Bây giờ mới kể, chuyện làm nghề Truyền thông

Tại thời điểm cuối năm, giữa luồng công việc cần chạy deadlines dồn dập, cầm trên tay quyển “Dòng sông không ra biển. Bây giờ mới kể, chuyện làm nghề Truyền thông” – tự truyện dày hơn 500 trang của chị Zennie Trang Nguyễn, chuyên gia với 20 năm làm nghề Truyền thông – Tiếp thị, tôi một phần vì tò mò, muốn đọc ngay và luôn xem chị viết những gì; một phần cũng muốn đợi khi thật thong thả sẽ từ từ thưởng thức từng lát cắt hành trình (mượn chữ của chị). Sau khi đọc hết đoạn đầu tiên – “Khởi Nguồn”, tôi thực sự đã bị cuốn vào câu chuyện này.

Chị dành hơn 400 trang cho chương “Kể trên đường làm nghề” từ vị trí nhập môn đến từng bước tiếp quản vai trò quản lý, lãnh đạo cấp cao... tại các tập đoàn truyền thông đa quốc gia.

Mỗi trang sách là một câu chuyện kể về người, về nghề với một chuỗi các quyết định lựa chọn: trắng – đen, trái – phải, đúng – sai, dài – ngắn, cá nhân – tập thể, con người – quy trình... cùng không ít những lần “tự khảo” trước lằn ranh của đạo đức và sự chính trực mà một người làm truyền thông phải tự vạch ra để an trú. Zennie Trang Nguyễn tự biến mình thành một chiếc camera quan sát, ghi nhận hết thảy dấu chân của một người làm nghề quyết tâm “sẽ làm tốt công việc này hơn ai hết”“làm đến tận cùng những gì người ta chỉ làm một nửa”.

Chị Zennie Trang Nguyễn.

Theo dòng văn tự sự, đong đầy cảm xúc, đậm chất riêng qua từng câu chuyện kể, chị Zennie đã đưa tôi vào thế giới của công việc Account Management (Quản trị khách hàng), Strategic Communication Planning (Hoạch định chiến lược truyền thông) và Creative Solutions (Sáng tạo ý tưởng truyền thông) với bối cảnh vừa quen thuộc với work routines thường ngày lại vừa mới mẻ, thú vị qua góc nhìn của chị.

“Thế giới nghề Truyền thông trong ‘Dòng sông không ra biển’ của Zennie Trang Nguyễn có nhiều đoạn hồi ức tưởng-chừng-đã-quên của tôi, được Trang kể thiệt tỉ mỉ, tươi xoi xói như người ta vẽ con tôm với đầy đủ từng cái chân ngoe ngoảy. Nhờ vậy mà, tôi nghĩ, với những bạn trẻ muốn hiểu về nghề, hay muốn chắt lọc những Insights, Approaches… sẽ tìm thấy được nhiều điểm-chạm qua từng câu chuyện với đầy đủ lý thuyết được thể hiện trong nhiều ngữ cảnh thực chiến đa ngành hàng, từ góc nhìn ngây ngô đến sành sỏi mà vẫn luôn chân thật của chính-chủ. Một cách dạy và học dễ tiêu hoá và gợi-hứng hơn đọc các sách chuyên ngành nặng phần mô-thức”, trích ghi nhận của chị Trâm Phạm – chuyên gia quản lý thương hiệu cấp cao.

Chị Diệu Anh, nhà sáng lập học viện AIM Academy, cũng ghi nhận: “Nghề quảng cáo thú vị nhưng lắm mông lung. Khó có thể kể cho dân ngoại đạo nghe về cái nghề này, và hiển nhiên, cái hay và cái chán của nghề còn phụ thuộc vào giai đoạn trong nghề của người kể chuyện. Kẻ mới gia nhập thì thấy bao điều mới lạ, hấp dẫn; kẻ đã lăn lộn thì nhiều uất ức và mệt mỏi. Quyển sách của Trang làm tôi sống lại trọn vẹn suốt quãng đời làm nghề từ trẻ đến già, và cảm được sự hồ hởi ban đầu cũng như đến lúc nhận thấy quá đủ và cần dừng lại”.

Mỗi trang sách là một câu chuyện kể về người, về nghề với một chuỗi các quyết định lựa chọn của tác giả.

Với cấu trúc phát triển nhân vật đa chiều, chị vừa kể chuyện mình vừa tạo dựng và mở rộng các tuyến nhân vật bạn bè, đồng nghiệp, đối tác, khách hàng... từng bước hình thành bức chân dung sống động của những cá nhân thuộc lĩnh vực truyền thông để tác phẩm không chỉ là một bản ký sự đơn thuần. Bằng cách này, chị đã tạo ra những trải nghiệm độc đáo, như một pho tiểu thuyết với độ phức tạp và sâu sắc. Dù sao thì… “cuộc đời con người ta, khi thành thật kể ra cũng sẽ là tiểu thuyết” (tạm dịch từ câu “Any man’s life, truly told, is a novel” của nhà văn Hemingway).

Quyển sách thích hợp với nhóm người kinh nghiệm trong nghề để buông thư, nhìn lại những đường đã qua ở một chiều kích mới. Với nhóm độc giả không làm chuyên ngành, không rành chi tiết nhưng đang quan tâm và muốn “nhập môn” ngành Truyền thông Thương hiệu, quyển sách viết bởi chuyên gia trong ngành này cũng rất đáng đọc để biết trước chuyện ngày sau.

Thu Thảo