Marketer Phố Hương
Phố Hương

Content Executive @ Brands Vietnam

Bookaholic #27 – Làm chủ Business Analytics: Chuyện vào ngành, làm nghề dữ liệu

Tôi gặp anh Thiện vào một ngày cuối tháng 10 tại văn phòng của Brands Vietnam, anh bảo rằng lần cuối cùng anh đến đây là khi quay khóa học Business Analytics. Lần đó anh cũng ngồi ở studio nơi chúng tôi đang ngồi, chỉ khác là lần này, sau cuộc gặp gỡ với tôi vài ngày, anh sẽ quay lại Úc – nơi anh đã cùng gia đình sang định cư vào tháng 2 năm nay.

Anh Thiện bảo anh đang cố gắng dùng kinh nghiệm và vốn sống của mình để giúp các bạn trẻ tại Việt Nam có một cuộc sống công sở hạnh phúc hơn. Và buổi nói chuyện hôm nay với tôi cũng là một phần của mong muốn đấy. Được truyền cảm hứng bởi quyển sách “Làm chủ Business Analytics” anh vừa ra mắt, chúng tôi quyết định cùng đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Làm thế nào để trở thành chuyên viên phân tích thống kê dữ liệu lớn xuất sắc?”.

6 câu chuyện chưa được kể về quyển sách “Làm chủ Business Analytics”

* Anh Thiện nung nấu mong muốn viết một quyển sách về nghề-của-mình từ khi nào?

“Làm chủ Business Analytics” chia sẻ lộ trình học và làm nghề Business Analytics từ dễ đến khó.

Cuốn sách này là một “tai nạn” đáng yêu, nó không có trong bất cứ một kế hoạch nào của anh (cười). Có một đêm, anh nhận được một vài tin nhắn hỏi về nghề từ các bạn follower, anh bỗng thấy rất… uổng nếu những vấn đề này chỉ có thể trả lời cho một vài bạn, cũng tức là chỉ có số ít bạn được biết.

Vậy là khi đang ở trên một ngọn đồi rất lạnh tại Đà Lạt, anh đã nhấc máy lên và gọi cho Nghị (Founder của Brands Vietnam) để nói ý định biến transcript của khóa học Business Analytics mà anh là giảng viên trên BrandCamp thành một quyển sách.

Nghị ủng hộ anh ngay từ khi vừa nghe anh nói về ý định này. Có thể viết sách để chia sẻ kiến thức về nghề cho các bạn trẻ là ước mong của cá nhân anh, và anh nghĩ đó cũng là ước mong của Brands Vietnam. Vậy nên, thỏa mãn được cả hai ước mong đó ngay từ giây đầu tiên quả thật là một điều rất ấm áp.

* Với anh, quyển sách “Làm chủ Business Analytics” phù hợp với những đối tượng độc giả nào?

Giống như bất kỳ một sản phẩm về mặt kiến thức nào khác, anh cũng đã tự hỏi ai sẽ là người nên đọc cuốn sách này. Anh nghĩ có ba đối tượng:

Đối tượng đầu tiên là tất cả những “anh chị em” đang “hành nghề” marketing. Không nhất thiết phải làm chuyên viên phân tích hay nghiên cứu thị trường thì mới nên đọc cuốn sách này. Các marketers nên đọc để biết việc mình đang làm và với kết quả mình đang có, mình nên phân tích như thế nào, và cũng là để hiểu thêm một mảng trong cuộc đời của người làm marketing là phân tích số liệu.

Đối tượng thứ hai chính là những bạn sinh viên hoặc đã đi làm rồi nhưng rất tò mò về nghề, hoặc có thể là đang làm một công việc khác nhưng muốn chuyển sang nghề phân tích dữ liệu. Và đối tượng thứ ba là những bạn trưởng phòng marketing, giám đốc marketing, thậm chí là CEO của công ty vừa và nhỏ. Khi muốn giao một đề tài về Digital Transformation hay phân tích dữ liệu cho phòng ban nào đó, nếu không biết kiến thức nền sẽ rất khó để có thể giao việc hay hướng dẫn nhân viên.

“Làm chủ Business Analytics” dành cho marketer, sinh viên tò mò về nghề và trưởng phòng marketing, giám đốc marketing, thậm chí là CEO của công ty vừa và nhỏ.
Nguồn: Envato

* Một chương sách trong quyển “Làm chủ Business Analytics” mà anh tâm đắc?

Anh xin được chọn hai chương là chương 1 và chương 4. Ở Việt Nam, có một điều mà anh không biết dùng từ vấn nạn có quá lớn không, nhưng với anh là vấn nạn. Đó chính là sự trừu tượng hóa, phức tạp hóa mọi khái niệm. Với ngành Business Analytics, rất nhiều khái niệm bị làm cho phức tạp hóa lên, những người ngoài ngành vì vậy mà càng bị bối rối giữa các khái niệm như: Business Analytics, Data Analytics, Marketing Dashboard, Marketing Intelligence...

Khi bị rối, ta thường có hai xu hướng đối mặt: một là không quan tâm, cứ để nó tiếp tục rối; hai là phải tìm cách để giải quyết sự rối đó. Bản thân là một người trong ngành, anh tự cho mình trách nhiệm giải quyết sự rối đó bằng việc thể hiện những khái niệm này theo cách đơn giản nhất, đưa các bạn trở về với khái niệm đúng ngay từ lần đầu tiên. Và đó cũng chính là lý do anh khuyến nghị chương 1, vì mọi thứ sẽ rất đơn giản nếu bạn hiểu đúng và hiểu đủ ngay từ đầu.

Chương 4 là kết luận của mọi kết luận. Làm một chuyên viên phân tích thống kê, bạn có thể giỏi phân tích, có thể giỏi việc sử dụng công cụ để xử lý dữ liệu. Những điều đó bạn có thể học được dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, chương cuối cùng là chương về làm thế nào để vẽ biểu đồ đúng, làm thế nào để thể hiện tất cả những ý đồ của mình trên số liệu đang có. Anh tin đó là một kiến thức khó học.

Thế nhưng, đó cũng là chìa khóa cho sự khác biệt giữa các Business Analyst, bởi nó thể hiện sự hiểu biết về ngành và thị trường. Sau khi đã có kiến thức nền ở chương một, chương hai, chương ba, đây là lúc bạn gom tất cả những tinh hoa đó lại để phân tích, và cũng là để có thể làm nghề một cách xuất sắc.

Quyển sách dẫn dắt người đọc đi từ tổng quan ngành ngành Business Analytics đến chìa khóa để thăng tiến đối với mỗi cá nhân.

* Đâu là giai đoạn khó nhằn nhất với anh trong hành trình đưa “Làm chủ Business Analytics” đến tay độc giả? Có bao nhiêu phần trăm là ngôn ngữ chuyên môn trong quyển sách này?

Anh cho rằng khả năng biến mọi thứ phức tạp thành đơn giản là một trong những khả năng lớn của anh. Có một nhiệm vụ mà anh đã tự giao cho mình, đó là phải làm thế nào để những bà nội trợ cũng có thể biết con của họ đang làm nghề gì.

Vì vậy mà mọi diễn giải, ví dụ, case-study anh đều cố gắng đem về mức cơ bản để người đọc không đau đầu với những từ “đao to búa lớn”. Sau khoảng thời gian hơn 15 năm làm nghề, anh đã đủ kiến thức để có thể uyển chuyển với những điều đó, ngoại trừ những từ tiếng Anh chuyên ngành.

“Làm chủ Business Analytics” đáp ứng đầy đủ những kiến thức từ nền tảng nhất cho đến mức đủ để làm nghề.

Có thể nói, giai đoạn chuyển ngữ là giai đoạn khó nhất với anh trong cả quá trình vì có rất nhiều từ chuyên môn anh đã sử dụng tiếng Anh một thời gian dài. Anh phải cảm ơn các bạn nhà xuất bản vì đã rất kiên nhẫn với anh khi dành thời gian thuyết phục, sau đó là năn nỉ và cuối cùng là bắt buộc phải dịch cho ra gần như toàn bộ các từ tiếng Anh có trong sách (cười).

Anh cũng nghĩ đây là điểm yếu lớn của cuốn sách này mà anh buộc phải thừa nhận, bên cạnh điểm mạnh đó là anh ý thức về việc phải làm cho mọi thứ thật sự đơn giản.

* Về đồng tác giả của anh – chị Tăng Thúy Nga, anh và chị phân chia vai trò trong quá trình thực hiện quyển sách ra sao?

Anh rất tự hào khi lần đầu tiên trên cuốn sách của mình có một đồng tác giả là đàn em, là đồng nghiệp của anh. Khoảng năm 2013, Thúy Nga vào công ty anh (GCOMM Research), năm ấy, Nga là cô sinh viên mới ra trường. Với anh, Thúy Nga là một trong những đồng nghiệp mà anh rất quý về khả năng học hỏi nhanh, lòng đam mê và đặc biệt là sự nghiêm túc, chỉn chu với nghề.

Sau này, khi Nga đã chọn làm việc tại một công ty khác, hai anh em vẫn có cơ hội cộng tác chung, quyển sách lần này là một cơ hội như thế. Anh có thế mạnh về mặt commercial, biến những biểu đồ toàn số thành điều có nghĩa và đưa ra kết luận mọi người nên làm gì, trong khi Nga lại rất mạnh về analytics, về thống kê, sử dụng các công cụ, các hàm để biến những con số thô sơ thành những con số có nghĩa. Anh biến cuốn sách này từ zero thành 1, Nga biến từ 1 thành 2 và anh lại tiếp tục đóng mọi thứ vào từng module thích hợp.

“Làm chủ Business Analytics” do anh Thiện đồng sáng tác cùng chị Tăng Thúy Nga – đàn em và đồng nghiệp thân cận của anh.

* Từ ngày ra mắt sách đến hiện tại, anh Thiện có nhận được phản hồi nào đó rất “đáng yêu” hoặc rất “đáng sợ” hay không?

Có một bạn trong nghề Digital Marketing gửi cho anh một review rất có tâm. Bạn bảo quyển của anh dày quá, nó khiến cho người ta cảm giác sợ trước khi đọc. Anh đồng ý với nhận định đấy và đánh giá rất cao lời khuyên nên chia nhỏ quyển sách ra thành những booklet nhỏ xinh của bạn.

Bạn cũng nói rằng so với vài quyển sách khác về nghề được chuyển ngữ sang tiếng Việt thì quyển “Làm chủ Business Analytics” đáp ứng được đầy đủ những kiến thức từ nền tảng nhất cho đến mức đủ để làm nghề, nó giống như một kim chỉ nam để vào ngành phân tích số liệu. Với anh thì đó là lời khen và anh rất vui khi nhận được lời khen đấy.

Anh thừa nhận việc hơi dày và khá nhiều kiến thức cao có thể là một điểm yếu của quyển sách. Nhưng nếu nó dày, thay vì đọc 100 ngày, mình có thể đọc 200 ngày. Anh chỉ hi vọng rằng nếu người viết đã cố thì người đọc cũng cố thêm một chút để chúng ta gặp nhau được giữa đường.

Review số hai mà với anh đó cũng là một tin vui đó là có một bạn bảo rằng nếu đang phải loay hoay và tự hỏi Business Analytics là gì, làm thế nào để quyết định chuyển ngành ít rủi ro hơn và bớt tốn kém về thời gian, ngân sách thì có lẽ quyển sách này sẽ giúp được việc đó. Bởi lẽ điều mà quyển sách này mang lại sau khi đọc xong còn là một cảm giác, cảm giác mình có phải là cái người trong ngành hay không. Và khi mình hiểu mình, hiểu nghề, quyết định sẽ bớt rủi ro hơn.

“Làm chủ Business Analytics” đáp ứng được đầy đủ những kiến thức từ nền tảng cho đến mức đủ để làm nghề.

4 câu hỏi về nghề Business Analytics với “chú Thiện ơi”

* Thường tham gia các buổi chia sẻ với những người trẻ và cũng có tầm ảnh hưởng nhất định đến các bạn, hẳn anh Thiện từng nhận được không ít câu hỏi về ngành, về nghề, đâu là câu hỏi mà anh nhận được nhiều nhất?

“Làm thế nào để bước chân vào ngành đó đây?”, đó là câu hỏi lúc nào anh cũng nhận được và anh nghĩ là thời đại nào cũng sẽ hỏi câu hỏi đó, cho dù là năm 2023 hay năm 2030. Vì vậy, anh chọn câu hỏi đó là câu hỏi vừa thú vị, vừa không thú vị, vừa dễ trả lời, vừa khó trả lời.

Thế nhưng, anh cũng chưa bao giờ thôi hứng khởi khi nói về lộ trình để cho một bạn bước từ thế giới sinh viên đến thế giới của Business Analyst, hoặc đã đi làm rồi nhưng muốn chuyển ngành, dù kể đến lần thứ 100 thì anh vẫn sẽ kể với sự tươi mới như ngày đầu. Anh lúc nào cũng đầy năng lượng khi trả lời câu hỏi về làm thế nào để dấn thân vào lĩnh vực này, bởi vì anh rất thích có thêm đồng nghiệp trong nghề.

Sự cần thiết của data sẽ vẫn luôn ở đấy, Business Analytics là nghề mà bạn có thể làm ở bất cứ nơi nào trên hành tinh này.

* Liệu có sự khác biệt thế hệ nào đó mà anh Thiện quan sát được trong quá trình làm nghề?

Anh nghĩ là sự hỗn độn của thông tin. Thời của bọn anh – những anh chị em sinh năm 80 trở lại, thông tin tuy rất thiếu nhưng đồng thời cũng rất rõ, bởi lẽ mình chỉ có chừng đó thông tin để tìm hiểu, tìm hiểu xong thì cứ thế mà làm. Khi đã dấn thân vô rồi thì cứ làm thôi mà không mơ mộng về một nghề khác.

Thế nhưng hiện nay, một cách chủ động hoặc bị động, các bạn bị bủa vây bởi thông tin, rồi bị nhiễu loạn bởi thông tin. Việc đó khiến mình dễ sao lãng và thậm chí tệ hơn là bị lung lay nếu không có đủ động lực để làm nghề.

* Vậy nếu được chọn 3 điều để nhắn gửi đến các bạn đang có mong muốn dấn thân vào ngành, anh Thiện sẽ muốn gửi đến các bạn điều gì?

Điều đầu tiên đó chính là nghề này rất thú vị. Thế nhưng để hạn chế tối đa rủi ro của việc dấn thân sai vì có quá nhiều thông tin thì anh sẽ không ngại ngần kiến nghị các bạn đọc quyển sách hoặc học những khóa học nền tảng về Business Analytics trên BrandCamp của Brands Vietnam.

Quay trở lại với sự thú vị của nghề. Thứ nhất là góc độ ổn định qua thời gian, data sẽ càng ngày càng lớn. Sự cần thiết của data sẽ vẫn luôn ở đấy, Business Analytics là nghề mà bạn có thể làm ở bất cứ nơi nào trên hành tinh này. Vì vậy, các bạn khoan nghi ngờ về chuyện nghề này có biến mất hay không. Bởi vì theo phán đoán của anh, máy móc tạm thời chưa có khả năng phân tích được dữ liệu như những gì chúng ta đang làm theo cấp độ Business.

Và cuối cùng, không có gì mà không phải đánh đổi. Không thể mong rằng tôi sẽ dấn chân vào nghề đấy mà không phải trả giá gì. Các bạn buộc phải đưa ra quyết định cho mình là mình sẽ phải đầu tư kiến thức gì, làm gì để trở thành một chuyên viên phân tích dữ liệu giỏi trong tương lai. Và anh cho rằng hãy cố gắng suy nghĩ một cách cẩn thận nhất để có thể tìm cho mình câu trả lời trước khi nghĩ rằng nghề này có dành cho mình hay không.

* Giả sử có cỗ máy thời gian cho anh Thiện quay trở lại những năm 20 tuổi - những năm anh Thiện mới bước những bước đầu tiên trong sự nghiệp, anh Thiện sẽ muốn nói gì với chính mình của khi đó?

Anh của khi đó là người đầy nhiệt huyết, thèm được học được làm, cho nên anh sẽ nhắn: “Bớt làm lại Thiện ơi” (cười).

Thật ra hiện tại, anh vẫn chưa “bớt làm”, thậm chí có thể nói là còn làm nhiều hơn. Anh Thiện của năm 22 tuổi làm vì thèm kiến thức, thèm thu nhập, thèm được chứng minh bản thân. Còn bây giờ, anh thèm được làm vì anh thấy được giá trị của mình. Hiện tại anh làm để được đóng góp, để được cống hiến. Vì vậy dù cũng là làm nhiều, nhưng hai mốc thời gian đã khác nhau về mục đích.

* Cảm ơn anh Thiện vì rất nhiều chia sẻ thú vị!

Bạn đọc có thể mua sách tại đây.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam