào luyện vô cùng gắt gao. Do đó, đối với những sinh viên chập chững vào nghề như chúng mình khi ấy, việc được đăng báo những bài viết đầu tiên là một khoảnh khắc cực kỳ đáng nhớ.

Tuy vậy, rất sâu từ bên trong, mình không cảm thấy quá nhiều hạnh phúc như một ký giả chân chính.

Khoảnh khắc ấy, mình đặt niềm tin lớn vào con đường “tuột xích” có chủ đích của bản thân (mỉm cười).

* Biết rằng, sau khi quyết định “tuột xích” ấy, anh Hà từng chuyển hướng sang làm truyền thông tại môi trường doanh nghiệp bán lẻ trong hơn 10 năm. Anh có thể chia sẻ lý do tại sao anh chọn truyền thông cũng như ngành bán lẻ là điểm đến mới của hành trình sự nghiệp?

Có thể nói, bán lẻ là một cái duyên bởi mình đã trải qua nhiều ngành từ giáo dục, kiến trúc, thời trang, F&B. Và bán lẻ là ngành khiến mình ở lại lâu nhất.

Nhưng một cách chính xác, mình sẽ nói mình chọn marketing làm điểm đến mới cho hành trình sự nghiệp. Hành trình ấy cũng bắt đầu khá sớm, ngay từ năm thứ 2 đại học – thời điểm “bén duyên” với công việc digital marketing – một ngành khi ấy vẫn còn tương đối mới mẻ.

Sau này, mình chuyển qua nhiều mảng khác nhau trong ngành truyền thông, từ digital marketing, tới trade marketing, branding, event, CSR và có một chút liên quan tới phần quan hệ chính phủ. Mỗi lĩnh vực mới mở ra cho mình cơ hội để được chiêm ngưỡng những chân trời mới của truyền thông.

Và thật may mắn, đối với cá nhân mình, mỗi chân trời ấy là cả một kỳ quan khiến bản thân luôn rạo rực tìm tòi khám phá.

Song song với việc xây dựng nền tảng căn bản về báo chí trên trường lớp, anh Hà cũng tự khai phóng bản thân trong lĩnh vực truyền thông – marketing thông qua việc đi làm thêm và tự học.
Nguồn: Getty Images

* Vậy trong quá trình chuyển giao giữa báo chí và truyền thông, anh có gặp những trở ngại gì? Làm thế nào để anh vượt qua giai đoạn đó?

Mình bắt đầu “định hướng” cho việc “tuột xích” từ khá sớm nên thành thực mà nói, mình không gặp quá nhiều trở ngại trong quá trình chuyển giao. Ngược lại, quá trình đào luyện tại môi trường báo chí giúp cho mình còn trở nên sắc bén hơn trên một số khía cạnh nhất định.

Song song với việc xây dựng nền tảng căn bản về báo chí trên trường lớp, mình cũng tự khai phóng bản thân trong lĩnh vực truyền thông – marketing thông qua việc đi làm thêm trong ngành marketing từ khá sớm, liên tục trau dồi kiến thức bằng cách tham gia rất nhiều khóa học.

Mình bước chân ra khỏi vòng an toàn để đến với một thế giới đầy màu sắc, đầy náo động.

Mình mua khá nhiều khóa học của Brands Vietnam ngay từ khi mình bắt đầu bước chân vào ngành. Đến giờ, tuy thời gian trôi qua và rất nhiều lý thuyết đã cần phải có bản update “vá lỗi”, các khóa học của Brands Vietnam vẫn giúp ích khá nhiều cho mình trong việc định hình tư duy cốt lõi khi làm marketing.

Và đó là về chuyên môn, còn để nói về khó khăn trong quá trình chuyển giao môi trường, thì mình chỉ muốn nói rằng: Sau khi cố gắng trèo cây không thành, con cá được phép lội ao và nó hạnh phúc.”

* Như anh từng chia sẻ, giai đoạn dịch COVID-19 là lúc một lần nữa anh mong muốn chuyển hướng nghề nghiệp của mình, từ công việc văn phòng “ổn định” sang công việc kinh doanh với nhiều thử thách hơn. Vậy tại sao anh Hà lại hứng thú với ngành F&B và chọn nó như một hành trình mới trong sự nghiệp của mình?

Là một trong tứ khoái thì mình tin rằng ít ai lại không có hứng thú với F&B. Ẩm thực là nghệ thuật và là cảm hứng bất tận. Có lẽ giống như mình, không ít người cũng từng nghĩ đến việc “khởi nghiệp” trong lĩnh vực đầy mê hoặc này. Tuy nhiên, số lượng người dám biến suy nghĩ ấy thành hiện thực thì không quá nhiều.

Với anh Hà, ẩm thực là nghệ thuật và là cảm hứng bất tận.
Nguồn: Tonkin Cottage Cafe

Đối với ngành bán lẻ, giai đoạn COVID-19 là một thời điểm lịch sử. Siêu thị, cửa hàng tạp hóa đóng vai trò cốt lõi đối với đời sống của người dân lúc bấy giờ. Gánh trên vai sứ mệnh đất nước và cả vai trò kinh tế, ngành bán lẻ phát huy tối đa vai trò của mình. Thời điểm đó cũng là lúc các chỉ số riêng của ngành bán lẻ đạt mức hiện tượng. Công việc của mình trong thời điểm này cũng vậy: có giá trị, có ý nghĩa, và được ghi nhận. Trong thời điểm đó, mình hạnh phúc với công việc.

Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mình nhìn nhận lại con đường của bản thân mình. Những băn khoăn trong quá khứ “nổi lên” khi mình có nhiều thời gian ở một mình và suy nghĩ sâu hơn: Liệu cứ an toàn mãi như vậy có phải là sứ mệnh của mình khi đến với thế giới này?

Câu hỏi ấy càng trở nên đặc biệt hơn trong thời điểm dịch bệnh – khi mỗi chúng ta đều ý thức thấu đáo được sự hữu hạn của thời gian sống trên đời. Mình không muốn dừng lại, mình không muốn an toàn mãi. Mình muốn được trải nghiệm nhiều hơn nữa vì mình hiểu rằng chỉ có trải nghiệm phong phú, đa dạng mới là cách để mình nhận ra được đâu là sứ mệnh của mình khi tới đây, đâu là phương cách khiến mình hạnh phúc trong cuộc sống này. Tự kinh doanh F&B là một trải nghiệm mình mong muốn từ lâu, và tất nhiên, nó đủ lớn, đủ vĩ đại đối với một cá nhân nhỏ bé như mình.

* Vậy anh Hà có tiếc nuối gì khi đưa ra quyết định như vậy không?

Tiếc nhiều lắm chứ! Từ biệt những ngày cuối tuần thảnh thơi mà mình tự định nghĩa là phải được dành riêng cho bản thân, từ biệt việc “chui tọt” vào thế giới riêng và đặc quyền “biến mất” sau giờ làm việc, cuộc sống của mình gần như đảo lộn hoàn toàn khi bước chân vào con đường kinh doanh. Mình bước chân ra khỏi chiếc vòng an toàn để đến với một thế giới đầy màu sắc, đầy náo động. Mỗi ngày một vấn đề mới, một câu chuyện mới, bất kể trong tuần hay cuối tuần, và bất kể thời gian nào. Để được lựa chọn, mình nghĩ sẽ ít ai chọn từ bỏ khoảng thời gian được thư giãn, nghỉ ngơi để lấy hành trình làm việc miệt mài không ngừng nghỉ cả.

* Thế nhưng điều gì khiến anh hạnh phúc và hài lòng với quyết định này?

Đối với định hướng đã lựa chọn, hãy cố gắng đi một đoạn đường nhất định, trải nghiệm sâu sắc, quan sát và đánh giá kỹ trước khi quyết định từ bỏ hay đi tiếp.

"Đi một ngày đàng, học một sàng khôn." Trải nghiệm một lĩnh vực hoàn toàn mới dạy mình nhiều điều hơn cả nhiều năm kinh nghiệm dồn lại. Mình buộc phải học những kỹ năng mới trong khoảng thời gian ngắn nhất, tiếp thu kiến thức mới và áp dụng nhanh nhất có thể.

Hành trình mới này cũng cho phép mình gặp gỡ nhiều người bạn mới, có được những mối quan hệ đặc biệt mà mình rất trân trọng.

Và quan trọng nhất, mình đã thay đổi sâu sắc thế giới quan. Mình có cái nhìn khác hoàn toàn về những chủ quán, những người kinh doanh nhỏ, những nhà khởi nghiệp. Nếu không bao giờ xỏ chân vào đôi giày của người khác, bạn sẽ không hiểu những gì họ trải qua. Đây là một trong những bài học lớn nhất mình rút ra được trong quá trình khởi nghiệp. Dám khởi nghiệp đã là một thành công. Dám làm chủ và chịu trách nhiệm toàn phần về hoạt động kinh doanh của mình là một thành công đặc biệt.

* Vậy có những kỹ năng hoặc kiến thức nào từ những công việc trước đó đã hỗ trợ anh trong công việc mới không?

Hầu như khá ít. Các kế hoạch marketing lớp lang và bài bản được áp dụng tại các doanh nghiệp lớn lại trở nên “chật chội” khi thu mình vào quy mô một đơn vị kinh doanh non trẻ. Tuy nhiên, vẫn có một vài yếu tố mang tính chất chân lý sẽ luôn đúng ở mọi thời điểm. Khi ở quy mô nhỏ (và siêu nhỏ như mình), điều nên tập trung nhất là các yếu tố căn bản và đặc biệt là chất lượng sản phẩm.

Cho đến thời điểm này, Tonkin Cottage vẫn luôn cố gắng hết sức để hoàn thiện chất lượng sản phẩm và trải nghiệm khách hàng. Với định vị là một quán cafe nhỏ theo mô hình boutique, anh hướng Tonkin Cottage đến tệp khách hàng là “light users” – thích cà phê nhưng lại muốn giảm đi vị đắng gắt, đắng khét trong cafe để được thưởng thức nhiều hương vị phong phú, nịnh miệng và đặc biệt “êm ái”.

Việc lựa chọn từ “Êm” làm key message xuyên suốt trong hoạt động truyền thông nói riêng, và trong toàn bộ các hoạt động kinh doanh nói chung là cách Tonkin xây dựng hình ảnh thương hiệu trong tâm trí khách hàng.

Chúng mình ý thức đây là một hành trình rất dài và cần sự kiên nhẫn, nỗ lực không ngừng. Những lỗi sai vẫn thường xảy ra, chúng mình ghi nhận, học hỏi và khắc phục. Không dám vỗ ngực tự hào về chất lượng, nhưng chúng mình luôn tin rằng mọi cố gắng dù nhỏ nhất, nếu cộng dồn từng chút mỗi ngày cũng sẽ tạo nên giá trị lớn lao.

“Kiến tha lâu cũng đầy tổ” – mong rằng những nỗ lực nhỏ bé của chúng mình sẽ luôn được ghi nhận và có một vị trí khiêm nhường trong trái tim của những khách hàng đã bao dung và yêu thương thương hiệu non trẻ này.

Tonkin Cottage hướng đến tệp khách hàng là “light users” và lựa chọn từ “Êm” làm key message xuyên suốt trong hoạt động truyền thông và kinh doanh.
Nguồn: Tonkin Cottage Cafe

* Có những thách thức, khó khăn nào mà anh gặp phải khi khởi nghiệp?

Có thể nói, hầu hết tất cả mọi khâu đều ẩn chứa những khó khăn. Mình phải học lại từ đầu gần như tất cả. Tuy vậy, mình vẫn cảm thấy may mắn vì đã chuẩn bị tinh thần “đập đi xây lại”, không “bi lụy” trên những nền tảng kinh nghiệm cũ mà luôn cố gắng học hỏi và tìm kiếm những hướng đi mới. Có lẽ nhờ vậy mà khó khăn, thách thức đối với mình bình thường như “cơm bình dân”, nghĩa là ngày nào cũng có và ngày nào cũng “ăn”, mỗi ngày mỗi “món mới”.

* Cuối cùng, anh Hà có thể chia sẻ lời khuyên dành cho những ai đang có những băn khoăn và mong muốn thay đổi định hướng sự nghiệp của mình?

Hãy luôn ý thức rằng mong muốn nhất thời đôi khi “đội lốt” sứ mệnh cuộc đời và muôn vàn mỹ từ khác để thao túng chúng mình "đứng núi này trông núi nọ", nhảy nhót hết lĩnh vực này đến địa hạt khác. Tuy nhiên, đối với định hướng bạn đã lựa chọn, hãy cố gắng đi một đoạn đường nhất định, trải nghiệm nó thật sâu sắc, quan sát và đánh giá nó thật kỹ trước khi quyết định từ bỏ hay đi tiếp. Không có đúng và sai trong cả 2 lựa chọn này.

* Chân thành cảm ơn những chia sẻ của anh!

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Lam Phương / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam