Lợi thế và khó khăn của ngành yến sào Việt Nam hiện nay

Việt Nam từ lâu đã xem yến sào là một loại thực phẩm quý, ngoài việc có giá trị dinh dưỡng cao thì đây còn là nguồn lợi rất lớn cho nền kinh tế nước nhà. Theo báo cáo của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện có 42/63 tỉnh, thành phố có nghề nuôi chim yến với số lượng khoảng 20.000 nhà yến. Sản lượng yến của Việt Nam đạt trên dưới 120 tấn, giá trị tương đương 450 triệu USD.

Việt Nam sở hữu nhiều tiềm năng phát triển ngành yến

Nhờ vào lợi thế từ địa hình và khí hậu, chúng ta đã và đang có rất nhiều tiềm năng trong việc phát triển ngành hàng này. Tuy nhiên, thực trạng nuôi và khai thác tổ yến tràn lan ở một số địa phương cũng như xuất hiện nhiều mặt hàng giả kém chất lượng đã khiến cho thị trường yến sào tại Việt Nam chững lại và đứng trước nhiều nguy cơ khác nhau.

Theo Hiệp hội Yến sào Việt Nam, chúng ta có lợi thế bởi nghề khai thác tổ yến ở nước ta đã xuất hiện từ lâu, trong đó, các chuyên gia khoa học kỹ thuật nuôi chim yến nhận định, chim yến chỉ tập trung phân bổ ở một số vùng Đông Nam Á, mật độ cao nhất là tại các tỉnh duyên hải miền Trung và miền Nam nước ta. Nhờ vào sự ưu ái từ thiên nhiên như có bờ biển dài, nhiều đảo, các dãy núi nhô ra biển, đầm phá, mà sản phẩm và chất lượng yến sào Việt được đánh giá vượt trội hơn so với các nước trong khu vực, được nhiều khách hàng ưa chuộng.


Bản đồ phân bố chim yến tại Việt Nam. Ảnh: Tạp chí Người làm báo điện tử.

Khó khăn, thách thức mà ngành yến Việt đang gặp phải

Song song với những thuận lợi từ thiên nhiên trao tặng, trên thực tế cũng hiện hữu những hạn chế mà ngành yến của chúng ta đang gặp phải. Đó là việc nuôi chim yến chỉ phát triển mang tính tự phát, chúng ta vẫn chưa xây dựng được kế hoạch sản xuất theo ngành hàng, chưa xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, từ đó mà giá trị xuất khẩu không cao, theo ông Nguyễn Văn Trọng - Phó cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) chia sẻ.

Do mang tính phong trào, nên chúng ta thiếu những quy định về điều kiện chuồng trại, chủ đầu tư thiếu kiến thức về điều kiện khí hậu, thời tiết, vùng sinh thái và tập tính loài yến. Mặc dù đây là một ngành kinh tế có sức tăng trưởng cao ở nhiều địa phương, nhưng lại chưa có định hướng phát triển chăn nuôi cụ thể, do đó, việc quản lý an toàn dịch bệnh cho người và vật nuôi chưa được bảo đảm. Đồng thời, quản lý và kiểm soát số lượng chim yến, cũng như các loại sản phẩm cũng hết sức lỏng lẻo, thị trường mua bán chưa ổn định, người tiêu dùng bị ép giá, khâu chế biến cũng chưa được chú trọng đầu tư.

Giải pháp quản lý và phát triển ngành yến bền vững

Theo các chuyên gia, để nâng tầm thương hiệu yến sào Việt, điều cần làm là ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn kết từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ. Trong đó, các đơn vị chế biến giữ vai trò quan trọng trong việc tiêu chuẩn hóa nguồn nguyên liệu, hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy phát triển nhanh và hiệu quả ngành yến cũng như là đầu tư về chuỗi sản xuất phục vụ xuất khẩu.

Công ty CP Việt Nam Quốc Yến áp dụng công nghệ khép kín hiện đại vào sản xuất. Ảnh: Việt Nam Quốc Yến.

Bên cạnh đó, các hộ hoặc cá nhân nuôi yến cần thực hiện đúng các quy định về sử dụng thiết bị chăn nuôi, dẫn dụ, cùng công tác phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường; phát triển chim yến với nguồn thức ăn đa dạng; xây dựng hệ thống đạt chuẩn; bồi dưỡng kiến thức quản lý vận hành khai thác nhà yến và vệ sinh an toàn thực phẩm.