Khám phá 5 cấp độ trên hành trình làm chủ sự sáng tạo

Bạn đang ở đâu trên hành trình làm chủ sáng tạo?

Sáng tạo là quá trình tìm ra những ý tưởng khả thi nhất dựa trên nguồn lực hiện có, và hiện thực hóa chúng. Điều này có nghĩa sáng tạo bao gồm 2 phần: nghĩ ra ý tưởng táo bạo và tìm cách để biến chúng thành hiện thực.

Sự khác biệt trong cách mỗi người biến ý tưởng thành sản phẩm cụ thể sẽ tạo nên các cấp độ sáng tạo khác nhau. Chúng ta có thể chỉ đang sao chép, cải thiện ý tưởng trở nên mới mẻ hơn, hoặc kể cả tạo ra xu hướng để mọi người học hỏi theo.

Dựa trên những cách hiểu và định nghĩa về sáng tạo, tác giả Hoàng Nguyễn có chia sẻ về 5 cấp độ sáng tạo trong cuốn sách đầu tay của mình: CÓ CÁCH - Nuôi dưỡng sự sáng tạo từ niềm tin có cách

Cấp độ 1: Sao chép

Trong các lĩnh vực liên quan tới sáng tạo, nhất là cần tới kỹ năng vẽ, thông thường mọi người sẽ bắt đầu với việc sao chép các hình khối cơ bản, người, phong cảnh,… Gọi là sao chép bởi vì hành động này chỉ đơn giản vẽ lại những gì mắt nhìn thấy lên trang giấy. Nó giúp người vẽ hiểu được những kiến thức cơ bản như phối cảnh, ánh sáng, vật liệu,… từ đó dùng nó làm nền tảng phát triển.

Sao chép cũng có thể áp dụng tương tự cho mọi công việc khác trong cuộc sống với đầy đủ các giác quan còn lại. Chẳng hạn, một cô bánh mì vỉa hè cũng có thể thực hành sáng tạo cơ bản bằng cách xem người khác đang bán như thế nào, rồi bắt chước lại y hệt từ phương pháp chế biến đến số lượng các loại nhân bánh, như bánh mì nhân thịt, pate, ốp la, chả cá…

Tuy nhiên, lưu ý rằng việc sáng tạo ở cấp độ thấp nhất này về bản chất chỉ nhằm mục đích tập luyện, hoặc để phục vụ cho mục đích cá nhân trong đời sống hằng ngày của bạn. Kết quả ở cấp độ này không nên được dùng để kiếm tiền, hay tự nhận phần ý tưởng là của mình.

Cấp độ 2: Sao chép + Chỉnh sửa

Để tiếp tục cải thiện kết quả, chúng ta không nên chỉ dừng lại ở sao chép đơn thuần mà còn chỉnh sửa lại nó để phù hợp với nguồn lực và ngữ cảnh hiện tại. Điều này nghĩa là chúng ta bắt đầu đưa những suy nghĩ của chính bản thân vào việc điều chỉnh lại ý tưởng và phương pháp thực hiện.

Vẫn với ví dụ về cô bán bánh mì, ở cấp độ sáng tạo thứ 2 này, cô sẽ phải chỉnh sửa bằng cách nghĩ ra những loại nhân mới, hoặc công thức nước sốt đặc biệt để phù hợp với khẩu vị người ăn. Một chiếc bánh mì nhân thịt cừu kèm nước sốt tương ớt tabasco và syrup gừng cay ngọt thì sao nhỉ?

Cấp độ 3: Sao chép + Chỉnh sửa + Cải tiến

Sản phẩm bạn tạo ra lúc này đã chứng minh được tính giá trị của nó. Đôi khi nó là sự may mắn, vô tình hiệu quả, đôi khi nó đến từ một quá trình nghiêm túc nghiên cứu, đối chiếu và thử sai. Một chuyên gia thường có phần lớn các sản phẩm sáng tạo của mình đạt tới cấp độ này.

Còn cô bán bánh mì của chúng ta, cô ấy sẽ làm gì để đến được cấp độ 3 này?

Đây là một kịch bản có thể xảy ra: Loại bánh mì nhân thịt cừu sốt ớt đặc biệt của cô nhận được phản hồi tích cực và tạo được uy tín với khách đã mua, giúp cô bán hết hàng từ rất sớm. Nhờ vậy cô cũng bắt đầu có đủ kinh phí để mở rộng quy mô, mua thêm nguyên liệu đầu vào để phục vụ được nhiều khách hàng hơn.

Cấp độ 4: Tạo xu hướng

Ở cấp độ này, kỹ năng chuyên môn của bạn đã đạt tới một cấp độ rất cao. Bạn là người có thể tạo ra xu hướng. Mỗi ý tưởng đưa vào tay bạn đều được thực hiện một cách độc đáo, mang dấu ấn riêng. Đặc biệt, nó được nhiều người công nhận là “đẹp” hoặc “tốt”. Khi đó sản phẩm tạo ra xu hướng mới để người khác sao chép, và tạo ra nhu cầu thị trường.

Đây cũng là lúc cô bán bánh mì duy trì được chất lượng dịch vụ ổn định. Lượt khách quay lại mua ngày càng đông làm thu hút sự chú ý của những người đi đường tò mò muốn thử. Không những vậy, tiếng vang có một loại bánh mì lạ miệng, ngon vị được truyền đi rộng rãi, khiến cho những người bán khác cảm thấy cần phải đi tìm hiểu và học cách sao chép.

Cấp độ 5: Xây dựng hệ thống

Đây là cấp độ khó đạt được nhất. Những người ở cấp độ này là những người tiên phong tạo ra những “giới hạn sáng tạo” và “phong cách định hình”, tạo nền tảng cho sự sáng tạo của người khác. Chẳng hạn trong hội hoạ ta có những trường phái nghệ thuật: ấn tượng, dã thú, lập thể, siêu thực,… Trong công nghệ ta có “Human Interface Design - iOS” hay “Google Material Design - Android”, là các ngôn ngữ thiết kế buộc nhà phát triển ứng dụng phải tuân thủ dù cho ứng dụng đó thuộc lĩnh vực nào đi chăng nữa.

Để sự sáng tạo của bạn có thể chạm tới cấp độ này, nó không chỉ dừng lại ở nỗ lực của một mình bạn nữa. Nó đòi hỏi sự giúp sức của rất nhiều con người trong nhiều lĩnh vực khác nhau, hay có thể gọi đó là “Đại sáng tạo tập thể”.

Ngay cả cô bán bánh mì cũng có thể đạt được mức độ sáng tạo cấp 5 này. Lúc này, cô sẽ phát triển xe bánh mì của mình thành một thương hiệu độc quyền, và bắt đầu nhượng quyền cho người khác. Dù họ vẫn làm chủ nhưng buộc phải cam kết bảo đảm những quy tắc do cô đặt ra ban đầu. Và để đạt được điều này, cô không chỉ dừng lại ở việc sáng tạo ổ bánh mì như thế nào, mà còn cần sáng tạo trong các khía cạnh phát triển kinh doanh, mô hình hợp tác và pháp lý.

Hy vọng qua những chia sẻ, ví dụ được trích dẫn trong cuốn sách "Có Cách", tác giả Hoàng Nguyễn sẽ giúp bạn cảm thấy thông suốt hơn về các cấp độ của sự sáng tạo. Có tổng cộng 5 cấp độ, tuy nhiên cách mọi người nâng cấp sự sáng tạo không phải lúc nào cũng phát triển tuyến tính. Với những cá nhân có năng khiếu, họ có thể nhảy cóc từ cấp độ 1 sang cấp độ 3, hay thậm chí là cấp độ 4 mà không cần nhiều thời gian luyện tập sao chép, chỉnh sửa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn luôn cần ý thức được từng cấp độ của mình, vì sáng tạo là dành cho mọi người!!

Mời bạn tìm đọc cuốn sách “Có Cách – Nuôi dưỡng sự sáng tạo từ niềm tin có cách” tại đây.