MSG Sphere – Bước ngoặt mới của quảng cáo ngoài trời?

Mặc dù ghi nhận mức thua lỗ do chi phí vận hành (Operating Loss) lên đến 98,4 triệu USD trong quý tài chính vừa qua và phải đối mặt với sự từ chức đột ngột của Giám đốc Tài chính ở công ty mẹ, Sphere vẫn tiếp tục thu hút các thương hiệu có mong muốn xuất hiện trên màn hình lớn nhất thế giới.

* Bài viết được lược dịch từ bài viết gốc “Bleeding money but gaining advertisers: Sphere, the story so far” của tác giả Webb Right đăng trên The Drum.

Sphere – Nhà hát hình cầu lớn nhất thế giới

Kể từ khi chính thức mở cửa đón công chúng vào cuối tháng 9, Sphere tại Venetian Resort ở Las Vegas đã trở thành một biểu tượng đặc trưng của đại lộ Las Vegas và là một hiện tượng trên mạng xã hội. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Sphere là công trình cao đến hơn 350 feet (hơn 106.000m) và được bao phủ bởi hơn một triệu bóng đèn LED hình chiếc đĩa hockey. Sphere phát sáng giữa sa mạc Nevada như một chiếc Death Star kỳ ảo rơi xuống Trái Đất.

Bề mặt phía ngoài của Sphere, được đặt tên là Exosphere, đã trở thành một không gian mới cho các quảng cáo ngoài trời (OOH). Từ nhiều video được ghi lại, có thể thấy rằng rất khó để có ai đó đi qua Vegas mà không bị thu hút bởi ánh sáng từ quả bóng trị giá 2,3 tỷ USD này. Bởi mắt người dường như bị thu hút tự nhiên bởi những màn hình, và Sphere là màn hình (thực sự) lớn nhất trong số chúng.

Các thương hiệu đã nhanh chóng nhận ra giá trị tiềm năng của Sphere trong quảng cáo. Dĩ nhiên, số tiền mà các thương hiệu phải bỏ ra nếu muốn phát sóng một quảng cáo trong một ngày trên Sphere cũng không rẻ, thương hiệu cần chi 450.000 USD, theo một bản đề xuất bị rò rỉ đã được chia sẻ trên X (tiền thân là Twitter).

Sphere là công trình cao đến hơn 350 feet (hơn 106.000m) và được bao phủ bởi hơn một triệu bóng đèn LED hình chiếc đĩa hockey.
Nguồn: Daily Hive

Trong khoảng một tháng rưỡi kể từ khi Sphere được mở cửa, với sự mở màn là concert của ban nhạc rock huyền thoại U2 (U2:UV Achtung Baby Live From The Sphere), một số thương hiệu nổi tiếng đã quảng cáo trên billboard kỹ thuật số khổng lồ này. Mỗi thương hiệu đều cố gắng mang đến một quảng thật sự sáng tạo và độc đáo, cũng như phù hợp với hình dạng đặc biệt của địa điểm (hình quả cầu dẹt).

Những quảng cáo nổi bật của các “ông lớn” trên Sphere đến nay

YouTube chính là “vị khách” đầu tiên. Ông lớn này đã biến Exosphere thành những chiếc mũ bóng đá khổng lồ để quảng cáo gói dịch vụ NFL Sunday Ticket của thương hiệu.

Nguồn: EssenceMediacom Global

Tiếp theo là NBA (National Basketball Association), dĩ nhiên, giải đấu này đã biến Sphere thành một quả bóng rổ khổng lồ.

Nguồn: Las Vegas Review-Journal

Microsoft đã ra mắt chiến dịch quảng cáo Xbox trên Exosphere, trình chiếu các trò chơi như Starfield , Forza Motorsport, Cyberpunk 2077 và Hellblade II sắp ra mắt. Quảng cáo kết thúc bằng cảnh hiển thị ba máy chơi game Xbox của Microsoft. Trong một tweet của Giám đốc truyền thông Xbox Jeff Rubenstein, ông gọi chiến dịch này là “Xsphere”.

Nguồn: maxhovid

Chỉ một ngày sau chiến dịch Sphere của Microsoft, Sony đã làm sáng Exosphere với chiến dịch quảng cáo Spider Man 2, một trò chơi mới cho PlayStation 5.

Nhằm thể hiện vị thế trong ngành làm phim và hiệu ứng hình ảnh, công ty phần mềm Autodesk cũng đã bắt tay với Marvel Studios vào đầu tháng 11 và xuất hiện trên Sphere với hình ảnh của chú mèo Goose – một nhân vật phụ trong vũ trụ Marvel.

Nguồn: The Hollywood Reporter

Coca-Cola đã đưa quảng cáo trên Sphere lên một tầm cao mới bằng cách tích hợp một xu hướng công nghệ sáng tạo khác: AI tạo sinh (Generative AI). Giữa tháng 11, “ông lớn” đồ uống này ra mắt chiến dịch “Destination Y3000” trên Sphere, với hình ảnh được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo mô phỏng thành phố tương lai vào năm 3000.

Nguồn: themessage

Chiến dịch này nhằm quảng bá Y3000 Zero Sugar – một loại đồ uống được ra mắt vào tháng 9 của Coke, mà theo trang web của thương hiệu là “đã được đồng sáng tạo bởi trí tuệ con người và trí tuệ AI nhằm mang lại hương vị của ‘ngày mai’ cho người hâm mộ Coke”.

Oana Vlad, Giám đốc Chiến lược Toàn cầu của Coca-Cola, chia sẻ: “Exosphere là bức tranh hoàn hảo để giới thiệu cho người hâm mộ trên toàn thế giới một góc nhìn về hình ảnh của thế giới tương lai, được thúc đẩy bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo”.

Heineken, nhà tài trợ chính cho giải đua Công thức 1 ở Vegas vừa qua, đã tận dụng cơ hội bằng cách biến Exosphere thành một quả cầu disco, các tấm panel của quả cầu disco biến thành một khối đá băng, sau đó sụp đổ rồi để lộ ra một lon Heineken Silver – một loại bia nhẹ mà thương hiệu đã tung ra tại Hoa Kỳ vào đầu năm nay.

Ngoài ra, thương hiệu ô tô cao cấp Aston Martin cũng xuất hiện trên Exosphere trong giải đua Công thức 1. Hai mẫu xe của thương hiệu đã được showcase trên màn hình khổng lồ này. Sau đó, với mong muốn tái hiện trải nghiệm thực khi ngồi sau vô-lăng của một chiếc Aston Martin, Exosphere đã sáng bừng với một phiên bản hoạt họa của dữ liệu sinh học được thu thập từ phản ứng của đôi mắt, nhịp tim và các điểm tiếp hợp thần kinh (synapse) của người lái.

Nguồn: Luxurylaunches

Người xem có thể không hoàn toàn rõ về những gì họ đang nhìn thấy trên Exosphere trong chiến dịch quảng cáo mới của hãng xe, nhưng điều đó có lẽ không quan trọng, bởi lẽ mục tiêu của chiến dịch – giống như mọi quảng cáo khác đã được phát sóng trên Sphere cho đến nay - dường như là tạo ra hình ảnh đẹp mắt và đáng nhớ.

“Ngoài việc trình bày về sản phẩm, chúng tôi đã chuyển đổi các dữ liệu sinh học thành đồ họa animation để truyền đạt tinh thần của thương hiệu và cảm xúc thuần khiết khi trải nghiệm lái xe Aston Martin”, ông Renato Bisignani, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Toàn cầu của Aston Martin nói với The Drum trong một cuộc phỏng vấn.

Rắc rối tài chính và tương lai của Sphere

Nhận được sự quan tâm lớn từ các thương hiệu muốn quảng cáo trên Sphere là vậy, thế nhưng công ty mẹ – Sphere Entertainment Co., dường như đang trải qua một số rắc rối tài chính.

Sphere Entertainment Co. đang trải qua một số rắc rối tài chính.
Nguồn: Getty Images

Vào 3/11, công ty đã nộp báo cáo với SEC thông báo rằng Giám đốc Tài chính, Gautam Ranji, đã từ chức. Công ty khẳng định trong bản báo cáo rằng sự ra đi của Ranji “không phải là kết quả của bất kỳ mâu thuẫn nào với các kiểm toán viên độc lập của công ty, hoặc bất kỳ thành viên nào của ban quản lý về bất kỳ vấn đề nào liên quan đến các nguyên tắc, thực hành kế toán, tiết lộ bảng cân đối kế toán hoặc kiểm soát nội bộ”.

Bốn ngày sau đó, tờ New York Post cho biết Ranji thực sự có thể đã từ chức sau khi Giám đốc Điều hành của Sphere Entertainment Co., James Dolan, đã khiển trách ông trong một cuộc họp của công ty.

Sau đó, vào 8/11, Sphere Entertainment báo cáo mức lỗ do chi phí vận hành lên đến 98,4 triệu USD cho quý tài chính mới nhất (kết thúc vào 30/9). Dolan đã cố giải tỏa lo lắng của những nhà đầu tư tài chính: “Chúng tôi đang có những tiến triển tích cực trên toàn hệ thống Sphere và vẫn tự tin rằng chúng tôi đang ở vị thế tốt để tạo ra giá trị lâu dài cho cổ đông”, ông tuyên bố trong một thông cáo báo chí.

Trước tình hình tài chính đầy biến động của Sphere Entertainment, bà Lina Maggi – Phó Chủ tịch đối tác và Trưởng bộ phận quảng cáo ngoài trời tại BCN Visuals – đơn vị quảng cáo đã phát triển chiến dịch trên Sphere cho cả Heineken và Microsoft – cho biết sự quan tâm từ phía các thương hiệu vẫn rất cao.

“Đối với Sphere, chúng tôi vẫn nhận được yêu cầu từ các khách hàng hàng đầu muốn tạo ảnh hưởng bằng màn hình lớn nhất thế giới”, bà nói, “Chúng tôi nhận thấy vẫn có rất nhiều sự hứng thú với màn hình này và không có dấu hiệu chậm lại... Mỗi khách hàng mới của chúng tôi đều muốn làm lớn hơn so với khách hàng trước đó, và chúng tôi yêu thích việc phá bỏ ranh giới, khám phá những khả năng mới từ góc độ sáng tạo”.


* Nguồn: The Drum