Re-live Go-To-Market Acceleration Day Panel 2: Trước khi khởi nghiệp, hãy tìm insight “đúng” bằng sự thấu cảm

Tại phiên thảo luận “Finding Insights for Go-To-Market Strategy của sự kiện Go-To-Market Acceleration Day do UAN Marketing tổ chức, các chuyên gia trong ngành đã có những chia sẻ thú vị và bổ ích về cách tìm kiếm insight để thâm nhập thị trường.

Vào ngày 05/11/2023, cộng đồng UAN Marketing cùng với các đối tác đã tổ chức sự kiện Go-To-Market Acceleration Day với chủ đề thâm nhập thị trường. Bài viết này ghi lại một số quan điểm thú vị và hữu ích trong phiên thảo luận “Finding Insights for Go-To-Market Strategy” với sự tham gia của các diễn giả như sau:

  • Anh Ân Đặng – Head of HCM Branch tại Omega JSC (Moderator).
  • Chị Quỳnh Đỗ – Head of Consumer Insights tại Buzzmetrics.
  • Anh Lê Viết Hải Sơn – CEO tại NovaOn Digital.
  • Anh Duy Phạm – Head of Home Appliances & Electronics tại PMAX.

Trước khi bắt đầu khởi nghiệp, hãy tìm kiếm insight “đúng”

Mở đầu buổi thảo luận, anh Ân Đặng đã đưa ra câu hỏi về insight (sự thật ngầm hiểu) cho các diễn giả. Theo đó, chị Quỳnh Đỗ cho biết, hiểu một cách đơn giản, insight là thứ lý giải cho những hành vi của con người. Như vậy, chỉ trong một ngày thì một khách hàng sẽ có rất nhiều hành vi khác nhau và mỗi hành vi có thể xuất phát từ một hoặc nhiều insight.

Do vậy, việc tìm kiếm insight không hề quá khó khăn. Điều khó khăn là xác định đâu mới là insight “có thể dùng được”. Điều này thì còn phụ thuộc vào nguồn lực của từng cá nhân, đơn vị và doanh nghiệp.

Sau đó, anh Hải Sơn đã đưa ra nhận định rằng trước khi bắt đầu khởi nghiệp thì việc đầu tiên nên làm là tìm kiếm insight. Điều này giúp chủ doanh nghiệp hiểu được nhu cầu của thị trường, đồng thời hiểu được vị thế của các đối thủ trong lĩnh vực này. Như vậy, khi tiến vào lĩnh vực này, liệu đâu là những điểm khác biệt mà doanh nghiệp có thể làm được?

3 diễn giả tại phiên thảo luận “Finding Insights for Go-To-Market Strategy của sự kiện Go-To-Market Acceleration Day.
Nguồn: UAN Marketing.

Anh Hải Sơn cũng đồng tình với ý kiến của chị Quỳnh Đỗ rằng insight cần có sự phù hợp, cần thiết và quan trọng là đúng thời điểm. Khi bắt đầu khởi nghiệp, đó là một quá trình liên tục với nhiều thời điểm diễn ra nối tiếp. Vì thế, một startup không thể dùng duy nhất một insight cho toàn bộ quá trình khởi nghiệp, mà cần có nhiều insight cho từng giai đoạn khác nhau của doanh nghiệp.

Vì vậy, dù là trong giai đoạn chuẩn bị ra mắt sản phẩm, khi đã phát hành và phát hiện một số điểm chưa tốt của sản phẩm, hoặc khi gặt hái được một số thành công trên thị trường… tất cả đều cần có insight. Nói một cách đơn giản, việc tìm kiếm insight là một quá trình liên tục và cần có mức độ ưu tiên hàng đầu.

Việc tìm kiếm insight là một quá trình liên tục và cần có mức độ ưu tiên hàng đầu.
Nguồn: Getty Images

Trong khi đó, với góc nhìn của một người khám phá insight thông qua dữ liệu, anh Duy Phạm cho biết để tìm được insight “đúng”, điều quan trọng là phải hiểu đúng về dữ liệu. Đặc biệt là trong bối cảnh ngày nay, với sự phát triển của các công cụ kỹ thuật số (digital) thì dữ liệu gần như là vô số và điều quan trọng là phải xác định xem đâu là dữ liệu cần thiết. Chẳng hạn như đối với lượng dữ liệu “khổng lồ” thu thập được từ mạng xã hội hoặc các nền tảng thương mại điện tử, việc chọn lọc và phân tích cẩn thận là rất quan trọng.

Ngoài ra, anh Duy Phạm nói thêm, nhiều người làm việc với dữ liệu đôi khi không nhận ra rằng dữ liệu chưa truyền tải được một câu chuyện cụ thể. Bởi vì nếu chỉ nhìn riêng lẻ vào dữ liệu thôi thì chưa đủ, do đằng sau mỗi dữ liệu là một hành động hoặc thông tin mà chỉ có thể chứng minh được theo thời gian. Cụ thể hơn, với dữ liệu thu thập được trong một tuần, có thể sẽ có câu chuyện trong đó nhưng vẫn chưa đủ. Khi có được dữ liệu trong một tháng hoặc một năm thì việc nắm được câu chuyện doanh nghiệp đang tìm kiếm sẽ dễ dàng hơn.

Để tìm được insight “đúng”, điều quan trọng là phải hiểu đúng về dữ liệu.

Sau khi có được “câu chuyện từ dữ liệu”, điều tiếp theo nên làm là kiểm tra xem insight đã tìm được có hữu ích không, hay chỉ là những thông tin “chung chung”, không mang lại lợi ích cụ thể nào cho doanh nghiệp. Vì thế, với anh Duy Phạm, một dữ liệu hoặc insight hữu ích sẽ giúp chủ doanh nghiệp biết nên làm gì tiếp theo.

Kế đến, chị Quỳnh Đỗ chia sẻ rằng việc tìm kiếm insight “đúng” bắt nguồn từ cách đặt câu hỏi “đúng”. Ví dụ, khi phát hành một sản phẩm dành cho giới trẻ, nhiều người có xu hướng đặt ra những câu hỏi quá lớn như insight của các bạn trẻ là gì. Vì vậy, điều cần thiết là có một danh sách câu hỏi “đúng” và phân loại ra đâu là câu hỏi bắt buộc phải có câu trả lời, cũng như đâu là câu hỏi mang tính chất bổ sung thông tin. Bước tiếp theo là xác định phương pháp tìm câu trả lời phù hợp cho từng dạng câu hỏi khác nhau. Khi đã có đủ dữ liệu thì điều cần làm kế tiếp là quan sát, phân tích về những điểm giống và khác biệt, nhằm tìm ra một bức tranh cụ thể về người dùng.

Những lưu ý khi thu thập insight để thâm nhập thị trường

Tiếp đến, anh Hải Sơn nói về bước thâm nhập thị trường sau khi thu thập được insight tốt và phù hợp. Anh nhấn mạnh rằng việc “làm đúng” thì dễ hơn là “sửa sai”. Đôi khi người sáng lập quá nôn nóng tiến vào thị trường mà không có sự cân nhắc kỹ lưỡng. Điều đó có thể dẫn đến việc nhìn nhận sai bản chất của dữ liệu hoặc thu thập thông tin từ đối tượng không phù hợp. Ví dụ, có một trường hợp anh Sơn đã từng gặp qua là nhóm đối tượng đưa ra phản hồi nhiều nhất lại là nhóm khách hàng có ít tiềm năng nhất. Do vậy, người sáng lập là người hiểu rõ về sản phẩm nên đi ra thị trường khảo sát để nắm được bản chất của dữ liệu, cũng như hiểu rõ hơn về những góc nhìn khác đến từ người dùng.

Việc tìm kiếm insight “đúng” bắt nguồn từ cách đặt câu hỏi “đúng”.

Sau đó, anh Duy Phạm bắt đầu chia sẻ về vấn đề “data driven optimization”. Theo anh, điều đó chỉ đơn giản là biết cách sử dụng dữ liệu đang có để đạt được kết quả tốt hơn. Mỗi khách hàng sẽ có một lộ trình khác nhau cùng với dữ liệu đi kèm. Do vậy, điều cần thiết trong lúc đó là phối hợp giữa dữ liệu và lộ trình của khách hàng, nhằm nhận diện đâu là vấn đề và đưa ra giải pháp trong từng giai đoạn khác nhau.

Về những công cụ khai thác insight, anh Hải Sơn cho rằng công cụ tốt nhất vẫn nằm ở khả năng quan sát của con người. Hầu hết công ty khởi nghiệp đều không có quá nhiều chi phí để sử dụng các công cụ khai thác insight chuyên dụng. Do đó, cách tốt nhất là dành thời gian để quan sát, trò chuyện với khách hàng để có được những insight phù hợp và đúng đắn nhất.

Theo anh Hải Sơn, công cụ khai thác insight tốt nhất vẫn nằm ở khả năng quan sát của con người.
Nguồn: UAN Marketing.

Trong khi đó, chị Quỳnh Đỗ cho rằng doanh nghiệp có thể chủ động thu thập thông tin từ khách hàng mà không cần dùng đến công cụ bên thứ ba khác. Với doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình B2B, việc thu thập phản hồi từ khách hàng sẽ dễ dàng hơn so với mô hình B2C. Ngoài ra, có một cách đơn giản hơn là tham vào các nhóm cộng đồng trên mạng xã hội để quan sát, thu thập những bình luận và phản hồi từ đối tượng mục tiêu.

Cuối cùng, anh Duy Phạm bổ sung rằng một yếu tố quan trọng trong mọi giai đoạn tìm kiếm insight để phát triển phát sản phẩm là sự thấu cảm. Anh nói thêm, sự thấu cảm phải xuất phát từ đội ngũ nhân viên trong nội bộ của doanh nghiệp, cùng với sự thấu cảm với khách hàng. Đó chính là cách giúp doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm tốt hơn, cũng như biết được kênh nào đang hoạt động hiệu quả. Không chỉ thế, sự thấu cảm còn giúp doanh nghiệp phát triển thêm sản phẩm – dịch vụ để phục vụ cho các phân khúc khách hàng hiện có.

Theo: Thanh An