Sinh viên đừng đi thực tập trước năm tư!

“Kinh nghiệm” đã trở thành một yếu tố quan trọng trong hình dung của sinh viên khi vừa ra trường và đang tìm việc. Ai cũng bảo rằng: Bạn phải có một CV “đẹp” – thật dài với những công ty thực tập tên tuổi, những phần mô tả công việc nghe thật kêu... thì mới có thể kiếm được việc, đặc biệt là việc ở các công ty toàn cầu như Masan, Shopee, PwC, P&G...

Vì lý do này, mình thấy độ tuổi các bạn intern (thực tập sinh, trong bài này mình xin phép dùng từ intern) trong các công ty đang bắt đầu “trẻ hóa”. Thực tập vì yêu cầu tốt nghiệp của các bạn năm tư giờ đây không nhiều bằng các bạn năm hai thực tập để có 3 năm kinh nghiệm sau khi ra trường!?

Trải nghiệm, hay kinh nghiệm nghề nghiệp, từ thời gian intern đang được đề cao quá mức

Các công ty luôn truyền thông những câu chuyện intern đầy cảm hứng và lý tưởng từ những người đi trước. Đó là những câu nói về việc cá nhân đã được học hỏi bao nhiêu kiến thức, và trải nghiệm này đã giúp họ định hướng hơn trong tương lai như thế nào. Nhưng thực lòng mà nói, đó là một mặt đẹp nhất và lý tưởng nhất của cuộc sống intern, đi qua bao lớp “filter” đẹp đẽ. Các bạn trẻ sinh viên nhìn những điều ấy bằng những đôi mắt tươi sáng, long lanh, tràn trề hy vọng về một tương lai tươi sáng và trái tim tham vọng về việc giỏi hơn, hoặc ít nhất là “cool ngầu” hơn khi check-in công ty trên Instagram.

Nhưng bạn có biết điều gì đã không được kể trong các câu chuyện hào nhoáng không? Đó là sự toxic (độc hại) của môi trường bào sức người kinh khủng (mà tụi mình hay gọi là “tụi tư bản”).

Nguồn: Unsplash

Đó là việc sử dụng sức lao động với một chi phí thấp hoặc miễn phí (nhiều công ty vẫn áp dụng thực tập không lương!). Và công việc nghe đôi khi thật kêu, nhưng thực tế sẽ luôn là công việc backend (công việc cuối cùng, nhỏ nhất, mang tính quy trình và lặp lại, tốn thời gian và không đòi hỏi quá nhiều kinh nghiệm khác).

Nếu may mắn, bạn sẽ có một người cố vấn có tâm – một người sẽ đưa ra đánh giá các sản phẩm bạn làm và đưa ra gợi ý để bạn làm tốt hơn. Còn nếu không, có khi bạn là người duy nhất thực hiện một công việc gì đó, và có thể phải chịu yêu cầu hoặc nhận xét từ một người không có chuyên môn trong mảng công việc của bạn.

Bản chất của công ty là họ làm business. Mục đính chính không bao giờ là việc đào tạo bạn, trừ việc intern là con đường duy nhất để tuyển đầu vào (thường rất nhiều intern chỉ có một số bạn may mắn đúng thời điểm cần người được cất nhắc tuyển chính thức, hoặc phải vòng qua một đợt trainee – lại là một thời gian làm nhiều việc hơn với mức lương rẻ bèo và không bảo hiểm). Các công việc mà intern làm thường đơn giản và tốn thời gian, các nhân sự chính thức bận hơn với các việc khác, và nếu để nhân sự chính thức làm cả việc intern thì phải tuyển thêm, điều này dẫn đến chi phí cao. Thay vào đó, việc mang danh tuyển intern sẽ giúp giảm chi phí tối đa. Như vậy, các bạn hiểu vai trò của mình ở công ty là gì rồi đấy!

Vậy điều gì làm nên trải nghiệm học tập thực sự của các bạn intern?

Đó chắc chắn là ở chính sách đãi ngộ đối với intern của công ty (intern sẽ được làm những gì, tham gia những cuộc họp hay sự kiện nội bộ nào). Sau đó chính là thái độ và sự có tâm của người quản lý đối với bạn intern. Và cuối cùng, quan trọng nhất, là khả năng tự mò đi mà học của các bạn. Điều ấy không có nghĩa bạn phải xin làm nhiều việc hơn, mà là bạn tự chú ý quan sát, kể cả những công việc không có bạn tham gia, và tự đánh giá lại các công việc mình đã làm, và đặt các câu hỏi cần thiết (nên là những câu hỏi không có câu trả lời trên Google hoặc các file tài liệu cũ bạn được tiếp cận nhé).

Một yếu tố mình muốn cảnh báo trước khi đi intern, đó là sự gia tăng thời gian làm việc over-time (OT) mà không được trả thêm tiền, hay không có một giới hạn thời gian cụ thể. OT thường luôn diễn ra song song với việc bất ổn tâm lý, lo âu từ các level trên xuống dưới, và những người trẻ như intern, còn đang “non” thì dễ hoảng loạn sợ hãi, ảnh hưởng xấu tới mental health.

Đã có những intern khóc trong toilet khi nghe manager của mình la. Mình chẳng biết nên trách manager không, vì nhiều người manager cũng phải chịu rất nhiều áp lực khủng khiếp từ các ban bệ công ty, từ khách hàng, và bởi chính áp lực công việc, khi nhiều tuần liền làm 10-16 tiếng/ngày, 7 ngày/tuần.

Nguồn: atlasstudio

Cuối cùng, kinh nghiệm có lại cho bạn là gì?

Như ở trên mình có nói, công việc của các intern thường là ở cuối cùng của chuỗi “sai việc”, đặc biệt là nếu làm ở các tập đoàn lớn, nơi một cá nhân ban chỉ đảm nhận một chuyên môn sâu duy nhất, và bạn khi đi theo người đó suốt 3 tháng cũng chỉ làm các phần việc loanh quanh đó. Sau 3 tuần làm, có thể công việc của bạn sẽ không còn gì khác hơn nữa (soạn hợp đồng, in ấn, gửi thư, ghi meeting minute, hoặc lấy hàng Shopee giùm). Với các startup, các đầu việc của bạn sẽ nhiều hơn, nhưng khả năng cao bạn là người phụ trách phần việc đó duy nhất của cả công ty, và không có một người cùng chuyên môn cao hơn để feedback thực sự cho bạn.

Nói vậy để thấy rằng, thực tại của intern không phải thực sự hào nhoáng, mang tính chất “ảnh hưởng tới cuộc đời sự nghiệp” như chúng ta thường đọc trên truyền thông. Intern vẫn là một trải nghiệm nên có, nhưng các bạn cần biết rõ mình đang bước vào cái gì, và biết những giới hạn cần có, những quyền lợi bạn xứng đáng được hưởng. Để nếu bạn chẳng may rơi vào một môi trường thực sự độc hại, hãy cất tiếng nói đòi hỏi chính đáng, hoặc “cao chạy xa bay” trước khi mọi việc tồi tệ hơn.

Còn nếu bạn muốn những trải nghiệm thực sự, để có một tư duy tốt khi đi phỏng vấn, hơn là những cái tên thật kêu trên CV nhưng thực ra chẳng có gì đặc sắc thì hãy…

Khoan đi thực tập sớm, ít nhất là cho tới lúc học xong năm ba

Hãy dành thời gian năm 1 đại học để học cách cân bằng được cuộc sống trong trường đại học, thích ứng với phương pháp học tập mới phù hợp cho trường. Tầm học kì 2 năm nhất, bạn có thể với các CLB, các tổ chức NPO, NGO của học sinh bên ngoài (tại Hà Nội và TP.HCM có rất nhiều).

Nguồn: Peopleimages.com

Mình biết các bạn sẽ bảo: Nhưng nó không chuyên nghiệp bằng công ty. Có thể, nhưng cũng có rất nhiều leader của một số tổ chức là chuyên gia đã đi làm lâu năm. Hơn hết, là một sinh viên, ngoài việc học hành đàng hoàng thì bạn xứng đáng có một thời sinh viên “thanh xuân vườn trường” đúng nghĩa.

Mình đang không “sến súa” gì cả. Vì khi làm rồi, dưới cái áp lực đi làm, thời gian để bạn nghỉ ngơi, chơi bời với bạn bè hay đi du lịch là rất ít ỏi. Mặt khác, một cái hay khi làm ở tổ chức học sinh là cơ hội làm việc với những người cùng tuổi, không phải là với sếp hơn ít nhất 5 tuổi và chức cao hơn (cái này đáng sợ lắm nhé).

4 năm đại học là thời duy nhất bạn được tự do tung bay (khỏi gia đình, không bị ràng buộc công việc) với các chuyến du lịch cả tuần, hay cuộc hội họp bạn bè thích gì nói đó không sợ vô lễ. Sau này lương có cao, bạn có thể đặt Shopee mỏi tay, nhưng niềm vui đó bạn chẳng thể nào có lại được.

Còn về kinh nghiệm, đừng lo, mình làm các tổ chức cả thời Đại học, mình phải nói rằng trải nghiệm công việc mình làm NHIỀU hơn hẳn so với lúc thực tập đấy. Chạy chương trình cho cả một trại hè, với vai trò Trưởng ban Marketing, tất nhiên là hơn hẳn việc làm và in ấn cái hợp đồng chiến dịch bốn tỉ chứ! Kinh nghiệm thời làm tại các tổ chức đã giúp mình giải quyết nhanh rất nhiều thứ công việc lặt vặt (với intern thì việc lặt vặt là công việc chính) để có thời gian học hỏi thêm, như là việc đọc các file không phải thuộc dự án team mình (mà mình được phép đọc) hoặc ngó qua các buổi họp team khác.

Nguồn: Unsplash

Ngoài kinh nghiệm, một cái cần nữa là tư duy, thái độ và tầm nhìn. Và phải thực tế nhé! Việc cố gắng làm đẹp kinh nghiệm nhưng lại không trao dồi ba cái trên khiến cho bạn trở nên rỗng tuếch! Chẳng ai thực sự thích nghe bạn kể đã làm tại nơi đâu (chắc có tụi đàn em ngây ngô, hy vọng cũng được làm ở các nơi xịn như bạn). Ba cái đấy trên báo rồi Facebook đăng đầy ra! Cái làm người khác hứng thú hơn là góc nhìn của bạn tới một vấn đề, tư duy bạn ra sao khi phân tích, và giải pháp bạn đưa ra. Mà trời ơi, đâu phải tự nhiên 3-6 tháng đi vô ngồi intern không thôi là ra được mấy cái này!

Một điều cuối cùng nữa, các bạn hãy dành thời gian làm tình nguyện. Đa phần những cái này chẳng đi đâu nhiều vào CV các bạn lắm (trừ khi bạn làm ban tổ chức chương trình), nhưng trải nghiệm từ đây sẽ mở mang cái nhìn và đánh giá của bạn về cuộc sống.

Minh không có ý nói suông các thứ như: Oh, chúng ta nên biết quý trọng cuộc sống đầy đủ của mình... Mình đang nói sâu hơn về việc các bạn sẽ quan sát thấy cách mô hình thiện nguyện có tác động tới cộng đồng như thế nào: có các gây hại, có cái vô nghĩa, có cái hay trong ngắn hạn nhưng dở trong dài hạn, có cái trông bình thường nhưng thực sự ý nghĩa và đem lại tác động thực sự trong dài hạn... Và dành thời gian bên những người tuy không giàu của cải nhưng giàu tình cảm, những đứa trẻ tuy hơi quậy nhưng cực quý bạn, bạn mới sinh ra cái sự đồng cảm với con người và cộng đồng, tới nỗi đau khổ mà mình chẳng bao giờ gặp. Đó là một giá trị hay, nó làm nên con người bạn, không phải một cái CV đẹp.

Cuối cùng, mình chỉ muốn nói, nếu dành 4 năm đại học cho việc xây dựng CV đẹp, hay những “trải nghiệm chuyên nghiệp”, thì bạn hẳn sẽ bỏ lỡ rất nhiều điều. Bạn có thể chọn, nhưng sau này khi đi làm, đặc biệt là khi đối mặt những hụt hẫng vì trượt té trước những sóng gió lớn (hãy nhớ rằng sóng gió có thể quật ngã cây cao lớn nhưng bám rễ không chắc), bạn chắc chắn sẽ tiếc nuối về một ngày xưa với toàn chữ “giá như…”.